1

Ca gian nan tìm bệnh - Bệnh viện Bạch Mai

Thấy trong người vẫn khỏe mạnh, chỉ bị ho dai dẳng mà uống thuốc mãi không khỏi, nhiều người không thể ngờ được chỉ với triệu chứng rất đơn giản như vậy nhưng hành trình tìm nguyên nhân gây bệnh để chữa trị lại rất gian nan, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng...

Ca bệnh viêm phổi gây phản ứng hạch trung thất

Từ 3 tháng nay, anh Lâm (ở Đống Đa, Hà Nội) bị ho khan kéo dài rồi sốt nhẹ trong khoảng 1 tháng nhưng vì thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, nghĩ mình chỉ bị cảm sốt thông thường nên tự điều trị ở nhà.

Tuy nhiên, bệnh không những không khỏi mà anh còn bị sút cân tới 5kg trong vòng 1 tháng. Tới lúc này anh mới đi khám tại một số cơ sở y tế và bệnh viện, thế nhưng vẫn không tìm ra là bệnh gì. Cuối cùng, anh quyết định tiếp tục hành trình “tìm bệnh” tại Bệnh viện K.

Tại Khoa Phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện K, bệnh nhân được làm một số xét nghiệm và chụp CT lồng ngực, kết quả cho thấy có hình ảnh tổn thương là đám xơ hóa và đông đặc nhỏ ở thùy trên phổi phải, hạch trung thất 2R đường kính từ 1,8-2cm, nghi ngờ bệnh nhân nhiễm lao.

Nội soi phế quản của bệnh nhân Lâm, các bác sĩ phát hiện có hình ảnh thâm nhiễm phế quản thùy trên phổi phải, chưa loại trừ ung thư phổi thâm nhiễm hạch trung thất. Khi nhận được thông báo của các bác sĩ là có thể bị ung thư phổi, anh Lâm và gia đình rất lo lắng và hoang mang, anh Lâm mong muốn cần có biện pháp gì để chẩn đoán thật chính xác cho anh và có biện pháp điều trị kịp thời.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định sẽ tiến hành sinh thiết kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của CT, sinh thiết tại vị trí hạch trung thất nhóm 2R đường kính 1,8-2cm để chẩn đoán mô bệnh học xác định căn nguyên bệnh cho bệnh nhân.

Anh Lâm được thực hiện thủ thuật sinh thiết kim hôm 8/12/2016, kỹ thuật thực hiện ở độ sâu 9,62cm chếch góc 1080. Kết quả giải phẫu bệnh khiến cả bệnh nhân và gia đình thở phào nhẹ nhõm khi đã được loại trừ bệnh ung thư phổi và lao phổi. Bệnh nhân được kết luận bệnh viêm phổi gây phản ứng hạch trung thất tại chỗ và được điều trị bằng kháng sinh, được ra viện sau hơn 1 tháng lận đận để tìm bệnh.

Điều trị

Có ba phương án mà bác sĩ có thể đưa ra lựa chọn cho bệnh nhân gồm:

  • Phẫu thuật mở sinh thiết chẩn đoán
  • Phẫu thuật nội soi sinh thiết
  • Sinh thiết kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn CT.

Trong đó, hai phương án đầu thường nặng nề hơn vì bệnh nhân phải thực hiện đại phẫu, gây mê nội khí quản, thời gian nằm viện kéo dài và chi phí lớn hơn.

Kỹ thuật sinh thiết kim xuyên thành ngực có ưu điểm:

  • Độ chính xác cao
  • Cho phép thực hiện những tổn thương ở sâu, kích thước từ 1,5cm
  • Có giá trị chẩn đoán cao
  • Có thể thực hiện được cả những vị trí nguy hiểm khó thăm dò như u nhỏ sát tim, hạch rốn phổi, hạch trung thất, tổn thương gần mạch máu lớn.

Đây là một thủ thuật dùng kim sinh thiết chọc xuyên qua thành ngực vào các tổn thương ở phổi hoặc trung thất dựa vào màn hình máy cắt lớp vi tính để lấy một hay nhiều mảnh bệnh phẩm làm chẩn đoán mô bệnh học giúp xác định các căn nguyên gây bệnh.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện thủ thuật đòi hỏi bác sĩ phải hết sức thận trọng và chính xác đến từng milimet để tránh không làm tổn thương các mô hoặc chạm vào các mạch máu lớn.

Tại Bệnh viện K Trung ương, theo TS. Kiểm, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000-1.200 ca sinh thiết kim xuyên thành ngực trong đó chỉ có một vài ca rất khó như trên. Từ năm 2008 đến nay, hơn 50 ca bệnh được đánh giá rất khó đã được các bác sĩ của Bệnh viện K thực hiện thành công thủ thuật này, giúp bệnh nhân định danh chính xác bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Khuyến cáo của bác sĩ

Ho khan kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân như: viêm nhiễm thông thường, lao phổi, ung thư phổi...

Khi bị ho kéo dài, người dân không nên tự ý điều trị mà cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp, tránh để bệnh kéo dài trở thành mạn tính hoặc khi bệnh ở giai đoạn muộn sẽ khiến việc điều trị càng khó khăn hơn.

Nguồn tham khảo: Bệnh viện Bạch Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? 01:57
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
 Hàng năm có khoảng 450 triệu người trên thế giới bị viêm phổi, đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người,...
 3 năm trước
 667 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây