1

Methotrexate dạng truyền tĩnh mạch: Tác dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Methotrexate có 4 dạng bào chế là dung dịch truyền tĩnh mạch, dung dịch tự tiêm, viên nén và dung dịch uống. Methotrexate dạng dung dịch truyền tĩnh mạch được sử dụng để điều trị một số loại ung thư, bệnh vảy nến và viêm khớp dạng thấp.
Methotrexate dạng truyền tĩnh mạch: Tác dụng, liều dùng và tác dụng phụ Methotrexate dạng truyền tĩnh mạch: Tác dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo quan trọng

  • Cảnh báo đặc biệt: Methotrexate có một cảnh báo đặc biệt (boxed warning). Đây là cảnh báo nghiêm trọng nhất từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.
  • Tiêu chảy: Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh bị tiêu chảy trong quá trình điều trị bằng methotrexate. Tiêu chảy nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Người bệnh có thể phải ngừng dùng thuốc.
  • Vấn đề về gan: Methotrexate có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về gan, gồm có xơ gan. Dùng thuốc càng lâu thì nguy cơ càng cao.
  • Vấn đề về phổi: Methotrexate có thể gây tổn thương phổi. Tác dụng phụ này có thể xảy ra với bất kỳ liều dùng nào và bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị. Cho dù ngừng thuốc thì tổn thương phổi cũng sẽ không thể hồi phục. Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh có dấu hiệu vấn đề về phổi như khó thở, hụt hơi, đau ngực hoặc ho khan.
  • U lympho: Methotrexate có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh u lympho ác tính (ung thư hạch). Nguy cơ này có thể biến mất khi ngừng dùng thuốc.
  • Phản ứng da: Methotrexate có thể gây phản ứng da nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Tình trạng này có thể biến mất khi ngừng dùng thuốc. Báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức nếu người bệnh có các triệu chứng như ban đỏ, sưng, nổi mụn nước hoặc bong tróc da, sốt, mắt đỏ, vết loét ở miệng, cổ họng, mũi hoặc mắt.
  • Nhiễm trùng: Methotrexate làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, có nghĩa là làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm cả các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Nếu đang bị nhiễm trùng, người bệnh cần điều trị trước khi bắt đầu dùng methotrexate.
  • Một số bệnh lý làm tăng nồng độ methotrexate trong cơ thể: Một số tình trạng bệnh lý có thể làm giảm khả năng đào thải methotrexate ra khỏi cơ thể. Điều này khiến methotrexate tích tụ trong máu lâu hơn và làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể giảm liều hoặc đề nghị người bệnh ngừng dùng methotrexate.
  • Hội chứng ly giải u: Ở những người bị ung thư và khối u đang phát triển nhanh, methotrexate có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ly giải u. Hội chứng này xảy ra do sự phân hủy nhanh chóng các tế bào ung thư. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và có thể gây tử vong.
  • Một số loại thuốc khác làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của methotrexate: Một số loại thuốc và phương pháp điều trị có thể làm tăng tác dụng phụ của methotrexate, gồm có xạ trị và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Những ảnh hưởng này có thể gây tử vong.
  • Cảnh báo đối với phụ nữ mang thai: Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai không nên sử dụng methotrexate. Methotrexate có thể gây hại cho thai kỳ hoặc thậm chí gây sảy thai. Nếu có thai trong thời gian điều trị bằng methotrexate, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ. Methotrexate còn có thể ảnh hưởng đến tinh trùng. Cả nam giới và phụ nữ đều nên sử dụng biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị.

Methotrexate là thuốc gì?

Methotrexate là một loại thuốc kê đơn có bốn dạng bào chế là dung dịch truyền tĩnh mạch, dung dịch tự tiêm, viên nén và dung dịch uống. Người bệnh cần đến bệnh viện định kỳ để truyền thuốc chứ không thể tự thực hiện tại nhà.

Methotrexate dạng truyền tĩnh mạch chỉ có sẵn dạng thuốc gốc chứ không có dạng biệt dược.

Methotrexate có thể được sử dụng cùng với các loại thuốc khác.

Chỉ định

Methotrexate dạng truyền tĩnh mạch được sử dụng để điều trị một số loại ung thư và bệnh vảy nến. Loại thuốc này còn được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm cả viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA).

Methotrexate chỉ được sử dụng trong những trường hợp ung thư đe dọa đến tính mạng, bệnh vảy nến gây ảnh hưởng đến khả năng vận động hoặc viêm khớp dạng thấp không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Cơ chế tác dụng

Methotrexate thuộc nhóm thuốc chống chuyển hóa (nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có mục đích sử dụng và cơ chế tác dụng giống nhau).

Đối với mỗi một bệnh lý, methotrexate có cơ chế tác dụng khác nhau:

  • Ung thư: Methotrexate khiến cơ thể khó tạo ra hoặc sửa chữa DNA hơn. Điều này tác động đến các tế bào đang phát triển nhanh chóng trong cơ thể. Khi tế bào ung thư phát triển nhiều hơn tế bào bình thường, methotrexate sẽ gây hại cho các tế bào ung thư.
  • Bệnh vảy nến: Methotrexate làm chậm tốc độ sản sinh lớp trên cùng của da. Điều này giúp điều trị các triệu chứng của bệnh vảy nến.
  • Viêm khớp dạng thấp: Chưa xác định được chính xác cơ chế điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp của methotrexate. Methotrexate tác động đến hệ miễn dịch. Điều này có thể giúp giảm đau, sưng và cứng khớp do viêm khớp dạng thấp.

Tác dụng phụ của methotrexate

Methotrexate dạng truyền tĩnh mạch có thể gây buồn ngủ và ngoài ra còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Các tác dụng phụ phổ biến của methotrexate gồm có:

  • Loét miệng
  • Giảm bạch cầu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Mệt mỏi
  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Chóng mặt

Nếu những tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường tự hết sau vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì người bệnh cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh gặp tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian điều trị bằng methotrexate. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của methotrexate và các triệu chứng gồm có:

  • Chảy máu (xuất huyết). Các dấu hiệu gồm có:
    • Chất nôn có lẫn máu hoặc trông giống như bã cà phê
    • Ho ra máu
    • Phân có máu hoặc màu đen
    • Chảy máu chân răng
    • Chảy máu âm đạo bất thường
    • Dễ bầm tím
  • Vấn đề về gan. Các triệu chứng gồm có:
    • Nước tiểu sẫm màu
    • Nôn mửa
    • Đau bụng
    • Vàng da hoặc tròng trắng mắt
    • Mệt mỏi
    • Ăn không ngon miệng
    • Phân nhạt màu
  • Vấn đề về thận. Các triệu chứng gồm có:
    • Không thể đi tiểu
    • Lượng nước tiểu ít
    • Tăng cân nhanh chóng
    • Nước tiểu có máu
  • Vấn đề về tuyến tụy. Các triệu chứng gồm có:
    • Đau bụng dữ dội
    • Đau lưng dữ dội
    • Khó tiêu
    • Nôn mửa
  • Tổn thương phổi. Các triệu chứng gồm có:
    • Ho khan
    • Sốt
    • Khó thở, hụt hơi
  • U lympho (ung thư hạch). Các triệu chứng gồm có:
    • Mệt mỏi
    • Sốt
    • Ớn lạnh
    • Sụt cân
    • Ăn không ngon miệng
  • Phản ứng da. Các triệu chứng gồm có:
    • Phát ban
    • Đỏ
    • Sưng tấy
    • Mụn nước
    • Da bong tróc
  • Nhiễm trùng. Các triệu chứng gồm có:
    • Sốt
    • Ớn lạnh
    • Đau họng
    • Ho
    • Đau tai hoặc vùng quanh mũi
    • Nước bọt hoặc chất nhầy có màu bất thường
    • Đau khi đi tiểu
    • Vết loét trong miệng
    • Vết thương lâu lành
  • Tổn thương và đau xương
  • Hội chứng ly giải u. Các triệu chứng gồm có:
    • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
    • Ngất xỉu
    • Tiểu khó
    • Yếu cơ hoặc chuột rút
    • Đau bụng, nôn mửa hoặc chán ăn
    • Tiêu chảy
    • Mệt mỏi

Tương tác thuốc

Methotrexate dạng dung dịch truyền tĩnh mạch có thể tương tác với các loại thuốc khác, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Để tránh xảy ra tương tác thuốc, trước khi bắt đầu điều trị bằng methotrexate, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng.

Cảnh báo về methotrexate

Methotrexate đi kèm một số cảnh báo.

Nguy cơ dị ứng

Methotrexate có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:

  • Khó thở
  • Sưng cổ họng hoặc lưỡi
  • Mề đay

Nếu gặp những triệu chứng này trong thời gian điều trị bằng methotrexate, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Nếu bị dị ứng, người bệnh sẽ phải ngừng sử dụng methotrexate. Việc tiếp tục dùng thuốc khi bị dị ứng có thể gây tử vong

Tương tác với đồ uống có cồn

Không nên uống rượu bia trong thời gian điều trị bằng methotrexate. Uống rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ về gan do methotrexate.

Cảnh báo đối với người có một số vấn đề sức khỏe nhất định

Đối với người mắc bệnh gan: Người có tiền sử bệnh gan, nhất là bệnh gan liên quan đến rượu không nên dùng methotrexate. Methotrexate có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Đối với người có hệ miễn dịch suy yếu: Không nên dùng methotrexate vì loại thuốc này làm giảm chức năng của hệ miễn dịch.

Đối với người có số lượng tế bào máu thấp: Những người có số lượng tế bào máu thấp cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị bằng methotrexate. Methotrexate có thể làm giảm số lượng tế bào máu. Nếu số lượng tế bào máu quá thấp, người bệnh có thể sẽ phải ngừng sử dụng methotrexate.

Đối với người mắc bệnh thận: Methotrexate có thể làm giảm chức năng thận và khiến cho tình trạng bệnh thận càng thêm trầm trọng. Nếu các triệu chứng bệnh thận nặng thêm trong thời gian điều trị bằng methotrexate, bác sĩ có thể sẽ giảm liều hoặc yêu cầu người bệnh ngừng sử dụng thuốc.

Đối với người bị viêm loét đại tràng: Không nên sử dụng methotrexate. Methotrexate có thể làm cho tình trạng bệnh nghiêm trọng thêm. Loại thuốc này làm tăng nguy cơ viêm loét đường tiêu hóa.

Đối với những người bị cổ trướng (tích tụ dịch trong khoang bụng) hoặc tràn dịch màng phổi (tích tụ dịch trong khoang màng phổi): Ở người bị những vấn đề này, methotrexate có thể tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Bác sĩ có th sẽ giảm liều hoặc yêu cầu người bệnh ngừng dùng methotrexate.

Đối với người đang xạ trị: Sử dụng methotrexate trong quá trình xạ trị điều trị ung thư có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về da và xương. Nếu sử dụng methotrexate trong khi xạ trị, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị. Nếu các vấn đề về da hoặc xương trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ phải ngừng sử dụng methotrexate

Đối với người bị bệnh vảy nến: Ở những người mà bệnh vảy nến trở nên nặng hơn khi da tiếp xúc với tia cực tím (UV) hoặc ánh nắng mặt trời, sử dụng methotrexate cũng có thể gây ra điều tương tự. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị. Nếu tình trạng da trở nên xấu đi, người bệnh sẽ phải ngừng dùng methotrexate.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

Đối với phụ nữ mang thai: Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ nguy hiểm khi dùng trong thai kỳ. Theo đó, methotrexate được xếp vào nhóm X, có nghĩa là:

  1. Phụ nữ đang mang thai tuyệt đối không được sử dụng thuốc.
  2. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần sử dụng biện pháp tránh thai trong suốt thời gian dùng thuốc.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể sẽ phải thử thai trước khi bắt đầu điều trị bằng methotrexate. Không nên mang thai trong thời gian sử dụng thuốc và trong ít nhất một chu kỳ kinh nguyệt sau khi ngừng thuốc.

Methotrexate còn có thể ảnh hưởng đến tinh trùng. Nam giới cần sử dụng biện pháp tránh thai trong thời gian điều trị bằng methotrexate và trong ít nhất 3 tháng sau khi ngừng thuốc.

Cả nam giới và phụ nữ đều nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong quá trình điều trị bằng dùng methotrexate.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Methotrexate đi vào sữa mẹ và có thể gây hại cho trẻ sơ sinh bú mẹ. Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang cho con bú. Không sử dụng methotrexate khi cho con bú.

Đối với người cao tuổi: Khi có tuổi, thận không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ. Điều này có nghĩa là thận sẽ đào thải thuốc chậm hơn. Kết quả là thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Người cao tuổi còn có nguy cơ cao mắc bệnh gan và thiếu axit folic. Những vấn đề này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ khi sử dụng methotrexate.

Đối với trẻ em: Methotrexate mới chỉ được nghiên cứu ở trẻ em để điều trị ung thư và viêm khớp tự phát thiếu niên. Chưa rõ tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này khi được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến cho trẻ em.

Liều dùng và cách sử dụng methotrexate

Liều dùng methotrexate phụ thuộc vào mục đích sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ xác định liều dùng phù hợp với người bệnh. Liều dùng thuốc còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các bệnh lý đã từng mắc và đang mắc trước khi bác sĩ kê thuốc.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định

Methotrexate có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị ngắn hạn hoặc lâu dài. Thời gian sử dụng thuốc phụ thuộc vào bệnh lý cần điều trị.

Sử dụng thuốc không theo chỉ định có thể gây ra nhiều rủi ro.

Nếu ngừng thuốc đột ngột hoặc hoàn toàn không sử dụng thuốc:

  • Đối với bệnh ung thư: tình trạng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đối với bệnh vảy nến: các triệu chứng sẽ không thuyên giảm hoặc thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đối với bệnh viêm khớp dạng thấp: Tình trạng viêm và đau khớp sẽ thuyên giảm hoặc thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu bỏ lỡ lịch truyền thuốc hoặc truyền thuốc không đúng lịch: Thuốc có thể sẽ kém hiệu quả hoặc hoàn toàn không hiệu quả. Để methotrexate phát huy hiệu quả tối đa, người bệnh cần truyền thuốc đều đặn đúng lịch để duy trì lượng thuốc ổn định trong cơ thể.

Cần làm gì nếu bỏ lỡ lịch truyền thuốc? Hãy đến bệnh viện để truyền thuốc bù càng sớm càng tốt.

Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không?

  • Đối với bệnh ung thư: Nếu các triệu chứng của bệnh ung thư thuyên giảm thì đó là dấu hiệu cho thấy thuốc có hiệu quả. Người bệnh cũng có thể cần làm xét nghiệm định kỳ kiểm tra nồng độ một số hormone và chất khác trong máu để đánh giá hiệu quả của methotrexate.
  • Đối với bệnh vảy nến: Nếu các triệu chứng của bệnh vảy nến thuyên giảm thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả.
  • Đối với bệnh viêm khớp dạng thấp: Nếu khớp sưng đau và cứng thì có nghĩa là thuốc có hiệu quả. Các triệu chứng bệnh thường bắt đầu cải thiện trong vòng 3 – 6 tuần sử dụng thuốc.

Những điều quan trọng cần lưu ý khi dùng methotrexate

Lưu ý chung

  • Bác sĩ sẽ chỉ định tần suất truyền thuốc dựa trên bệnh lý cần điều trị.
  • Thời gian sử dụng methotrexate tùy thuộc vào bệnh lý cần điều trị.
  • Methotrexate có thể gây chóng mặt hoặc buồn ngủ. Do đó, người bệnh có thể cần có người đưa về sau khi truyền thuốc. Không nên tự lái xe và vận hành máy móc trong thời gian điều trị bằng methotrexate cho đến khi hiểu rõ về ảnh hưởng của thuốc đến cơ thể.

Theo dõi lâm sàng

Trong thời gian điều trị bằng methotrexate, người bệnh cần tái khám định kỳ và làm xét nghiệm kiểm tra những yếu tố sau để xem thuốc có gây ra tác dụng phụ hay không:

  • Số lượng tế bào máu: người bệnh cần làm xét nghiệm máu đo số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Nếu số lượng tế bào máu quá thấp, bác sĩ sẽ cho ngừng điều trị.
  • Chức năng gan: người bệnh cần làm xét nghiệm máu để đánh giá hoạt động của gan. Nếu chức năng gan kém, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu ngừng dùng methotrexate.
  • Chức năng thận: người bệnh cần làm xét nghiệm máu để đánh giá hoạt động của thận. Nếu chức năng thận kém, bác sĩ có thể sẽ giảm liều hoặc yêu cầu người bệnh ngừng dùng methotrexate.
  • Chức năng phổi: người bệnh cần chụp X-quang lồng ngực để đánh giá chức năng phổi trong quá trình điều trị bằng methotrexate. Nếu phổi không hoạt động tốt, bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng dùng methotrexate.

Chế độ ăn uống

Uống đủ nước trong thời gian điều trị bằng methotrexate. Khi cơ thể bị mất nước, methotrexate sẽ tích tụ trong máu và gây ra nhiều tác dụng phụ hơn, gồm có chóng mặt, tụt huyết áp, mệt mỏi và yếu cơ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Rinvoq: Công dụng, cách dùng và tác dụng phụ
Rinvoq: Công dụng, cách dùng và tác dụng phụ

Rinvoq (upadacitinib) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị một số bệnh lý, gồm có viêm khớp dạng thấp và viêm loét đại tràng. Rinvoq có dạng viên nén dùng qua đường uống.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?
Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?

Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính hiện chưa có thuốc chữa trị khỏi nhưng các nhà nghiên cứu cho biết một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.

Hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp
Hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.

Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp
Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp khiến cho các khớp bị đau và cứng. Tình trạng này sẽ khiến cho người bệnh khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp, điều chỉnh tư thế ngủ có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và ngủ ngon giấc hơn, nhờ đó tăng mức năng lượng cơ thể và cải thiện các triệu chứng khác của bệnh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây