1

Sự khác biệt giữa viêm khớp và loãng xương

Viêm khớp và loãng xương đều là những tình trạng mạn tính xảy ra với xương. Viêm khớp là tình trạng viêm, sưng đau ở một hoặc nhiều khớp. Loãng xương là tình trạng khối lượng và mật độ xương giảm, khiến xương yếu đi và có thể dẫn đến gãy xương.
Sự khác biệt giữa viêm khớp và loãng xương Sự khác biệt giữa viêm khớp và loãng xương

Cả viêm khớp và loãng xương đều là những vấn đề phổ biến. Theo số liệu của Mạng lưới Viêm khớp dạng thấp toàn cầu (Global RA Network) vào năm 2021, có khoảng 350 triệu người trên thế giới bị bệnh viêm khớp và đây là nguyên nhân hàng đầu gây giảm hoặc mất khả năng vận động. (1)

Theo một thống kê vào năm 2020, tỷ lệ mắc bệnh loãng xương trên thế giới là 18,3%, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ là 23,1% còn ở nam giới là 11,7%. (2)

Mặc dù nguy cơ bị loãng xương và nguy cơ mắc một số loại viêm khớp tăng theo tuổi tác nhưng cả hai tình trạng này đều có yếu tố di truyền và môi trường. Hai bệnh này có thể xảy ra đồng thời.

Trong bài viết này hãy cùng tìm hiểu thêm về sự khác biệt về các triệu chứng, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và phương pháp điều trị loãng xương và viêm khớp.

Triệu chứng

Viêm khớp và loãng xương đều xảy ra ở xương nhưng có biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng viêm khớp thường dễ nhận thấy hơn. Trong khi đó, loãng xương đa phần không có triệu chứng cho đến khi người bệnh bị gãy xương.

Triệu chứng viêm khớp

Có hơn 100 loại viêm khớp. Tuy nhiên, vì tất cả đều xảy ra ở khớp nên có một số triệu chứng chung, ví dụ như

  • Đau cứng khớp
  • Sưng khớp
  • Nóng ở vị trí khớp bị viêm
  • Mệt mỏi

Các loại viêm khớp thường gặp

Dưới đây là các loại viêm khớp phổ biến và các triệu chứng:

  • Thoái hóa khớp: đây là loại viêm khớp phổ biến nhất và thường xảy ra từ từ theo thời gian. Thoái hóa khớp là tình trạng sụn khớp và mô quanh khớp bị bào mòn. Bất cứ ai cũng có thể bị thoái hóa khớp nhưng yếu tố di truyền, tiền sử chấn thương và yếu tố lối sống có thể làm tăng nguy cơ. Các triệu chứng gồm có đau, cứng khớp và vận động khó khăn.
  • Viêm khớp dạng thấp: viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các khớp. Viêm khớp dạng thấp gây sưng đau và cứng khớp. Tình trạng này có thể xảy ra ở nhiều khớp trong cơ thể. Các triệu chứng khác còn có sốt và mệt mỏi.
  • Viêm khớp vảy nến: Nếu người bị bệnh vảy nến có nguy cơ cao bị viêm khớp và viêm điểm bám gân (viêm ở vị trí các gân bám vào xương). Viêm khớp vảy nến là một dạng viêm khớp cột sống. Nhóm bệnh lý này còn gồm có viêm khớp phản ứng và phổ biến nhất là viêm cột sống dính khớp.
  • Viêm khớp phản ứng (hay hội chứng Reiter): loại viêm khớp này xảy ra do nhiễm trùng, thường là nhiễm vi khuẩn hoặc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STD). Viêm khớp phản ứng thường có biểu hiện là đau các khớp ở phần thân dưới, viêm đường tiết niệu và mắt. Viêm khớp phản ứng thường tự khỏi trong vòng vài tháng nhưng cũng có đôi khi gây ra các triệu chứng kéo dài dai dẳng.
  • Viêm khớp tự phát vị thành niên: loại viêm khớp này xảy ra trước 16 tuổi, gây ra các triệu chứng gồm sưng đau và nóng khớp. Bệnh còn gây cứng khớp, giảm phạm vi chuyển động và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng.
  • Viêm khớp do virus: các loại virus như virus viêm gan B, viêm gan C và parvovirus (virus gây ban đỏ nhiễm khuẩn hay bệnh thứ năm) có thể gây viêm đa khớp trong thời gian ngắn và có thể bị nhầm với các loại viêm khớp mạn tính như viêm khớp dạng thấp. Triệu chứng đau khớp thường biến mất trong vòng vài tuần đến vài tháng mà không để lại biến chứng về lâu dài.

Viêm khớp cũng có thể liên quan đến hoặc xảy ra kèm theo các tình trạng bệnh lý khác như:

  • Bệnh vảy nến
  • Bệnh gout
  • Bệnh lupus
  • Đau xơ cơ hóa

Triệu chứng loãng xương

Khác với viêm khớp, loãng xương được gọi là căn bệnh “vô hình” hay “thầm lặng” vì đa phần không biểu hiện triệu chứng. Do đó, hầu hết người bệnh không hề biết mình có mật độ xương thấp cho đến khi xảy ra vấn đề nghiêm trọng hơn như gãy xương.

Vì loãng xương thường không có triệu chứng rõ ràng nên việc sàng lọc là rất quan trọng để phát hiện bệnh từ sớm và ngăn ngừa gãy xương.

Tuy nhiên, đôi khi, loãng xương gây ra các triệu chứng sau đây:

  • Gù lưng
  • Giảm chiều cao
  • Đau lưng, có thể đau dữ dội

Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương. Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra một cách tự phát hoặc do những cũ ngã, va đập rất nhẹ. Thậm chí, người bị loãng xương còn có thể bị gãy xương khi thực hiện các chuyển động bình thường như cúi người hoặc nâng vật nặng.

Chẩn đoán

Nên đi khám khi có các triệu chứng viêm khớp hoặc loãng xương. Trước tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi người bệnh về bệnh sử cá nhân và gia đình.

Chẩn đoán viêm khớp

Nếu nghi ngờ người bệnh bị viêm khớp, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau:

  • Xét nghiệm máu: đo nồng độ protein phản ứng C (CRP) và tốc độ máu lắng (ESR), đây là những dấu hiệu chỉ ra phản ứng viêm trong cơ thể.
  • Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF), xét nghiệm CCP (cyclic citrullinated peptide), xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA): đây là những dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp, axit uric, HLA-B27 và các dấu ấn sinh học khác liên quan đến bệnh tự miễn. Tuy nhiên, đôi khi các bệnh tự miễn xảy ra mà không có các dấu hiệu này.
  • Chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ (MRI): cho thấy dấu hiệu tổn thương khớp, giúp phát hiện thoái hóa khớp và các loại viêm khớp do phản ứng tự miễn.

Người bệnh có thể còn phải làm xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh nhiễm trùng như bệnh Lyme (một bệnh do nhiễm vi khuẩn) và viêm gan (một bệnh do nhiễm virus) cũng như các bệnh do nhiễm virus khác có thể xảy ra cùng với viêm khớp.

Chẩn đoán loãng xương

Phương pháp tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh loãng xương là DEXA hay đo hấp thụ tia X năng lượng kép. DEXA sử dụng chùm tia X ngắn hơn và không phát ra nhiều bức xạ như chụp X-quang truyền thống, do đó an toàn hơn khi thực hiện nhiều lần.

Quá trình thực hiện thường chỉ mất trung bình từ 10 đến 15 phút. Phương pháp này đo mật độ khoáng chất có trong xương của người bệnh, sau đó so sánh với mật độ khoáng xương của một người 30 tuổi khỏe mạnh và cho kết quả dưới dạng T-score (điểm T).

Theo Viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (American Academy of Orthopaedic Surgeon), ý nghĩa các mức T-score như sau: (3)

T-score

Ý nghĩa

-1 đến +1 Mật độ xương bình thường
-1 đến -2,4 Khối lượng xương thấp (thiếu xương)
-2,5 trở xuống Loãng xương

Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA được khuyến nghị cho:

  • Người trên 50 tuổi
  • Người từng bị gãy xương do chấn thương nhẹ
  • Tất cả phụ nữ trên 65 tuổi
  • Phụ nữ dưới 65 tuổi có các yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương
  • Tất cả nam giới trên 70 tuổi
  • Nam giới dưới 70 tuổi hút thuốc, bị giảm chiều cao hoặc có các yếu tố nguy cơ loãng xương khác

>>> Tìm hiểu về sàng lọc bệnh loãng xương

Yếu tố di truyền

Mặc dù nguy cơ mắc bệnh loãng xương tăng theo độ tuổi nhưng những người có cha hoặc mẹ hoặc cả hai bị loãng xương hoặc một bệnh về xương khác sẽ có nguy cơ loãng xương cao hơn. Nguy cơ sẽ càng cao nếu có mẹ có tiền sử gãy xương hông trước tuổi 50.

Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu xem liệu một số gen và dấu ấn sinh học nhất định có chỉ ra nguy cơ mắc bệnh loãng xương của một người hay không. Đã có một số phát hiện chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và các gen DAAM2, VDR và BMP2.

Tương tự như bệnh loãng xương, bệnh thoái hóa khớp xảy ra từ từ theo thời gian và bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh. Nhưng các loại viêm khớp khác có thể có yếu tố di truyền bên cạnh các yếu tố môi trường. Các bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, có thể di truyền nhưng cũng có nhiều trường hợp mắc bệnh dù không có tiền sử gia đình bị bệnh.

Theo Hiệp hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (The American College of Rheumatology), có tới 30% dân số thế giới mang gen HLA-DR4, một gen có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, không phải ai mang gen này cũng bị viêm khớp dạng thấp (chỉ khoảng 1% dân số nói chung mắc bệnh).

Ngoài ra, mặc dù bản thân bệnh viêm khớp tự phát vị thành niên thường không di truyền nhưng trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có tiền sử gia đình bị một trong các dạng viêm khớp mạn tính.

Các yếu tố nguy cơ khác

Ngoài tiền sử gia đình còn có các yếu tố sức khỏe và môi trường khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương hoặc viêm khớp.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp gồm có:

  • Tuổi tác: Xương trải qua rất nhiều thay đổi trong cuộc đời và việc vận động liên tục trong suốt nhiều năm sẽ có ảnh hưởng đến khớp và xương. Tuổi tác cao là một yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ viêm khớp. Ước tính có tới 30% người trên 45 tuổi bị viêm khớp đầu gối.
  • Thừa cân hoặc béo phì: Trọng lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực lên khớp gối và dẫn đến thoái hóa khớp.
  • Chấn thương khớp nhiều lần: Điều này có thể làm suy yếu các khớp và dẫn đến viêm khớp sau này.
  • Mắc bệnh vảy nến: Nghiên cứu cho thấy người bị vảy nến có nguy cơ bị viêm khớp trong vòng từ 7 đến 10 năm sau.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương gồm có:

  • Tuổi tác: Khi có tuổi, tốc độ phân hủy xương nhanh hơn tốc độ tạo xương mới, điều này dẫn đến giảm mật độ xương, xương yếu đi và dễ gãy.
  • Giới tính: Do những thay đổi về nội tiết tố, chẳng hạn như sự sụt giảm estrogen vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn nam giới.
  • Kích thước khung xương: Khung xương nhỏ có nghĩa khối lượng xương thấp hơn. Do đó, người có khung xương nhỏ có nguy cơ loãng xương cao hơn và loãng xương xảy ra sớm hơn.
  • Dùng một số loại thuốc: Những người đang điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh tự miễn khác có nguy cơ loãng xương do một số loại thuốc điều trị các bệnh lý này làm giảm mật độ xương. Càng dùng thuốc lâu thì nguy cơ càng tăng. Ví dụ về các loại thuốc làm tăng nguy cơ loãng xương gồm có:
    • Corticosteroid
    • Lithium
    • Hormone tuyến giáp
    • Thuốc dùng để điều trị ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt
    • Thuốc chống động kinh
    • Một số loại thuốc ức chế miễn dịch
  • Thiếu dinh dưỡng: Bổ sung đủ dinh dưỡng là một trong những điều quan trọng nhất để phòng ngừa loãng xương. Thiếu canxi và vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương và yếu xương. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ các chất này thì có thể dùng thực phẩm chức năng dể bổ sung nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Hút thuốc hoặc uống rượu: Sử dụng thuốc lá gây giảm mật độ xương và làm tăng nguy cơ gãy xương. Uống quá nhiều rượu làm giảm nồng độ canxi và hormone trong cơ thể, những điều này cũng làm tăng nguy cơ loãng xương. Uống rượu còn làm tăng nguy cơ té ngã và dẫn đến gãy xương ở người bị loãng xương.
  • Lối sống ít vận động: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người từ 18 – 64 tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính nên dành ít nhất 75 – 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải hoặc cường độ cao mỗi tuần. Điều này giúp làm giảm nguy cơ loãng xương và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Nghiên cứu cho thấy chủng tộc cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương. Cụ thể, phụ nữ da trắng và phụ nữ châu Á có tỷ lệ bị loãng xương cao hơn các nhóm chủng tộc khác.

Điều trị

Điều quan trọng là phải tuân thủ kế hoạch điều trị và trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào. Việc tập thể dục thường xuyên với các bài tập tác động thấp có lợi cho cả tình trạng loãng xương và viêm khớp.

Dưới đây là các phương pháp điều trị chính cho hai bệnh lý này.

Điều trị viêm khớp

Viêm khớp là bệnh không thể chữa khỏi. Mục đích điều trị là giảm các triệu chứng, cải thiện khả năng vận động và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Các phương pháp điều trị viêm khớp gồm có:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm cân nếu thừa cân để giảm áp lực lên khớp
  • Vật lý trị liệu
  • Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, lưu ý phải chọn các bài tập phù hợp
  • Đeo đai bảo vệ khớp gối
  • Tiêm corticoid để giảm viêm cục bộ
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) tại chỗ hoặc đường uống
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)
  • Các loại thuốc điều hòa miễn dịch khác, bao gồm thuốc sinh học (ví dụ như Humira, Enbrel và Cimzia)
  • Phẫu thuật thay các khớp bị hỏng

Điều trị loãng xương

Loãng xương cũng là bệnh không thể đảo ngược. Mục đích điều trị là ngăn chặn hoặc làm chậm tốc độ mất xương, cải thiện mật độ xương và phòng ngừa gãy xương. Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Thuốc chống hủy xương: giúp làm chậm quá trình phân hủy xương và ngăn ngừa gãy xương. Các loại thuốc này gồm có bisphosphonate và thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERM).
  • Thuốc đồng hóa: giúp làm tăng sự hình thành xương mới và ngăn ngừa gãy xương. Các loại thuốc đồng hóa đã được FDA phê duyệt để điều trị loãng xương là teriparatide và abaloparatide. Mới đây, romosozumab-aqqg đã được FDA phê duyệt để sử dụng cho phụ nữ mãn kinh bị loãng xương.
  • Bổ sung canxi và vitamin D: Những chất dinh dưỡng này rất cần thiết cho sức khỏe xương. Thiếu canxi và vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
  • Hạn chế uống rượu: Uống quá nhiều rượu sẽ làm giảm nồng độ canxi, sự sản xuất vitamin D của cơ thể và mất cân bằng hormone. Tất cả những điều này đều làm tăng nguy cơ loãng xương.
  • Bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc.

Vật lý trị liệu cũng là một phần quan trọng trong điều trị loãng xương và phòng ngừa gãy xương. Vật lý trị liệu có thể giúp xương chắc khỏe hơn để hạn chế nguy cơ gãy xương. Người bệnh sẽ được hướng dẫn tập các bài tập củng cố sức mạnh của cơ, cải thiện khả năng phối hợp động tác, phạm vi chuyển động và tăng cường xương.

Việc điều trị gãy xương do loãng xương tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí gãy xương. Gãy xương nhẹ ở một số vị trí nhất định có thể chỉ cần phải nghỉ ngơi và đeo nẹp hoặc bó bột. Nhưng nếu gãy xương nghiêm trọng, ví dụ như gãy xương hông thì sẽ phải phẫu thuật.

So sánh viêm khớp và loãng xương

Viêm khớp và loãng xương có thể xảy ra đồng thời nhưng đây là hai bệnh lý riêng biệt.

Dưới đây là các điểm giống và khác nhau giữa hai bệnh lý.

Giống nhau

  • Cả hai đều là tình trạng mạn tính xảy ra ở xương và khớp.
  • Tuổi tác và di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Các phương pháp chẩn đoán gồm có khám lâm sàng, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu.
  • Đôi khi cần phẫu thuật để điều trị (chẳng hạn như phẫu thuật gãy xương hoặc thay khớp)
  • Tập thể dục và điều chỉnh lối sống có thể cải thiện tình trạng bệnh.

Sự khác biệt

  • Trong khi viêm khớp thường gây đau và sưng khớp thì loãng xương đa phần không có triệu chứng cho đến khi xảy ra gãy xương.
  • Mục đích điều trị loãng xương là cải thiện mật độ xương và ngăn ngừa gãy xương trong khi mục đích điều trị viêm khớp là giảm sưng đau và bảo tồn các khớp bị viêm.
  • Viêm khớp có nhiều loại hơn loãng xương.
  • Bệnh loãng xương có thể được ngăn ngừa hoàn toàn bằng cách thay đổi lối sống trong khi nhiều loại bệnh viêm khớp không thể ngăn ngừa một cách tuyệt đối.

Tóm tắt bài viết

Viêm khớp và loãng xương đều là những bệnh xảy ra ở xương. Viêm khớp là tình trạng viêm gây sưng đau ở khớp. Loãng xương là tình trạng giảm mật độ và khối lượng xương, khiến xương suy yếu. Viêm khớp và loãng xương có thể xảy ra đồng thời.

Điều quan trọng là phải đi khám khi có triệu chứng để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị sớm.

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tích cực hoạt động thể chất là những cách tốt nhất để phòng ngừa loãng xương. Một khi xảy ra, bệnh loãng xương không thể đảo ngược được. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, giảm tốc độ mất xương và nguy cơ gãy xương.

Viêm khớp là bệnh rất khó phòng ngừa tuyệt đối nhưng vật lý trị liệu và thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, giảm các cơn bùng phát và cải thiện khả năng vận động.

Tuổi tác và tiền sử gia đình là những yếu tố nguy cơ chính của cả hai bệnh.

Điều quan trọng là phải nói với bác sĩ nếu có cha mẹ bị loãng xương hoặc gia đình có tiền sử mắc các bệnh tự miễn. Xét nghiệm máu và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp xác định nguy cơ mắc bệnh viêm khớp và loãng xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và tuyến cận giáp
Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và tuyến cận giáp

Tuyến cận giáp hoạt động quá mức có thể làm giảm lượng canxi trong xương, làm tăng nguy cơ loãng xương và các vấn đề sức khỏe liên quan.

Mối liên hệ giữa hormone estrogen và bệnh loãng xương
Mối liên hệ giữa hormone estrogen và bệnh loãng xương

Estrogen là hormone có vai trò quan trọng đối với sức khỏe xương. Khi nồng độ estrogen giảm, chẳng hạn như sau khi mãn kinh, nguy cơ loãng xương và gãy xương sẽ tăng lên. Mặc sự sụt giảm estrogen này là không thể tránh khỏi nhưng có những cách để giảm thiểu nguy cơ loãng xương.

Phân biệt thiếu xương và loãng xương
Phân biệt thiếu xương và loãng xương

Loãng xương và thiếu xương đều là những vấn đề về xương. Sự khác biệt giữa hai tình trạng này là ở mức độ giảm mật độ xương. Cùng tìm hiểu về sự khác biệt giữa loãng xương và thiếu xương, ai có nguy cơ mắc phải cũng như những bước cần thực hiện để bảo vệ sức khỏe xương.

Mối liên hệ giữa bệnh Gaucher và loãng xương
Mối liên hệ giữa bệnh Gaucher và loãng xương

Cả bệnh Gaucher và loãng xương đều ảnh hưởng đến xương. Mặc dù đây là hai bệnh lý riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ với nhau.

Phân biệt loãng xương và khử khoáng xương
Phân biệt loãng xương và khử khoáng xương

Khi tốc độ mất khoáng chất trong xương nhanh hơn tốc độ tái tạo thì được gọi là khử khoáng xương. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề khác, bao gồm cả bệnh loãng xương.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây