1

Covid-19 có thể gây tiểu không tự chủ

Có một mối liên hệ giữa Covid-19 và chứng tiểu không tự chủ nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu lý do và cách điều trị chứng tiểu không tự chủ liên quan đến Covid-19.
Covid-19 có thể gây tiểu không tự chủ Covid-19 có thể gây tiểu không tự chủ

Covid-19 ảnh hưởng đến hệ hô hấp nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả hệ tiết niệu.

Nhiều người mắc các bệnh về tiết niệu nhận thấy rằng các triệu chứng trở nên nặng hơn trong và sau khi nhiễm Covid-19.

Tương tự, Covid-19 có thể góp phần gây ra các triệu chứng tiết niệu ở những người trước đây không mắc bệnh.

Kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa Covid-19 và tiểu không tự chủ

Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa Covid-19 và các triệu chứng liên quan đến đường tiết niệu dưới. Theo các nhà nghiên cứu, những triệu chứng này nên được coi là triệu chứng của Covid-19.

Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy các triệu chứng tiết niệu phổ biến nhất ở người mắc Covid-19 là đi tiểu nhiều lần (13 lần trở lên) trong khoảng thời gian 24 giờ và đi tiểu 4 lần trở lên vào ban đêm. (1)

Và nhiễm Covid-19 càng nặng thì các triệu chứng tiết niệu càng nghiêm trọng.

Lý do cho điều này vẫn chưa được xác định rõ. Tình trạng viêm do nhiễm virus có thể là nguyên nhân vì tình trạng viêm có thể làm hỏng lớp niêm mạc bên trong của bàng quang. Cũng có khả năng Covid-19 nghiêm trọng dẫn đến tổn thương thận và ảnh hưởng đến chức năng thận.

Tiểu gấp, đi tiểu nhiều lần và tiểu không tự chủ cũng được ghi nhận là một tác dụng phụ của vắc xin phòng Covid-19.

Nhưng hầu hết các nghiên cứu này không đánh giá thói quen đi tiểu thông thường của những người tham gia trước khi tiêm vắc xin, có nghĩa là chưa đủ cơ sở để kết luận các rối loạn tiểu tiện nói trên là tác dụng phụ của việc tiêm chủng.

Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng ở những người bị hội chứng bàng quang tăng hoạt, các triệu chứng tiết niệu trở nên trầm trọng hơn sau khi tiêm vắc xin. (2)

Mặc dù các tác dụng phụ này đều hiếm gặp nhưng nguyên nhân có thể là do phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể với vắc xin.

Các nguyên nhân khác gây tiểu không tự chủ

Có rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra hoặc góp phần gây ra chứng tiểu không tự chủ, gồm có:

  • Nhiễm trùng hệ tiết niệu
  • Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu và liệu pháp thay thế hormone
  • Cơ sàn chậu suy yếu, chẳng hạn như do sinh con
  • Tăng áp lực ở ổ bụng và vùng chậu do mang thai hoặc béo phì
  • Trải qua phẫu thuật như phẫu thuật cắt tử cung, quá trình phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến bàng quang
  • Tiêu thụ quá nhiều caffeine hoặc đồ uống có cồn
  • Táo bón mạn tính

Ngoài tình trạng viêm do nhiễm Covid-19 và tiêm vắc xin, nguyên nhân dẫn đến chứng tiểu không tự chủ ở người mắc Covid-19 còn có thể là do những thay đổi về lối sống trong đại dịch.

Ví dụ, do giãn cách xã hội nên mọi người ít đi lại và tập thể dục hơn mà ít vận động là một yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ, đặc biệt là đối với phụ nữ lớn tuổi.

Nghiên cứu cho thấy trong thời gian xảy ra đại dịch Covid, tỷ lệ bị rối loạn tâm thần đã tăng cao do nhiều nguyên nhân và trầm cảm có thể gây ra các triệu chứng tiết niệu. (3)

Thêm nữa, một nghiên cứu tại Ý vào năm 2021 cho thấy phụ nữ bị bàng quang tăng hoạt có các triệu chứng nghiêm trọng hơn sau một tháng thực hiện giãn cách xã hội. Một trong các nguyên nhân dẫn đến điều này có thể là do căng thẳng tâm lý.

Triệu chứng tiểu không tự chủ

Tiểu không tự chủ xảy ra khi khả năng kiểm soát bàng quang giảm. Các triệu chứng phổ biến của chứng tiểu không tự chủ gồm có:

  • Rò rỉ nước tiểu khi hắt hơi, ho, cười, thay đổi tư thế hoặc hoạt động thể chất
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày
  • Phải thức dậy thường xuyên vào ban đêm để đi tiểu
  • Đột ngột buồn tiểu dữ dội (tiểu gấp)

Điều trị tiểu không tự chủ

Tăng cường hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ.

Ngoài ra, người bệnh nên tập các bài tập củng cố cơ sàn chậu, chẳng hạn như bài tập Kegel và tăng dần thời gian nhịn tiểu khi cảm thấy buồn tiểu. Điều này giúp rèn luyện bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.

Nếu tiểu không tự chủ là do những tác nhân cụ thể gây ra, chẳng hạn như caffeine hoặc rượu bia thì cần phải tránh hoặc ít nhất là hạn chế những tác nhân này.

Nếu đã thay đổi thói quen sống và tập các bài tập tăng cường cơ sàn chậu mà tình trạng tiểu không tự chủ vẫn không cải thiện thì người bệnh có thể phải dùng thuốc giảm viêm hoặc thuốc giúp bàng quang chứa được nhiều nước tiểu hơn.

Giải pháp cuối cùng là phẫu thuật hoặc các thủ thuật kích thích dây thần kinh bàng quang.

Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa xác định được phương pháp điều trị có hiệu quả nhất đối vọa tình trạng rối loạn tiết niệu có liên quan đến Covid-19.

Các triệu chứng có thể tự cải thiện theo thời gian sau khi khỏi Covid-19. Hầu hết người mắc Covid-19 đều hồi phục hoàn toàn trong vòng 3 tháng nhưng không ít người bị hội chứng Covid kéo dài, tình trạng các triệu chứng tiếp diễn hoặc xuất hiện triệu chứng mới sau 3 tháng kể từ khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Một số câu hỏi thường gặp

Tiểu không tự chủ có làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19 không?

Chưa có bằng chứng nào cho thấy chứng tiểu không tự chủ ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm Covid-19.

Các bệnh lý khác, chẳng hạn như một số loại ung thư và bệnh thận nghiêm trọng, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19.

Covid-19 có làm tăng nguy cơ mắc chứng tiểu không tự chủ không?

Theo một số nhà nghiên cứu, các triệu chứng liên quan đến đường tiết niệu dưới, chẳng hạn như đi tiểu nhiều lần, nên được coi là các triệu chứng của Covid-19.

Điều đó có nghĩa là Covid-19 có thể gây ra hoặc góp phần gây ra các vấn đề về tiết niệu như tiểu không tự chủ. Nhiễm Covid-19 càng nặng thì các triệu chứng về tiết niệu càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các triệu chứng này thường chỉ là tạm thời và sẽ tự hết khi khỏi Covid.

Covid-19 có ảnh hưởng đến các vấn đề tiết niệu đã mắc từ trước hoặc gây ra biến chứng không?

Nhiều người mắc các bệnh về tiết niệu nhận thấy rằng các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn sau khi nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, tình trạng này chỉ là tạm thời và sẽ trở lại bình thường sau khi khỏi Covid hoàn toàn.

Vắc xin phòng Covid-19 có ảnh hưởng đến các vấn đề tiết niệu đã mắc từ trước hoặc gây ra biến chứng không?

Một số nghiên cứu đã báo cáo đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu không tự chủ là tác dụng phụ của vắc xin phòng Covid-19.

Và ở một số người bị hội chứng bàng quang tăng hoạt, các triệu chứng đã trở nên nghiêm trọng hơn sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Nhưng chưa có đủ bằng chứng để kết luận liệu vắc xin có phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra điều này hay không hay là do các yếu tố khác.

Hơn nữa, những tác dụng phụ này đều không phổ biến.

Đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng như thế nào đến việc chẩn đoán và điều trị chứng tiểu không tự chủ?

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến mức độ hoạt động thể chất hàng ngày và sức khỏe tâm thần của mọi người, điều này có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tiết niệu như tiểu không tự chủ.

Nhưng đó không phải là tác động duy nhất mà đại dịch gây ra. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Mặc dù có thể chẩn đoán và điều trị chứng tiểu không tự chủ từ xa (trừ khi cần phải phẫu thuật) nhưng việc khám bệnh từ xa vẫn có một số điểm hạn chế so với khám chữa bệnh trực tiếp. Điều này dẫn đến một số ca bệnh không được chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, những người không thông thạo công nghệ, ví dụ như người lớn tuổi có thể sẽ không được phát hiện bệnh.

Mặc dù chứng tiểu không tự chủ có thể được điều trị bằng các biện pháp không xâm lấn như điều chỉnh lối sống, trị liệu hay dùng thuốc nhưng cũng có nhiều trường hợp cần phải phẫu thuật mà điều này rất khó thực hiện trong thời gian xảy ra đại dịch Covid. Một nghiên cứu vào năm 2020 ở Brazil cho thấy số ca phẫu thuật điều trị tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ giảm hơn 50%.

Tóm tắt bài viết

Tiểu không tự chủ và các vấn đề về tiết niệu khác có thể là triệu chứng của Covid-19. Và ở những người vốn đã mắc bệnh tiết niệu, nhiễm Covid-19 có thể góp phần khiến cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh mối liên hệ này và tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: có thể
Tin liên quan
Nhịn tiểu có gây hại không?
Nhịn tiểu có gây hại không?

Hầu hết mọi người đều đã từng nhịn tiểu ít nhất một lần mặc dù biết rằng nhịn tiểu không tốt. Vậy có đúng là nhịn tiểu có gây hại hay không và gây hại như thế nào?

Nước tiểu có thật sự vô trùng không?
Nước tiểu có thật sự vô trùng không?

Nhiều người vẫn cho rằng nước tiểu vô trùng, có nghĩa là không chứa bất cứ loại vi khuẩn hay vi sinh vật nào nhưng trên thực tế, điều này là không đúng. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ngay cả ở những người khỏe mạnh, nước tiểu vẫn có chứa vi khuẩn. Vì vậy, nước tiểu không hoàn toàn “sạch”. Bài viết dưới đây sẽ giải thích lý do tại sao nước tiểu không hoàn toàn vô trùng và làm rõ một số lầm tưởng khác về nước tiểu.

Nước tiểu trong suốt, không màu có bình thường không?
Nước tiểu trong suốt, không màu có bình thường không?

Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu trở nên trong suốt, không màu, từ uống quá nhiều nước cho đến tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ

Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.

Tiểu không tự chủ ở người lớn: Những điều cần biết
Tiểu không tự chủ ở người lớn: Những điều cần biết

Tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu không tự chủ. Đây là một vấn đề rất phổ biến ở người lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng tiểu không tự chủ thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây