1

Dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến giáp - Bệnh viện K

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ung thư tuyến giáp chỉ chiếm 1-2%  trong tất cả các loại ung thư nhưng chiếm đến 90% ung thư của các tuyến nội tiết. Theo GLOBOCAN 2008, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 9 trong số các loại ung thư ở nữ giới với khoảng hơn 160.000 ca mới mắc hàng năm, đứng hàng thứ 20 trong số các loại ung thư ở nam giới với gần 50.000 ca mới mắc hàng năm và đứng hàng thứ 17 chung cho cả 2 giới. Tỉ lệ mắc khoảng 3/100.000 dân ở cả hai giới và tỷ lệ nam/nữ là 1/3. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao.

Về phân loại mô bệnh học có thể chia làm hai nhóm khác nhau về lâm sàng, phương pháp điều trị và tiên lượng, đó là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tiến triển chậm, bệnh nhân thường đến viện ở giai đoạn chưa di căn xa, u tại chỗ và hạch di căn còn có thể cắt bỏ được và tiên lượng tốt. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa tiến triển nhanh, bệnh nhân thường đến viện khi u và hạch đã xâm lấn rộng, không cắt bỏ được, di căn xa sớm và tiên lượng xấu.

Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp là một trong những dạng ung thư dễ chữa trị thành công nhất, cơ hội sống trên 5 năm cho các bệnh nhân là gần 100%.

Các nguyên nhân gây bệnh

  • Bệnh nhân được điều trị tia xạ lúc bé, khi có u đơn nhân giáp trạng dễ nghi ngờ ung thư.
  • Bệnh nhân sống gần biển, nơi có đủ Iod trong thực phẩm, khi có u đơn nhân giáp trạng dễ bị ung thư hơn so với những nơi thiếu Iod.
  • Bệnh nhân có u đơn nhân hoặc đa nhân giáp trạng.

Dấu hiệu nhận biết

Khối u ở cổ

Đàn ông thường phát hiện khối u khi cạo râu, còn phụ nữ có thể nhận ra sự thay đổi ở cổ khi trang điểm. Nếu phát hiện có một khối u lớn ở trước cổ, dưới yết hầu, bạn hãy theo dõi hoạt động của nó. Khoảng 90% nhân giáp là lành tính.

Thông thường, khối u lành tính sẽ di chuyển lên xuống khi nuốt, trong khi đó hầu hết các khối u ác tính không di chuyển khi nuốt.

Bị khàn giọng

Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhưng lại hay bị nhầm lẫn của ung thư tuyến giáp là giọng nói khàn. Bởi các dây thần kinh thanh quản kiểm soát các cơ mở và đóng dây thanh âm, nằm ngay phía sau tuyến giáp.

Trong những trường hợp hiếm, khối u, cụ thể là khối u ung thư có thể lan rộng ra ngoài tuyến giáp làm tổn thương dây thần kinh này và ảnh hưởng tới hộp thanh âm.

Xuất hiện u giáp trạng:

U có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.

Xuất hiện hạch vùng cổ:

Hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.

Triệu chứng muộn

  • Khối u to, rắn, cố định trước cổ.
  • Khàn tiếng, có thể khó thở.
  • Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép.
  • Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.
  • Siêu âm có thể nhận biết ung thư tuyến giáp.

Nếu nhận thấy những bất thường của cơ thể khi xuất hiện những triệu chứng trên bạn hãy đến ngay cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, mỗi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe của mình.

Bệnh viện K đã triển khai các gói khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư tuyến giáp vớicác phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm vùng cổ, chụp X – Quang, CT scan và MRI vùng cổ, chẩn đoán tế bào học (chọc hút kim nhỏ FNA)..... từ đó: 

  • Xác định khối u ở cổ được phát sinh từ tuyến giáp hoặc một cấu trúc lân cận.
  • Phân tích sự xuất hiện của các nhân giáp và xác định xem chúng là những nốt lành tính hay ác tính.
  • Tìm thêm nếu có những nốt khác ở tuyến giáp với những bệnh nhân có u hoặc nốt sần ở tuyến giáp được nhìn thấy, cảm nhận thấy khi khám lâm sàng.
  • Theo dõi xem u tuyến giáp có phát triển theo thời gian hay không. 

Bệnh viện K là cơ sở chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phòng chống và điều trị ung thư. Với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, hệ thống trang thiết bị hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến mới và đặc biệt là chi phí hợp lí bạn đọc hãy đến để được tư vấn, thăm khám nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong tầm soát ung thư.

Nguồn tham khảo: Bệnh viện K

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây