1

Ung Thư Đại Trực Tràng

Ung thư đại trực tràng là gì?

Ung thư đại trực tràng là một loại ung thư phát sinh ở đại tràng hoặc trực tràng. Cả hai cơ quan này đều nằm ở phần dưới của hệ tiêu hóa. Đại tràng còn được gọi là ruột già. Trực tràng là phần nằm ở cuối đại tràng.

Ung thư đại trực tràng được chia thành 4 giai đoạn. Bằng cách xác định mức độ nghiêm trọng và phạm vi lây lan của ung thư trong cơ thể, bác sĩ sẽ biết được giai đoạn bệnh và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất cũng như là tiên lượng cho từng trường hợp.

Giai đoạn 1 là giai đoạn đầu tiên của ung thư đại trực tràng và giai đoạn 4 là giai đoạn cuối, cũng giai đoạn mà bệnh đã tiến triển nặng nhất. Dưới đây là quá trình phát triển của ung thư đại trực tràng qua từng giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Tế bào ung thư mới chỉ hình thành ở niêm mạc (lớp lót bề mặt bên trong) của đại tràng hoặc trực tràng và chưa xâm lấn vào các lớp bên trong.
  • Giai đoạn 2: Ung thư đã xâm lấn vào lớp bên trong của thành đại tràng hoặc trực tràng nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các mô lân cận.
  • Giai đoạn 3: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết xung quanh nhưng chưa di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Ở giai đoạn này, tế bào ung thư thường lan sang từ 1 đến 3 hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn sang các cơ quan ở xa trong cơ thể, chẳng hạn như gan hoặc phổi.

Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng

Giai đoạn đầu

Ở giai đoạn đầu, ung thư đại trực tràng thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào nhưng nếu có thì các triệu chứng sớm thường là:

  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Thay đổi về màu sắc của phân
  • Hình dạng phân bất thường, chẳng hạn như hẹp và mỏng hơn bình thường
  • Lẫn máu trong phân
  • Chảy máu từ trực tràng
  • Trướng bụng
  • Chuột rút bụng
  • Đau bụng

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì cần đến bệnh viện khám tầm soát ung thư càng sớm càng tốt.

Giai đoạn 3 và 4 (giai đoạn muộn)

Khi tiến triển sang các giai đoạn sau, ung thư đại trực tràng sẽ bộc lộ các triệu chứng rõ rệt hơn. Ngoài các triệu chứng kể trên, người bệnh sẽ còn gặp phải các hiện tượng như:

  • Người mệt mỏi, kiệt sức mà không rõ nguyên do
  • Sụt cân không chủ đích
  • Phân có sự thay đổi bất thường, kéo dài quá một tháng liên tiếp
  • Cảm giác đi ngoài không hết
  • Nôn mửa

Nếu ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể thì sẽ còn có các dấu hiệu như:

  • Vàng da (tròng trắng mắt và da chuyển màu vàng)
  • Sưng phù ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Khó thở
  • Nhức đầu dai dẳng
  • Nhìn mờ
  • Giòn xương

Các loại ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng được chia thành các loại khác nhau dựa trên loại tế bào bị ung thư cũng như nơi mà chúng hình thành.

Loại ung thư đại trực tràng phổ biến là ung thư biểu mô tuyến. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư biểu mô tuyến chiếm đến 96% tổng số trường hợp ung thư đại trực tràng. Ung thư biểu mô tuyến bắt đầu hình thành trong các tế bào có nhiệm vụ sản sinh chất nhầy ở đại tràng hoặc trực tràng.

Ung thư đại trực tràng còn có thể là do các loại khối u khác hiếm gặp hơn gây ra, chẳng hạn như:

  • U lympho, hình thành trong các hạch bạch huyết hoặc trong đại tràng
  • U carcinoid, hình thành trong các tế bào sản sinh hormone bên trong ruột
  • U sarcomas, hình thành trong các mô mềm ví dụ như mô cơ ở đại tràng
  • Các khối u mô đệm đường tiêu hóa, ban đầu thường là khối u lành tính và sau đó mới trở thành u ác tính (ung thư). Các khối u này hiếm khi bắt đầu hình thành trong ruột già.

Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang tiếp tục tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây ung thư đại trực tràng nhưng có nhiều yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ phát triển loại ung thư này.

Tăng trưởng mô tiền ung thư

Khi mô tăng trưởng bất thường ở niêm mạc đại tràng, chúng sẽ tạo thành polyp. Đây là các khối nhỏ giống như khối u nhưng lành tính. Phẫu thuật cắt bỏ những khối polyp này là một phương pháp phòng ngừa ung thư phổ biến. Nếu không được xử lý, polyp có thể trở thành ung thư.

Đột biến gen

Đôi khi ung thư đại trực tràng di truyền trong gia đình do đột biến gen được truyền từ cha mẹ sang con. Mặc dù khi mang đột biến gen này cũng chưa chắc bạn sẽ bị ung thư nhưng nguy cơ sẽ cao hơn người bình thường.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng gồm có:

  • Tuổi cao: Ung thư đại trực tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phần lớn những người được chẩn đoán mắc loại ung thư này đều ngoài 50 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ ung thư đại trực tràng ở những người dưới 50 tuổi hiện đang gia tăng.
  • Tiền sử cá nhân bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng: Nếu bạn đã từng bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng (không phải ung thư) thì sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn trong tương lai.
  • Bị bệnh viêm ruột: Các bệnh viêm ruột mãn tính như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
  • Các hội chứng di truyền: Một số đột biến gen di truyền có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng phổ biến nhất là hội chứng đa polyp tuyến có tính gia đình (FAP) và hội chứng Lynch, hay còn được gọi là ung thư đại trực tràng không do polyp di truyền (HNPCC).
  • Tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng: Nếu có người thân ruột thịt trong gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng thì bạn cũng có nguy cơ bị bệnh này. Nếu có nhiều hơn một thành viên gia đình bị ung thư đại tràng hoặc ung thư trực tràng thì nguy cơ sẽ càng cao hơn.
  • Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo: Nguy cơ ung thư đại tràng và ung thư trực tràng thường tăng cao ở những người có chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo và calo. Ngoài ra, nguy cơ còn tăng ở những người có chế độ ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
  • Lối sống ít vận động: Những người không thường hay hoạt động sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn những người vận động thể chất thường xuyên.
  • Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn người khỏe mạnh.
  • Béo phì: Người béo phì có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và tử vong do ung thư cao hơn khi so sánh với những người có cân nặng bình thường.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Rượu: Lạm dụng rượu làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Xạ trị ung thư: Việc trước đây từng xạ trị vùng bụng để điều trị một bệnh ung thư khác cũng làm gia tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Chẩn đoán ung thư đại trực tràng bằng cách nào?

Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư đại trực tràng càng được chẩn đoán sớm thì càng có thể bắt đầu điều trị sớm và cơ hội chữa khỏi sẽ càng cao.

Thăm khám lâm sàng và lấy bệnh sử

Bác sĩ sẽ bắt đầu lấy thông tin về bệnh sử cá nhân, tiền sử mắc bệnh trong gia đình và tiến hành các biện pháp thăm khám lâm sàng, ví dụ như sờ nắn vùng bụng và ấn lên vùng trực tràng ở bên dưới cơ thể để xác định sự hiện diện của khối u hoặc polyp.

Xét nghiệm máu

Cần xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Mặc dù không có xét nghiệm máu nào có thể phát hiện ung thư đại trực tràng nhưng xét nghiệm chức năng ganxét nghiệm công thức máu toàn phần sẽ giúp loại trừ các bệnh lý và vấn đề khác.

Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là phương pháp dùng ống nội soi đưa vào bên trong đại tràng và trực tràng để kiểm tra các dấu hiệu bất thường.

Kỹ thuật này còn được sử dụng để lấy mẫu mô từ các vùng bất thường. Sau đó, mẫu mô được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Đây được gọi là phương pháp sinh thiết nội soi.

Chụp X-quang

Có thể sẽ còn phải chụp X-quang có cản quang để phát hiện ung thư. Bác sĩ sẽ bơm dung dịch cản quang có chứa barium vào đại tràng và tiến hành chụp X-quang. Dung dịch này sẽ bao phủ lên niêm mạc đại tràng và cho ra ảnh chụp X-quang rõ nét hơn so với phương pháp chụp X-quang thông thường.

Chụp CT đại tràng

Chụp cắt lớp vi tính hay chụp CT là phương pháp cung cấp hình ảnh chi tiết của đại tràng. Khi được sử dụng trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng, phương pháp này còn được gọi là nội soi đại tràng ảo. Chụp CT là một lựa chọn thay thế cho phương pháp nội soi đại tràng dành cho những người không thể gây mê hoặc những người bị tắc nghẽn trong đại tràng và không thể kiểm tra bằng phương pháp nội soi.

Soi đại tràng sigma

Soi đại tràng sigma là phương pháp sử dụng ống nội soi đưa vào phần dưới của đại tràng để kiểm tra polyp, khối u và các dấu hiệu bất thường khác. Trong quy trình này, bác sĩ có thể loại bỏ polyp hoặc mô để kiểm tra thêm. Với phương pháp soi đại tràng sigma thì không thể kiểm tra phần trên của đại tràng, đại tràng lên và đại tràng ngang. Phương phap soi đại tràng sigma còn được sử dụng để loại bỏ polyp và ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Nếu phát hiện polyp hoặc ung thư khi tiến hành phương pháp này thì cần nội soi đại tràng để kiểm tra toàn bộ đại tràng.

Xét nghiệm phân

Xét nghiệm guaiac tìm máu ẩn trong phân (gFOBT): sử dụng giấy bìa có tẩm guaiac (một chất chiết xuất thực vật) để phát hiện máu trong phân. Phương pháp này được thực hiện mỗi năm một lần. Đầu tiên, bạn sẽ được phát bộ thử và về nhà dùng que lấy một lượng nhỏ phân đặt lên vị trí quy định trên tấm giấy bìa. Sau đó, mang nộp lại để gửi đến phòng thí nghiệm phân tích và kiểm tra sự hiện diện của máu.

Xét nghiệm hóa miễn dịch tìm máu trong phân (FIT): sử dụng kháng thể để phát hiện máu trong phân. Phương pháp này cũng được thực hiện mỗi năm một lần theo cách tương tự như gFOBT.

Polyp và ung thư không gây chảy máu liên tục, do đó mỗi lần xét nghiệm cần lấy mẫu phân của những lần đại tiện khác nhau. Kể cả khi xét nghiệm cho kết quả dương tính, có nghĩa là tìm thấy máu trong phân, thì cũng có thể là do các nguyên nhân khác ngoài polyp đại tràng hoặc ung thư, ví dụ như xuất huyết dạ dày hoặc xuất huyết đường tiêu hóa nên sẽ cần đến các phương pháp khác nữa.

Xét nghiệm tìm DNA trong phân: Phương pháp xét nghiệm này phân tích mẫu phân để phát hiện DNA bị biến đổi – một dấu hiệu chỉ ra polyp hoặc ung thư. Phương pháp này được thực hiện từ 1 – 3 năm một lần.

Chụp đối quang kép (DCBE)

Đối với những người không thể nội soi thì sẽ cần tiến hành phương pháp này. Trong đó, người bệnh uống một loại dung dịch có chứa bari để làm cho đại tràng và trực tràng nổi bật trên ảnh X-quang. Sau đó tiến hành chụp X-quang đại tràng. Nói chung, phương pháp này cho hiệu quả phát hiện polyp tiền ung thư kém hơn so với nội soi, soi đại tràng sigma hoặc chụp CT.

Những ai cần khám sàng lọc?

Những người có nguy cơ trung bình

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị những người bình thường, có nghĩa là không có các yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng nên bắt đầu khám sàng lọc định kỳ từ tuổi 45. Quy trình khám sàng lọc thường gồm có bước xét nghiệm tìm dấu hiệu ung thư có trong phân (xét nghiệm phân) hoặc nội soi quan sát bên trong đại tràng và trực tràng.

Những người có sức khỏe tốt và dự kiến sống thêm được trên 10 năm nên tiếp tục sàng lọc ung thư đại trực tràng định kỳ cho đến năm 75 tuổi.

Đối với những người từ 76 đến 85 tuổi, quyết định tiếp tục khám sàng lọc sẽ tùy vào nhu cầu, tuổi thọ dự kiến, tình trạng sức khỏe tổng thể của mỗi người và tiền sử các lần sàng lọc trước đó.

Những người trên 85 tuổi không cần phải sàng lọc ung thư đại trực tràng nữa.

Những người thuộc nhóm nguy cơ trung bình là những người KHÔNG:

  • Có tiền sử cá nhân bị ung thư đại trực tràng hoặc một số loại polyp
  • Có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng
  • Có tiền sử cá nhân mắc bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn)
  • Mắc một hội chứng đại trực tràng di truyền, ví dụ như đa polyp tuyến gia đình (FAP) hoặc hội chứng Lynch (ung thư đại trực tràng không phải do polyp di truyền)
  • Từng xạ trị vùng bụng hoặc vùng chậu để điều trị bệnh ung thư trước đây

Đối với những người có nguy cơ cao

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng nên bắt đầu sàng lọc trước 45 tuổi với tần suất khám thường xuyên hơn và sẽ cần làm một số xét nghiệm cụ thể. Nhóm có nguy cơ cao là những người:

  • Có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc một số loại polyp nhất định (xem Yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng)
  • Có tiền sử cá nhân mắc ung thư đại trực tràng hoặc một số loại polyp
  • Có tiền sử cá nhân mắc bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn)
  • Tiền sử gia đình mắc một hội chứng đại trực tràng di truyền như hội chứng đa polyp tuyến gia đình hoặc hội chứng Lynch hay ung thư đại trực tràng không phải do polyp di truyền
  • Từng xạ trị vùng bụng hoặc vùng chậu để điều trị một bệnh ung thư khác trước đây

Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng

Phác đồ điều trị ung thư đại trực tràng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh và giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán nhưng chủ yếu gồm có các phương pháp dưới đây.

Phẫu thuật

Ung thư giai đoạn đầu

Nếu ung thư mới chỉ ở giai đoạn đầu và khối u nhỏ thì sẽ chỉ cần điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu như:

  • Loại bỏ khối u trong quá trình nội soi đại tràng: Nếu khối u nhỏ, khu trú thì có thể loại bỏ hoàn toàn trong quá trình nội soi đại tràng.
  • Cắt bỏ niêm mạc nội soi: Nếu khối u lớn hơn thì cũng có thể loại bỏ trong quá trình nội soi đại tràng. Trong đó bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ đặc biệt để loại bỏ khối u cùng với một vùng niêm mạc bên trong của đại tràng.
  • Phẫu thuật nội soi: Nếu như không thể loại bỏ được khối u trong khi nội soi đại tràng thì có thể loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ rạch một vài đường nhỏ trên thành bụng, đưa ống nội soi vào. Ống này có gắn camera hiển thị hình ảnh bên trong đại tràng trên màn hình. Sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng như forcep, kéo, phẫu tích… để loại bỏ khối u. Bác sĩ có thể còn lấy mẫu từ các hạch bạch huyết ở vùng có khối u để làm xét nghiệm thêm.

Ung thư đại tràng giai đoạn sau

Nếu ung thư đã phát triển vào hoặc xuyên qua thành đại tràng thì bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phẫu thuật sau:

  • Cắt một phần đại tràng: Trong quy trình này, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần đại tràng có khối u, cùng với một phần mô bình thường ở xung quanh. Sau đó nối các phần khỏe mạnh của đại tràng hoặc trực tràng lại với nhau. Quy trình phẫu thuật này thường được thực hiện bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu (nội soi ổ bụng).
  • Phẫu thuật tạo hậu môn nhân tạo: Khi không thể nối các phần khỏe mạnh của đại tràng hoặc trực tràng thì sẽ cần tiến hành thủ thuật tạo hậu môn nhân tạo. Đây là thủ thuật tạo một lỗ mở thông ra da trên thành bụng từ phần ruột còn lại để đưa chất thải ra ngoài và đựng trong túi gắn ở lỗ mở.
    Đôi khi lỗ mở này chỉ là tạm thời để đại tràng hoặc trực tràng có thời gian lành lại sau phẫu thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lỗ mở này có thể được sử dụng lâu dài hoặc vĩnh viễn.
  • Loại bỏ hạch bạch huyết: Các hạch bạch huyết xung quanh vị trí bị ung thư cũng thường được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật ung thư đại tràng và xét nghiệm ung thư.

Ung thư giai đoạn cuối

Nếu ung thư đã phát triển đến giai đoạn cuối, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật để làm giảm tắc nghẽn đại tràng và cải thiện các triệu chứng khác. Lúc này, phẫu thuật không thể chữa khỏi ung thư được nữa mà chỉ có thể làm giảm các triệu chứng, chẳng hạn như tắc nghẽn, chảy máu hoặc đau.

Trong những trường hợp mà ung thư di căn đến gan hoặc phổi nhưng sức khỏe tổng thể vẫn tốt thì bác sĩ cũng sẽ đề xuất phẫu thuật để loại bỏ khối u. Người bệnh thường cần tiến hành hóa trị trước hoặc sau phẫu thuật. Điều này giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị điều trị ung thư đại trực tràng thường được thực hiện sau phẫu thuật nếu có khối u lớn hoặc đã lan sang các hạch bạch huyết nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể và giảm nguy cơ ung thư tái phát. Phương pháp này còn kiểm soát sự phát triển của khối u.

Hóa trị cũng có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối ung thư lớn và giúp việc loại bỏ dễ dàng hơn trong khi phẫu thuật.

Hóa trị cũng là một giải pháp để làm giảm các triệu chứng ung thư đại tràng cho những trường hợp không thể loại bỏ khối u bằng cách phẫu thuật hoặc tế bào ung thư đã lan sang các vị trí khác của cơ thể. Hóa trị thường được kết hợp với xạ trị.

Mặc dù hóa trị liệu có thể làm giảm các triệu chứng ung thư ở giai đoạn cuối nhưng lại thường đi kèm với các tác dụng phụ và cần dùng thêm các loại thuốc khác để khắc phục.

Tác dụng phụ của hóa trị

Hóa trị có thể khiến người bệnh bị buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, vấn đề về thần kinh, châm chích, tê ở bàn chân, bàn tay hoặc loét miệng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị mệt mỏi bất thường và có nguy cơ nhiễm trùng cao. Rụng tóc cũng là một tác dụng phụ của nhiều loại thuốc dùng để điều trị ung thư. Tuy nhiên, hiện nay đã có các loại thuốc để ngăn chặn các tác dụng phụ này. Hơn nữa, nhờ những điều chỉnh trong cách dùng thuốc mà những tác dụng phụ của thuốc hóa trị đã đỡ nghiêm trọng hơn so với trước đây. Nếu tác dụng phụ quá nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ giảm liều thuốc hoặc tạm hoãn điều trị.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị bằng chùm tia phóng xạ mạnh nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Đối với ung thư trực tràng, xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật và kết hợp cùng với hóa trị để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra, xạ trị và hóa trị cũng có thể được tiến hành trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước các khối u lớn, giúp việc loại bỏ trong khi phẫu thuật được dễ dàng hơn. Với các trường hợp ung thư trực tràng giai đoạn cuối, xạ trị có thể được sử dụng để thu nhỏ khối u gây ra các triệu chứng tắc ruột, xuất huyết và đau.

Có hai liệu pháp xạ trị là xạ trị bên ngoài, có nghĩa là chùm tia được đưa vào cơ thể từ một thiết bị ở bên ngoài, và xạ trị bên trong (cận xạ trị hay xạ trị áp sát). Với phương pháp xạ trị áp sát, bác sĩ sẽ cấy vật liệu phóng xạ vào gần vị trí khối u trong cơ thể.

Xạ trị thường đi kèm với các tác dụng phụ như khiến người mệt mỏi, phản ứng trên da, đau dạ dày và đi ngoài phân lỏng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sẽ gặp hiện tượng đi ngoài ra máu do xuất huyết. Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ biến mất ngay sau khi quá trình điều trị kết thúc.

Dùng thuốc

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là một phương pháp điều trị nhắm vào các gen, protein cụ thể của tế bào ung thư hoặc môi trường mô góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển và tồn tại của tế bào ung thư. Phương pháp điều trị này ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư đồng thời hạn chế tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh.

Đối với ung thư đại trực tràng thì thường được điều trị bằng các loại thuốc nhắm trúng đích sau:

Thuốc chống tạo mạch: Thuốc chống tạo mạch là những loại thuốc có tác dụng ngăn cản sự hình thành mạch máu mới. Vì khối u cần các mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng để phát triển và lan rộng nên các loại thuốc này sẽ khiến cho khối u bị “bỏ đói” và chết đi. Một số loại thuốc chống tạo mạch phổ biến gồm có:

  • Bevacizumab (Avastin): Khi được dùng kết hợp với hóa trị liệu, bevacizumab có tác dụng kéo dài sự sống cho những người mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối. Vào năm 2004, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã phê duyệt bevacizumab cùng với hóa trị liệu là phương pháp điều trị bước đầu cho những trường hợp ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối. Có 2 loại thuốc tương tự như bevacizumab là bevacizumab-awwb (Mvasi) và bevacizumab-bvzr (Zirabev), cả hai đều đã được FDA chấp thuận để điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối.
  • Regorafenib (Stivarga): Thuốc này được sử dụng để điều trị cho những người bị ung thư đại trực tràng di căn, những người đã dùng một số loại thuốc hóa trị và các loại thuốc nhắm trúng đích khác nhưng không hiệu quả.
  • Ziv-aflibercept (Zaltrap) và ramucirumab (Cyramza): Cả hai loại thuốc này đều có thể được kết hợp với hóa trị phác đồ FOLFIRI để điều trị bước hai cho bệnh ung thư đại trực tràng di căn.

Thuốc ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô (EGFR): Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các loại thuốc ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của ung thư đại trực tràng. Nhóm thuốc này gồm có:

  • Cetuximab (Erbitux): Cetuximab là một kháng thể đơn dòng được tạo ra từ các tế bào của chuột.
  • Panitumumab (Vectibix): Panitumumab được tạo ra hoàn toàn từ protein của con người nên ít có khả năng gây ra phản ứng dị ứng hơn cetuximab.

Thuốc nhắm trúng đích thường được kết hợp với hóa trị liệu và dành cho những người bị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là những loại thuốc sử dụng chính hệ miễn dịch cơ thể để chống lại ung thư. Các tế bào ung thư có khả năng tạo ra các protein khiến cho tế bào miễn dịch không thể nhận ra và tấn công chúng. Các loại thuốc miễn dịch phát huy tác dụng điều trị bệnh bằng cách can thiệp vào quá trình sản sinh các protein này của tế bào ung thư.

Liệu pháp miễn dịch thường được dành riêng cho các trường hợp ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Bác sĩ sẽ kiểm tra các tế bào ung thư để xem chúng có đáp ứng với phương pháp điều trị này hay không.

Vào tháng 9 năm 2012, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cho phép đưa thuốc regorafenib (Stivarga) vào điều trị ung thư đại trực tràng di căn hay giai đoạn cuối cho các trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Thuốc này hoạt động với cơ chế ngăn cản các enzyme thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư.

Tiên lượng bệnh

Việc bị chẩn đoán bất kỳ loại ung thư nào cũng là điều rất đáng sợ nhưng trên thực tế, ung thư đại trực tràng là loại ung thư có thể điều trị được, đặc biệt là khi được phát hiện sớm.

Đến nay các phương pháp điều trị cũng đã có nhiều bước tiến lớn và có thể kiểm soát được cả các trường hợp mà ung thư đã tiến triển sang giai đoạn muộn. Theo Trung tâm y khoa khu vực tây nam thuộc đại học Texas (Hoa Kỳ), hiện nay, người mắc ung thư đại tràng giai đoạn cuối có thể sống thêm khoảng 30 tháng trong khi vào những năm 1990 thì con số này chỉ trong khoảng từ 6 đến 8 tháng.

Tuy nhiên, các bác sĩ cho hay số ca được chẩn đoán ung thư đại tràng ở người trẻ tuổi đang ngày càng gia tăng. Nguyên nhân của điều này có thể là do lối sống không lành mạnh hiện nay. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, mặc dù tổng số ca tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm nhưng số trường hợp tử vong ở độ tuổi dưới 55 lại tăng 1% mỗi năm trong giai đoạn từ 2007 đến 2016.

Ung thư đại trực tràng có chữa được không?

Khi được phát hiện sớm, ung thư đại trực tràng có thể được điều trị khỏi. Khi được điều trị kịp thời, hầu hết người mắc bệnh này đều có thể sống thêm ít nhất 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán. Nếu sau 5 năm mà ung thư không tái phát thì sẽ được coi là đã khỏi bệnh, đặc biệt là khi được điều trị trong ba giai đoạn đầu của bệnh.

Phòng ngừa ung thư đại trực tràng

Sàng lọc ung thư

Các bác sĩ khuyến nghị những người bình thường nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng vào khoảng tuổi 50. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao (xem khuyến nghị sàng lọc ung thư bên trên) thì nên bắt đầu khám sàng lọc sớm hơn.

Thay đổi lối sống

Bạn nên thực hiện những thay đổi về lối sống dưới đây để giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng:

  • Ăn nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám: Trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám có chứa vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa. Đây đều là những chất đóng vai trò quan trọng trong phòng chống ung thư. Nên ăn đa dạng các loại trái cây và rau quả để cung cấp nhiều loại vitamin và chất dinh dưỡng.
  • Uống rượu vừa phải: Nếu uống rượu thì nên uống vừa phải, giới hạn lượng rượu không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm cả ung thư đại trực tràng nên cần bỏ thuốc càng sớm càng tốt để phòng ngừa ung thư.
  • Tập thể dục đều đặn: Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút đều đặn các ngày trong tuần. Nếu chưa quen vận động thì có thể bắt đầu tập trong thời gian ngắn và tăng dần lên cho đến khi được 30 phút mỗi ngày.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu đang có cân nặng khỏe mạnh thì hãy cố gắng duy trì bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục hàng ngày. Nếu thừa cân hay béo phì thì nên đi khám bác sĩ để được hướng dẫn những cách giảm cân lành mạnh, an toàn hoặc giảm cân từ từ bằng cách tăng cường vận động và giảm lượng calo tiêu thụ.

Phòng ngừa ung thư cho những người có nguy cơ cao

Một số loại thuốc có công dụng giảm nguy cơ hình thành polyp tiền ung thư hoặc ung thư đại trực tràng dành cho những người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Nếu bạn thuộc nhóm này thì khi đi khám có thể hỏi bác sĩ để được tư vấn chi tiết.

Ngoài ra, nên đi nội soi đại tràng định kỳ sau tuổi 50, ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng. Bệnh càng được phát hiện sớm thì triển vọng điều trị càng cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 55 trong 12 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Ung Thư Đại Trực Tràng

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây