1

Khi bệnh nhân rành bệnh - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Nếu bệnh nhân có kiến thức cơ bản về triệu chứng lâm sàng (kiểu đau, vị trí đau...) sẽ giúp chính mình trong việc điều trị bệnh. Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân và thầy thuốc đôi lúc “không hiểu nhau”: trong các cuộc khám bệnh, người cần nói không có thời gian để nói, người cần hỏi lại có quá ít thời gian để hỏi.

Đúng là không thể làm gì nhiều với quỹ thời gian eo hẹp, căng thẳng, mỏi mệt của bác sĩ, nhưng bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm thời gian cho thầy thuốc bằng cách cung cấp bảng kê triệu chứng một cách súc tích, tránh lan man, kể lể. Không thể đôi ba dòng mà kể hết “sách” thầy thuốc, dưới đây chỉ nêu một số chi tiết sát sườn nhất giúp bạn theo dõi bệnh và khai bệnh súc tích:

1. Đau

  • Triệu chứng tiên phong của khá nhiều bệnh.
  • Theo lâm sàng, lý lịch trích ngang tối thiểu của một cơn đau thường có các mục: vị trí đau, kiểu đau (liên tục, từng cơn, quặn, thắt...), hướng lan và các chi tiết kèm theo như bữa ăn, tư thế, vận động, bài tiết...
  • Vị trí đau cho phép thầy thuốc chấm sơ tọa độ cơ quan đích.
  • Chẳng hạn đau vùng ngực trái hay dưới xương ức chỉ điểm tim.
  • Vùng hạ sườn phải (bờ dưới xương sườn cuối cùng bên phải) là vùng phát ngôn gan, mật.
  • Thượng vị (hõm xương ức) hiển thị cơn khó ở dạ dày.
  • Ngón chân cái là nơi cất tiếng hét đau đớn mở màn bệnh gout...
  • Kiểu đau cũng là cách cơn đau tự bạch với bác sĩ. Kinh điển như đau quặn thận (đột ngột, dữ dội vùng thắt lưng lan xuống bàng quang, bẹn), đau quặn mật (kịch phát vùng hạ sườn phải, lan lên vai phải), đau thắt ngực (đau như bóp nghẹt ngực, lan lên vai, cổ, cằm, tay trái, thường là vấn đề mạch vành tim)...
  • Hướng lan là một kiểu giới thiệu khác, cụ thể trong cơn đau thắt ngực, quặn thận kể trên. Nổi tiếng là hướng lan của cơn đau thần kinh tọa (thắt lưng lan xuống mặt sau chân như mông, đùi sau, khoeo, gan bàn chân, theo đúng lộ trình của thần kinh tọa)...
  • Các yếu tố phụ giúp làm rõ nét. Cơn đau dạ dày giai đoạn sớm thường song hành bữa ăn. Đau thắt ngực rõ mồn một khi gắng sức. Đau do sỏi tiết niệu thường lộ diện trong nhà vệ sinh. Đau đầu do viêm xoang đến vào buổi sáng. Gout hay khởi phát sau một bữa tiệc thịnh soạn thịt cá...

2. Sốt

  • Cơ bản cần quan tâm các chi tiết: độ sốt, đột ngột hay từ từ, chênh lệch trong ngày, liên tục hay dao động trong nhiều ngày, sốt đơn thuần hay kèm rét run...
  • Điển hình là cơn sốt xuất huyết (sốt cao, đột ngột, liên tục 2-7 ngày).
  • Không phải lúc nào sốt cũng do nhiễm khuẩn, chẳng hạn thấp khớp và một số bệnh tự miễn cũng có sốt.

3. Màu Sắc

  • Màu sắc khác thường từ các sản phẩm bài tiết (nước tiểu, phân), da, niêm mạc, là chỉ thị màu của nhiều chứng bệnh.
  • Vàng là tông màu sở trường của bệnh gan, mật, tán huyết.
  • Xanh tím từ thiếu máu, bệnh tim phổi nặng.
  • Sự đổi tông đậm nhạt của máu có thể gắn nhãn cho vị trí xuất huyết.
  • Chẳng hạn đại tiện ra máu đỏ tươi cho biết vị trí chảy máu thấp (trực tràng, đại tràng), máu chuyển sang bầm đen cho thấy vị trí xuất huyết cao (thực quản, dạ dày) vì máu có thời gian di chuyển, phân hủy lâu hơn...

4. Kích thước

  • Sự to ra bất thường của bất kỳ nơi nào trên cơ thể đều có giá trị lâm sàng, đáng ngại là sự tự giới thiệu của các khối u (lành hoặc ác).
  • Vài vị trí mặt tiền dễ phát hiện sự phình ra bất thường như cổ (hạch, tuyến giáp), hạ sườn phải (gan, mật), bẹn, nhũ hoa...

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây