Sương mù bức xạ: Ủ mầm các bệnh hô hấp - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Khoảng một tuần nay, TP.HCM thường xuất hiện sương mù bức xạ vào buổi sáng và tầm chiều tối. Theo BS Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM, hiện tượng này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp con người.
Ủ mầm các bệnh tai, mũi, họng, thanh quản
Cùng với thời điểm diễn ra hiện tượng sương mù, thời tiết TP.HCM chuyển sang se lạnh, đặc biệt vào lúc sáng sớm.
Theo BS Võ Quang Phúc, hai yếu tố nguy cơ này sẽ gây ra các bệnh viêm đường hô hấp trên (mũi, tai, họng, thanh quản) như sổ mũi, nghẹt mũi, khạc đờm trong, khàn tiếng …Người già trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả.
Ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao, sương mù xuất hiện đồng thời sẽ hút những chất độc (khói xe, bụi, khí thải các nhà máy…). Sương mù lúc này sẽ làm nặng thêm những triệu chứng viêm đường hô hấp (còn gọi là hô hấp bội nhiễm) như sổ mũi xanh, khạc đờm xanh…
Sương mù bức xạ xuất hiện trong thời tiết se lạnh còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể. “Nếu hiện tượng này kéo dài, các bệnh về hen phế quản sẽ phát triển mạnh”- BS Phúc cho biết.
Giữ ấm, chú trọng dinh dưỡng
- BS Phúc khuyến cáo, vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, khi ra đường, mọi người nhất thiết phải giữ ấm, đặc biệt là vùng cổ. Bên cạnh đó, cần đeo khẩu trang, tốt nhất là khẩu trang y tế với khả năng lọc bụi cao, có nẹp bóp sát hai bên cánh mũi.
- Trường hợp đã tiếp xúc với sương mù, sau khi về nhà cần nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý; súc miệng bằng nước muối nhạt ở 40 độ C.
- Mặt khác, cần điều chỉnh chế độ ăn uống với việc tăng cường các loại trái cây chứa nhiều Vitamin C như cam, chanh, cà chua…giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn với các yếu tố gây viêm nhiễm. Khi ăn, cần ăn nóng để giữ ấm cho họng.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn