1

Các nguyên nhân gây tiểu ra máu ở nam giới

Tiểu ra máu hay đái máu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, gồm có chấn thương, vấn đề về thận hoặc tuyến tiền liệt, nhiễm trùng đường tiết niệu…
Các nguyên nhân gây tiểu ra máu ở nam giới Các nguyên nhân gây tiểu ra máu ở nam giới

Đái máu có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng một số nguyên nhân gây đái máu chỉ xảy ra ở nam giới.

Có nhiều nguyên nhân gây tiểu ra máu, trong đó có những nguyên nhân không đáng lo ngại và dễ điều trị nhưng cũng có thể là do những vấn đề nghiêm trọng.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây tiểu ra máu ở nam giới và cách điều trị.

Tổn thương đường tiết niệu

Tổn thương ở bất kỳ phần nào của đường tiết niệu cũng có thể gây tiểu ra máu. Tổn thương có thể xảy ra do chấn thương đụng dập hoặc chấn thương xuyên. Tổn thương ở bộ phận sinh dục cũng có thể gây đái máu. Một số nguyên nhân phổ biến gây chấn thương là chơi thể thao, tai nạn giao thông hay va đập dương vật hoặc tinh hoàn.

Triệu chứng

Máu trong nước tiểu có thể là triệu chứng duy nhất của tổn thương thận.

Tổn thương niệu đạo hoặc tinh hoàn có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Đau bụng dưới
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Sưng tấy
  • Tiểu khó
  • Sốt

Điều trị

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây tổn thương:

  • Thuốc chống viêm để giảm viêm và đau
  • Đặt ống thông tiểu nếu bị tiểu khó
  • Phẫu thuật

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn mà chủ yếu là vi khuẩn E. coli xâm nhập qua niệu đạo vào đường tiết niệu. Mặc dù phụ nữ có nguy cơ cao hơn nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu tăng theo tuổi tác.

Triệu chứng

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây tiểu ra máu và các triệu chứng khác như:

  • Nước tiểu đục
  • Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Đột ngột buồn tiểu dữ dội
  • Đau bụng dưới, thường ở ngay trên xương mu

Điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường được điều trị bằng một đợt kháng sinh kéo dài từ 10 đến 14 ngày. Các triệu chứng có thể sẽ thuyên giảm ngay trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi bắt đầu dùng thuốc nhưng phải dùng thuốc đủ liều để tránh bệnh tái phát.

Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu bắt đầu ở phần dưới của đường tiết niệu và lan đến một hoặc cả hai quả thận. Nhiễm trùng thận cần được điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như cao huyết áp, bệnh thận mạn và suy thận.

Triệu chứng

Các triệu chứng nhiễm trùng thận gồm có:

  • Buồn tiểu liên tục
  • Đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục hoặc có máu
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau lưng, vùng hạ sườn hoặc bẹn

Điều trị

Các phương pháp điều trị nhiễm trùng thận gồm có:

  • Thuốc kháng sinh đường uống, truyền tĩnh mạch hoặc kết hợp cả hai
  • Truyền dịch tĩnh mạch
  • Phẫu thuật nếu sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt gây tắc nghẽn đường tiết niệu

Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận

Nam giới có nguy cơ bị sỏi bàng quang và sỏi thận cao hơn phụ nữ. Sỏi hình thành khi một số khoáng chất trong nước tiểu kết tinh, tạo thành những khối cứng với nhiều kích thước khác nhau, từ nhỏ như hạt cát cho đến to như quả bóng gôn.

Sỏi nhỏ có thể trôi theo nước tiểu ra ngoài nhưng những viên sỏi lớn có thể mắc kẹt trong bàng quang hoặc thận.

Triệu chứng

Sỏi bàng quang và sỏi thận có thể gây tiểu ra máu và các triệu chứng khác, tùy thuộc vào vị trí có sỏi.

Các triệu chứng khác của sỏi bàng quang gồm có:

  • Đau bụng dưới
  • Đau khi đi tiểu
  • Buồn tiểu nhưng lượng nước tiểu ít
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu

Các triệu chứng khác của sỏi thận gồm có:

  • Đau nhói ở lưng, hạ sườn, bụng dưới hoặc bẹn
  • Đau khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Buồn tiểu nhưng lượng nước tiểu ít
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Sốt
  • Ớn lạnh

Điều trị

Sỏi nhỏ có thể tự trôi ra ngoài theo nước tiểu. Nên uống nhiều nước để giúp sỏi trôi ra ngoài nhanh hơn.

Đối với sỏi thận và sỏi bàng quang lớn, các phương pháp điều trị gồm có:

  • Thuốc làm tan sỏi
  • Đặt stent niệu quản (ống rỗng bằng nhựa dẻo được đưa vào qua niệu đạo)
  • Mở thận ra da (đặt một ống thông nối từ thận đến một lỗ trên da để dẫn nước tiểu từ thận, nước tiểu sẽ chảy vào một túi đựng mà người bệnh đeo bên mình)
  • Tán sỏi qua nội soi niệu quản (luồn ống nội soi qua niệu đạo, vào bàng quang và lên niệu quản để tìm và loại bỏ sỏi hoặc làm vỡ viên sỏi thành nhiều mảnh nhỏ để sỏi trôi ra ngoài dễ dàng hơn)

Phì đại tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một tuyến có kích thước nhỏ nằm ngay dưới bàng quang. Tuyến tiền liệt thường tăng kích thước theo tuổi tác. Tình trạng tuyến tiền liệt tăng kích thước một cách lành tính (không phải do ung thư hay viêm) được gọi là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt phì đại có thể chèn ép lên niệu đạo và gây ra các triệu chứng khó chịu.

Triệu chứng

Ngoài tiểu ra máu, phì đại tuyến tiền liệt còn có các triệu chứng khác như:

  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm
  • Tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu dữ dội)
  • Dòng nước tiểu yếu, ngập ngừng
  • Tiểu không tự chủ
  • Tiểu khó
  • Nước tiểu nhỏ giọt sau khi tiểu xong
  • Đau khi xuất tinh hoặc khi đi tiểu
  • Nước tiểu có mùi hoặc màu bất thường
  • Bí tiểu

Điều trị

Việc điều trị phì đại tuyến tiền liệt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng thì không cần điều trị mà chỉ cần tái khám định kỳ để theo dõi. Nếu có triệu chứng gây khó chịu thì các phương pháp điều trị gồm có:

  • Dùng thuốc để thu nhỏ tuyến tiền liệt hoặc làm giãn các cơ gần tuyến tiền liệt
  • Thủ thuật xâm lấn tối thiểu để giảm kích thước của tuyến tiền liệt hoặc giảm chèn ép lên niệu đạo
  • Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt

Các nguyên nhân khác gây tiểu ra máu ở nam giới

Máu trong nước tiểu cũng có thể là do các nguyên nhân ít gặp hơn sau đây:

  • Tác dụng phụ của thuốc: Tiểu ra máu đôi khi là do tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống đông máu và một số loại thuốc hóa trị. Sử dụng thuốc chống viêm không steroid trong thời gian dài cũng có thể gây ra tình trạng này.
  • Tập thể dục cường độ cao: Tập thể dục cường độ cao, chẳng hạn như chạy bộ đường dài thường chỉ gây đái máu vi thể, có nghĩa lượng máu trong nước tiểu rất ít và không nhìn thấy bằng mắt thường nhưng cũng có thể gây đái máu đại thể, có nghĩa là lượng máu nhiều hơn và có thể quan sát thấy. Cường độ tập càng cao thì càng dễ xảy ra đái máu đại thể.
  • Bệnh di truyền: Một số bệnh di truyền, chẳng hạn như bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, bệnh thận đa nang và hội chứng Alport, có thể gây tiểu ra máu.
  • Ung thư: Máu trong nước tiểu có thể là một dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư. Tiểu ra máu không kèm theo đau đớn là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư bàng quang. Đó cũng có thể là triệu chứng của ung thư thận và ung thư tuyến tiền liệt. Những bệnh ung thư này còn gây ra các triệu chứng tiết niệu tương tự như triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, sụt cân và mệt mỏi.

Khi nào cần đi khám?

Cho dù không cảm thấy đau đớn thì bạn cũng nên đi khám khi phát hiện nước tiểu có máu để xác định nguyên nhân. Chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể giúp khỏi bệnh nhanh hơn và giảm nguy cơ biến chứng. Trong trường hợp mắc ung thư, phát hiện bệnh từ sớm sẽ giúp điều trị dễ dàng, hiệu quả hơn và cải thiện tiên lượng.

Phải đến bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng sau đây:

  • Tiểu khó hoặc bí tiểu
  • Cục máu đông trong nước tiểu
  • Nước tiểu có máu đi kèm nôn mửa, sốt hoặc đau lưng, đau vùng hạ sườn hoặc đau bụng dữ dội

Tóm tắt bài viết

Máu trong nước tiểu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, một số nguyên nhân trong đó không quá đáng ngại nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khi thấy có máu trong nước tiểu, cho dù chỉ một lượng nhỏ bạn cũng nên đi khám càng sớm càng tốt. Khi vấn đề được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nguyên nhân
Tin liên quan
Các nguyên nhân gây tiểu ngập ngừng và cách điều trị
Các nguyên nhân gây tiểu ngập ngừng và cách điều trị

Tiểu ngập ngừng có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu thường xuyên bị tiểu ngập ngừng thì nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị.

Nguyên nhân gây tiểu nhiều lần và tiểu gấp
Nguyên nhân gây tiểu nhiều lần và tiểu gấp

Việc đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp có thể là bình thường nếu như không đi kèm các triệu chứng khác. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và cần phải điều trị.

Các nguyên nhân gây tiểu nhiều về đêm (tiểu đêm)
Các nguyên nhân gây tiểu nhiều về đêm (tiểu đêm)

Tiểu đêm có thể xảy ra do uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ, mang thai hoặc do một số vấn đề về sức khỏe.

Nguyên nhân gây đi tiểu nhiều lần
Nguyên nhân gây đi tiểu nhiều lần

Đi tiểu nhiều lần có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, gồm có hội chứng bàng quang tăng hoạt và nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt?
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt?

Nước tiểu có mùi ngọt hoặc mùi trái cây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt. Do cơ thể đào thải vi khuẩn, glucose, axit amin và nhiều chất khác vào nước tiểu nên mùi nước tiểu sẽ thay đổi theo tình trạng sức khỏe. Nếu đột nhiên nhận thấy nước tiểu có mùi ngọt thì bạn nên đi khám ngay.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây