1

Rối loạn cương dương và những điều nam giới cần biết - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Rối loạn cương là một trong những bệnh lý thầm kín của các quý ông trong “chuyện chăn gối”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tình dục và hạnh phúc, bi kịch của nhiều gia đình. 

Rối loạn cương dương là bệnh gì?

  • Rối loạn cương là tình trạng dương vật không đạt được hoặc không duy trì được sự cương cứng đủ để tiến hành cuộc giao hợp trọn vẹn, tình trạng này kéo dài ít nhất 3 tháng. 
  • Xuất tinh sớm không gọi là rối loạn cương. Vì trường hợp xuất tinh sớm, dương vật vẫn cương cứng bình thường để giao hợp được. Tuy nhiên, nhiều trường hợp ở người lớn tuổi, xuất tinh sớm kèm với rối loạn cương.

Nguyên nhân nào gây tình trạng Rối loạn cương dương?

  • Do tâm lý. Tức là, lúc không làm gì, lúc đi tiểu, lúc mới ngủ dậy…dương vật có thể cương cứng, nhưng lâm trận thực sự thì dương vật lại không thể cương. Khi gặp tình trạng dương vật không thể cương, ngay cả khi gần bạn tình, khi thức dậy buổi sáng…cần phải gặp ngay bác sĩ nam khoa.
  • Ngoài nguyên nhân tâm lý, rối loạn cương có thể do: sử dụng một số loại thuốc (thuốc trị huyết áp, thuốc trị bệnh dạ dày, bệnh thần kinh, ma túy…), bệnh đái tháo đường, bệnh thần kinh, mạch máu, phẫu thuật vùng chậu, chấn thương cột sống, bất thường nội tiết (suy giảm testosterone, tăng Prolactin…)

Nam giới ở độ tuổi nào dễ mắc bệnh Rối loạn cương dương?

Rối loạn cương dương thường gặp ở tuổi 40. Tình trạng này có thể bắt đầu sớm ở những năm đầu tuổi 30 và trở nên nghiêm trọng khi ngoài tứ tuần. Khi nam giới bắt đầu bước vào độ tuổi trung niên, tỷ lệ bị rối loạn cũng như mức độ nghiêm trọng cũng tăng khoảng 10% sau mỗi 10 năm.

Điều trị Rối loạn cương dương 

Nếu có những dấu hiệu bất thường khi quan hệ tình dục như đã mô tả ở trên, người bệnh nên đến thăm khám và mô tả cụ thể triệu chứng, cũng như thói quen sinh hoạt, tâm lý, bệnh lý kèm theo (nếu có)…cho bác sĩ để có thể tìm hiểu nguyên nhân chính xác.

Từ đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn người bệnh cần thực hiện một số chỉ định như:

  • Xét nghiệm máu: xét nghiệm nội tiết tố (Testosterone, Prolactin, FSH, LH, Estradiol). Máu cần được lấy buổi sáng (9 – 10h sáng) để có kết quả chính xác. Ngoài ra, cần xét nghiệm thêm đường máu, chức năng gan thận, công thức máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Siêu âm doppler: đánh giá lưu lượng máu ở dương vật, phát hiện những bất thường ở cơ quan sinh dục.
  • Khám phản xạ hành hang, test tiêm thuốc vào thể hang…

Rối loạn cương cần phải điều trị đúng nguyên nhân, chẳng hạn như điều chỉnh testosterone nếu có suy sinh dục, điều chỉnh các rối loạn nội tiết, phẫu thuật dị tật dương vật, phẫu thuật mạch máu…

Phương pháp điều trị rối loạn cương dương bước một: 

  • Dùng thuốc ức chế PDE5 (Viagra, Cialis…)
  • Thuốc tiêm vào vật hang, thuốc đặt niệu đạo
  • Dùng ống hút chân không
  • Biện pháp cuối cùng là đặt thể hang nhân tạo

Ngoài điều trị bằng thuốc, bằng phẫu thuật; người bệnh cần phải thay đổi lối sống lành mạnh như hạn chế stress, không hút thuốc, uống rượu, tăng cường các hoạt động thể chất…..; đặc biệt cần có sự phối hợp, động viên của bạn tình mới đem lại kết quả mong muốn.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây