1

Các Cách Cải Thiện Độ Lọc Cầu Thận (GFR) Khi Bị Suy Thận Mạn

Có thể tăng độ lọc cầu thận (GFR) bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng cũng giúp cải thiện chức năng thận.
Các Cách Cải Thiện Độ Lọc Cầu Thận (GFR) Khi Bị Suy Thận Mạn Các Cách Cải Thiện Độ Lọc Cầu Thận (GFR) Khi Bị Suy Thận Mạn

Độ lọc cầu thận là gì?

Độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate – GFR) là thước đo mức độ hoạt động của thận. Bạn có thể cải thiện độ lọc cầu thận và chức năng thận bằng cách điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống, dùng thuốc và thực hiện một số thay đổi khác.

Thận là cơ quan có chức năng lọc máu. Thận giữ lại nước và chất dinh dưỡng mà cơ thể cần từ máu, đồng thời loại bỏ các chất thải, chất độc và nước dư thừa khỏi máu. Những chất này trở thành nước tiểu, sau đó chảy vào bàng quang và được đào thải ra ngoài. Thận đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa sự cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể, điều này giúp giữ cho nhịp tim và huyết áp ổn định.

Khi mắc bệnh suy thận, có nghĩa là khi thận không còn hoạt động tốt, bạn cần phải theo dõi sức khỏe thận một cách cẩn thận. Lý do là bởi bất kỳ sự mất cân bằng nào trong hệ thống này đều có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Độ lọc cầu thận được đo bằng cách nào?

do loc cau than
Độ lọc cầu thận là gì và độ lọc cầu thận bao nhiêu là bình thường?

Độ lọc cầu thận có nghĩa là khả năng lọc máu của các cầu thận.

Cầu thận là những cấu trúc phức tạp được tạo nên từ các mạch máu nhỏ gọi là mao mạch, cùng với protein và các lớp mô, có chức năng liên tục lọc huyết tương. Mỗi cầu thận nằm trong một cấu trúc gọi là bao Bowman. Hai quả thận có tổng cộng khoảng 2 triệu cầu thận.

Có nhiều công thức được sử dụng để tính độ lọc cầu thận nhưng các công thức về cơ bản đều tính đến giới tính, tuổi tác, kích thước cơ thể và nồng độ creatinin trong máu.

Creatinin là một chất thải mà cơ thể tạo ra khi mô cơ bị phân hủy. Tất cả chúng ta đều có một lượng creatinin nhất định trong máu. Nồng độ creatinin trung bình dao động trong khoảng:

  • 0,9 đến 1,3 mg/dL ở nam giới trưởng thành
  • 0,6 đến 1,1 mg/dL ở phụ nữ trưởng thành

Nồng độ creatinin trong máu có thể thay đổi theo từng giai đoạn trong đời. Ví dụ, trong một tổng quan nghiên cứu vào năm 2009, nồng độ creatinin giảm trung bình 0,4 mg/dL ở phụ nữ mang thai.

Vì mức creatinin có thể thay đổi theo độ tuổi và kích thước cơ thể nên không thể chỉ dựa vào mức creatinin để đánh giá tình trạng thận. Công thức tính độ lọc cầu thận tính đến tất cả các yếu tố này.

GFR từ 60 trở lên có nghĩa là chức năng thận bình thường hoặc suy thận mạn giai đoạn 1 hoặc 2 nhưng thận vẫn có thể hoạt động tốt. GFR dưới 60 có nghĩa là chức năng thận đã suy giảm.

Độ lọc cầu thận và các giai đoạn của suy thận mạn

Dựa trên chỉ số GFR, suy thận mạn được chia thành các giai đoạn như sau: (1)

GFR Giai đoạn Chức năng thận
> 90 1 Bình thường
60 - 89 2 Bình thường
45 – 59 3A Giảm mức độ nhẹ đến vừa
30 – 44 3B Giảm mức độ vừa đến nặng
15 – 29 4 Suy giảm nghiêm trọng
< 15 5 (gđ cuối) Thận gần như hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn

​​​​​​

Càng sang các giai đoạn sau, các triệu chứng sẽ càng xuất hiện nhiều và phải điều trị tích cực hơn.

Chạy thận nhân tạo là một phương pháp điều trị suy thận, trong đó một thiết bị ở bên ngoài cơ thể lọc máu thay cho thận. Đây là một phương pháp được sử dụng phổ biến để kiểm soát suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên, phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp ngăn suy thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối.

Làm thế nào để cải thiện GFR và ngăn thận tổn thương thêm?

Suy thận mạn là bệnh tiến triển, có nghĩa là chức năng thận sẽ giảm dần theo thời gian. Điều này khác với suy thận cấp, tình trạng chức năng thận chỉ bị giảm tạm thời, có thể hồi phục được. So với suy thận cấp, việc cải thiện độ lọc cầu thận khi bị suy thận mạn sẽ khó khăn hơn. Ở người mắc bệnh suy thận mạn, tích cực thay đổi lối sống có thể giúp làm chậm tốc độ suy giảm chức năng thận.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể cải thiện độ lọc cầu thận ở tất cả các giai đoạn của suy thận mạn bằng cách: (2)

  • Kiểm soát huyết áp: có thể kiểm soát cao huyết áp bằng cách tập thể dục đều đặn, điều chỉnh chế độ ăn, giảm căng thẳng và hạn chế uống rượu bia cũng như thực hiện một số thay đổi lối sống khác.
  • Bổ sung đủ vitamin D: Thiếu vitamin D có thể ảnh hưởng đến khả năng lọc máu của thận. Thiếu vitamin D không phải khi nào cũng có triệu chứng. Cách kiểm tra mức vitamin D trong cơ thể là làm xét nghiệm máu. Có thể tăng mức vitamin D bằng cách tăng thời gian tiếp xúc với ánh nắng (nhưng tránh những khung giờ nắng mạnh để không gây hại cho da), ăn thực phẩm giàu vitamin D hoặc uống viên uống bổ sung vitamin D.
  • Giải quyết tình trạng rối loạn chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa rất phức tạp và có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức. Điều quan trọng là phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ.

Dưới đây là những cách khác để bảo vệ thận không bị tổn thương nặng thêm.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống cân bằng là một trong những điều quan trọng nhất để bảo vệ thận. Tốt nhất nên tránh những loại thực phẩm khiến thận phải làm việc nhiều, đặc biệt là đối với những người đã mắc bệnh thận. Những thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế là thực phẩm chứa nhiều kali, phốt pho và natri, ví dụ như:

  • Quả bơ
  • Chuối
  • Thực phẩm đóng hộp
  • Nước có ga
  • Bánh mì nguyên cám
  • Cam
  • Gạo lứt
  • Thực phẩm muối
  • Thịt chế biến sẵn
  • Tinh bột
  • Cà chua
  • Trái cây sấy
  • Rau lá xanh

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên và kiểm soát huyết áp rất có lợi cho sức khỏe thận. Cao huyết áp có thể làm hỏng các đơn vị lọc máu của thận.

Theo dõi đường huyết

Kiểm soát lượng đường trong máu cũng là điều cần thiết để ngăn ngừa tổn thương thận, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tiểu đường. Những người bị cả bệnh tiểu đường và suy thận có nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng cao hơn và chức năng thận sẽ suy giảm nhanh hơn so với những người chỉ bị suy thận mà không mắc bệnh tiểu đường. (3)

Uống đủ nước

Uống đủ nước có lợi cho tất cả mọi người nhưng đối với người bị bệnh thận thì điều này lại càng quan trọng. Uống đủ nước giúp cải thiện khả năng lọc độc tố của thận. Mất nước khiến cho nước tiểu trở nên cô đặc và điều này làm tăng nguy cơ tổn thương thận. Lượng nước mà mỗi người cần uống là khác nhau, tùy vào độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động và tình trạng sức khỏe. Nhưng các chuyên gia về sức khỏe khuyến nghị nên uống đủ nước để tạo ra khoảng 2 lít nước tiểu mỗi ngày. Tốt nhất nên uống nước lọc, không nên uống các loại đồ uống có đường.

Lượng nước chính xác cần uống mỗi ngày hiện vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi và các nghiên cứu lâm sàng vẫn đang tìm hiểu lượng nước uống cần thiết để cải thiện chức năng thận. Họ đã chỉ ra rằng bất kỳ lợi ích nào chỉ được nhìn thấy với nước thường chứ không phải đồ uống có đường.

Tuy nhiên, có những trường hợp cần phải hạn chế lượng nước uống, ví dụ như người bị suy thận nặng. Lý do là vì thận không còn khả năng đảo thải lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả. Tích tụ nước trong cơ thể sẽ dẫn đến phù nề và cần phải loại bỏ bớt nước bằng các biện pháp như dùng thuốc lợi tiểu hoặc chạy thận nhân tạo.

Thận trọng khi dùng thuốc

Người bị suy thận cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào. Một số loại thuốc có thể gây tổn thương hoặc làm suy giảm chức năng thận, một số ví dụ gồm có:

  • acetaminophen
  • aspirin
  • thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • thuốc lithium
  • diphenhydramine
  • benzodiazepine
  • một số nhóm kháng sinh
  • thuốc cản quang dùng trong một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh
  • thuốc hóa trị
  • một số loại thuốc huyết áp
  • thuốc lợi tiểu
  • một số loại thảo mộc

Ngoài ra, những người bị suy thận cần tránh:

  • đồ uống có cồn
  • thuốc lá
  • cocaine
  • heroin
  • ketamine
  • methadone
  • methamphetamine

Người bệnh cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thực phẩm chức năng, kể cả vitamin hay các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.

Khi nào cần đi khám?

di kham khi nao
Bạn nên đi khám bác sĩ khi cảm thấy có các triệu chứng bất thường,

Suy thận mạn xảy ra từ từ và thường không có triệu chứng ở các giai đoạn đầu nhưng khi sang các giai đoạn sau, bệnh gây ra các triệu chứng như:

  • Ngứa ngáy
  • Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường
  • Mệt mỏi
  • Sưng phù chân và tay
  • Ăn uống kém, sụt cân
  • Hụt hơi
  • Tiểu ra máu
  • Khó ngủ
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Chuột rút

Nên đi khám càng sớm càng tốt khi có các triệu chứng này.

Bạn cũng nên kiểm tra chức năng thận định kỳ, ngay cả khi không có triệu chứng bất thường và trao đổi với bác sĩ về nguy cơ suy thận. Nếu có tiền sử gia đình bị suy thận hay các vấn đề về thận khác thì cần cho bác sĩ biết. Trong nhiều trường hợp, suy thận mạn được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi làm xét nghiệm vì một lý do khác.

Khi bị suy thận mạn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định và tuân thủ các khuyến nghị của bác sĩ về chế độ ăn uống, lối sống. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào.

Mặc dù một số loại thuốc có thể giúp điều trị các triệu chứng của suy thận mạn nhưng điều quan trọng là phải kiểm soát các nguyên nhân gốc rễ gây tổn thương thận như cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Chỉ khi kiểm soát được nguyên nhân gốc rễ thì mới có thể ngăn sự tiến triển của bệnh và kéo dài tuổi thọ.

Tóm tắt bài viết

Cải thiện độ lọc cầu thận khi bị suy thận mạn là điều không dễ dàng nhưng không phải là không thể. Các cách giúp bảo vệ thận và tăng độ lọc cầu thận gồm có thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, thận trọng trước khi dùng một loại thuốc hay thực phẩm chức năng mới, uống đủ nước, kiểm soát huyết áp và đường huyết.

>>> Xem thêm: Độ lọc cầu thận (GFR) và bệnh thận đái tháo đường

Tổng số điểm của bài viết là: 38 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Ghép thận có những rủi ro nào?
Ghép thận có những rủi ro nào?

Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.

Suy thận có được dùng statin không?
Suy thận có được dùng statin không?

Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.

Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?
Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?

Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến suy thận. Vấn đề về thận thường xảy ra vào các giai đoạn sau của ung thư.

Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối

Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây