1

Giẫm vào tổ ong vò vẽ, người đàn ông bị đốt 239 nốt nguy kịch - Bệnh viện Bạch Mai

Ca bệnh 

BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân bị 239 nốt ong vò vẽ đốt. Trong khi với loại ong này, chỉ hơn 10 nốt đốt trở lên đã nặng. BS Nguyên cũng đưa ra hướng dẫn xử lý khi bị ong, côn trùng đốt và mức độ nào sẽ phải đưa đến viện.

Trước đó, ngày 7/9, ông L.V.N (50 tuổi, Tam Dương, Vĩnh Phúc) được gia đình đưa đến BV huyện, rồi chuyển lên BV tỉnh Vĩnh Phúc trong tình trạng hàng trăm vết ong đốt trên cơ thể. Đến 22 giờ đêm cùng ngày, bệnh nhân bắt đầu sốt và được chuyển đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) khoảng 2h sáng ngày 8/9.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân hôn mê, đã được BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đặt ống thở.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ở ngay cây gần nhà có tổ ong vò vẽ làm ở độ cao tầm 10m. Gần trưa ngày 7/9, ông N. quyết định lấy tổ ong nên ngồi ở chạng 3 của câu để cưa cành nơi ong làm tổ. Khi cành cây có tổ ong rơi xuống đất, đầu tiên chỉ 1 – 2 con bay ra đốt.

Bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê bởi bị hơn 200 nốt ong đốt.

Ông N. từ trên cây tụt xuống đất, luống cuống giẫm ngay phải tổ ong. Cứ thế, hàng trăm con ong túa ra bâu kín ông N. và đốt, gia đình nhìn thấy tìm đủ mọi cách để ngăn cản. Sau khi bị ong đốt, ông N. đau nhưng vẫn tỉnh táo.

BS Nguyên cho biết, hiện tại bệnh nhân bị tổn thương suy thận, tổn thương cơ, tổn thương máu và tụt huyết áp. Các bác sĩ đang áp dụng nhiều biện pháp điều trị tích cực như thở máy, lọc máu và dùng thuốc trợ tim mạch.

“Tuy nhiên đây là ca bệnh rất nặng, bởi đến 239 nốt đốt. Trong khi với ong vò vẽ nọc độc nguy hiểm, chỉ trên 10 nốt đốt đã nặng nề. Bệnh nhân cần theo dõi diễn tiến bệnh nhưng tiên lượng rất khó, nguy cơ tử vong cao”, BS Nguyên nói.

BS cũng cảnh báo, thời điểm ong hay đốt nhất là cuối hè, sang thu. Các ca bệnh nhập viện đa phần là vô tình bị ong đốt khi đi rừng, va phải tổ ong không quan sát.

Dưới 10 nốt ong đốt – xử lý tại nhà như thế nào?

BS Nguyên cho biết, dị ứng với nọc độc của ong là một trong những nguyên nhân gây tử vong quan trọng ở những bệnh nhân nhạy cảm với nọc độc của ong. Đa số bệnh nhân không có cơ địa dị ứng có phản ứng dị ứng với nọc độc khi ong đốt, các phản ứng này thường nhẹ như ban đỏ, sẩn phù hay đau tại vị trí bị đốt.

Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân quá mẫn với nọc độc ong sẽ gây ra các phản ứng toàn thân khi bị ong đốt như sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là ở những bệnh nhân có nhiều nốt ong đốt.

Khi không may bị ong đốt gây dị ứng ở mức độ 1, với ít nốt đốt (dưới 10 nốt đốt), bệnh nhân có thể tự xử lý tại nhà bằng cách bôi các thuốc chống dị ứng ngoài da.

Còn trên 10 nốt đốt, nhất thiết phải đến viện. Ngay cả khi theo dõi tại nhà với ít nốt đốt mà bệnh nhân xuất hiện phù mạch hoặc mày đay toàn thân đã là phản ứng nặng cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Ong đốt còn gây co thắt phế quản và mức độ 4 nguy hiểm nhất gây sốc phản vệ và tổn thương nhiều cơ quan.

Xử lý vết ong, côn trùng đốt

  • Khi bị côn trùng đốt (kể cả ong, kiến ba khoang), đầu tiên cần rửa sạch vết đốt bằng cồn.
  • Nếu không rửa sạch lại bôi thuốc ngay, chất thải này thường có ấu trùng nó sẽ di chuyển, bò đến vết đốt, chui qua đó vào máu và gây sốt. Đó là lý do bệnh nhân kiến ba khoang đốt, thậm chí kiến thường đốt với số lượng vết đốt lớn có thể bị sốt.
  • Bước hai, hãy bôi thuốc corticoid ngày từ 4 – 6 lần và bôi mỡ Phenaegan ngày từ 8 – 10 lần xen kẽ nhau.
  • Khi bôi phải miết mạnh ở vùng bị đốt đến khi nào thuốc khô thì sự thẩm thấu của thuốc sẽ tốt hơn, sẽ giảm triệu chứng ngứa, đau và giảm nguy cơ gây viêm.

Nguồn tham khảo: Bệnh viện Bạch Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây