Tiểu rắt: Nguyên nhân và cách điều trị
Tiểu rắt là gì?
Tiểu rắt hay đái rắt là tình trạng buồn tiểu liên tục, đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu rất ít. Điều này có thể xảy ra ở cả nam giới lẫn phụ nữ và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Đa số các nguyên nhân đều có thể dễ dàng điều trị được.
Liên tục buồn tiểu vốn đã ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày và buồn tiểu mà lại không cảm thấy nhẹ nhõm sau khi đi tiểu lại càng khó chịu hơn nữa.
Cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây tiểu rắt và cách điều trị trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây tiểu rắt
Tiểu rắt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tiểu rắt là nhiễm trùng đường tiết niệu. Mặc dù cả phụ nữ và nam giới đều có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 4 lần so với nam giới. Lý do là bởi niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo nam giới nên vi khuẩn từ bên ngoài dễ dàng xâm nhập vào đường tiết niệu hơn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập từ vùng hậu môn hoặc các khu vực khác đến đường tiết niệu. Thủ phạm chính gây nhiễm trùng đường tiết niệu là vi khuẩn E. coli – một loại vi khuẩn thường sống trong ruột. Vi khuẩn có thể gây viêm bàng quang và đây là nguyên nhân gây ra cảm giác buồn tiểu liên tục.
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Quan hệ tình dục
- Mắc bệnh tiểu đường
- Sử dụng ống thông tiểu
- Thường xuyên nhịn tiểu
- Vệ sinh kém
Mang thai
Một nguyên nhân phổ biến khác gây tiểu rắt ở phụ nữ là do mang thai. Trong ba tháng đầu của thai kỳ, sự thay đổi nội tiết tố có thể dẫn đến cảm giác buồn tiểu liên tục. Các hormone có thể gây ra điều này gồm có:
- Progesterone
- HCG (human chorionic gonadotropin)
Trong ba tháng cuối của thai kỳ, tình trạng đi tiểu nhiều lần có thể quay trở lại do lúc này thai nhi đã phát triển lớn và chèn ép lên bàng quang. Ngoài ra, cơ thể thường tích nước nhiều hơn trong khi mang thai và điều này có thể dẫn đến lượng nước tiểu ít.
Phì đại tuyến tiền liệt
Ở nam giới, buồn tiểu liên tục có thể là do phì đại tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt nằm ngay bên dưới bàng quang nên tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép lên bàng quang. Điều này khiến người bệnh cảm thấy buồn tiểu ngay cả khi bàng quang chưa đầy, dẫn đến chỉ tiểu được rất ít.
Tuyến tiền liệt tăng kích thước một cách tự nhiên theo thời gian nên khi nam giới có tuổi, tuyến tiền liệt có thể bị phì đại và gây ra các triệu chứng về tiết niệu, chẳng hạn như đi tiểu nhiều lần, tiểu khó hay tiểu không hết bãi.
Nguyên nhân khác
Tiểu rắt có thể là do các nguyên nhân khác gây ra như:
- Tổn thương thần kinh
- Căng thẳng, hồi hộp
- Bệnh tiểu đường
- Đột quỵ
- Ung thư bàng quang
Triệu chứng tiểu rắt
Tiểu rắt có các biểu hiện sau đây:
- Đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu mỗi lần rất ít
- Buồn tiểu liên tục nhưng không tiểu được
- Dòng nước tiểu yếu, ngập ngừng
Một số nguyên nhân gây tiểu rắt, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Nên đi khám ngay nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
- Có máu hoặc mủ trong nước tiểu
- Sốt
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Nước tiểu có mùi nồng
- Nước tiểu sậm màu
- Đau lưng
- Đau bụng
- Buồn nôn, nôn
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đường tiết niệu đã lan đến thận hoặc là dấu hiệu của bệnh ung thư.
Điều trị và phòng ngừa tiểu rắt
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nếu bạn thường xuyên buồn tiểu mà không tiểu được hoặc lượng nước tiểu rất ít, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem bạn có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.
Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện vi khuẩn hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác trong nước tiểu. Nếu đúng là nhiễm trùng đường tiết niệu thì sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, tùy vào các triệu chứng mà bạn có thể còn phải dùng thêm các loại thuốc khác ngoài thuốc kháng sinh.
Mang thai
Tình trạng đi tiểu nhiều lần do mang thai (không phải do nhiễm trùng đường tiết niệu) sẽ giảm dần trong vòng 6 tuần sau khi sinh. Trong thời gian này, sản phụ có thể tập bài tập Kegel để tăng cường sức mạnh cho cơ sàn chậu và giảm cảm giác buồn tiểu thường xuyên.
Phì đại tuyến tiền liệt
Sử dụng thuốc kết hợp rèn luyện bàng quang có thể giúp làm giảm các triệu chứng về tiết niệu của phì đại tuyến tiền liệt. Nếu không hiệu quả thì người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị và phòng ngừa khác
Các biện pháp khác để điều trị và phòng ngừa tiểu rắt gồm có:
- Mặc quần rộng rãi, không mặc quần bó sát
- Tắm nước ấm để làm dịu cảm giác buồn tiểu.
- Uống nhiều nước.
- Hạn chế caffeine, đồ uống có cồn và các chất lợi tiểu khác.
- Đối với phụ nữ: Đi tiểu trước và ngay sau khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tóm tắt bài viết
Tiểu rắt là một tình trạng gây khó chịu có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Tình trạng này có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu thường xuyên cảm thấy buồn tiểu nhưng lượng nước tiểu lại rất ít thì nên đi khám xem có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiểu rắt.
Điều quan trọng là phải phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu từ sớm vì nếu trì hoãn điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể lan đến thận và gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Hãy thực hiện lối sống lành mạnh, giữ vệ sinh vùng kín và uống nhiều nước mỗi ngày để phòng ngừa các nguyên nhân gây tiểu rắt.
Rò rỉ nước tiểu khi ho là một triệu chứng của chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Tình trạng này xảy ra do đâu và điều trị bằng cách nào?
Bàng quang nằm ngay phía trên xương chậu và được hỗ trợ bởi cơ sàn chậu. Bàng quang giãn ra để chứa nước tiểu. Cổ bàng quang có cơ vòng giúp giữ cho cơ quan này đóng chặt và ngăn nước tiểu chảy ra ngoài khi không đi tiểu. Cơ sàn chậu có thể bị suy yếu trong thời gian mang thai và sinh nở. Điều này sẽ làm giảm khả năng giữ nước tiểu của bàng quang.
Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh. Một số nguyên nhân chỉ là tạm thời và dễ dàng khắc phục. Nhưng đôi khi đó là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần phải điều trị phức tạp hơn.