1

Tơ nhện và những ứng dụng trong y học- Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Mạnh hơn thép và dẻo dai hơn dây cao su, tơ nhện có rất nhiều ứng dụng tiềm tàng trong y khoa. Chúng ta sẽ tìm hiểu một số ứng dụng của tơ nhện trong lĩnh vực y học như sau:

1. Da nhân tạo: 

Phát triển da nhân tạo để cứu chữa những nạn nhân bỏng là nhiệm vụ hết sức khó khăn cho các nhà khoa học. Để làm được điều đó, người ta cần đến một loại vật liệu đặc biệt để làm nền cho mô da khỏe mạnh có thể ghép vào thân người.

Collagen hay sợi tổng hợp là vật liệu tiêu biểu được sử dụng để làm nền phát triển mô da nhân tạo, song loại vật liệu này yếu và không phân hủy sinh học đủ nhanh để chữa lành vết thương do bỏng - theo nhóm nhà nghiên cứu ở Đại học Y khoa Hannover, Đức.

Tuy nhiên, trong một thí nghiệm được tiến hành vào cuối năm 2011, nhóm nghiên cứu đã thu thập được tơ từ loài nhện gọi là orb weaver có kiểu dệt lưới mạng rất phức tạp và dệt những sợi này thành mạng lưới chéo trên một khung thép.

Sau khi nuôi mạng lưới bằng các tế bào tạo da và dưỡng chất, nhóm nhà nghiên cứu có được một lớp da hình thành trên mạng lưới (như trong ảnh). Nhóm nhà khoa học Đức giải thích, sức mạnh, độ dẻo dai và tính phân hủy sinh học của loại tơ này rất lý tưởng để phát triển da nhân tạo chữa lành vết thương do bỏng.

2. Băng vết thương hiệu quả hơn: 

Tơ nhện được sử dụng làm băng vết thương qua nhiều thế kỷ. Ngoài việc cung cấp khung nền tốt để phát triển da nhân tạo, tơ nhện còn giúp tái tạo các mô khác, như là các neuron (tế bào thần kinh) và mạch máu.

Thậm chí một số loại tơ nhện còn có tính năng chống vi trùng hữu hiệu giúp chữa lành vết thương nhanh hơn.

3. Túi khí chống va đập ít gây sốc hơn:

 Giáo sư Randy Lewis ở Đại học bang Utah (Mỹ) cho biết, hiện nay đã có một vài công ty bày tỏ mối quan tâm nghiên cứu chế tạo túi khí từ vật liệu composite tạo ra từ tơ nhện.

Giáo sư Lewis giải thích: "Tơ nhện có khả năng hấp thu lực. Không giống như loại túi khí bình thường, túi khí bằng tơ nhện sẽ bao bọc thân người tài xế tương tự như mạng nhện".

4. Dây chằng đàn hồi cao: 

Bong gân mắt cá chân không đến nỗi gì, song những vết rách trầm trọng hơn - như trường hợp dây chằng chữ thập trước (ACL) bị xé rách - đòi hỏi phải phẫu thuật để thay thế dây chằng bằng gân cắt ra từ phần khác của cơ thể. Giáo sư Lewis cho rằng, tơ nhện có thể là một giải pháp lựa chọn khả thi.

Trong thời gian  tới, nhóm nhà nghiên cứu của Giáo sư Lewis hy vọng sẽ dệt các protein tơ nhện lấy từ sữa dê biến đổi gene thành dây chằng nhân tạo.

5. Chỉ khâu phẫu thuật: 

Phần đông bác sĩ phẫu thuật sử dụng chỉ y khoa hay tơ tằm để khâu vết thương, nhưng người ta nhìn thấy triển vọng loại chỉ khâu bằng tơ nhện hiệu quả hơn và có ưu điểm là mảnh hơn rất nhiều.

Lewis giải thích: điều cực kỳ quan trọng đối với phẫu thuật mắt hay thần kinh, đó là bác sĩ rất cần loại chỉ khâu cực kỳ mảnh. Tơ nhện đáp ứng được yêu cầu này.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây