Có thể lây nhiễm vi khuẩn liên cầu qua vết xước trên da - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó khoa Cấp cứu - điều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới quốc gia) cho biết, khi người tiếp xúc với lợn mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh cũng có thể bị lây nhiễm bệnh qua vết xước trên da hoặc qua ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về dịch bệnh mới đây, TS Nguyễn Huy Nga - Thành viên ban chỉ đạo cho hay, hiện chưa có bằng chứng về sự xuất hiện của các bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn liên quan đến dịch lợn tai xanh, nhưng có thể khẳng định bệnh có liên quan vấn đề sử dụng thực phẩm không đảm bảo ATVSTP. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, do lợn mắc bệnh tai xanh bị suy giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho vi khuẩn liên cầu tấn công, gây bệnh cho lợn và truyền sang người.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó khoa Cấp cứu - điều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới quốc gia) cho biết, thông thường vi khuẩn liên cầu lợn vẫn khu trú trong họng lợn và chỉ phát bệnh khi lợn bị suy giảm sức đề kháng.
Khi người tiếp xúc với lợn mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh cũng có thể bị lây nhiễm bệnh qua vết xước trên da hoặc qua ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ.
Theo TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện BNĐQG, bệnh thường gặp ở các thể viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Có những trường hợp mắc một lúc hai thể. Thể nhiễm trùng huyết khá nặng và phát bệnh sau khoảng hai tới ba ngày sau khi tiếp xúc hoặc ăn phải thịt lợn chưa nấu chín. Biện pháp tốt nhất là ăn chín, uống sôi, không tiếp xúc, sử dụng lợn mắc bệnh, nhất là các địa phương đang có dịch lợn tai xanh.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn