1

Muốn tránh ung thư gan, đây là 4 điều bạn cần làm ngay lập tức - Bệnh viện K

Thăm khám gan định kỳ và tiêm vaccine phòng bệnh

Cho đến nay, mặc dù đã được các chuyên gia nghiên cứu sâu rộng, nhưng nguyên nhân gây ung thư gan vẫn được cho là rất phức tạp và vì không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu của bệnh. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ gây bệnh và xử lý mầm bệnh.

Để tầm soát ung thư gan, người ta áp dụng các phương pháp sau: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi; Đánh giá chức năng gan qua các xét nghiệm ALT(GPT), AST(GOT), GGT, định lượng Bilirubin toàn phần; Tầm soát nhiễm virus viêm gan B, C qua xét nghiệm HCV Ab miễn dịch tự động và xét nghiệm HBs Ag bằng phương pháp test nhanh; Tầm soát qua xét nghiệm định lượng AFP, CEA, CA 19.9, tầm soát u gan qua siêu âm ổ bụng hoặc CT scan vùng bụng.

Đặc biệt, xét nghiệm viêm gan B, C và chích phòng ngừa viêm gan B nếu chưa nhiễm bệnh là một cách phòng ngừa ung thư gan hữu hiệu, cần được thực hiện trước tiên. Các kết quả thống kê cho thấy có đến trên 80% bệnh nhân bị ung thư gan do tiến triển từ viêm gan virus B, 5% là do virus viêm gan C. 

Nếu nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư gan (bệnh nhân viêm gan B, C, viêm gan do bia rượu, xơ gan…) nên tầm soát phòng  định kỳ tối thiểu 3-6 tháng/lần.

Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý trong sinh hoạt hàng ngày

Các thực phẩm không đảm bảo không phải yếu tố chính gây ung thư gan nhưng chúng cũng góp phần vào việc tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Do đó, nếu ăn uống cẩn thận hơn chúng ta có thể có thêm cơ hội để phòng chống ung thư gan.

Thức ăn bị mốc: 

Chất aflatoxin trong thức ăn bị mốc có thể gây ung thư gan, thời gian phát bệnh rất nhanh, chỉ trong vòng 24 tuần. Vì vậy cần bảo quản thức ăn cẩn thận, khi thấy bị mốc cần bỏ ngay, đặc biệt là đậu nành, lạc, khoai lang, mía, dầu đậu phộng.

Thực phẩm chứa lượng muối cao: 

Ăn thực phẩm chứa hàm lượng muối cao góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng của ung thư gan. Chính vì vậy, khi chế biến thức ăn, bạn nên chế biến món ăn nhạt. Ngoài ra, dưa cà muối chua không những mặn mà có chứa một lượng nitrosamine cao được chứng minh gây ung thư gan, do vậy tốt nhất không ăn đồ muối chua hoặc ăn hạn chế.

Dầu, mỡ biến chất: 

Dầu mỡ để lâu sinh ra chất hóa học MDA, có thể tạo ra polymer phản ứng với protein và DNA trong cơ thể, gây đột biến cấu trúc protein, làm cho tế bào đột biến thành tế bào ung thư. Vì vậy, các chuyên gia khuyên khi sử dụng dầu thực vật và mỡ động vật không nên lưu trữ quá lâu, đặc biệt không sử dụng dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần.

Đồ ăn giàu protein: 

Các loại thực phẩm quá giàu protein đều không có lợi cho gan, gây tích tụ các chất thải độc hại ở gan nói riêng và cơ thể bạn nói chung. Vì vậy, với một số thức ăn giàu protein có thể kể đến như trứng, cá, sữa, thịt, gia cầm..., người bệnh nên sử dụng với mức độ vừa phải. Nếu bạn lo lắng về việc người bệnh thiếu protein, bạn có thể thay thế những thực phẩm trên bằng các loại đậu để đảm bảo dinh dưỡng với lượng protein vừa phải cũng tốt cho sức khỏe.

Một gánh nặng lớn nữa cho gan đó chính là  đường - xuất hiện trong các loại đồ ngọt, đồ uống giải khát, bánh kẹo…. Thói quen ăn thiên về đồ ngọt nhiều cũng sẽ mang lại phản ứng bất lợi cho gan.

Duy trì thái độ sống lành mạnh, chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Rượu bia và thuốc lá là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan, điều này nguy hiểm hơn nếu thói quen đó có ở những người bị viêm gan B, C. Rượu bia khiến gan không thể lọc hết các chất độc, từ đó các tế bào gan bị thương tổn và bị thay thế thành mô sẹo, gây xơ gan mãn tính và dẫn tới ung thư gan. Bên cạnh đó, cũng không nên sử dụng những loại thức uống có ga, không hút thuốc lá hoặc các chất kích thích khác.

Bên cạnh đó, ngày nay nhiều người ngủ rất muộn và thức khuya đã trở thành một trạng thái bình thường của họ. Một số người làm việc cả ngày lẫn đêm, khiến cho gan hầu như không được nghỉ. Khi cơ quan này không được thư giãn, nghỉ ngơi đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến việc tự sửa chữa các tế bào chết, và sẽ khiến nó rơi vào trạng thái cực kỳ mệt mỏi, dần yếu đi và bị tổn thương.

Vì vậy, lời khuyên dành cho các bạn là ngay lập tức chú ý đến việc điều chỉnh lịch sinh hoạt, chú ý nghỉ ngơi phù hợp, vận động ngoài trời với cường độ phù hợp.

Cân bằng cảm xúc, luôn giữ tinh thần lạc quan

Tâm trạng của bạn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Vì vậy, tốt nhất là bạn có thể học hỏi những cách đơn giản để kiểm soát cảm xúc của mình, luôn giữ tinh thần lạc quan.

Cải thiện chức năng gan kịp thời

Nếu bạn kiểm tra sức khỏe thấy chỉ số bất thường về men gan và bilirubin, nghĩa là các tế bào gan đã bị tổn thương tương đối nghiêm trọng. Hãy bổ sung các loại thực phẩm và thuốc chứa vitamin C, vitamin B và các loại thuốc khác có tác dụng tốt cho gan. Tuy nhiên, cần ghi nhớ rằng quá nhiều thuốc sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ của cơ thể, đồng thời làm trì hoãn thời gian phục hồi chức năng gan.

Nguồn tham khảo: Bệnh viện K

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây