1

Thuốc giãn cơ - bệnh viện 103

1. Khái niệm

Thuốc giãn cơ là thuốc gây liệt cơ có hồi phục tạo điều kiện thuận lợi cho vô cảm và phẫu thuật.

Tác dụng dược lý cơ bản của các thuốc giãn cơ là gián đoạn dẫn truyền tín hiệu thần kinh ở khớp nối thần kinh cơ

2. Giải phẫu và sinh lý

  • Khớp nối thần kinh cơ là một synap hóa học khu trú ở hệ thần kinh ngoại vi, bao gồm tận cùng thần kinh trước synap nơi Acetylcholine (ACh) được lưu giữ trong các túi synap và tế bào cơ sau synap (bản tận cùng vận động) nơi thụ thể Acetylcholine (AChR) khu trú với mức độ cao.
  • Khi có điện thế hoạt động xuất hiện trong dây thần kinh, các kênh Canxi tập trung mật độ cao ở gần túi synap sẽ mở ra và dòng Canxi nhanh chóng đi vào tận cùng thần kinh làm nâng cao nồng độ Canxi trong nội bào và khởi phát việc giải phóng ACh từ các túi synap. Sau đó ACh khuếch tán qua khe synap nơi mà hai phân tử ACh liên kết trực tiếp với một thụ thể Acetylcholine (AChR),
  • Tiếp đó AchR sẽ thay đổi hình thể để trở nên hoạt hoá và cho phép dòng ion Na và Canxi đi vào tế bào cơ, khử cực màng tế bào cơ và gây co cơ. Khi màng trở nên khử cực, dòng ion Na và Canxi sẽ không đi vào nữa, ion Kali sẽ bắt đầu đi ra và bắt đầu quá trình tái cực, lúc này AchR sẽ bị bất hoạt trở lại tình trạng nghỉ ngơi để có thể được hoạt hóa tiếp theo.  
  • Sau khi khởi phát quá trình khử cực, Ach khuếch tán vào khe synap, tại đây nó sẽ được giáng hóa bởi men Acetylcholinesterase (AchE) thành Choline và Acetyl CoA. Các phân tử này sau đó được tái sử dụng để tổng hợp thành ACh mới.

3. Dược lý

  • Là các chất đối kháng của AchR, được chia thành thuốc giãn cơ khử cực hay không khử cực dựa trên cơ sở thuốc có khởi phát khử cực của màng cơ sau khi liên kết với thụ thể. Các thuốc này khác biệt chủ yếu ở thời gian khởi phát, thời gian tác dụng, chuyển hóa, tác dụng phụ, và tương tác với các thuốc khác.
  • Các thuốc giãn cơ thường được phân loại theo thời gian tác dụng như ngắn (succinylcholine), trung bình (vecuronium, rocuronium) và dài (pipecuronium)

4. Thuốc giãn cơ khử cực

–  Cơ chế tác động: tác dụng của thuốc này tương tự như tác dụng của chất dẫn truyền thần kinh Ach, thuốc sẽ liên kết và hoạt hóa AChR trên tế bào cơ gây khử cực màng tế bào. Một khi tế bào còn khử cực thì nó không có khả năng đáp ứng với kích thích tiếp theo của acetylcholine, dẫn đến giãn cơ

– Dạng bào chế: ống 100mg

– Liều lượng:

  • Tiêm tĩnh mạch 0,7 – 1mg/kg, trẻ sơ sinh 2-3mg/kg, trẻ em 1-2mg/kg
  • Tiêm bắp thịt sâu 2,5-4mg/kg, liều tối đa 150mg

– Đặc điểm giãn cơ :

  • Rung cơ trước và giãn cơ theo sau
  • Tác dụng giãn cơ chấm dứt khi phân tử thuốc tách ra khỏi thụ thể và thuốc này bị thủy phân bởi cholinesterase huyết tương (hay còn gọi là pseudocholinesterase) thành choline và axit succinic trong huyết tương.
  • Thời gian khởi phát:  tiêm TM 30-60 giây, bắp thịt 2-3 phút
  • Tác dụng đỉnh:  tiêm TM 60 giây
  • Thời gian tác dụng: TM 4-6 phút, BT 10-30 phút
  • Đào thải: men pseudocholinesterase huyết tương

– Tác dụng phụ:

  • Đau cơ
  • Loạn nhịp tim (nhịp chậm)
  • Tăng Kali máu
  • Tăng thoáng qua áp lực nội nhãn
  • Tăng áp lực trong dạ dày
  • Tăng nhẹ và thoáng qua dòng máu não và áp lực nội sọ
  • Yếu tố thuận lợi khởi phát sốt cao ác tính.

– Chống chỉ định:

  • Nhạy cảm với thuốc
  • Bệnh nhân bỏng
  • Bệnh nhân rối loạn di truyền men pseudocholinesterase huyết tương
  • Tiền sử gia đình sốt cao ác tính
  • Bệnh lý cơ kết hợp với men creatinin phosphokinase tăng cao
  • Glocom góc đóng cấp
  • Tổn thương thủng mắt

5. Thuốc giãn cơ không khử cực

– Cơ chế tác động: chất đối kháng cạnh tranh có hồi phục với Ach tại thụ thể Ach. Nồng độ cao của thuốc giãn cơ không khử cực ngăn acetylcholine liên kết với bản vận động của tế bào cơ → dẫn truyền thần kinh cơ bị ức chế dẫn đến giãn cơ.

– Đặc điểm giãn cơ:

  • Không có rung cơ
  • Đối kháng với thuốc giãn cơ khử cực, hóa giải bởi thuốc kháng cholinesterases.

5.1. Pipecuronium (Arduan)

– Dạng bào chế: lọ bột 4mg

– Liều lượng: đặt ống NKQ tiêm TM 0,07-0,085mg/kg, duy trì tiêm TM 0,01 – 0,04mg/kg (10% – 50% liều đặt ống)

– Thời gian khởi phát: dưới 3 phút

– Tác dụng đỉnh: 3-5 phút

– Thời gian tác dụng: 45-120 phút

– Đào thải: thận

– Tác dụng phụ:

  • Tim mạch: hạ HA, tăng HA, nhịp tim chậm, nhồi máu cơ tim
  • Hô hấp: giảm thông khí, ngừng thở
  • Thần kinh trung ương: ức chế
  • Tiết niệu: vô niệu
  • Ngoài da: nổi ban, mề đay
  • Chuyển hóa: giảm đường máu, tăng Kali máu, tăng Creatinine.

5.2. Vecuronium (Norcuron)

– Dạng bào chế: ống bột 4mg

– Liều lượng:

  • Đặt ống NKQ tiêm TM 0,08 – 0,1mg/kg
  • Duy trì: tiêm TM 0,01 – 0,05mg/kg (10% – 50% liều đặt ống)

– Thời gian khởi phát: dưới 3 phút

– Tác dụng đỉnh: 3 – 5phút

– Thời gian tác dụng: 25-30 phút

– Đào thải: gan, thận

– Tác dụng phụ:

  • Nhịp tim chậm
  • Giảm thông khí, ngừng thở

5.3. Rocuronium (Esmeron)

– Dạng bào chế: lọ 25mg, 10mg/ml

– Liều lượng:

  • Đặt ống NKQ tiêm TM 0,6 – 1,2 mg/kg
  • Duy trì: tiêm TM 0,06-0,6mg/kg (10-50% liều đặt ống)

– Thời gian khởi phát: 45-90 giây

– Tác dụng đỉnh: 1-3 phút

– Thời gian tác dụng: 15-150 phút (lệ thuộc liều)

– Đào thải: gan, thận

– Tác dụng phụ:

  • Nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim
  • Giảm thông khí, ngừng thở, co thắt phế quản, cao áp phổi
  • Nổi ban, phù nề chỗ tiêm, ngứa

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan
Tiffy Hay Decolgen: Loại Thuốc Trị Cảm Cúm Nào Tốt Hơn?
Tiffy Hay Decolgen: Loại Thuốc Trị Cảm Cúm Nào Tốt Hơn?

Hiện nay, việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cảm cúm đã trở thành thói quen ở nhiều người. Trong đó, Tiffy và Decolgen là hai loại thuốc trị cảm cúm phổ biến được lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, sử dụng Tiffy hay Decolgen là tốt hơn khi bị cảm cúm là nỗi băn khoăn của hầu hết mọi người.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây