1

So sánh liệu pháp hormone và liệu pháp không hormone trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối

Những người mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu có thể không cần điều trị nhưng khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng và các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thì giám sát tích cực sẽ không còn phù hợp nữa mà phải tiến hành điều trị.
So sánh liệu pháp hormone và liệu pháp không hormone trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối So sánh liệu pháp hormone và liệu pháp không hormone trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối

Hiện nay, những người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối đã có nhiều lựa chọn điều trị hơn so với trước đây. Ung thư tuyến tiền liệt có thể được điều trị bằng liệu pháp hormone và các phương pháp điều trị không hormone. Phác đồ điều trị cụ thể của mỗi ca bệnh sẽ tùy thuộc vào giai đoạn ung thư và tình trạng sức khỏe của người bệnh (các bệnh lý khác đang mắc). Mặc dù cùng mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng quá trình điều trị mà mỗi người trải qua là không giống nhau.

Một số yếu tố cần xem xét khi quyết định phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt là mục tiêu tổng thể của phương pháp điều trị, các tác dụng phụ và liệu phương pháp đó có phù hợp với người bệnh hay không. Mặc dù bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ cụ thể nhưng người bệnh cũng nên hiểu rõ về các lựa chọn điều trị.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone còn được gọi là liệu pháp ức chế androgen (androgen deprivation therapy - ADT). Đây là một phương pháp chính để điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn.

Cơ chế của liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone làm giảm lượng androgen trong cơ thể, gồm có testosterone và dihydrotestosterone (DHT). Những hormone này giúp tế bào ung thư tuyến tiền liệt nhân lên. Khi không có hormone androgen, sự phát triển của khối u sẽ chậm lại và bệnh ung thư thậm chí còn có thể thuyên giảm.

Các liệu pháp hormone đã được phê duyệt

Có một số liệu pháp hormone đã được phê duyệt sử dụng để điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt, gồm có:

  • Thuốc đồng vận GnRH, chẳng hạn như leuprolide (Eligard, Lupron) và goserelin (Zoladex). Các loại thuốc này làm giảm lượng testosterone do tinh hoàn tạo ra.
  • Thuốc kháng androgen, chẳng hạn như nilutamide (Nilandron) và enzalutamide (Xtandi). Các loại thuốc này thường được kết hợp cùng thuốc đồng vận GnRH để ngăn chặn testosterone gắn vào tế bào ung thư.
  • Một loại thuốc đồng vận GnRH khác có tên là degarelix (Firmagon), có tác dụng ngăn chặn tín hiệu từ não bộ đến tinh hoàn, nhờ đó làm ngừng sự sản xuất hormone androgen.
  • Phẫu thuật cắt tinh hoàn. Tinh hoàn là cơ quan sản xuất ra hormone androgen nên khi không còn tinh hoàn, sự sản xuất androgen sẽ dừng lại.
  • Abiraterone (Zytiga) - một loại thuốc đối vận LHRH, có tác dụng ngăn cản hoạt động của enzyme CYP17, nhờ đó ngăn chặn quá trình sản xuất androgen của các tế bào trong cơ thể.

Mục tiêu điều trị

Liệu pháp hormone giúp điều trị các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt. Mặc dù phương pháp điều trị này không chữa khỏi được bệnh ung thư nhưng có thể giúp giảm nhẹ hoặc loại bỏ các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Liệu pháp hormone cũng có thể được sử dụng để giảm nguy cơ ung thư tái phát sau điều trị trong những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ tái phát cao.

Quá trình điều trị

Thuốc đồng vận GnRH được tiêm hoặc được cấy dưới da. Thuốc kháng androgen có dạng thuốc đường uống được dùng mỗi ngày một lần. Degarelix có dạng tiêm. Các liệu pháp hormone này đôi khi được kết hợp với thuốc hóa trị docetaxel (Taxotere).

Người bệnh uống Zytiga một lần mỗi ngày kết hợp với prednisone (một loại steroid).

Phẫu thuật cắt tinh hoàn là một thủ thuật ngoại trú. Sau ca phẫu thuật, người bệnh chỉ cần ở lại bệnh viện vài giờ để theo dõi và sau đó có thể về nhà.

Liệu pháp hormone được chỉ định khi nào?

Liệu pháp hormone dành cho những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Phương pháp điều trị này thường được sử dụng khi ung thư đã di căn ra ngoài tuyến tiền liệt và không thể điều trị bằng phẫu thuật được nữa.

Trước khi bắt đầu điều trị, người bệnh sẽ cần làm xét nghiệm chức năng gan cùng với xét nghiệm máu để kiểm tra khả năng xử lý thuốc của gan.

Hiện tại, enzalutamide (Xtandi) chỉ được phép sử dụng cho những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể và những trường hợp không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị làm giảm testosterone khác.

Trong một số trường hợp, các tế bào ung thư tuyến tiền liệt có thể kháng lại liệu pháp hormone và tiếp tục nhân lên ngay cả khi không có androgen. Những trường hợp này được gọi là ung thư tuyến tiền liệt kháng liệu pháp hormone (hay ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn) và không thể tiếp tục điều trị bằng liệu pháp hormone.

Tác dụng phụ thường gặp

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của liệu pháp hormone gồm có:

  • Bốc hỏa
  • Giảm mật độ xương, xương giòn yếu (loãng xương) do mức testosterone thấp làm giảm canxi trong xương
  • Tăng cân
  • Giảm khối cơ
  • Rối loạn cương dương
  • Giảm ham muốn tình dục

Các phương pháp điều trị không hormone

Nếu liệu pháp hormone không hiệu quả hoặc ung thư tiếp tục tiến triển và lan rộng quá nhanh thì sẽ phải chuyển sang các phương pháp điều trị không hormone.

Các phương pháp điều trị không hormone đã được phê duyệt

Các phương pháp điều trị không hormone cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối gồm có:

  • Hóa trị: sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, chẳng hạn như docetaxel (Taxotere), cabazitaxel (Jevtana) và mitoxantrone (Novantrone). Hóa trị đôi khi được kết hợp với một loại thuốc trong nhóm steroid là prednisone.
  • Xạ trị: sử dụng phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Có hai hình thức xạ trị chính: một là chiếu chùm tia phóng xạ từ bên ngoài vào vị trí ung thư và hai là đưa nguồn phóng xạ vào sát khối u bên trong cơ thể. Xạ trị thường được sử dụng kết hợp với hóa trị.
  • Liệu pháp miễn dịch, điển hình là gồm có cả sipuleucel-T (Provenge). Phương pháp điều trị này sử dụng hệ miễn dịch của chính người bệnh để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Radium Ra 223 (Xofigo): một loại thuốc dạng tiêm chứa lượng nhỏ phóng xạ và được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tiền liệt đã di căn đến xương.

Mục tiêu điều trị

Mục đích của hóa trị, xạ trị và các phương pháp điều trị không hormone khác là làm chậm sự tiến triển của ung thư và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Hóa trị và các phương pháp điều trị không hormone khác cũng không chữa khỏi được ung thư tuyến tiền liệt di căn nhưng có thể kéo dài đáng kể tuổi thọ cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị không hormone được chỉ định khi nào?

Các phương pháp điều trị không hormone như hóa trị hoặc xạ trị được sử dụng trong những trường hợp:

  • Mức PSA tăng quá nhanh và không thể kiểm soát bằng liệu pháp hormone
  • Ung thư lan rộng nhanh chóng trong cơ thể
  • Có các triệu chứng nghiêm trọng
  • Liệu pháp hormone không hiệu quả
  • Ung thư đã di căn đến xương

Quá trình điều trị

Quá trình hóa trị điều trị ung thư thường diễn ra theo chu kỳ. Mỗi chu kỳ thường kéo dài một vài tuần. Thông thường người bệnh phải trải qua nhiều đợt điều trị nhưng sẽ có khoảng thời gian nghỉ giữa các đợt. Khi một loại thuốc hóa trị không còn hiệu quả, bác sĩ sẽ cho chuyển sang các loại thuốc hóa trị khác.

Liệu pháp miễn dịch sử dụng sipuleucel-T (Provenge) thường gồm 3 buổi điều trị, mỗi buổi cách nhau khoảng hai tuần và bệnh nhân sẽ được truyền thuốc qua đường tĩnh mạch.

Radium Ra 223 cũng là có dạng tiêm.

Tác dụng phụ thường gặp

Các tác dụng phụ thường gặp của phương pháp hóa trị gồm có:

  • Rụng tóc
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi
  • Ăn không ngon miệng
  • Số lượng bạch cầu thấp (giảm bạch cầu trung tính) và tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Trí nhớ kém
  • Tê hoặc châm chích ở bàn tay và bàn chân
  • Dễ bầm tím
  • Loét miệng

Xạ trị có thể làm giảm số lượng hồng cầu và gây thiếu máu. Thiếu máu gây mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu và các triệu chứng khác. Xạ trị còn có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bàng quang (tiểu không tự chủ) và rối loạn cương dương.

Tóm tắt bài viết

Liệu pháp hormone và phẫu thuật thường là phương pháp điều trị bước đầu cho những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Các phương pháp điều trị này có thể được kết hợp với hóa trị. Nhưng sau một thời gian, bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể kháng lại liệu pháp hormone. Các phương pháp điều trị không hormone là giải pháp tốt nhất cho những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt di căn không còn đáp ứng với liệu pháp hormone hoặc hóa trị.

Không thể chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối nhưng các phương pháp điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Nhiều người dù mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối những vẫn có thể sống thêm nhiều năm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liệu pháp proton điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Liệu pháp proton điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Trong liệu pháp proton, bức xạ được tập trung trong các chùm tia proton. Điểm khác biệt lớn nhất so với tia X là các chùm tia proton dừng lại khi truyền năng lượng tới mục tiêu.

Các phương pháp điều trị ở từng giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt
Các phương pháp điều trị ở từng giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt nhưng phác đồ điều trị cho mỗi ca bệnh sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, mức độ ác tính của ung thư và các yếu tố khác như tuổi tác của người bệnh.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị

Khi bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và chán ăn thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.

Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị
Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị

Ung thư thận là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào thận. Ung thư thận giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối có nghĩa là ung thư đã lan từ thận đến các cơ quan khác. Tiên lượng ở giai đoạn này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại ung thư thận và mức độ đáp ứng với điều trị.

Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Giống như nhiều bệnh ung thư khác, để xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt thì bệnh nhân cần phải trải qua một vài bước kiểm tra. Bệnh ung thư có thể được phát hiện khi bệnh nhân có các triệu chứng bất thường hoặc được phát hiện qua khám sàng lọc định kỳ. Tuy nhiên, kết quả khám sàng lọc bất thường không phải lúc nào cũng chỉ ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây