1

Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cimzia (certolizumab) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng cho người lớn để điều trị bệnh vảy nến thể mảng, bệnh Crohn và một số loại viêm khớp, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.
Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Thông tin cơ bản về Cimzia

Cimzia chứa hoạt chất certolizumab, là một chất ức chế yếu tố hoại tử khối u (chất ức chế TNF).

Cimzia là một loại thuốc sinh học, có nghĩa là được làm từ các bộ phận của sinh vật sống. Cimzia không có dạng thuốc sinh học tương tự (thuốc sinh học tương tự giống như thuốc gốc (generic) nhưng khác thuốc gốc ở chỗ thuốc gốc là bản sao của thuốc không sinh học còn thuốc sinh học là bản sao của thuốc sinh học. Certolizumab chỉ có dạng biệt dược là Cimzia.

Chỉ định

Cimzia được sử dụng cho người lớn để điều trị các bệnh tự miễn sau đây:

  • Bệnh vảy nến thể mảng: Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm mô da, dẫn đến viêm. Vảy nến thể mảng là dạng vảy nến phổ biến nhất. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là các mảng da đóng vảy dày, xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể như da đầu, khuỷu tay, đầu gối và lưng dưới.
  • Bệnh Crohn: Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột (IBD) có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiêu hóa. Các triệu chứng gồm có đau bụng, tiêu chảy nghiêm trọng, chán ăn, sút cân,…
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm mô khớp, gây sưng, đau và cứng khớp. Thông thường, người bệnh bị sưng đau ở các khớp nhỏ ở bàn tay và cổ tay. Nhưng bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể xảy ra ở các khớp khác gồm có đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, vai và hông.
  • Viêm khớp vảy nến: Một bệnh lý ảnh hưởng cùng lúc đến cả khớp và da. Người bệnh gặp phải các triệu chứng của cả viêm khớp và bệnh vảy nến.
  • Viêm cột sống dính khớp: Viêm cột sống dính khớp là tình trạng khớp cột sống bị viêm, theo thời gian các đốt sống dính liền với nhau. Bệnh có triệu chứng là đau thắt lưng dai dẳng và cứng cột sống.
  • Viêm khớp cột sống thể trục không tổn thương X-quang: Bệnh lý này có triệu chứng tương tự như viêm cột sống dính khớp. Nhưng không giống như viêm cột sống dính khớp, tình trạng viêm và tổn thương ở phần dưới của cột sống không biểu hiện trên ảnh chụp X-quang.

Cimzia giúp điều trị những bệnh lý này bằng cách ngăn chặn một loại protein tên là yếu tố hoại tử khối u (tumor necrosis factor - TNF). Bằng cách ngăn chặn hoạt động của TNF, Cimzia giúp giảm viêm do hệ miễn dịch gây ra.

Cơ chế tác dụng của Cimzia

Cimzia thuộc nhóm thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (thuốc ức chế TNF). Các loại thuốc trong nhóm này ngăn chặn TNF, một loại protein đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch.

TNF hoạt động quá mức là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh vảy nến thể mảng và bệnh Crohn. Bằng cách ngăn chặn TNF, Cimzia giúp kiểm soát tình trạng viêm do hệ miễn dịch gây ra.

Liều dùng và cách sử dụng

Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng nhưng hãy sử dụng đúng liều mà bác sĩ kê. Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng Cimzia phù hợp cho người bệnh.

Dạng bào chế và hàm lượng

Cimzia là một loại thuốc tiêm dưới da. Thuốc có hai dạng bào chế:

  • Dạng bột được đựng bên trong lọ đơn liều, thuốc sẽ được hòa với dung dịch trước khi tiêm
  • Dạng lỏng được đựng sẵn bên trong bơm tiêm đơn liều

Cả dạng lọ và bơm tiêm đều có hàm lượng là 200 miligam.

Liều dùng khuyến nghị

Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng dựa trên bệnh lý cụ thể.

Liều dùng để điều trị bệnh vảy nến thể mảng

Để điều trị bệnh vảy nến thể mảng, người bệnh cần tiêm Cimzia 2 tuần một lần. Nhưng đối với những người nặng dưới 90kg (khoảng 198 pound), bác sĩ có thể sẽ chỉ định liều đầu tiên, tiếp theo là 2 liều nữa, mỗi liều cách nhau 2 tuần. Sau 3 liều đầu tiên, người bệnh sẽ tiêm thuốc 2 tuần một lần.

Liều dùng để điều trị bệnh Crohn

Để điều trị bệnh Crohn, người bệnh sẽ tiêm mũi đầu tiên và sau đó 2 tuần tiêm mũi tiếp theo. Sau 2 tuần, người bệnh sẽ dùng lại thuốc. Sau 3 lần tiêm đầu tiên, nếu bệnh đáp ứng với thuốc, người bệnh sẽ tiêm Cimzia 4 tuần một lần.

Liều dùng để điều trị bệnh viêm khớp

Để điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp hoặc viêm khớp cột sống thể trục không tổn thương X-quang, người bệnh sẽ tiêm liều Cimzia đầu tiên và 2 tuần sau tiêm liều thứ hai. Sau đó 2 tuần, người bệnh sẽ tiêm liều thứ 3. Sau 3 liều đầu tiên, bác sĩ có thể đề nghị tiêm Cimzia 4 tuần một lần hoặc 2 tuần một lần tùy vào tình trạng bệnh.

Cách tiêm Cimzia

Cimzia được tiêm dưới da. Người bệnh có thể tự tiêm thuốc tại nhà hoặc đến cơ sở y tế để được tiêm thuốc. Nếu chọn tự tiêm, người bệnh sẽ dùng Cimzia dạng bơm tiêm chứa sẵn thuốc. Bác sĩ sẽ hướng dẫn liều lượng, tần suất và cách tiêm thuốc. Người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Tiêm Cimzia ở một trong những vị trí sau trên cơ thể:

  • bụng, cách rốn khoảng 5cm
  • đùi trước

Nên thay đổi vị trí tiêm mỗi lần tiêm (vị trí tiêm sau nên cách vị trí tiêm trước ít nhất 3cm).

Dùng Cimzia cùng với các thuốc khác

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc khác để người bệnh dùng cùng với Cimzia. Loại thuốc cần dùng sẽ tùy thuộc vào bệnh lý:

  • Vảy nến thể mảng: người bệnh có thể cần dùng methotrexate cùng với Cimzia.
  • Bệnh Crohn: bác sĩ có thể kê Cimzia cùng với một số loại thuốc khác như:
    • azathioprine
    • 6-mercaptopurine
    • methotrexate
  • Viêm khớp dạng thấp: bác sĩ có thể kê Cimzia cùng với methotrexate nếu cần.
  • Viêm khớp vảy nến: Cimzia thường được sử dụng một mình để điều trị bệnh viêm khớp vảy nến. Không nên sử dụng Cimzia cùng với methotrexate. Tuy nhiên, đối với những ca bệnh viêm khớp vảy nến nặng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng Cimzia cùng với methotrexate.
  • Viêm cột sống dính khớp hoặc viêm khớp cột sống thể trục không tổn thương X quang đã ổn định: Cimzia thường được sử dụng một mình mà không kèm theo methotrexate. Bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen để giảm viêm và đau. Nhưng đa phần người bệnh chỉ dùng các loại thuốc này cùng nhau trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, vào các đợt bùng phát viêm khớp hoặc bệnh Crohn, người bệnh có thể cần dùng thêm prednisone ngoài Cimzia.

Câu hỏi về liều dùng và cách sử dụng Cimzia

  • Cần làm gì nếu quên tiêm thuốc? Nếu tiêm thuốc tại cơ sở y tế và để lỡ lịch tiêm thuốc, hãy đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để tiêm bù. Nếu người bệnh tự tiêm thuốc tại nhà và quên tiêm thuốc, hãy tiêm ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu đã gần đến ngày tiêm liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiêm liều tiếp theo như bình thường. Không tiêm gộp hai liều cùng lúc để bù lại liều đã quên. Nếu như không biết nên tiêm hay bỏ qua liều đã quên thì người bệnh nên gọi cho bác sĩ để được hướng dẫn.
  • Có cần sử dụng Cimzia lâu dài không? Các bệnh lý mà Cimzia được sử dụng để điều trị đều là bệnh lý mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ dùng Cimzia lâu dài để kiểm soát tình trạng bệnh. Nếu thuốc có hiệu quả và không gây tác dụng phụ thì người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc.
  • Tiêm Cimzia trước hay sau ăn? Người bệnh có thể tiêm Cimzia trước hoặc sau ăn đều được. Cimzia là một loại thuốc tiêm chứ không phải thuốc uống nên tiêm trước hay sau ăn sẽ không ảnh hưởng đến sự hấp thụ và hiệu quả của thuốc.
  • Mất bao lâu để Cimzia phát huy tác dụng? Thời gian để thuốc phát huy tác dụng và hiệu quả của thuốc ở mỗi người là khác nhau. Điều này còn phụ thuộc vào bệnh lý mà Cimzia được sử dụng để điều trị. Ví dụ, trong các nghiên cứu trên những người mắc bệnh Crohn, các triệu chứng bệnh có sự cải thiện sau 6 tuần điều trị bằng Cimzia. Trong các nghiên cứu trên những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, các triệu chứng bệnh có sự cải thiện sau 24 tuần điều trị. Nhưng cũng có những ca bệnh mà các triệu chứng cải thiện chỉ sau vài tuần dùng thuốc.

Tác dụng phụ của Cimzia

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Cimzia cũng có thể gây tác dụng phụ, bao gồm cả tác dụng phụ nhẹ và tác dụng phụ nghiêm trọng. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của loại thuốc này. Ngoài ra, Cimzia còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác.

Nguy cơ, loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác của người bệnh
  • Bệnh lý khác đang mắc
  • Các loại thuốc khác đang dùng

Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ nói rõ về các tác dụng phụ của thuốc cũng như các cách để giảm thiểu tác dụng phụ.

Tác dụng phụ nhẹ

Dưới đây là một số tác dụng phụ nhẹ mà Cimzia có thể gây ra. Để tìm hiểu về các tác dụng phụ nhẹ khác, hãy trao đổi với bác sĩ/dược sĩ hoặc đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Các tác dụng phụ nhẹ của Cimzia gồm có:

  • Phát ban
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
  • Bệnh về đường hô hấp
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi*

Tác dụng phụ nhẹ của nhiều loại thuốc thường biến mất trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ gây khó chịu hoặc kéo dài thì cần phải báo cho bác sĩ.

* Để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Cimzia có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng không phổ biến. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cảm thấy vấn đề đang gặp phải có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của Cimzia gồm có:

  • Virus viêm gan B tái hoạt động (ở những người bị viêm gan B)*
  • Suy tim (mắc mới hoặc bệnh tình trở nên trầm trọng hơn)*
  • Vấn đề về thần kinh (mắc mới hoặc bệnh tình trở nên trầm trọng hơn)*
  • Suy thận
  • Vấn đề về máu
  • Cảnh báo đặc biệt: nhiễm trùng nghiêm trọng và ung thư**
  • Rụng tóc**
  • Dị ứng**

* Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Cảnh báo về Cimzia bên dưới.
** Đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ này.

Chi tiết tác dụng phụ

Cảnh báo đặc biệt

Cimzia đi kèm cảnh báo đặc biệt (boxed warning) về nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng và ung thư. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) về những tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.

Nhiễm trùng nghiêm trọng: Cimzia làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch và điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, gồm có:

  • Bệnh lao
  • Nhiễm trùng máu
  • Nhiễm nấm
  • Một số bệnh nhiễm trùng hiếm gặp

Người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn nếu:

  • từ 65 tuổi trở lên
  • đang dùng các loại thuốc khác cũng làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, chẳng hạn như corticoid (corticosteroid) hoặc methotrexate
  • mắc một số bệnh mạn tính

Mỗi bệnh nhiễm trùng có triệu chứng riêng. Một số triệu chứng mà người bệnh cần chú ý gồm có:

  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi
  • Ho
  • Nóng rát hoặc đau buốt khi đi tiểu
  • Tiểu khó
  • Đau cơ
  • Tiêu chảy

Ung thư: Một số trẻ em và thiếu niên dùng thuốc ức chế TNF đã bị ung thư hạch (bệnh ung thư xảy ra ở hạch bạch huyết) và các bệnh ung thư khác. Cimzia là một loại thuốc ức chế TNF.

Ngoài ra còn có báo cáo về những trường hợp bị ung thư da trong thời gian sử dụng các loại thuốc ức chế TNF như Cimzia. Các loại ung thư da được báo cáo gồm có ung thư hắc tố và ung thư biểu mô tế bào Merkel.

Cần làm gì khi gặp các tác dụng phụ này?

Nếu người bệnh có triệu chứng nhiễm trùng trong thời gian sử dụng Cimzia, hãy báo ngay cho bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng dùng thuốc. Người bệnh không nên tự ý ngừng thuốc mà không thông báo cho bác sĩ.

Nếu người bệnh đang bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ không kê Cimzia. Đối với những người thường xuyên bị nhiễm trùng hoặc nhiễm trùng kéo dài dai dẳng, bác sĩ sẽ cân nhắc những lợi ích và rủi ro của Cimzia trước khi kê thuốc.

Trong thời gian sử dụng Cimzia, người bệnh nên chú ý theo dõi những thay đổi trên cơ thể và đi khám ngay khi nhận thấy triệu chứng nhiễm trùng. Có thể người bệnh sẽ phải tái khám định kỳ để phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng. Nếu sinh sống hoặc sắp phải đi đến nơi có nguy cơ nhiễm nấm cao, người bệnh nên dùng thuốc kháng nấm để ngăn ngừa nhiễm nấm.

Vì thuốc ức chế TNF làm tăng nguy cơ ung thư ở trẻ em nên Cimzia không được phép sử dụng cho người dưới 18 tuổi.

Trong thời gian điều trị bằng Cimzia, người bệnh nên kiểm tra da thường xuyên vì loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Nếu nhận thấy các thay đổi bất thường trên da như vết bớt hay nốt ruồi to lên hoặc vết loét thì cần phải đi khám ngay. Điều này lại càng quan trọng nếu người bệnh có các yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư da, chẳng hạn như tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị ung thư da.

Mệt mỏi

Nếu người bệnh cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường thì đó có thể là tác dụng phụ của Cimzia.

Nhưng mệt mỏi cũng có thể là triệu chứng của nhiễm trùng. Và Cimzia có cảnh báo về nguy cơ nhiễm trùng. Để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Cảnh báo đặc biệt” ở bên trên. Nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm trùng trước khi bắt đầu dùng Cimzia hoặc có các triệu chứng nhiễm trùng trong khi sử dụng thuốc thì người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ.

Cách khắc phục

Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi khi dùng Cimzia thì người bệnh nên đi khám để xem có mắc bệnh nhiễm trùng hay không. Nếu đúng là bị nhiễm trùng thì sẽ cần phải điều trị.

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị người bệnh ngừng dùng Cimzia một thời gian. Nhưng không nên tự ý ngừng thuốc mà không báo cho bác sĩ.

Còn nếu không bị nhiễm trùng thì người bệnh có thể thử một số cách để giảm mệt mỏi như ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều bữa trong ngày hay tập thể dục.

Rụng tóc

Người bệnh có thể bị rụng tóc khi điều trị bằng Cimzia. Trong các nghiên cứu về Cimzia, tác dụng phụ này được quan sát thấy ở một số người khi bệnh tự miễn bùng phát. Hầu hết những người này đều bị rụng tóc toàn phần (rụng tóc ở cả đầu).

Các nghiên cứu cho thấy rụng tóc là một tác dụng phụ hiếm gặp của các loại thuốc ức chế TNF như Cimzia.

Cách khắc phục

Nếu lo lắng về nguy cơ rụng tóc khi điều trị bằng Cimzia, người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ. Có một số cách có thể giúp giảm thiểu nguy cơ rụng tóc khi sử dụng thuốc.

Dị ứng

Cimzia có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:

  • Mẩn đỏ
  • Ngứa ngáy
  • Mặt đỏ bừng
  • Phản ứng tại vị trí tiêm, chẳng hạn như bầm tím, đau hoặc sưng tấy

Mặc dù hiếm gặp nhưng Cimzia có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có:

  • Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, gây khó thở
  • Tụt huyết áp
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Người nóng bừng
  • Sốt

Ngoài ra, bơm tiêm Cimzia có chứa các vật liệu tương tự như mủ cao su (latex). Do đó, những người bị dị ứng latex có thể sẽ bị dị ứng khi dùng Cimzia dạng bơm tiêm.

Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh có triệu chứng dị ứng khi dùng Cimzia. Nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Một số câu hỏi thường gặp về Cimzia

Cimzia có gây tăng cân hay sụt cân không?

Cimzia không ảnh hưởng đến cân nặng. Nhưng nhiễm trùng – một tác dụng phụ của Cimzia - có thể gây sụt cân.

Cimzia có cảnh báo đặc biệt về nguy cơ nhiễm trùng. Để hiểu rõ hơn về cảnh báo này, vui lòng đọc mục “Cảnh báo đặc biệt” trong phần “Tác dụng phụ của Cimzia” bên trên. Nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm trùng trước khi bắt đầu dùng Cimzia hoặc có các triệu chứng nhiễm trùng trong khi sử dụng thuốc thì người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ.

Tăng cân đột ngột trong thời gian sử dụng Cimzia có thể là do cơ thể bị tích nước. Và đây có thể là dấu hiệu của bệnh suy tim. Cimzia có thể làm tăng nguy cơ suy tim hoặc khiến tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn.

Có được uống rượu bia khi sử dụng Cimzia không?

Một số loại thuốc tương tác với đồ uống có cồn. Mặc dù Cimzia không nằm trong số đó nhưng các loại thuốc mà người bệnh dùng cùng với Cimzia có thể tương tác với rượu bia.

Ví dụ, một số người cần dùng Cimzia kết hợp với methotrexate. Methotrexate có thể gây tổn thương gan và việc uống nhiều rượu bia trong thời gian điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan. Do đó, người bệnh nên kiêng rượu bia khi dùng methotrexate cùng với Cimzia.

Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên hỏi bác sĩ xem có thể uống rượu bia trong thời gian điều trị bằng Cimzia hay không.

Cimzia có an toàn với phụ nữ mang thai và cho con bú không?

Do chưa có đủ nghiên cứu nên chưa rõ liệu Cimzia có an toàn khi sử dụng trong thai kỳ hay không. Nếu người bệnh đang mang thai hoặc đang dự định mang thai thì nên cho bác sĩ biết trước khi kê thuốc để bác sĩ lựa chọn loại thuốc phù hợp.

Cimzia được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh viêm khớp dạng thấp không được kiểm soát tốt có thể gây hại cho thai kỳ.

Một lượng nhỏ Cimzia có thể đi vào sữa mẹ. Nhưng trong các nghiên cứu, những trẻ sơ sinh có mẹ sử dụng Cimzia trong thời gian cho con bú không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc. Tuy nhiên, tốt hơn hết người bệnh nên hỏi bác sĩ xem có nên sử dụng Cimzia trong khi cho con bú hay không.

Tương tác thuốc

Dùng một loại thuốc cùng với các loại thuốc khác, vắc xin, thực phẩm, thực phẩm chức năng hay thảo dược nhất định có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Điều này được gọi là tương tác thuốc.

Trước khi sử dụng Cimzia, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn thuốc không kê đơn) cũng như vitamin, thảo dược hay thực phẩm chức năng mà người bệnh đang dùng để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp và tránh xảy ra tương tác thuốc.

Tương tác với các loại thuốc khác

Cimzia có thể tương tác với một số loại thuốc, gồm có các loại thuốc sinh học khác như:

  • anakinra (Kineret)
  • abatacept (Orencia)
  • rituximab (Rituxan)
  • natalizumab (Tysabri)

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những loại thuốc có thể tương tác với Cimzia. Cimzia còn có thể tương tác với rất nhiều loại thuốc khác.

Các tương tác khác

Cimzia còn có thể tương tác với vắc xin và ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm.

Cimzia và vắc xin sống

Cimzia có thể làm giảm hiệu quả của một số loại vắc xin. Điều này là do Cimzia làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch. Nguyên lý của việc sử dụng vắc xin là đưa vào cơ thể kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh. Hệ miễn dịch sẽ hình thành kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh đó. Cimzia khiến cho hệ miễn dịch không thể phản ứng với vắc xin một cách bình thường và do đó làm giảm hiệu quả của vắc xin.

Ngoài ra, trong thời gian điều trị bằng Cimzia, người bệnh không nên tiêm bất kỳ loại vắc xin sống nào. Vắc xin sống được bào chế từ vi sinh vật sống. Khi điều trị bằng Cimzia, hệ miễn dịch sẽ giảm khả năng phản ứng với vắc xin và nếu tiêm vắc xin sống, người bệnh có thể sẽ bị nhiễm bệnh thay vì được bảo vệ khỏi căn bệnh đó.

Ví dụ về các loại vắc-xin sống gồm có:

  • Vắc-xin phòng bệnh sốt vàng
  • Vắc-xin phòng thủy đậu
  • Vắc-xin sởi, quai bị, rubella (MMR)
  • Vắc-xin phòng cúm dạng xịt mũi

Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào trong thời gian điều trị bằng Cimzia.

Cimzia ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm

Cimzia có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm đông máu. Xét nghiệm này giúp đánh giá khả năng hình thành cục máu đông của cơ thể.

Cimzia có thể khiến xét nghiệm đông máu cho kết quả bất thường ngay cả khi người bệnh không gặp bất kỳ vấn đề gì về khả năng đông máu.

Trước khi làm xét nghiệm máu, người bệnh nên cho bác sĩ biết về việc đang dùng Cimzia.

Lưu ý gì khi sử dụng Cimzia

Giống như nhiều loại thuốc khác, Cimzia cũng có một số lưu ý.

Cảnh báo đặc biệt

Cimzia đi kèm cảnh báo đặc biệt (boxed warning) về nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng và ung thư. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Nhiễm trùng nghiêm trọng. Cimzia làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, gồm có bệnh lao, nhiễm trùng máu, nhiễm nấm, virus, ký sinh trùng và các bệnh nhiễm trùng hiếm gặp khác.

Ung thư: Cimzia có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu và ung thư da.

Để hiểu rõ hơn về những cảnh báo này, vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ của Cimzia” ở bên trên.

Cảnh báo khác

Cimzia có thể sẽ không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử cá nhân trước khi bắt đầu điều trị bằng Cimzia, nhất là khi có các vấn đề sức khỏe dưới đây.

  • Virus viêm gan B tái hoạt động: Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm viêm gan B trước khi bác sĩ kê thuốc. Nhiều người bị viêm gan B mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính, người bệnh sẽ phải dùng thuốc điều trị viêm gan B trước khi bắt đầu dùng Cimzia. Người bệnh sẽ phải tái khám định kỳ trong thời gian sử dụng Cimzia và trong vòng vài tháng sau khi ngừng thuốc. Nếu virus viêm gan B tái hoạt động, người bệnh sẽ phải ngừng dùng Cimzia và sử dụng thuốc điều trị viêm gan B. Không nên tự ý ngừng dùng Cimzia mà không báo cho bác sĩ.
  • Vấn đề về máu: Cimzia có thể gây ra một số vấn đề về máu. Nếu người bệnh hiện đang có hoặc từng có kết quả xét nghiệm máu bất thường thì cần cho bác sĩ biết để bác sĩ cân nhắc xem có nên kê Cimzia hay không.
  • Dị ứng: Không sử dụng Cimzia nếu đã từng bị dị ứng với hai loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Nếu người bệnh có tiền sử dị ứng với Cimzia, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.
  • Suy tim: Cimzia có thể gây suy tim hoặc làm cho tình trạng suy tim hiện tại trở nên trầm trọng hơn. Đối với những người bị suy tim, bác sĩ sẽ cân nhắc lợi ích và rủi ro của việc sử dụng Cimzia trước khi kê thuốc. Nếu người bệnh có bất kỳ vấn đề nào về tim khi dùng Cimzia, hãy báo ngay cho bác sĩ.
  • Vấn đề về thần kinh: Cimzia có thể gây ra một số vấn đề về thần kinh hoặc khiến cho vấn đề về thần kinh hiện tại trở nên trầm trọng hơn, gồm có bệnh đa xơ cứng, hội chứng Guillain-Barré, co giật, viêm dây thần kinh thị giác và bệnh lý thần kinh ngoại biên. Nếu người bệnh có vấn đề về thần kinh thì cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp. Và nếu người bệnh bị động kinh hay bất kỳ triệu chứng nào khác liên quan đến não trong thời gian sử dụng Cimzia thì phải báo ngay cho bác sĩ.

Cần làm gì nếu tiêm thuốc quá liều?

Nếu người bệnh tự tiêm thuốc tại nhà, không được tiêm Cimzia vượt quá liều mà bác sĩ chỉ định. Dùng thuốc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu lỡ tiêm thuốc quá liều thì cần chú ý theo dõi những thay đổi trên cơ thể và báo cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Flurbiprofen dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Flurbiprofen dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Flurbiprofen có dạng viên uống và dạng thuốc nhỏ mắt. Flurbiprofen dạng viên nén được sử dụng để điều trị các triệu chứng thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

Golimumab: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Golimumab: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Golimumab là một loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp và viêm loét đại tràng.

Methotrexate dạng truyền tĩnh mạch: Tác dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Methotrexate dạng truyền tĩnh mạch: Tác dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Methotrexate có 4 dạng bào chế là dung dịch truyền tĩnh mạch, dung dịch tự tiêm, viên nén và dung dịch uống. Methotrexate dạng dung dịch truyền tĩnh mạch được sử dụng để điều trị một số loại ung thư, bệnh vảy nến và viêm khớp dạng thấp.

Rinvoq: Công dụng, cách dùng và tác dụng phụ
Rinvoq: Công dụng, cách dùng và tác dụng phụ

Rinvoq (upadacitinib) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị một số bệnh lý, gồm có viêm khớp dạng thấp và viêm loét đại tràng. Rinvoq có dạng viên nén dùng qua đường uống.

Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Giống như nhiều loại thuốc khác, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có tác dụng phụ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây