1

Xét nghiệm đếm tế bào CD4 và đo tải lượng virus

Dù là ở bất kỳ giai đoạn nào của HIV thì việc theo dõi số lượng tế bào CD4 và tải lượng virus vẫn là điều rất cần thiết.
Xét nghiệm đếm tế bào CD4 và đo tải lượng virus Xét nghiệm đếm tế bào CD4 và đo tải lượng virus

Số lượng tế bào CD4 và tải lượng virus

HIV (virus suy giảm miễn dịch ở người) là một loại virus tấn công các tế bào giúp cơ thể chống lại mầm bệnh. Điều này khiến cho người nhiễm HIV dễ bị nhiễm trùng và các bệnh khác. Khi không điều trị, HIV sẽ dần tiến triển sang giai đoạn cuối hay AIDS và có thể gây tử vong.

Sau khi một người bị chẩn đoán nhiễm HIV thì sẽ cần theo dõi hai chỉ số quan trọng là số lượng tế bào CD4 và tải lượng virus. Những chỉ số này cho biết:

  • tình trạng của hệ miễn dịch
  • sự tiến triển của HIV trong cơ thể
  • đáp ứng của cơ thể với thuốc điều trị HIV
  • đáp ứng của virus với thuốc điều trị

Xét nghiệm đếm tế bào CD4

Xét nghiệm đếm tế bào CD4 là một phương pháp xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng tế bào CD4 trong cơ thể. Tế bào CD4 hay T-CD4 là một loại tế bào bạch cầu (WBC). Chúng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, với chức năng cảnh báo các tế bào miễn dịch khác về sự hiện diện của các mầm bệnh như vi khuẩn và virus trong cơ thể. Tế bào CD4 là một phân nhóm trong tế bào T.

Khi một người bị nhiễm HIV, virus sẽ tấn công các tế bào CD4. Điều này làm hỏng các tế bào và khiến số lượng tế bào trong cơ thể giảm xuống, gây khó khăn cho việc chống lại các mầm bệnh.

Số lượng tế bào CD4 cho thấy tình trạng của hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch khỏe mạnh bình thường có số lượng tế bào CD4 nằm trong khoảng từ 500 đến 1.600 tế bào trên một milimét khối máu (tế bào/mm3)

Ở những người bị nhiễm HIV, khi số lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3 thì người đó sẽ được xác định là bị AIDS. AIDS là giai đoạn cuối của HIV. Ở giai đoạn này, hệ miễn dịch của cơ thể đã bị suy yếu nghiêm trọng do số lượng tế bào CD4 quá thấp.

Xét nghiệm đo tải lượng virus

Xét nghiệm đo tải lượng virus là một phương pháp xét nghiệm được thực hiện khi bị nhiễm HIV hoặc các bệnh do nhiễm virus khác, chẳng hạn như viêm gan siêu vi B. Xét nghiệm này xác định số lượng các mảnh hoặc thành phần của virus trong một ml (mililit) máu. Những mảnh này còn được gọi là “bản sao” của virus. Xét nghiệm đo tải lượng virus giúp kiểm tra sự tiến triển của HIV trong cơ thể và đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị.

Tải lượng virus cao là dấu hiệu cho thấy mới bị lây nhiễm HIV gần đây, HIV không được điều trị hoặc các loại thuốc đang dùng không có hiệu quả kiểm soát virus. Tải lượng virus thường ở mức cao nhất trong khoảng thời gian ngay sau khi nhiễm HIV và sẽ giảm khi hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại nhưng sau đó sẽ lại tăng theo thời gian khi các tế bào CD4 bị virus phá hủy. Tải lượng virus có thể ở mức trên một triệu bản sao HIV trong mỗi ml máu, đặc biệt là khi mới bị nhiễm. Đây được coi là tải lượng virus cao.

Tải lượng virus thấp có nghĩa là có ít bản sao của HIV trong máu. Nếu phác đồ điều trị HIV có hiệu quả thì một người sẽ có thể duy trì tải lượng virus ở mức thấp.

Mối liên hệ giữa số lượng tế bào CD4 và tải lượng virus

Không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa số lượng tế bào CD4 và tải lượng virus. Tuy nhiên, nói chung, mục tiêu điều trị ở người nhiễm HIV là số lượng tế bào CD4 ở mức cao và tải lượng virus ở mức thấp hay không thể phát hiện được. Số lượng tế bào CD4 càng cao thì hệ miễn dịch càng khỏe mạnh. Tải lượng virus càng thấp thì có nghĩa là phác đồ điều trị HIV càng hiệu quả.

Khi xâm nhập vào các tế bào CD4, HIV sẽ biến tế bào thành “nhà máy” để tạo ra các bản sao mới của virus trước khi phá hủy tế bào. Khi HIV không được điều trị, số lượng tế bào CD4 sẽ ngày càng giảm và tải lượng virus ngày càng tăng lên.

Tần suất làm xét nghiệm

Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm đếm số lượng tế bào CD4 và xét nghiệm đo tải lượng virus dịnh kỳ khi bắt đầu điều trị HIV hoặc khi có bất kỳ thay đổi nào về thuốc. Theo hướng dẫn xét nghiệm hiện hành, hầu hết những người nhiễm HIV đều phải làm các xét nghiệm này từ 3 đến 4 tháng một lần.

Có thể cần làm xét nghiệm thường xuyên hơn trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như trong 2 năm đầu điều trị hoặc những người có tải lượng virus không giảm. Mặt khác, có thể chỉ cần làm xét nghiệm với tần suất thưa hơn đối với những người dùng thuốc hàng ngày hoặc đã duy trì tải lượng virus ở mức thấp trong hơn 2 năm liên tục. Những người này có thể chỉ cần làm xét nghiệm 2 lần một năm.

Tại sao phải xét nghiệm thường xuyên?

Kết quả của mỗi lần làm xét nghiệm đếm tế bào CD4 hoặc đo tải lượng virus chỉ phản ánh được số lượng tế bào và virus có trong cơ thể tại thời điểm đó. Để đánh giá được tình trạng sức khỏe của người bệnh thì phải theo dõi cả hai chỉ số này thường xuyên bằng cách xét nghiệm định kỳ và so sánh kết quả của lần xét nghiệm sau với những lần trước đó. Nếu chỉ làm xét nghiệm một lần thì sẽ không đánh giá được.

Cần lưu ý, những chỉ số này có thể thay đổi vì nhiều lý do, thậm chí có thể thay đổi theo từng thời điểm trong ngày. Thời gian làm xét nghiệm trong ngày, các bệnh khác đang mắc và những lần tiêm chủng gần đây đều có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào CD4 và tải lượng virus trong cơ thể. Nhưng sự dao động này thường không đáng lo ngại, trừ khi số lượng tế bào CD4 ở mức quá thấp,

Xét nghiệm đo tải lượng virus định kỳ được sử dụng để kiểm tra hiệu quả của phác đồ điều trị HIV. Khi một người bắt đầu dùng thuốc kháng virus, bác sĩ sẽ cần đánh giá mức độ đáp ứng của HIV trong cơ thể. Mục tiêu của các phác đồ điều trị HIV là làm giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được, có nghĩa là dưới 40 đến 75 bản sao/ml máu.

Tăng tải lượng virus thoáng qua

Một số người nhiễm HIV gặp phải hiện tượng tăng tải lượng virus thoáng qua (blip). Đây là hiện tượng mà số lượng virus trong cơ thể đột nhiên tăng nhẹ và chỉ diễn ra tạm thời. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ theo dõi tải lượng virus chặt chẽ hơn để xem có trở lại mức không thể phát hiện được hay không. Nếu không thì sẽ cần điều chỉnh phác đồ điều trị.

HIV kháng thuốc

Một lý do khác cần xét nghiệm đo tải lượng virus thường xuyên là để theo dõi tình trạng HIV phát triển khả năng kháng thuốc. Duy trì tải lượng virus thấp làm giảm nguy cơ xảy ra điều này. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm đo tải lượng virus để đưa ra những thay đổi cần thiết đối với phác đồ điều trị HIV.

Tầm quan trọng của việc điều trị HIV

Người nhiễm HIV cần điều trị bằng liệu pháp kháng virus (tên đầy đủ là liệu pháp kháng virus hoạt tính cao - highly active antiretroviral therapy). Đây là phương pháp kết hợp các loại thuốc kháng virus khác nhau nhằm ngăn HIV lây lan khắp cơ thể bằng cách nhắm mục tiêu vào các protein hoặc cơ chế mà virus sử dụng để nhân lên.

Điều trị bằng thuốc kháng virus có thể làm cho số lượng HIV trong cơ thể giảm xuống mức mà xét nghiệm không thể phát hiện được. Đây được gọi là tải lượng virus không thể phát hiện, có nghĩa là phác đồ điều trị đã thành công và HIV đang được kiểm soát tốt.

Bắt đầu điều trị HIV ngay khi nhận được chẩn đoán giúp người bệnh có thể sống lâu dài và khỏe mạnh. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV nên bắt đầu dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Đây là điều cần thiết để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và ngăn ngừa các biến chứng do HIV/AIDS.

Một lợi ích khác của việc kiểm soát HIV và có tải lượng virus không thể phát hiện là ngăn ngừa lây truyền bệnh sang người khác. Điều này được gọi là "điều trị để phòng ngừa" (treatment as prevention – TasP). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, những người nhiễm HIV dùng thuốc đúng theo chỉ định và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện sẽ thực sự không còn nguy cơ lây truyền HIV sang những người không mắc bệnh.

Tóm tắt bài viết

Dù là ở bất kỳ giai đoạn nào của HIV thì việc theo dõi số lượng tế bào CD4 và tải lượng virus vẫn là điều rất cần thiết. Phương pháp điều trị HIV đã có những bước tiến lớn trong vài năm gần đây. Tuân thủ theo phác đồ điều trị được khuyến nghị và thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp những người nhiễm HIV duy trì được số lượng tế bào CD4 ở mức cao và tải lượng virus ở mức thấp.

Bắt đầu điều trị sớm và theo dõi thường xuyên sẽ giúp người có “H” kiểm soát được tình trạng của mình, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và sống lâu dài, khỏe mạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tế bào
Tin liên quan
Khi nào cần làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào T?
Khi nào cần làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào T?

Xét nghiệm đếm số lượng tế bào T được thực hiện trong những trường hợp có các triệu chứng của rối loạn suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như HIV.

Ai cần làm xét nghiệm HIV?
Ai cần làm xét nghiệm HIV?

Phát hiện sớm HIV sẽ có thể điều trị kịp thời, ngăn chặn virus gây tổn hại đến hệ miễn dịch và tránh vô tình lây truyền bệnh sang người khác.

Xét nghiệm ELISA để chẩn đoán HIV
Xét nghiệm ELISA để chẩn đoán HIV

Xét nghiệm ELISA được khuyến nghị cho những trường hợp đã phơi nhiễm với HIV hoặc có nguy cơ bị lây nhiễm HIV.

Liệu pháp kháng virus trong điều trị HIV
Liệu pháp kháng virus trong điều trị HIV

Sự ra đời của liệu pháp kháng virus đã tạo ra sự thay đổi lớn trong điều trị và phòng ngừa HIV. Phương pháp này đã mang lại hy vọng mới cho những người nhiễm HIV, giúp người bệnh có cuộc sống khỏe mạnh bình thường và tuổi thọ lâu dài.

Xét nghiệm HIV tại nhà có chính xác không?
Xét nghiệm HIV tại nhà có chính xác không?

Trước đây, cách duy nhất để xác định một người có bị nhiễm HIV hay không là đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Hiện nay đã có rất nhiều lựa chọn để có thể tự kiểm tra tình trạng nhiễm HIV ngay tại nhà.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây