1

Làm thế nào để giữ cho thận luôn khỏe mạnh

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận. Duy trì lối sống năng động và chế độ ăn uống bổ dưỡng có thể giúp giữ cho thận khỏe mạnh và ngăn ngừa các vấn đề về thận.
Làm thế nào để giữ cho thận luôn khỏe mạnh Làm thế nào để giữ cho thận luôn khỏe mạnh

Thận là cặp cơ quan có kích thước bằng nắm tay nằm ở dưới khung xương sườn, đối xứng hai bên cột sống. Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Chức năng quan trọng là lọc chất thải, nước thừa và các tạp chất khác ra khỏi máu. Những chất này trở thành nước tiểu và được lưu trữ trong bàng quang rồi sau đó được đào thải ra ngoài.

Ngoài ra, thận còn duy trì sự cân bằng pH, muối và kali trong cơ thể, đồng thời sản xuất các hormone điều hòa huyết áp và kiểm soát sự sản xuất hồng cầu.

Thận còn có nhiệm vụ kích hoạt một dạng vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi để tạo xương và điều hòa chức năng của các cơ.

Chỉ khi thận hoạt động bình thường thì chúng ta mới có sức khỏe tốt. Khi thận khỏe mạnh, các chất thải sẽ được đào thải khỏi cơ thể một cách hiệu quả, đồng thời cơ thể sẽ có đủ những hormone cần thiết để thực hiện các chức năng.

Dưới đây là một số cách để giữ cho thận khỏe mạnh.

Các cách giữ cho thận khỏe mạnh

1. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp giảm cân và giữ cho cơ thể cân đối mà còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh suy thận mạn. Thói quen tập thể dục đều đặn còn giúp làm giảm huyết áp và tăng cường sức khỏe tim mạch, cả hai đều quan trọng trong việc ngăn ngừa tổn thương thận.

Không nhất thiết phải tập thể dục cường độ cao mới có được những lợi ích này. Chỉ cần tập những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ hay đạp xe cũng đủ để cải thiện để sức khỏe. Điều quan trọng là chọn những bài tập mà bạn cảm thấy thích. Chỉ có như vậy thì mới có thể duy trì thói quen tập luyện đều đặn và lâu dài.

2. Kiểm soát lượng đường trong máu

Những người mắc bệnh tiểu đường, một bệnh lý mạn tính có đặc trưng là lượng đường trong máu cao, có nguy cơ cao bị tổn thương thận. Ở người bị tiểu đường, các tế bào của cơ thể không thể sử dụng glucose (đường) trong máu làm năng lượng một cách hiệu quả, điều này khiến cho đường tích tụ trong máu. Lượng đường trong máu cao buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Sau một thời gian làm việc quá sức, thận sẽ bị tổn thương.

Kiểm soát tốt lượng đường trong máu khi mắc bệnh tiểu đường sẽ giúp làm giảm nguy cơ tổn thương thận và các biến chứng khác. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường nên xét nghiệm kiểm tra chức năng thận thường xuyên để phát hiện vấn đề từ sớm. Điều trị sớm sẽ giúp bảo tồn chức năng thận và ngăn ngừa tổn thương thận nghiêm trọng.

3. Theo dõi huyết áp

Huyết áp cao có thể gây tổn thương thận và dẫn đến suy thận mạn. Nếu cao huyết áp xảy ra cùng với các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc cholesterol cao thì nguy cơ suy thận mạn sẽ càng cao.

Nên duy trì huyết áp ở mức dưới 120/80mmHg. Nếu huyết áp trong phạm vi 120/80 đến 139/89mmHg thì có nghĩa là tiền tăng huyết áp. Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa cao huyết áp.

Nếu huyết áp liên tục ở mức trên 140/90mmHg thì rất có thể bạn đã bị cao huyết áp. Bạn cần theo dõi huyết áp thường xuyên, thay đổi lối sống và có thể phải dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.

4. Kiểm soát cân nặng và ăn uống điều độ

Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc một só bệnh lý gây hại cho thận, gồm có bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và cao huyết áp.

Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, ít natri, ít thịt chế biến sẵn và các loại thực phẩm gây hại cho thận khác sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương thận. Nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm tươi có hàm lượng natri thấp, chẳng hạn như súp lơ, quả việt quất, cá, ngũ cốc nguyên hạt,…

5. Uống nhiều nước

Uống đủ nước, nhất là uống thường xuyên trong ngày là thói quen rất tốt cho thận.

Uống nhiều nước giúp thận đào thải natri và chất độc. Điêu này còn giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh suy thận mạn.

Cố gắng uống từ 1,5 đến 2 lít nước một ngày. Lượng nước chính xác mà mỗi người cần uống là khác nhau vì còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và lối sống. Các yếu tố khác như tuổi tác, thời tiết, mức độ hoạt động thể chất, giới tính, sức khỏe tổng thể và mang thai hoặc đang cho con bú cũng có ảnh hưởng đến lượng nước cần uống mỗi ngày.

Những người từng bị sỏi thận nên uống nhiều nước hơn một chút để ngăn ngừa sỏi tái phát.

6. Không hút thuốc

Hút thuốc lá làm hỏng các mạch máu của cơ thể. Điều này làm giảm sự lưu thông máu đến các cơ quan, bao gồm cả thận. Lưu lượng máu đến thận giảm sẽ làm giảm chức năng thận.

Hút thuốc còn làm tăng nguy cơ ung thư thận. Bất kể đã hút thuốc được bao lâu, bỏ thuốc sẽ làm giảm nguy cơ. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều năm thì nguy cơ mới giảm xuống mức tương đương với người chưa từng hút thuốc.

7. Thận trọng khi dùng thuốc không kê đơn

Thường xuyên dùng một số loại thuốc không kê đơn có thể gây tổn thương thận. Ví dụ, các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), gồm có ibuprofen và naproxen, có thể gây hại cho thận nếu dùng trong thời gian dài để điều trị cơn đau mãn tính, nhức đầu hoặc viêm khớp.

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation), nếu dùng những loại thuốc này cho mục đích giảm đau thì không nên dùng quá 10 ngày và nếu dùng để hạ sốt thì không nên dùng quá 3 ngày. (1) Thường xuyên uống nhiều hơn 8 viên aspirin mỗi ngày có thể làm suy giảm chức năng thận tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Đối với những người không mắc bệnh thận, thi thoảng dùng các loại thuốc này sẽ không vấn đề gì. Tuy nhiên, sử dụng các loại thuốc này hàng ngày có thể dẫn đến vấn đề về thận. Nên trao đổi với bác sĩ về các phương pháp giảm đau an toàn nếu mắc các bệnh gây đau mạn tính.

8. Xét nghiệm chức năng thận nếu có nguy cơ cao

Những người có nguy cơ cao bị suy thận nên đi xét nghiệm kiểm tra chức năng thận định kỳ. Nhóm có nguy cơ cao gồm có:

  • người trên 60 tuổi
  • người có cân nặng thấp khi sinh
  • người mắc bệnh tim mạch hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch
  • người bị cao huyết áp hoặc có tiền sử gia đình bị cao huyết áp
  • người béo phì

Ngoài ra cũng nên đi khám khi có các dấu hiệu tổn thương thận.

Xét nghiệm chức năng thận định kỳ là điều cần thiết để theo dõi sức khỏe thận và phát hiện sớm những thay đổi bất thường. Điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Suy thận mạn

Theo thống kê, hơn 10% dân số thế giới bị suy thận mạn. (2) Đây là tình trạng chức năng thận giảm dầm theo thời gian và không thể hồi phục. Suy thận mạn là một bệnh tiến triển, có nghĩa là chức năng thận sẽ ngày càng giảm. Nếu không điều trị, suy thận mạn sẽ tiến triển sang giai đoạn cuối. Lúc này, chức năng thận chỉ còn dưới 15% chức năng bình thường, có nghĩa là gần như không còn khả năng lọc máu.

Các chất thải không được lọc khỏi máu sẽ tích tụ trong cơ thể và gây ra các vấn đề nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Lúc này, người bệnh sẽ phải lọc máu để loại bỏ chất thải khỏi máu hoặc cần ghép thận để thay thế quả thận bị hỏng.

Các loại bệnh thận

Suy thận mạn

Đây là bệnh thận phổ biến nhất. Một trong những nguyên nhân chính của suy thận mạn là cao huyết áp.

Thận liên tục lọc máu để loại bỏ độc tố, chất thải và nước dư thừa. Thận lọc khoảng 120ml máu mỗi phút.

Cao huyết áp rất nguy hiểm cho thận vì làm tăng áp lực lên cầu thận, đơn vị chức năng của thận. Theo thời gian, sự gia tăng áp lực này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống lọc máu của thận và làm tổn thương thận.

Cuối cùng, thận sẽ tổn thương nặng đến mức không thể thực hiện chức năng bình thường được nữa và người bệnh sẽ phải lọc máu.

Lọc máu là phương pháp loại bỏ nước thừa và chất thải ra khỏi máu thay cho thận. Có hai loại lọc máu chính là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Tùy từng trường hợp mà lọc máu, nhất là lọc màng bụng, sẽ cho hiệu quả lâu dài. Mặc dù tuổi thọ trung bình của những bệnh nhân phải lọc máu là 5 đến 10 năm nhưng nhiều người sống thêm được 20 đến 30 năm. (3)

Nếu đủ điều kiện thì người bệnh có thể ghép thận. Sau khi ghép thận thành công, người bệnh có thể dừng lọc máu.

Bệnh tiểu đường cũng là một nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao không được kiểm soát sẽ làm hỏng các đơn vị chức năng của thận và khiến thận không thể lọc máu hiệu quả.

Sỏi thận

Một vấn đề về thận phổ biến khác là sỏi thận. Khoáng chất và các chất khác trong máu có thể kết tinh trong thận và tạo thành các khối cứng. Đa phần sỏi thận được đào thải ra khỏi cơ thể theo nước tiểu. Quá trình đào thải sỏi sẽ gây đau đớn nhưng hiếm khi gây ra vấn đề nghiêm trọng. Nếu sỏi có kích thước lớn và không tự đào thải thì sẽ phải can thiệp điều trị bằng các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi qua da.

Mặc dù sỏi thận hiếm khi gây suy thận mạn nhưng lại là một nguyên nhân phổ biến của tổn thương thận cấp tính, hay còn được gọi là suy thận cấp, đặc biệt là khi sỏi thận đi kèm với mất nước hoặc nhiễm trùng.

Viêm cầu thận

Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, các cấu trúc nhỏ thực hiện chức năng lọc máu của thận. Viêm cầu thận có thể do nhiễm trùng, thuốc, dị tật bẩm sinh và các bệnh tự miễn.

Viêm cầu thận có thể tự khỏi hoặc cần dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Bệnh thận đa nang

Nang thận là tình trạng thận hình thành các túi chứa dịch đơn lẻ. Đây là một vấn đề khá phổ biến và thường vô hại. Tuy nhiên, bệnh thận đa nang lại là một bệnh lý khác hoàn toàn và nghiêm trọng hơn.

Bệnh thận đa nang là một bệnh di truyền có đặc trưng là xuất hiện nhiều túi nang chứa dịch ở bên trong và trên bề mặt thận, gây cản trở chức năng của thận.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trong hệ tiết niệu. Nhiễm trùng bàng quang và niệu đạo là hai loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất, thường dễ điều trị và ít khi gây biến chứng về lâu dài.

Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng ở bàng quang và niệu đạo có thể lan đến thận và dẫn đến suy thận.

Tóm tắt bài viết

Thận có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Cơ quan này đảm nhận nhiều chức năng, từ lọc bỏ chất thải khỏi máu cho đến tạo ra hormone. Đó là lý do tại sao cần phải giữ cho thận luôn khỏe mạnh.

Duy trì lối sống năng động, uống đủ nước, kiểm soát đường trong máu, huyết áp và cân nặng, không hút thuốc, thận trọng khi dùng thuốc không kê đơn và xét nghiệm chức năng thận định kỳ là những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tổn thương thận

Những người mắc các bệnh mạn tính làm tăng nguy cơ tổn thương thận cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh và chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo vấn đề về thận.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: thế nào
Tin liên quan
Ghép thận có những rủi ro nào?
Ghép thận có những rủi ro nào?

Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.

Suy thận có được dùng statin không?
Suy thận có được dùng statin không?

Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.

Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?
Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?

Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến suy thận. Vấn đề về thận thường xảy ra vào các giai đoạn sau của ung thư.

Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối

Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây