1

Triệu chứng Ung thư vòm mũi họng - bệnh viện 103

I. Đại cương

Dịch tễ học và nguyên nhân

Dịch tễ học:

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ cao nhất từ 30-55 (70%), Nam nhiều hơn nữ

UTVH là bệnh đứng hàng đầu trong các ung thư  khu vực Tai Mũi Họng-Đầu Mặt Cổ

Bệnh mang đặc điểm vùng

  • Khu vực có nguy cơ cao:  Miền Nam Trung Quốc,  Các nước vùng Đông Nam Á
  • Khu vực có nguy cơ trung bình: Các nước ở Châu Phi (Bắc Phi)
  • Khu vực có nguy cơ thấp: Châu Âu, Châu Mỹ.
  • Ở Việt Nam: Chưa có thống kê đầy đủ, chính xác.

Theo thống kê ở một số bệnh viện thì UTVH đứng thứ 4, 5

Tại BVK hàng năm có từ 400-500 ca mới mắc vào viện

Nguyên nhân:

Cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được làm sáng tỏ về bệnh căn, có nhiều giả thuyết còn tranh luận thậm chí trái ngược nhau, nhưng bên cạnh đó cũng có một số nhận xét được nhiều tác giả đề cập đến như:

Yếu tố môi trường-thức ăn:

Nhiều tác giả đã đề cập đến vấn đề môi trường sống như vi khí hậu, bụi, khói, ô nhiễm môi trường nhưng được nói nhiều là tập quán ăn uống:

  • Ăn cá muối của người gốc Quảng Đông hiện ở Quảng Đông hoặc ở các nước khác trên thế giới ăn loại cá này.
  • Cà muối, dưa muối, nước mắm, cá muối có chứa chất Nitrosamin, chất này có liên quan đến một số bệnh ung thư, trong đó có UTVH.

 Virus Epstein-Barr (EBV)

  • Từ 1980, các tác giả như Ho, Zang, Micheau cho thấy bệnh này có liên quan đến EBV. Người ta thấy tỷ lệ kháng thể kháng EBV và IgA/EA dương tính cho phép chẩn đoán sớm UTVH loại biểu mô không biệt hoá.
  • Các tế bào của rất nhiều người (có tới 95% dân số) có thể bị nhiễm EBV nhưng chỉ có một số ít người thấy ung thư xuất hiện.
  • Virus lây lan chủ yếu qua đường miệng.

Yếu tố gen & gia đình

Gần đây một số tác giả có báo cáo là những người cùng huyết thống có khả năng cũng mắc UTVH nhiều hơn so với những loại ung thư khác. Tỉ lệ này hay  gặp ở thế hệ dọc (Ông, bà, cha, mẹ, con cái) hơn là theo hệ ngang (Anh, chị, em). VD:

  • Ở Hồng Kông số người bị UTVH trong một gia đình chiếm 7,2%
  • Ở Quảng Châu là 5,9%.

Người ta cũng đề cập đến sự liên quan giữa UTVH và HLA cũng như nói đến NST 1,3,11,12,17,3p.

II.Các triệu chứng lâm sàng

Vòm họng ở phía sau cửa mũi sau, dưới nền xương bướm, phía trước nền xương cẩm, ngang với mặt trước các đốt sống cổ C1-C2 và ở phía trên màn hầu.

Khoang vòm họng ở vị trí cao và sâu nên khó phát hiện khối u, hơn nữa các triệu chứng lâm sàng lệ thuộc vào vị trí khối u nên dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm với các bệnh vùng Tai Mũi Họng.

Những triệu chứng hay gặp nhất là nổi hạch cổ, triệu chứng mũi, tai, thần kinh.

1. Triệu chứng sớm

Triệu chứng mũi:

  • Ngạt mũi một bên, lúc đầu ngạt từng đợt về sau tắc liên tục có kèm tiết nhầy hoặc chảy máu mũi lờ lờ như máu cá.
  • Sự tắc này có thể gây ra viêm xoang thứ phát -> đây là một nguyên nhân của chẩn đoán nhầm.
  • Ít khi bệnh nhân bị tắc cả hai bên mũi trong giai đoạn này.

Triệu chứng tai:

  • Nếu ung thư xuất phát từ loa vòi thì triệu chứng tai sẽ xuất hiện đầu tiên. Nếu xuất hiện ở  khác khi khối u to đè lên vòi Ostasi sẽ gây triệu chứng về tai
  • Bệnh nhân có cảm giác ù tai, tai như bị đút nút hoặc nghe kém.
  • Nguyên nhân của triệu chứng tai là do tắc vòi Ostasi. Đôi khi có cả viêm tai xuất tiết hoặc viêm tai mủ do bội nhiễm.

Triệu chứng thần kinh:

  • Một trong những triệu chứng xuất hiện sớm là nhức đầu do tổn thương dây thần kinh tam thoa: đau nửa bên đầu không thành cơn, đau âm ỉ.
  • Các triệu chứng lâm sàng trên rất dễ nhầm với các triệu chứng của các bệnh khác nhưng só đặc điểm là thường ở cùng bên, tăng dần. Các phương pháp điều trị như chống viêm, giảm đau không đỡ.

Triệu chứng thực thể:

  • Khám họng không thấy gì lạ.
  • Khám mũi trước không thấy khối u.
  • Soi mũi sau rất cần thiết (Soi vòm): Chúng ta sẽ thấy khối u nhỏ, suì, dễ chảy máu. Vị trí có thể ở: nóc vòm, thành sau, thành bên hoặc sau màn hầu.

Triệu chứng toàn thân:

Không có gì đặc biệt

2. Triệu chứng muộn

  • Ít khi chúng ta có dịp khám bệnh nhân khi khối u còn khu trú ở vòm
  • Ở giai đoạn này các triệu chứng ở giai đoạn sớm tăng lên, không còn có một bệnh cảnh chung cho ung thư vòm mũi họng nữa mà có nhiều bệnh cảnh khác nhau tuỳ theo hướng lan tràn hoặc di căn.

Về phía trước:

  • Bệnh nhân bị tắc mũi, nói giọng mũi ngạt: Thường xuyên liên tục
  • Soi mũi trước thấy những nụ sùi, dễ chảy máu ở sâu trong hốc mũi.

Về phía sau:

Ung thư ở thành sau có thể xâm lấn vào đốt sống cổ I, cổ II làm cho bệnh nhân cứng gáy, không cúi đầu được.

Về phía dưới:

  • Ung thư lan về phía màn hầu, đây là đặc điểm của ung thư gờ trước của loa vòi Ostasi
  • Bệnh nhân có dấu hiệu đau dây thần kinh hàm dưới, khít hàm, liệt màn hầu….

Về phía ngoài

  • Ung thư có thể xâm nhập vào hố chân bướm hàm gây đau dây thần kinh hàm trên và khít hàm.
  • Ung thư có thể phát triển dọc theo vòi Ostasi gây ra viêm tai giữa hoặc xâm nhập vào hòm nhĩ và xuất ngoại

Về phía trên:

  • Ung thư có thể phát triển đi từ nóc vòm vào xoang bướm, vào mỏm xương đá, mỏm xương chẩm, cánh lớn xương bướm…….-> gây tổn thương các dây thần kinh sọ não.
  • Các dây thần kinh này có thể bị tổn thương đơn độc hoặc phối hợp: Hai dây số III, V và VI là hai dây hay bị tổn thương và tổn thương sớm nhất.

Ở giai đoạn muộn thì tạo thành các hội chứng như:

  • Hội chứng khe bướm: Liệt toàn bộ nhãn cầu (số III, IV và VI) và đau nhức vùng trán-ổ mắt (ngành mắt của dây V)
  • Hội chứng đá – bướm (Jacord): Liệt hoàn toàn nhãn cầu, mù mắt, liệt cơ nhai, mất cảm giác nửa bên mặt, kèm điếc tai (liệt các dây II, III, IV, V, VI)
  • Hội chứng lỗ rách sau (Vernet): Liệt họng, liệt màn hầu, thanh quản, cơ ức đòn chũm, cơ thang, mất cảm giác họng (dây IX, X, XI).
  •  Hội chứng lồi cầu lỗ rách sau: HC Vernet + liệt lưỡi (dây IX, X, XI, XII)
  • Hội chứng Garcin: liệt toàn bộ 12 dây TK 1 bên

Hạch góc hàm:

  • Đây là vị trí hạch hay di căn nhất. Có nhiều bệnh nhân nổi hạch góc hàm trước khi có các triệu chứng lâm sàng.
  • Đặc điểm: Hạch lúc đầu nhỏ, rắn, sau đó to lên nhanh và lan ra các vị trí khác. Không đau, không có viêm xung quanh

Các triệu chứng cơ quan bị di căn: Di căn phổi, xương, gan

III. Cận lâm sàng

1. Chẩn đoán tế bào học:

  • Dùng que bông hoặc dụng cụ chuyên dụng quệt vào tổ chức u tại vòm. Mục đích của phương pháp là có được một chẩn đoán sơ bộ sớm.
  • Ngày nay chẩn đoán tế bào học được áp dụng chủ yếu đối với hạch vùng cổ.

2. Chẩn đoán giải phẫu bệnh lý

Bấm sinh thiết vòm qua đường mũi và họng miệng là yếu tố quyết định cho việc chẩn đoán. Những trường hợp đặc biệt phải chẩn đoán gián tiếp qua sinh thiết hạch cổ.

Các loại mô bệnh học:

  • Ung thư biểu mô không biệt hoá
  • Ung thư biểu mô gai không sừng hoá.
  • Ung thư biểu mô gai sừng hoá.
  • Ung thư biểu mô tuyến nang.
  • Các loại khác: U lympho bào, U nguyên bào lympho….)

3. XQ

Sử dụng các tư thế Hirtz, Blondeau, Sọ nghiêng

Tư thế Hirtz (cằm – đỉnh):

  • Cho phép đánh giá sự lan tràn của ung thư
  • Hình ảnh: Bờ xương bị phá huỷ ở lỗ rách trước, lỗ tròn nhỏ, lỗ bầu dục hoặc xoang sàng, xoang bướm bị mờ & tiêu xương.

Tư thế Blondeau: Xem  tổn thương xoang hàm

*Ngày nay chụp CT Scanner, MRI vùng vòm họng và nền sọ sẽ thấy được rất rõ tổ chức U & sự lan rộng của nó, cho phép chẩn đoán, đánh giá giai đoạn & cho biết phạm vi cần phải điều trị tia xạ.

4.Huyết thanh chẩn đoán

Dùng các phản ứng IgA/VCA; IgA/EBNA để chẩn đoán, đánh giá tiên lượng.

5. Hoá mô miễn dịch và công nghệ gen:

Kỹ thuật PCR (Tổng hợp chuỗi polymerase) HLA (+), P53

6.Các xét nghiệm khác

Ngoài các phương pháp cận lâm sàng trên, để đánh giá tình trạng toàn thân, cần phải làm các XN:

  • Siêu âm gan, ổ bụng: Di căn gan, hạch ổ bụng
  • XQ phổi: Đánh giá tình trạng tim phổi
  • XQ xương hoặc xạ hình toàn thân.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây