1

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

I. Đại cương

  • Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Trước đây bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân. Hiện nay bệnh có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.
  • Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.

II. Chẩn đoán

1. Lâm sàng

Thể điển hình

  • Giai đoạn ủ bệnh: 10-14 ngày.
  • Giai đoạn khởi phát: 2-4 ngày. Bệnh nhân sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ 0,5-1 mm màu trắng có quầng ban đỏ ở trên niêm mạc miệng.
  • Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
  • Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

Thể không điển hình

  • Biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.
  • Bệnh nhân cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo. Xét nghiệm có thể có tăng men gan.

2. Cận lâm sàng

 Xét nghiệm cơ bản

  • Công thức máu thường thấy giảm bạch cầu, giảm bạch cầu lympho và có thể giảm tiểu cầu.
  • X quang phổi có thể thấy viêm phổi kẽ. Có thể tổn thương nhu mô phổi khi có bội nhiễm.

Xét nghiệm phát hiện vi rút

  • Xét nghiệm huyết thanh học: Lấy máu kể từ ngày thứ 3 sau khi phát ban tìm kháng thể IgM. Những nơi chỉ làm được IgG thì lấy hai mẫu huyết thanh giai đoạn cấp và giai đoạn hồi phục để xác định hiệu giá kháng thể. Hiệu giá kháng thể lần 2 cao gấp ít nhất 4 lần so với lần đầu.
  • Phân lập vi rút, phản ứng khuếch đại gen (RT-PCR) nếu có điều kiện.

3. Chẩn đoán xác định

  • Yếu tố dịch tễ: Có nhiều người mắc bệnh cùng lúc trong gia đình hoặc trên địa bàn dân cư.
  • Lâm sàng: Sốt, viêm long và phát ban đặc trưng của bệnh sởi.
  • Xét nghiệm phát hiện có kháng thể IgM đối với vi rút sởi.

4. Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có phát ban dạng sởi:

  • Rubella: Phát ban không có trình tự, ít khi có viêm long.
  • Nhiễm enterovirus: Phát ban không có trình tự, hay kèm rối loạn tiêu hoá.
  • Bệnh do Mycoplasma pneumoniae: Sốt nhẹ, đau đầu và viêm phổi không điển hình.
  • Sốt mò: Có vết loét hoại tử do côn trùng đốt.
  • Phát ban mùa xuân trẻ em: Trẻ 6 tháng đến 2 tuổi, khởi đầu là tình trạng nhiễm khuẩn rồi có biểu hiện thần kinh, sau khi hết sốt thì ban mới mọc.
  • Ban dị ứng: Kèm theo ngứa, tăng bạch cầu ái toan.
  • Nhiễm vi rút Epstein-Barr: Hay kèm theo tăng bạch cầu đơn nhân.

5. Biến chứng

  • Viêm não màng não cấp tính: Thường xuất hiện khi bệnh vào giai đoạn hồi phục. Biểu hiện lâm sàng có thể sốt lại, đau đầu, cứng gáy, co giật và thay đổi ý thức từ lú lẫn, ngủ gà tới hôn mê. Ngoài ra có thể có thất điều, rung giật cơ, múa giật-mùa vờn và các dấu hiệu viêm tuỷ như liệt hai chi dưới, liệt tứ chi, mất cảm giác, rối loạn cơ tròn, ... . Dịch não tuỷ có tăng tế bào, chủ yếu tế bào lympho và có tăng protein.
  • Bên cạnh viêm não màng não cấp tính còn có thể viêm não sau khi mắc sởi nhiều năm.

III. Điều trị

1. Nguyên tắc điều trị

  • Bệnh nhân sởi cần được cách ly.
  • Điều trị hỗ trợ.
  • Phát hiện và điều trị sớm biến chứng

2. Điều trị hỗ trợ

- Vệ sinh da, mắt, miệng họng.

- Tăng cường dinh dưỡng.

- Hạ sốt:

  • Áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát.
  • Dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt cao.

- Bồi phụ nước, điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch duy trì khi người bệnh nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải.

- Bổ sung vitamin A:

  • Trẻ 6-12 tháng tuổi: 100.000 đơn vị liều duy nhất.
  • Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: 200.000 đơn vị liều duy nhất.
  • Những trường hợp có biểu hiện bệnh về mắt do thiếu vitamin A: Lặp lại liều trên vào ngày 2 và ngày 28.

3. Điều trị các biến chứng

  • Điều trị kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn.
  • Hạn chế truyền dịch nếu bệnh nhân có biến chứng viêm phổi, viêm não hoặc viêm cơ tim.
  • Trường hợp viêm não màng não cấp tính: Tích cực điều trị hỗ trợ duy trì chức năng sống.

IV. Phòng bệnh

1. Phòng bệnh chủ động bằng vắc xin

  • Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng  theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia.
  • Tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn

2. Cách ly bệnh nhân và vệ sinh cá nhân

- Bệnh nhân sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp:

  • Sắp xếp các bệnh nhân cùng chẩn đoán trong các khu vực riêng biệt.
  • Sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho bệnh nhân, người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế.
  • Hạn chế việc tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế và người thăm bệnh nhân đối với bệnh nhân.
  • Thời gian cách ly trong suốt giai đoạn viêm long cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.

- Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Đi bệnh viện gấp nếu trẻ bị Tay Chân Miệng có biểu hiện giật mình chới với. Đi bệnh viện gấp nếu trẻ bị Tay Chân Miệng có biểu hiện giật mình chới với. 01:18
Đi bệnh viện gấp nếu trẻ bị Tay Chân Miệng có biểu hiện giật mình chới với.
Giật mình chới với là 1 trong 3 biểu hiện nặng điển hình của tay chân miệng, là dấu hiệu cho thấy bé đã bị.nhiễm độc thần kinh, nếu không điều trị...
 2 năm trước
 12098 Lượt xem
BÁC SĨ NHI ĐỒNG HƯỚNG DẪN CÁCH NHẬN BIẾT TRẺ MẮC TAY CHÂN MIỆNG SỚM NHẤT! BÁC SĨ NHI ĐỒNG HƯỚNG DẪN CÁCH NHẬN BIẾT TRẺ MẮC TAY CHÂN MIỆNG SỚM NHẤT! 04:36
BÁC SĨ NHI ĐỒNG HƯỚNG DẪN CÁCH NHẬN BIẾT TRẺ MẮC TAY CHÂN MIỆNG SỚM NHẤT!
“Chỉ trong 1 giờ, bệnh tay - chân - miệng đã có thể làm thay đổi cả tương lai và cuộc đời của trẻ nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 90% các...
 3 năm trước
 741 Lượt xem
COVID, BẠCH HẦU CHƯA QUA, TAY CHÂN MIỆNG ĐANG ĐẾN COVID, BẠCH HẦU CHƯA QUA, TAY CHÂN MIỆNG ĐANG ĐẾN 01:18
COVID, BẠCH HẦU CHƯA QUA, TAY CHÂN MIỆNG ĐANG ĐẾN
Con có thể đang ngủ GIẬT MÌNH, đừng lơ là nghĩ con KHÓ CHỊU, bệnh TAY CHÂN MIỆNG VÀO MÙA RỒI- BẮT ĐẦU TĂNG - ĐÃ CÓ TRẺ ĐỘ NẶNG NHẬP VIỆN RỒI -...
 3 năm trước
 491 Lượt xem
TAY CHÂN MIỆNG VÀO MÙA!! TAY CHÂN MIỆNG VÀO MÙA!! 01:39
TAY CHÂN MIỆNG VÀO MÙA!!
Nhập viện vì bệnh tay chân miệng, mụn nước hồng ban tay chân gối và loét họng, con nhanh chóng có triệu chứng thần kinh, giật mình, run yếu cơ liên...
 3 năm trước
 585 Lượt xem
Tay chân miệng vào mùa Tay chân miệng vào mùa 01:18
Tay chân miệng vào mùa
Tay chân miệng ĐANG TĂNG RẤT NHANH từ độ nhẹ tới nặng, dự đoán tháng tư này sẽ tăng cao. Con có thể đang ngủ GIẬT MÌNH, đừng lơ là nghĩ con KHÓ...
 3 năm trước
 750 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây