Cơ chế lành lại của cơ thể. Tại sao người già lâu lành hơn và những điều cần lưu ý để lành lại nhanh hơn.
Tôi mới lên mạng đọc được thông tin rất hay về quá trình lành lại của da nên muốn chia sẻ với mọi người đây.
Cơ chế lành lại của cơ thể
1- Đông máu: Quá trình lành lại gồm có 4 giai đoạn, trong đó ở giai đoạn đầu tiên, cơ thể chúng ta sẽ làm đông máu để ngăn chảy máu. Protein trong máu có chức năng như một chất keo để làm cho tiểu cầu vón cục và chặn ở lỗ hở trên mạch máu. Điều này tạo nên cục máu đông, làm ngừng chảy máu và tạo nên vảy màu nâu trên da.
2- Phản ứng viêm. Tiểu cầu máu của chúng ta giải phóng ra các chất đặc biệt gây viêm, sưng và đỏ xung quanh vết thương. Các tế bào bạch cầu được đưa đến vùng bị tổn thương để thực hiện nhiệm vụ dọn sạch vi khuẩn và vi trùng nhằm giữ cho vùng đó không bị nhiễm trùng. Các tế bào bạch cầu còn tạo ra các yếu tố tăng trưởng giúp phục hồi vùng bị thương. Ở người lớn tuổi thì phản ứng viêm bị chậm hơn đáng kể so với người trẻ tuổi.
3- Tạo collagen: Bây giờ quá trình chữa lành mới thực sự bước vào giai đoạn quan trọng. Các tế bào máu đến vị trí bị thương để bắt đầu tái tạo da mới. Chúng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho vết thương để chữa lành và phát triển các mạch máu mới. Các tín hiệu hóa học chỉ đạo các tế bào tạo ra collagen - một loại protein có vai trò như “giàn giáo” để xây dựng lại vùng bị tổn thương.
Khi chúng ta già đi, làn da mất đi collagen và elastin, khiến cho tốc độ lành vết thương bị chậm lại đến 4 lần.
4- Thay thế mô: Giai đoạn cuối cùng của quá trình lành da là làm cho da mới khỏe hơn với các mô thay thế.
Lí do mà người lớn tuổi lâu lành da hơn: Trong vài ngày đầu sau khi bị thương, các tế bào da di chuyển vào và đóng vết thương, đây là một quá trình đòi hỏi sự phối hợp với các tế bào miễn dịch gần đó. Quá trình lão hóa sẽ dẫn đến sự gián đoạn trong liên lạc giữa các tế bào da và tế bào miễn dịch, từ đó làm cho bước này bị chậm lại.
Quá trình lành vết thương cần đến các tế bào miễn dịch chuyên biệt ở bên trong da. Các thí nghiệm mới của các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau khi bị thương, các tế bào sừng (keratinocyte) ở rìa vết thương sẽ liên lạc với các tế bào miễn dịch này bằng cách tạo ra một loại protein có tên là Skint nhằm chỉ đạo các tế bào miễn dịch ở lại và hỗ trợ lấp đầy vào khoảng trống. Ở người già, các tế bào sừng không thể tạo ra các tín hiệu miễn dịch này.
Tế bào sừng thực chất là các tế bào biểu bì tạo ra keratin.
Những vitamin và chất cần thiết để thúc đẩy quá trình lành da:
BIOTIN - Loại vitamin B tổng hợp này có tác dụng rất lớn đối với làn da, tóc và móng tay của chúng ta. Nhờ khả năng tăng cường sản xuất keratin, nó giúp móng chắc khỏe, cải thiện vẻ ngoài của da và thúc đẩy sự mọc tóc.
AXIT BÉO OMEGA-3. Các axit béo thiết yếu này kiểm soát và điều chỉnh gần như mọi quá trình trong cơ thể, bao gồm cả sản xuất keratin. Thêm nữa, chúng còn có tác dụng bù đắp những tác động tiêu cực của stress lên tóc và da. Những chất dinh dưỡng này còn đóng vai trò là nguồn năng lượng và hỗ trợ cho sự hình thành tế bào.
KẼM – Đây cũng là loại khoáng chất hỗ trợ cho sự tổng hợp collagen và có thể cải thiện độ đàn hồi của da. Hơn nữa, cơ thể chúng ta cần kẽm để sản xuất keratin.
SILICON - Bằng cách bổ sung silica vào chế độ ăn uống, bạn có thể thúc đẩy sự sản sinh collagen và giữ cho làn da đàn hồi.
CROM (CHROMIUM) - Chromium tác động đến sức khỏe của làn da bằng cách ngăn chặn sự phân hủy collagen. Một chế độ ăn nhiều đường sẽ làm tăng nồng độ insulin và ảnh hưởng đến sự sản sinh collagen. Chromium là một khoáng chất có tác dụng điều chỉnh nồng độ glucose và insulin, từ đó giảm thiểu tình trạng mất collagen.
Vì vậy, mọi người nên bắt đầu bổ sung kẽm, biotin, axit béo omega 3, Chromium và silicon trước khi phẫu thuật để da lành lại nhanh hơn nhé.