1

Các cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu

Nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như nước ngọt có ga, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nhiễm trùng đường tiết
Các cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu Các cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu

Chú ý giữ vệ sinh, uống đủ nước và thay đổi một số thói quen sống có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng ở một hoặc nhiều cơ quan trong hệ tiết niệu. Nguyên nhân thường là do nhiễm vi khuẩn. Nhiễm trùng đường tiết niệu chủ yếu xảy ra ở đường tiết niệu dưới, gồm có bàng quang và niệu đạo.

Một triệu chứng điển hình của nhiễm trùng đường tiết niệu là buồn tiểu liên tục. Các triệu chứng phổ biến khác gồm có nóng rát khi đi tiểu và nước tiểu đục.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề phổ biến nhưng có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Những ai có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu?

Phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới. Điều này là do niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo của nam giới. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Niệu đạo ngắn hơn có nghĩa là vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang hơn.

Ngoài ra, lỗ niệu đạo của phụ nữ nằm gần hậu môn hơn mà hậu môn lại là nơi tập trung vi khuẩn E.coli – thủ phạm chính gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ gồm có:

  • Thường xuyên quan hệ tình dục
  • Quan hệ tình dục với người mới
  • Sử dụng một số biện pháp tránh thai
  • Mãn kinh

Các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở cả nam giới và phụ nữ gồm có:

  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Bất thường về cấu tạo đường tiết niệu
  • Tắc nghẽn trong đường tiết niệu, chẳng hạn như sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt
  • Sử dụng ống thông tiểu
  • Từng phẫu thuật tiết niệu

Các cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu

Không thể phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu một cách tuyệt đối nhưng các cách dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

1. Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh

Vì hậu môn là nơi tập trung vi khuẩn E.coli nên tốt nhất nên lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh để tránh đưa vi khuẩn E.coli từ hậu môn vào niệu đạo.

Thói quen này đặc biệt quan trọng khi bị tiêu chảy. Bị tiêu chảy sẽ khiến bạn khó kiểm soát việc đại tiện và điều này có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn E.coli xâm nhập vào niệu đạo.

2. Uống nhiều nước

Nhớ uống đủ nước trong suốt cả ngày. Uống nhiều nước sẽ làm cho bạn đi tiểu thường xuyên hơn và đào thải vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu.

Tốt nhất nên uống nước lọc. Cố gắng uống đủ 6 đến 8 cốc (1,5 – 1,8l) nước mỗi ngày. Nếu không thích uống nước lọc thì bạn cũng có thể uống các loại đồ uống khác như nước có ga, trà thảo mộc không chứa caffeine, sữa hay nước ép rau củ quả.

Nhưng không nên uống đồ uống có cồn và caffeine vì những đồ uống này có thể gây kích thích bàng quang.

3. Không nhịn tiểu

Khi buồn tiểu nên đi ngay, không nên nhịn vì nước tiểu càng ở trong bàng quang lâu thì sẽ càng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nên đi tiểu thường xuyên trong ngày. Mỗi lần đi tiểu không nên cách nhau quá 3 – 4 tiếng và nhớ làm trống hoàn toàn bàng quang mỗi lần đi tiểu.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai vì mang thai làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu như nhịn tiểu thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao.

4. Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục

Quan hệ tình dục làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là ở phụ nữ. Lý do là vì vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo khi quan hệ tình dục.

Để giảm nguy cơ, hãy đi tiểu ngay trước và sau khi quan hệ tình dục. Việc này có thể giúp loại bỏ vi khuẩn đã xâm nhập vào niệu đạo.

Ngoài ra, bạn cũng nên nhẹ nhàng rửa sạch vùng kín trước khi quan hệ tình dục để giữ cho khu vực này sạch sẽ và giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập niệu đạo.

5. Tránh dùng sản phẩm có mùi thơm ở vùng kín

Bình thường âm đạo có hơn 50 loại vi khuẩn khác nhau, chiếm một phần không nhỏ trong số đó là vi khuẩn Lactobacilli. Những vi khuẩn này giúp giữ cho âm đạo khỏe mạnh và cân bằng độ pH.

Việc sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi thơm có thể phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn cũng như độ pH và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển quá mức. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm âm đạo do vi khuẩn và viêm âm đạo do nấm.

Tránh sử dụng các sản phẩm như:

  • Dung dịch thụt rửa
  • Băng vệ sinh và tampon có mùi thơm
  • Bột xông
  • Xịt khử mùi

Các loại sữa tắm, xà phòng và viên tạo bọt bồn tắm có mùi thơm cũng có thể gây kích ứng vùng kín và làm mất cân bằng vi khuẩn âm đạo.

6. Thay đổi biện pháp tránh thai

Một số biện pháp tránh thai có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có hại, ví dụ như:

  • Màng ngăn âm đạo
  • Bao cao su không chứa chât bôi trơn
  • Thuốc diệt tinh trùng
  • Bao cao su có chất diệt tinh trùng

Nếu bạn đang sử dụng các biện pháp tránh thai này và thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì nên cân nhắc dổi sang biện pháp tránh thai khác.

7. Bổ sung probiotic

Probiotic là những vi sinh vật sống mà khi bổ sung đủ lượng sẽ giúp làm tăng vi khuẩn có lợi trong đường ruột và mang lại lợi ích cho sức khỏe. Bổ sung probiotic còn giúp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường tiết niệu. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Có nhiều loại lợi khuẩn khác nhau và một trong những loại có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu là Lactobacilli.

Bạn có thể bổ sung probiotic bằng cách:

  • Ăn thực phẩm lên men, chẳng hạn như sữa chua, kefir, dưa bắp cải muối và tempeh
  • Uống men vi sinh
  • Sử dụng viên đặt âm đạo chứa probiotic

8. Uống thuốc kháng sinh

Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu không đáp ứng tốt với điều trị hoặc tái phát thường xuyên, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh liều thấp hàng ngày. Điều này nhằm kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn có hại và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Bạn có thể sẽ phải uống thuốc kháng sinh sau khi quan hệ tình dục hoặc khi bắt đầu nhận thấy các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Do đó, cần phải cân nhắc kỹ trước khi bắt đầu dùng kháng sinh dự phòng.

9. Ăn quả nam việt quất

Quả nam việt quất là một trong những biện pháp tự nhiên được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Loại quả mọng này có hợp chất proanthocyanidin có tác dụng ngăn vi khuẩn E.coli bám vào niêm mạc đường tiết niệu.

Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng vitamin C trong quả nam việt quất có thể làm tăng tính axit của nước tiểu và điều này giúp ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cho ra nhiều kết quả khác nhau. Trong khi một số nghiên cứu phát hiện ra rằng chiết xuất quả nam việt quất giúp làm giảm tần suất nhiễm trùng đường tiết niệu thì một số nghiên cứu khác lại không nhận thấy bất cứ lợi ích gì của nam việt quất trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Mặc dù chưa rõ liệu quả nam việt quất có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu hay không nhưng đây là một biện pháp hoàn toàn tự nhiên và rất an toàn nên bạn có thể thử xem sao. Bạn có thể ăn quả nam việt quất tươi hoặc đông lạnh hoặc uống nước ép nam việt quất. Nếu uống nước ép đóng chai thì nên chọn loại nguyên chất không đường.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn tuổi

Người lớn tuổi có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn so với người trẻ tuổi. Điều này thường là do:

  • chức năng miễn dịch kém
  • tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ
  • sử dụng ống thông tiểu
  • suy giảm nhận thức
  • mãn kinh

Ngoài các biện pháp phòng ngừa nêu trên, phụ nữ lớn tuổi có thể dùng liệu pháp thay thế estrogen để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Sự suy giảm estrogen vào thời kỳ mãn kinh có thể làm mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo. Sử dụng liệu pháp estrogen, chẳng hạn như estrogen âm đạo liều thấp, có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng này.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nhiễm trùng đường tiết niệu không chỉ xảy ra ở người lớn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải vấn đề này. Nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng thận là những loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất ở trẻ em, đặc biệt là các bé gái.

Bố mẹ nên dạy trẻ những thói quen sau đây để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Đi vệ sinh sau mỗi 2 đến 3 tiếng
  • Đi tiểu từ từ, không vội vàng để làm trống bàng quang hoàn toàn
  • Bé gái nên lau từ trước ra sau khi đi vệ vệ sinh
  • Không mặc đồ lót và quần chật
  • Không ngâm mình trong bồn nước nóng
  • Không sử dụng các sản phẩm có mùi thơm và chất tẩy rửa mạnh ở vùng kín
  • Uống đủ nước mỗi ngày

Khi nào cần đi khám?

Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Buồn tiểu liên tục, dữ dội
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Lượng nước tiểu rất ít
  • Nước tiểu đục hoặc có máu (màu đỏ, hồng hoặc màu nâu)
  • Nước tiểu có mùi nồng
  • Đau vùng chậu (ở phụ nữ)

Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy những triệu chứng này. Bạn sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị.

Tóm tắt bài viết

Có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Các biện pháp tự nhiên gồm có uống đủ nước, thay đổi thói quen đi vệ sinh, đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục và bổ sung probiotic.

Đôi khi, dùng thuốc kháng sinh hoặc thay đổi biện pháp tránh thai là điều cần thiết để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh có thể cân nhắc dùng liệu pháp thay thế estrogen để khôi phục sự cân bằng vi khuẩn trong âm đạo.

Điều quan trọng là phải đi khám khi nhận thấy các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu để điều trị ngay từ sớm. Nếu không điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến các vấn đề khác nghiêm trọng hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.

Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Triệu chứng và cách điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Triệu chứng và cách điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính là nhiễm trùng đường tiết niệu không đáp ứng với điều trị hoặc tiếp tục tái phát sau điều trị.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan trong đường tiết niệu. Triệu chứng phụ thuộc vào khu vực bị nhiễm trùng trong đường tiết niệu.

Cách giảm triệu chứng đau thắt do nhiễm trùng đường tiết niệu
Cách giảm triệu chứng đau thắt do nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn, thường là từ cơ quan sinh dục hoặc hậu môn, xâm nhập vào đường tiết niệu. Mặc dù phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

8 cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không cần dùng thuốc kháng sinh
8 cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không cần dùng thuốc kháng sinh

Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Tình trạng này thường phải điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng bạn cũng có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây để kiểm soát các triệu chứng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây