1

Ngáo đá - bệnh viện 103

Ca bệnh ngáo đá

“Nó ở đâu chạy xộc vào nhà, nhớn nhác nhìn quanh rồi lại chạy ra sân. Vẻ mặt nó méo xệch, hoang mang đến cực độ, mồm nó lảm nhảm cái gì đó mà tôi không kịp nghe. Tôi gọi, nhưng nó vẫn lồng lộn như con thú hoang bị thương, rồi nó vớ lấy cái chổi ở cạnh cổng vung lên đập loạn xạ. Lúc bấy giờ tôi và ông nhà đều hồn vía lên mây, chả còn hiểu được chuyện gì đang xảy ra cả. May mà lúc đó mới xế chiều, mấy đứa cháu ngoại chưa đi học về, nói dại, nếu chúng bị thằng Cường đập phải một vài cái cán chổi thì không biết ra sao nữa”.

Người đang kể chuyện cho tôi là mẹ của một bệnh nhân mới vào viện. Bà nói với tôi bằng giọng run run, nét mặt chưa hết vẻ sợ hãi. Chắc phải có một chuyện tày đình xảy ra trong nhà bà.

“Đột nhiên, bà nói tiếp, thằng Cường nhà tôi rú lên như một con chó hoang bị người ta đuổi đánh. Nó chạy ngay tới dây chống sét, bám vào và trèo thoăn thoắt lên mái nhà. Ngay khi vừa leo được lên mái, nó lập tức nhảy tót sang mái nhà hàng xóm và cứ chạy trên đó đến tận nhà cuối cùng của dãy phố. Khi cùng đường, nó đứng trên đó hua chân, múa tay và la hét”.

May mà chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra, tôi an ủi bà. Thấy tôi có vẻ chú ý đến câu chuyện của mình, bà lại kể tiếp về những gì vừa diễn ra với thằng con trai bà. “Lúc bấy giờ hàng xóm và người qua đường chạy ra xem nó rất đông. Hình như thấy đông người, thằng Cường càng sợ hãi. Nó la toáng lên những gì đại loại như xin mọi người đừng đuổi theo nó, đừng giết nó hay đừng chặt tay, chặt chân gì gì đấy. Ông nhà tôi thì chân tay luống cuống, chả biết phải làm gì, còn tôi thì gục ngay trước cửa nhà mà thằng Cường đang ở trên mái, không khóc được câu nào. Bỗng tôi thấy thằng con tôi cúi xuống, nhặt một miếng gạch nhỏ, nhọn cầm trong tay rồi đưa lên cổ, nó thét to rằng nó sẽ chết cho mà xem. Mọi người kêu ầm lên rằng nó chớ làm dại nhưng nó không nghe, xiết mạnh miếng gạch vào cổ làm máu chảy ra đầm đìa”.

Câu chuyện của bà kể đã đến đoạn bi kịch nhất, mấy cháu học sinh năm thứ 5 trường Y-đang đi thực tập ở khoa tôi nín thở lắng nghe. Tôi chẳng lạ gì chuyện này, với tôi nó xảy ra chưa đến mức thường xuyên như cơm bữa nhưng mỗi tuần cũng được nghe những chuyện đại loại như vậy một đôi lần.

Tôi là bác sỹ, chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103. Hàng ngày tôi phải trực tiếp khám cho vài chục bệnh nhân. Họ mắc đủ các chứng bệnh về Tâm thần như trầm cảm, mất ngủ mạn tính, tâm thần phân liệt, nghiện rượu và vô số các vấn đề lẩm cẩm khác. Có lẽ nhờ mức sống người dân được nâng lên mà người ta chú trọng đến sức khỏe tâm thần hơn trước. Chả thế mà lúc nào khoa tôi cũng có 70-80 bệnh nhân điều trị nội trú và vài trăm bệnh nhân điều trị ngoại trú. Do tiếp xúc với đủ các loại mặt bệnh của vô số bệnh nhân nên những chuyện giật gân, rùng rợn liên quan đến bệnh nhân tâm thần mà tôi được nghe cũng không phải là hiếm.

Nghe nhiều thành nhàn tai, tôi chẳng quan tâm nhiều đến câu chuyện của bà. Tôi biết, đến đoạn này thì các em học sinh không nên nghe tiếp vì có thể nó sẽ gây ra các ấn tượng không tốt cho các em về bệnh tâm thần. Một giờ trước, người ta đem đến cho tôi một bệnh nhân bị trói chặt tay chân bằng một dải băng dính to bản.

Thằng bé được trở đến bằng xe taxi với 2 người đàn ông to khỏe ngồi kèm hai bên. Nó chính là thằng Cường, đứa con trai duy nhất của bà mẹ khốn khổ đang ngồi lau nước mặt vì thương con và vì những gì đã xảy ra ngoài sức tưởng tượng của bà. Sau này tôi được biết bệnh nhân Cường của tôi mới 22 tuổi và đang là sinh viên đại học năm thứ 5. Bố mẹ nó luôn nghĩ rằng nó là đứa con ngoan, chăm chỉ học hành, chả biết gì ngoài sách vở.

Ông bà từng nghĩ rằng nó là một con mọt sách thực sự, và rằng nó sẽ trở thành một con “gà công nghiệp” thực thụ vì chả hiểu gì những việc xảy ra ngoài xã hội. Khi khám nó, tôi biết nó có hoang tưởng bị hại vì luôn cho rằng nó đang bị một bọn người săn đuổi để mổ bụng, moi gan, chặt tay, chặt chân nó. Nó luôn nghe thấy có tiếng người đàn ông vang lên bên tay, đe dọa tìm thấy nó sẽ trừng phạt thảm khốc, dù xung quanh nó lúc bấy giờ chả có ai cả. Tôi biết triệu chứng đó là ảo thanh thật, cùng với hoang tưởng bị hại, tạo thành hội chứng Paranoid cấp tính. Vấn đề ở đây là phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh này để có biện pháp điều trị hữu hiệu. Không do dự, tôi hỏi bà mẹ “Con nhà bà có sử dụng ma túy không đó”? Có lẽ giọng nói của tôi khá lạnh lùng và nội dung câu hỏi quá bất ngờ nen khiến bà ta luống cuống.

“Không thể có chuyện đó, thằng Cường nhà tôi ngoan lắm, nó nào biết ma túy là gì” bà ta khẳng định với tôi như thế. Tôi ngao ngán nhìn bà và biết rằng chả thể lấy được thông tin hữu ích gì về việc sử dụng ma túy của con trai bà. Có lẽ bà ta bận rộn với việc làm ăn quá mà chả bao giờ quan tâm tìm hiểu sâu về đời sống riêng tư của con cái mình. Có lẽ kinh tế thị trường có mặt trái của nó chính là ở chỗ này. Nhịp sống hối hả đã khiến các thành viên trong gia đình rời xa nhau hơn. Trong số hơn chục em học sinh thực tập đứng quanh tôi thì quá nửa là chau mày, tỏ vẻ ngạc nhiên trước câu trả lời của bà mẹ. Trước khi xuống khám bệnh nhân, tôi đã được y tá cho biết kết quả thử nước tiểu, tìm ma túy của bệnh nhân này. Thằng Cường tuy không sử dụng Heroin, nhưng que thử tìm Ecstasy lại dương tính, khẳng định nó đã dùng ma túy đá. Ấy vậy mà bà mẹ này vẫn khẳng định con bà ngoan lắm, rằng chuyện nghiện ma túy là tệ nạn ở ngoài xã hội chứ làm sao mà thâm nhập được vào gia đình bà ta. Tôi thông báo kết quả thử ma túy cho bà ta biết và khẳng định rằng con bà bị loạn thần cấp do ma túy nhóm kích thần, cái mà xã hội hay gọi vắn tắt là “ngáo đá”. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng kích động ngôn ngữ và hành vi dữ dội, bệnh lại khởi phát cấp tính nên tôi đã nghĩ đến tình huống bệnh nhân bị bệnh do sử dụng ma túy đá liều cao hoặc dùng kéo dài. Vì thế tôi đã cho thử nước tiểu và sai y tá cố định bệnh nhân tại giường rồi cho tiêm thuốc an thần. Khi mẹ nó đến nơi thì thằng Cường đã thiêm thiếp ngủ.

“Điều trị ngáo đá có khó không thầy-một em học sinh nữ hỏi tôi, ý em là so với heroin thì cái nào khó chữa hơn ấy?” Câu hỏi này hay đấy, nhưng đáng tiếc câu trả lời của tôi chỉ gieo vào lòng người nghe nỗi thất vọng mà thôi. Ma túy nào cai chả khó hả các em học sinh thân yêu! Sau này, khi trở thành bác sỹ, các em cũng sẽ đối diện với nhiều tình huống dở khóc, dở cười do ma túy gây ra. Heroin, cần sa cai đã khó mà cai ma túy đá còn khó hơn gấp bội. Các em có thể gặp nhiều bệnh nhân nghiện Heroin trong nhiều năm, họ phải làm “mà” ở bẹn để tiện tiêm heroin vào tĩnh mạch. Nhưng các em sẽ hiếm khi thấy có bệnh nhân nghiện ma túy đá đường tiêm tĩnh mạch quá 1 năm vì đơn giản là họ đã… chết cả rồi. Các em đọc báo, xem tivi có thể biết ở Quảng Ninh, thanh niên chết trẻ rất nhiều do sốc ma túy khi tiêm mà đến quá nửa là do ma túy đá.

Chẳng nhẽ ma túy đá lại đọc hơn Heroin ư? Một em học sinh nam đứng bên tôi thắc mắc. Đúng đấy em ạ, ma túy đá được coi là độc hại hơn Heroin có… mười lần, đơn giản là do tỷ lệ tử vong của ma túy đá cao gấp 10 lần Heroin. Tôi đã giải thích cho các em học sinh của tôi biết rằng Heroin được tinh chế trong các phòng thí nghiệm hiện đại ở tam giác vàng. Còn ma túy đá được nấu thủ công bởi những kẻ bất lương tại gia đình họ. Họ sử dụng các công cụ rất đơn giản như nồi áp suất, vôi bột, acid sulfuaric và giấy quỳ tím. Do vậy ecstasy của họ có rất nhiều tạp chất khi được bán ra thị trường đen. Người ta đã thống kê và thấy rằng trung bình cứ 300 lần tiêm tĩnh mạch thì có 1 lần sốc phản vệ mà hậu quả là người tiêm ma túy sẽ mất mạng. Như vậy, nếu mỗi ngày người nghiện phải tiêm ma túy vào tĩnh mạch 1 lần thì chẳng phải sau 1 năm là họ… chết ráo còn gì. Việc gì đến thì phải đến, tôi ghi vào bệnh án mấy dòng mệnh lệnh điều trị rồi giao lại cho bác sỹ buồng bệnh.

Hai tuần sau, tôi dẫn học sinh đi điểm bệnh tại buồng bệnh mà thằng Cường nằm. Bệnh nhân đông và công việc nhiều nên tôi phải mất đến 2 tuần mới khám hết 1 lượt bệnh nhân trong khoa. Thằng Cường đã hết hội chứng cai Ecstasy mấy hôm nay. Nó đã không còn hoang tưởng bị hại và hết ảo thanh từ tuần trước. Thực tế thì điều trị bệnh “ngáo đá” của nó không dễ dàng gì. Chúng tôi đã phải dùng thuốc an thần mạnh, phối hợp với thuốc chống trầm cảm, liều cao cho nó ngay từ đầu. Ấy vậy mà chúng tôi còn phải viện đến sự phối hợp của liệu pháp sốc điện có gây mê tĩnh mạch bằng propofol thì bệnh của nó mới thuyên giảm được nhanh như thế. Nó nói với chúng tôi rằng nó chơi ma túy đá đã nửa năm nay, do mọi người trong nhà ít quan tâm nên không ai biết nó nghiện thứ ma túy này. Kinh tế nhà nó khá giả, bố mẹ cho tiền tiêu rủng rỉnh so với các bạn sinh viên cùng lứa nên nó có tiền mua ma túy đá. Lúc đầu nó chỉ định dùng thử cho biết mùi. Ai ngờ tác dụng mạnh mẽ của ma túy đá đã cuấn hút nó ngay từ lần sử dụng đầu tiên khiến nó không sao bỏ được. Bữa trước, nó và vài đứa bạn mua ‘nhầm’ phải hàng xịn của Thái nên liều lượng thành ra quá cao đối với nó. Sau khi uống được vài tiếng đồng hồ, nó đã phát điên, nghĩ rằng đồng bọn đang tìm giết nó bằng các hình thức ghê rợn. Tiếng nói không có thật mà nó nghe thấy bên tai xui nó chạy trốn và xui nó rạch cổ tự sát. Hôm đó nó đã gặp may vì mảnh gạch tuy nhọn nhưng không quá sắc, thành ra vết rạch chưa phạm vào các mạch máu lớn. Có mấy người đàn ông dũng cảm đã trèo lên mái nhà, ôm chặt nó từ phía sau và đưa nó đi cấp cứu. Sau khi được khâu vết thương, người ta chuyển ngay nó xuống khoa Tâm thần của tôi để điều trị.

Tôi nhìn thấy vết thương trên cổ trái của nó đã lành và đã được cắt chỉ nhưng vết sẹo sẽ xấu vì vết rạng bằng gạch rất nham nhở. Nhưng tôi biết vết thương lòng của mẹ nó thì còn lâu mới khỏi và mọi kỳ vọng của gia đình vào nó đã tan thành mây khói. Bà nói với tôi sẽ giao việc kinh doanh lại cho người khác, về làm nội trợ để có thời gian chăm sóc và giám sát thằng Cường. Rồi đây, dù thằng Cường nhà bà có ra viện thì nó vẫn phải uống thuốc củng cố trong nhiều năm để chống tái nghiện. Bà ta sẽ phải bỏ ra bạc triệu mỗi tháng để mua thuốc chống tái nghiện và mất nhiều công sức để cho thằng Cường uống thuốc hàng ngày. Thằng Cường nói với tôi những lời cảm ơn có cánh vì đã chữa bệnh cho nó. Nó còn thề rằng sẽ từ bỏ ma túy nhưng tôi tin gì lời thề “cá trê chui ống” của nó. Hừ, vào đây cai nghiện thì đứa nào chả thề thốt. Tin người nghiện thì trời sập mất. 30 năm làm nghề bác sỹ Tâm thần, tôi chưa bao giờ thấy đứa nghiện nào làm được theo lời thề của chúng. Khi tái nghiện thì chúng bịa ra hàng ngàn lý do để biện hộ, cứ như thể chúng vô tội, còn việc chúng tái nghiện là do lỗi của… ông trời. Dù sao thì nó cũng đã nhận thức ra bệnh của mình, dù sao thì mẹ nó cũng đã có kế hoạch và quyết tâm để kéo nó trở về với cuộc sống bình thường. Âu đó cũng là cái để gia đình bệnh nhân hy vọng. Tôi nhìn đám học sinh của mình, cháu nào cũng có khuân mặt sáng sủa và ánh mắt rất lạc quan. Đó là niềm hy vọng của xã hội về lớp thầy thuốc tương lai sẽ chung tay góp phần chống lại ma túy.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây