Phòng bệnh sốt mò - Bệnh viện Bạch Mai
Gần đây, liên tiếp các trường hợp nhập viện bởi bệnh sốt mò, trong đó một bệnh nhân 38 tuổi ở Tuyên Quang đã tử vong. Vì vậy, cần biết về nguyên nhân, cách lây truyền để phòng bệnh sốt mò.
Đặc điểm của căn nguyên gây bệnh sốt mò
Bệnh sốt mò là một bệnh do vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây ra. Vi khuẩn này từ các động vật hoang dã (vật chủ) như loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột), thỏ, lợn, các loài chim, hoặc gia súc (chó, lợn, gà)... chúng đẻ trứng vào môi trường là đất ẩm và phát triển thành ấu trùng trước khi trở thành mò đỏ. Vì vậy, ấu trùng mỏ đỏ có mặt khắp nhiều nơi nhất là vùng đất ẩm, ướt.
Mọi lứa tuổi đều thụ bệnh nhưng chủ yếu bệnh phân bố ở lứa tuổi lao động, mang tính chất nghề nghiệp (lâm nghiệp, nông nghiệp, bộ đội biên phòng, người trồng và bảo vệ rừng…). Do đó, bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, dân sinh sống ở bìa rừng núi (80,5%), hiếm ở thành thị.
Ở Việt Nam, bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, đây là những tháng mưa có độ ẩm cao, điều kiện để ấu trùng mò phát triển.
Ấu trùng mò bị nhiễm vi khuẩn R. orientalis (R. tsutsugamushi) khi hút máu vật chủ có mang mầm bệnh, sau đó ấu trùng mò phát triển thành mò trưởng thành và đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh và sẵn sàng hút máu (mò có thể truyền mầm bệnh qua trứng đến đời thứ 3). Những con ấu trùng đời sau này sẽ làm lây nhiễm cho các con vật khác và người khi đốt và hút máu.
Như vậy mò vừa là vật chủ, vừa là vật chủ trung gian truyền bệnh. Quá trình nhiễm trùng được duy trì trong tự nhiên giữa mò và các loài gặm nhấm... Mò đốt và hút máu người, truyền vi khuẩn R.orientalis sang người chỉ là một sự ngẫu nhiên.
Ấu trùng mò bám vào da của người, đi đến vùng da ẩm, nhiều mồ hôi (bẹn, quanh vùng hậu môn, rốn, nách, vành tai…). Ở đó ấu trùng mò làm tổn thương da thành vết loét (thường là một vết loét) và gây bệnh cho người do ấu trùng mò đỏ mang theo.
Triệu chứng
Thời kỳ nung bệnh: Trung bình từ 8 - 12 ngày, sớm là 6 ngày, dài là 21 ngày.
- Sau đó, ấu trùng mò đốt tạo nên một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, không rát, không ngứa cho nên người bệnh không để ý (có thể có hơn một nốt phỏng nhưng ít gặp hơn).
- Sau đó nốt phỏng này trở thành vết loét hình tròn hoặc bầu dục, đường kính có thể từ một - vài milimét (có thể vài centimét nhưng hiếm thấy).
- Sau khoảng 4 - 5 ngày nốt phỏng vỡ ra thành một nốt có vảy nâu nhạt hoặc sẫm màu tùy thuộc vào vùng da mềm hay cứng và độ non hay già của nốt loét.
- Sau một thời gian, vảy bong để lộ rõ nốt loét có đáy nông, màu hồng nhạt, không sinh mủ (nếu không bị bội nhiễm vi khuẩn), không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ (mới phát bệnh) hoặc thâm (bệnh đã lâu).
Thời kỳ toàn phát:
- Bắt đầu sốt nhẹ vài ngày đầu, sau đó sốt cao 39 - 400C (tuy nhiên có trường hợp sốt cao ngay từ đầu).
- Sau khi hết sốt vết loét cũng bắt đầu liền dần. Bên cạnh đó hạch vùng gần nốt loét sưng đau cùng với sốt (hạch bẹn, hạch nách…).
- Ban dát sẩn có thể xuất hiện toàn thân (trừ lòng bàn tay, bàn chân) vào cuối tuần thứ nhất, đầu tuần thứ hai.
- Ban dát tồn tại vài giờ đến một tuần, đôi khi có đốm xuất huyết.
- Ngoài ra có biểu hiện của nhiễm độc thần kinh như: nhức đầu, đau khắp đầu hoặc nhức cả 2 hố mắt (giống bệnh sốt xuất huyết Dengue).
- Đôi khi có những trường hợp xuất huyết dưới da, chảy máu cam, xuất huyết đường tiêu hóa, ho ra máu...
- Có thể bị đau thượng vị, đôi khi bị táo bón trong các ngày sốt (do mất nước), hoặc có thể ỉa lỏng vài ngày.
Bệnh sốt mò có thể gây biến chứng ở tim (nhịp nhanh, ngoại tâm thu, huyết áp thụt), viêm phổi cấp, gan to lác to (chỉ lấp ló bờ sườn, ít đau).
Có thể nhầm lẫn với bệnh gì?
Dấu hiệu ban đầu là sốt cao và một số triệu chứng khác có thể nhầm với sốt xuất huyết Dengue, sốt phát ban (sởi), bệnh sốt rét.
Hoặc do mệt mỏi, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, đi lại lảo đảo, ù tai, có cơn vã mồ hôi, đau cơ nhiều như trong bệnh sốt vàng da chảy máu (bệnh Leptospirosis). Có những trường hợp biểu hiện li bì, thờ thẫn, u ám như bệnh thương hàn (do vi khuẩn Salmonella).
Chẩn đoán
Để chẩn đoán cần dựa vào nốt phồng rộp, loét điển hình và triệu chứng lâm sàng. Cần xét nghiệm công thức máu, làm phản ứng ELISA hoặc phản ứng sinh học phân tử (PCR).
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi ngờ sốt mò (có nốt phỏng, loét) cần đi khám ngay. Nguyên tắc điều trị là dùng kháng sinh đặc hiệu với vi khuẩn R. orientalis và điều trị triệu chứng.
Dùng kháng sinh gì, liều lượng ra sao là do bác sĩ khám bệnh chỉ định, bản than người bệnh và người nhà không tự mua thuốc điều trị. Điều may mắn là chưa có báo cáo nào nói vi khuẩn này kháng lại kháng sinh.
Lời khuyên của thầy thuốc
- Cần tuyên truyền cho mọi người dân biết nhất là các đối tượng dễ mắc bệnh (như trình bày ở trên) về tác hại và cách lây truyền của bệnh sốt mò.
- Cần phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt mò xung quang nhà (vùng đất ẩm, bụi cây).
- Khi đi rẫy, làm nương cần mặc quần áo dài tay, có dây chun buộc chặt ở ống quần (nếu có đi ủng càng tốt).
- Tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò hoặc bôi kem diệt mò vào vùng cẳng chân, bàn chân khi đi rừng, làm nương rẫy...
Nguồn tham khảo: Bệnh viện Bạch Mai