1

Hiệu quả và sự an toàn trong điều trị bệnh cường giáp và Basedow bằng I- 131 - bệnh viện Bạch Mai

Ở Việt Nam, năm 1978 lần đầu tiên tại khoa Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, I-131 đã được sử dụng để điều trị bệnh Basedow và cường giáp trạng. Cho đến nay hầu hết các khoa Y học hạt nhân trong cả nước đã tiến hành trị bệnh này bằng I-131, và đã có tới hàng vạn bệnh nhân đã được áp dụng phương pháp điều trị này. Do tính chất đơn giản, hiệu quả, kinh tế và thẩm mỹ... nên hiện nay I-131 đang có xu hướng ngày càng được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh cường giáp trạng và bệnh Basedow.

Năm 1942, lần đầu tiên trên thế giới, tại bệnh viện Massachusett - Hoa Kỳ, hai Bác sỹ Herts và Roberts đã sử dụng iốt phóng xạ (I-131) để điều trị bệnh cường giáp trạng. Cho đến nay trải qua hơn 60 năm sử dụng I - 131, hàng triệu bệnh nhân mắc bệnh này trên thế giới đã được điều trị thành công bằng iốt phóng xạ.

Bệnh cường giáp trạng nói chung và bệnh Basedow nói riêng là loại bệnh khá phổ biến trong các bệnh lý tuyến giáp.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh Basedow

  • Có bướu cổ to ra
  • Mạch nhanh
  • Hay có những cơn nóng bừng ở mặt, lòng bàn tay thường hâm hấp mồ hôi
  • Mắt lồi
  • Rối loạn tiêu hoá (đi lỏng...)
  • Tính tình thay đổi, hay cáu gắt, dễ nổi nóng
  • Run tay...

Về điều trị

Hiện có 3 phương pháp chính để điều trị bệnh cường giáp và Basedow, đó là dùng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp (điều trị nội khoa), phẫu thuật và iốt phóng xạ. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng.

Điều trị bằng iốt phóng xạ

Chỉ định rất rộng rãi:

  • Tất cả các bệnh nhân (thuộc mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em) được chẩn đoán xác định là có cường giáp trạng hay Basedow chưa qua bất kỳ phương pháp điều trị nào (như điều trị nội khoa, phẫu thuật)
  • Hoặc tái phát sau điều trị nội khoa, tái phát sau phẫu thuật; biến chứng sau điều trị nội khoa (dị ứng, nhiễm độc gan, giảm bạch cầu, suy tuỷ xương sau điều trị bằng thuốc kháng giáp)
  • Hoặc bệnh nhân không còn chỉ định phẫu thuật...

Quy trình điều trị bằng I-131:

Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán xác định và có chỉ định điều trị sẽ được uống I-131 dưới dạng dung dịch lỏng hoặc dưới dạng viên con nhộng. Sau đó được trở về sinh hoạt tại gia đình và có thể đi lại trên các phương tiên giao thông công cộng như xe buýt, taxi, tàu hoả..., nếu những bệnh nhân này không có các biến chứng nặng, tình trạng bệnh không ở mức quá nặng. 

Với những bệnh nhân có các biến chứng tim mạch nặng, hoặc bị nhiễm độc gan, tuỷ xương do điều trị bằng thuốc kháng giáp, thể trạng quá yếu... thì cần được nằm viện từ 3 đến 7 ngày, hoặc lâu hơn tuỳ tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân.

Thông thường mỗi bệnh nhân chỉ cần một lần uống thuốc ( một liều I-131) là khỏi bệnh, tuy nhiên có những trường hợp phải uống 2 hoặc hoặc 3 lần do tình trạng bệnh quá nặng hoặc người thầy thuốc chủ động phân ra nhiều liều I-131 để người bệnh có thể dung nạp được thuốc hoặc nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm khác.

Do vậy sau điều trị I-131 thì việc tái khám là một việc rất quan trọng đối với mỗi bệnh nhân.

Hiệu quả điều trị I- 131

I-131 thường phát huy hiệu quả điều trị từ 6-8 tuần sau khi uống thuốc. Vì vậy nên đánh giá kết quả điều trị sau 3-4 tháng. Theo nhiều thống kê cho thấy có tới hơn 85 % bệnh nhân hết các triệu chứng cường giáp sau 3-5 tháng nhận liều điều trị bằng I-131. Số lần điều trị trung bình cho mỗi bệnh nhân là khoảng 6,2 ±1,1 lần. Hơn 95 % bệnh nhân có bướu cổ trở về bình thường hoặc nhỏ lại, và trên 80 % bệnh nhân lên cân. Các triệu chứng run tay, rối loạn tiêu hoá, ... được cải thiện rõ rệt ở 100 % các bệnh nhân sau uống I-131.

Một điểm đặc biệt của phương pháp điều trị này là I-131 có thể làm nhỏ bướu giáp và làm mất các triệu chứng cường giáp để đưa bệnh nhân về tình trạng bình giáp (trở về bình thường). Người ta gọi đây là phương pháp phẫu thuật không cần dao. Bướu cổ nhỏ lại và trở về bình thường sau uống I-131 là một ưu điểm đặc biệt của I-131, nó tạo nên tính thẩm mỹ cao, không để lại bất kỳ một vết sẹo nào trên cổ người bệnh.

Sở dĩ I-131 có thể làm được như vậy vì nó phát ra bức xạ bêta (b), tia bêta này có tác dụng làm giảm mức sinh sản tế bào tuyến giáp, làm xơ hoá các mạch máu trong tuyến do đó làm giảm lượng máu tới tuyến giáp, kết quả là làm giảm chức năng của tuyến giáp và bướu cổ nhỏ lại.

Một điểm rất ưu việt nữa của iốt phóng xạ là tia bêta chỉ có thể đâm xuyên trong tổ chức tuyến giáp khoảng vài milimét, trong khi đó hầu như toàn bộ lượng iốt phóng xạ được uống vào chỉ tập trung tại tuyến giáp còn các cơ quan khác (như tuỷ xương, tinh hoàn, buòng trứng...) chỉ tập trung một lượng rất nhỏ nên tác dụng điều trị có tính chất chọn lọc rất cao và các cơ quan khác rất ít bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên bất kỳ một phương pháp điều trị nào cũng có những ưu nhược điểm của nó. Điều trị cường giáp trạng và bệnh Basedow bằng iốt phóng xạ cũng có những biến chứng của nó. Tất cả những biến chứng như viêm tuyến giáp do bức xạ, cơn cường giáp kịch phát, suy giáp... đều có thể tránh được nếu như người bệnh được chuẩn bị tốt trước khi điều trị hoặc được tính toán liều lượng I-131 chính xác. Hiện nay ở nước ta chưa gặp một trường hợp nào bị cường giáp kịch phát hay viêm tuyến giáp sau điều trị I-131.

Song một vấn đề luôn làm nhiều người lo lắng, kể cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và thậm chí cả các cán bộ y tế là sau  điều trị bệnh cường giáp trạng và bệnh Bascdow bằng I-131 có gây ra ung thư (như ung thư tuyến giáp, ung thư máu...) và các đột biến di truyền hay không?. Để giải đáp câu hỏi này, cho đến nay đã có hàng loạt các công trình nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu ở hầu hết các quốc gia đã từng sử dụng I-131 để điều trị bệnh cường giáp trạng nói riêng và một số bệnh tuyến giáp khác nói chung.

Nhiều công trình nghiên cứu đã tiến hành so sánh tỷ lệ ung thư cũng như khả năng xuất hiện các đột biến di truyền ở cả 3 nhóm bệnh nhân Basedow và cường giáp trạng sau điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp (điều trị nội khoa), phẫu thuật và bằng I-131. Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy: không có bất kỳ bằng chứng nào để khẳng định với liều điều trị I-131 cho các bệnh nhân cường giáp lại có thể gây ra bệnh bạch cầu. Khi so sánh về tỉ lệ ung thư máu giữa điều trị bằng I-131 và điều trị phẫu thuật cho các bệnh nhân cường giáp trạng, nhiều tác giả nhận thấy không có sự khác biệt về về tỉ lệ ung thư máu giữa hai phương pháp điều trị nói trên. Nói cách khác, những bệnh nhân Basedow và cường giáp được điều trị bằng I-131 và bằng phẫu thuật thì có tỉ lệ ung thư máu là tương đương nhau.

Người ta đã rút ra kết luận là với liều điều trị I-131 cho bệnh nhân cường giáp trạng sẽ không làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.

Để đánh giá nguy cơ và các tổn thương về di truyền do sử dụng các đồng vị phóng xạ trong điều trị bệnh, người ta thường đánh giá trên những đối tượng trong lứa tuổi sinh đẻ. Việc đánh giá này ở nữ thường dễ và thuận lợi hơn là ở nam giới.

Hàng loạt các công trình nghiên cứu cho thấy là các bệnh nhân bị cường giáp trạng đã được điều trị bằng I-131 có tỉ lệ sinh con bị dị tật bẩm sinh tương đương vớinhững người không được điều trị bằng I-131 (tỷ lệ này là khoảng 4 %).

Như vậy, với một tỉ lệ khuyết tật bẩm sinh thấp và tương đương như trong cộng đồng dân chúng thì chúng ta có thể nói rằng việc điều trị I-131 cho các bệnh nhân cường giáp trạng là an toàn về mặt di truyền. Cho đến nay người ta không chứng minh được tác hại của nó với các thế hệ con cái được đẻ ra từ những người cha, người mẹ bị cường giáp đã từng được điều trị bằng I-131.

Khuyến cáo:

"Điều trị bệnh cường giáp trạng và bệnh Basedow bằng I-131 là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, kinh tế, dễ thực hiện. Đây là phương pháp đáng được lựa chọn trong các phương pháp điều trị bệnh Basedow và cường giáp trạng hiện nay".

Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
CÔNG NGHỆ CAO - DIỆT GỌN U LÀNH TUYẾN GIÁP KHÔNG MỔ - KHÔNG ĐAU - KHÔNG SẸO. CÔNG NGHỆ CAO - DIỆT GỌN U LÀNH TUYẾN GIÁP KHÔNG MỔ - KHÔNG ĐAU - KHÔNG SẸO. 08:57
CÔNG NGHỆ CAO - DIỆT GỌN U LÀNH TUYẾN GIÁP KHÔNG MỔ - KHÔNG ĐAU - KHÔNG SẸO.
Đối với một bệnh nhân lớn tuổi, việc có khối u tuyến giáp chèn ép gây đau là rất khó chịu, nhưng việc can thiệp phẫu thuật vào khối u lại gây đau...
 2 năm trước
 658 Lượt xem
U TUYẾN GIÁP SƯNG LỒI VÙNG CỔ - LOẠI BỎ KHÔNG CẦN MỔ VỚI ĐỘT PHÁ CÔNG NGHỆ MỚI U TUYẾN GIÁP SƯNG LỒI VÙNG CỔ - LOẠI BỎ KHÔNG CẦN MỔ VỚI ĐỘT PHÁ CÔNG NGHỆ MỚI 08:59
U TUYẾN GIÁP SƯNG LỒI VÙNG CỔ - LOẠI BỎ KHÔNG CẦN MỔ VỚI ĐỘT PHÁ CÔNG NGHỆ MỚI
Đối với chị em phụ nữ, có khối u lành tuyến giáp luôn gây nên nỗi băn khoăn và khó chịu. Nếu không loại bỏ thì vùng cổ bị sưng lồi mất thẩm mỹ, có...
 2 năm trước
 640 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây