1

Tác dụng phụ của Kerendia

Kerendia (finerenone) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 và suy thận mạn. Kerendia có thể gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, ví dụ như tăng kali máu và tụt huyết áp.
Tác dụng phụ của Kerendia Tác dụng phụ của Kerendia

Kerendia được sử dụng cho người lớn mắc bệnh suy thận mạn do tiểu đường type 2 để giảm nguy cơ:

  • tổn thương thận tiến triển
  • suy thận mạn giai đoạn cuối
  • tử vong do bệnh tim mạch
  • nhập viện do suy tim
  • nhồi máu cơ tim

Hoạt chất trong Kerendia là finerenone (hoạt chất là thành phần gíup thuốc có tác dụng điều trị bệnh) Kerendia có dạng viên nén dùng qua đường uống.

Dưới đây là các tác dụng phụ phổ biến, tác dụng phụ nhẹ và tác dụng phụ nghiêm trọng của Kerendia.

Để biết thêm thông tin về Kerendia, gồm có công dụng, cơ chế tác dụng, cách sử dụng và lưu ý, vui lòng đọc bài viết này.

Tác dụng phụ phổ biến của Kerendia

Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng trong quá trình điều trị bằng Kerendia. Một số tác dụng phụ phổ biến của Kerendia gồm có:

  • tăng kali máu (nồng độ kali trong máu cao)*
  • hạ natri máu (nồng độ natri trong máu thấp) *
  • tụt huyết áp *

* Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nhẹ của Kerendia

Một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Kerendia gồm có:

  • Hạ natri máu *
  • Tụt huyết áp*
  • Phản ứng dị ứng nhẹ*

* Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số có thể được khắc phục một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ gây khó chịu hoặc kéo dài thì hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Người bệnh không nên tự ý ngừng dùng Kerendia mà phải trao đổi trước với bác sĩ.

Kerendia có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ khác ngoài những tác dụng phụ kể trên. Người dùng có thể đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết chi tiết.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của Kerendia

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Kerendia gồm có:

  • Tăng kali máu*
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng**

Đôi khi, những tác dụng phụ này nghiêm trọng đến mức cần phải nhập viện.

Nếu người bệnh gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Kerendia, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu cảm thấy các tác dụng phụ có vẻ nguy hiểm thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

* Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
† Kerendia có thể gây dị ứng nhưng tác dụng phụ này không được báo cáo trong các nghiên cứu về thuốc.

Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Kerendia

Tác dụng phụ của Kerendia có giống với các loại thuốc tương tự, chẳng hạn như Farxiga không?

Kerendia và Farxiga (dapagliflozin) đều được sử dụng cho một số người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 nhưng hai loại thuốc này có các tác dụng phụ khác nhau.

Tác dụng phụ phổ biến của Kerendia gồm có:

  • Tăng kali máu
  • Hạ natri máu
  • Tụt huyết áp

Các tác dụng phụ phổ biến của Farxiga gồm có:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tác dụng phụ liên quan đến bộ phận sinh dục
  • Tăng nguy cơ cảm lạnh thông thường

Tác dụng phụ của Kerendia có giống với tác dụng phụ của các loại thuốc lợi tiểu khác, chẳng hạn như spironolactone không?

Kerendia và các loại thuốc lợi tiểu khác như spironolactone có nhiều tác dụng phụ giống nhau.

Thuốc lợi tiểu là nhóm thuốc có tác dụng tăng bài tiết nước tiểu, nhờ đó giúp loại bỏ nước và natri dư thừa ra khỏi cơ thể. Do đó, các loại thuốc này có thể gây tụt huyết áp và nồng độ natri trong máu thấp. Những tác dụng phụ này có thể xảy ra với cả Kerendia và spironolactone.

Chi tiết tác dụng phụ

Tăng kali máu

Kerendia có thể gây tăng kali máu, tình trạng nồng độ kali trong máu cao hơn mức bình hường. Đây là một tác dụng phụ phổ biến trong các nghiên cứu về Kerendia.

Thông thường, tăng kali máu không có triệu chứng. Nhưng đôi khi, tình trạng này gây ra các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi, kiệt sức
  • Cảm giác tim đập bỏ nhịp hoặc thừa một nhịp
  • Khó thở
  • Buồn nôn và nôn
  • Ngất xỉu

Trước khi bắt đầu dùng Kerendia, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm kali máu để kiểm tra mức kali. Nếu chỉ số kali máu ở mức cao thì bác sĩ sẽ không kê Kerendia.

Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ tiếp tục phải làm xét nghiệm định kỳ. Nếu mức kali quá cao, bác sĩ sẽ giảm liều dùng thuốc.

Những người bị suy thận nặng cần hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm chứa nhiều kali. Lý do là bởi thận bị tổn thương không thể lọc kali từ máu một cách hiệu quả và điều này sẽ làm tăng nguy cơ tăng kali máu. Một số loại thực phẩm chứa nhiều kali gồm có chuối, kiwi và thịt đỏ. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để biết chính xác những loại thực phẩm cần tránh khi dùng Kerendia.

Hạ natri máu

Một số người gặp phải tình trạng hạ natri máu (nồng độ natri trong máu thấp) khi dùng Kerendia. Đây là một tác dụng phụ phổ biến trong các nghiên cứu về Kerendia.

Tùy thuộc vào mức độ hạ natri máu mà người bệnh sẽ gặp các triệu chứng khác nhau nhưng một số triệu chứng phổ biến gồm có:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Đau đầu
  • Lú lẫn
  • Cáu gắt
  • Yếu cơ hoặc co thắt cơ
  • Co giật
  • Hôn mê

Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ natri cả trước và trong khi điều trị bằng Kerendia. Nếu chỉ số natri quá thấp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc làm tăng nồng độ natri trong máu hoặc chỉ định truyền dịch tĩnh mạch. Ngoài ra, người bệnh nên giảm lượng nước uống.

Tụt huyết áp

Kerendia có thể gây tụt huyết áp. Đây là một tác dụng phụ mà khá nhiều người gặp phải trong các nghiên cứu về Kerendia. Tụt huyết áp thường xảy ra trong vòng một tháng đầu sử dụng thuốc.

Tụt huyết áp không phải lúc nào cũng có triệu chứng nhưng nếu có thì các triệu chứng thường là:

  • Cảm giác chóng mặt, choáng váng
  • Đứng không vững
  • Chân tay bủn rủn
  • Da tái nhợt, lạnh
  • Cảm giác nôn nao, khó chịu
  • Tim đập nhanh
  • Ngất xỉu

Người bệnh nên đo huyết áp thường xuyên trong khi dùng Kerendia. Nếu huyết áp ở mức thấp hoặc có dấu hiệu tụt huyết áp thì nên báo cho bác sĩ.

Dị ứng

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Kerendia cũng có thể gây dị ứng ở một số người. Nhưng tác dụng phụ này không được báo cáo trong các nghiên cứu về Kerendia.

Phản ứng dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng với các triệu chứng như:

  • Da mẩn đỏ
  • Ngứa ngáy
  • Mặt nóng bừng
  • Sưng phù, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở

Hãy báo ngay cho bác sĩ khi có các triệu chứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như da mẩn đỏ. Bác sĩ sẽ kê thuốc để kiểm soát các triệu chứng, ví dụ như thuốc kháng histamin đường uống như Benadryl (diphenhydramine) hoặc thuốc bôi ngoài d như hydrocortisone.

Nếu người bệnh chỉ bị dị ứng nhẹ với Kerendia thì bác sĩ sẽ cân nhắc xem có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không.

Nếu người bệnh có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng phù hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp.

Nếu người bệnh bị dị ứng nghiêm trọng với Kerendia thì bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng thuốc và kê các loại thuốc khác.

Cảnh báo về Kerendia

Kerendia không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây cũng là một dạng tương tác thuốc.

Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử cá nhân trước khi bắt đầu sử dụng Kerendia. Dưới đây là những yếu tố cần cân nhắc:

  • Tăng kali máu: Kerendia có thể khiến nồng độ kali trong máu tăng cao. Nếu người bệnh đã bị tăng kali máu thì Kerendia sẽ khiến cho tình trạng càng trầm trọng thêm. Do đó, trước khi bắt đầu dùng Kerendia, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm kali máu. Nếu chỉ số kali máu quá cao, bác sĩ sẽ không kê Kerendia cho người bệnh. Những người có nguy cơ tăng kali máu cao sẽ phải làm xét nghiệm kali máu định kỳ trong suốt quá trình điều trị bằng Kerendia. Nếu mức kali tăng cao, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng Kerendia hoặc yêu cầu người bệnh tạm thời ngừng dùng thuốc.
  • Dị ứng: Nếu người bệnh từng bị dị ứng với Kerendia hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, bác sĩ sẽ không kê Kerendia mà thay vào đó sẽ kê những loại thuốc khác.
  • Vấn đề nghiêm trọng về thận: Kerendia được sử dụng cho những người mắc bệnh suy thận mạn do tiểu đường type 2. Tuy nhiên, bác sĩ thường không kê Kerendia nếu người bệnh có vấn đề nghiêm trọng về thận. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm chức năng thận để kê loại thuốc phù hợp. Người bệnh cũng sẽ phải làm xét nghiệm chức năng thận trong quá trình dùng thuốc.
  • Nếu chức năng thận xấu đi, bác sĩ sẽ cho giảm liều dùng. Những người bị suy thận nặng có nguy cơ cao gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Kerendia, chẳng hạn như tăng kali máu.
  • Vấn đề về tuyến thượng thận: Kerendia không phù hợp với những người có vấn đề về tuyến thượng thận, ví dụ như suy tuyến thượng thận. Suy tuyến thượng thận ảnh hưởng đến lượng hormone kiểm soát kali và natri trong máu. Kerendia cũng ảnh hưởng đến mức natri và kali. Thông thường, bác sĩ sẽ không kê Kerendia cho những người bị suy tuyến thượng thận vì những người này có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cao hơn.
  • Vấn đề về gan: Bác sĩ cũng thường không kê Kerendia cho những người có vấn đề nghiêm trọng về gan. Những người bị suy gan cần làm xét nghiệm kali máu thường xuyên hơn trong quá trình điều trị bằng Kerendia.

Có được uống rượu bia khi sử dụng Kerendia không?

Trong các nghiên cứu, Kerendia không tương tác với đồ uống có cồn. Tuy nhiên, uống rượu bia khi sử dụng Kerendia có thể làm tăng nguy cơ xảy ra một số tác dụng phụ. Ví dụ, cả rượu bia và Kerendia đều có thể gây hạ natri máu.

Uống nhiều rượu còn có thể làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu, đặc biệt là khi còn đang dùng một số loại thuốc trị tiểu đường nhất định. Kerendia được sử dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2 và việc uống rượu bia sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Nếu không thể bỏ hoàn toàn rượu bia, người bệnh có thể hỏi bác sĩ về lượng rượu bia an toàn.

Phụ nữ mang thai và cho con bú có thể dùng Kerendia không?

Chưa rõ liệu Kerendia có an toàn khi sử dụng trong thời gian mang thai hay không. Nếu người bệnh đang mang thai hoặc dự định có thai thì hãy cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu dùng Kerendia.

Kerendia có thể đi vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh bú mẹ. Do đó, không nên dùng Kerendia khi đang cho con bú. Khi ngừng dùng Kerendia, hãy chờ một ngày mới cho con bú. Nếu người bệnh đang cho con bú thì hãy báo cho bác sĩ biết để được hướng dẫn ngừng thuốc và kê loại thuốc khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tác dụng
Tin liên quan
Bumetanide dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Bumetanide dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Bumetanide là một loại thuốc được sử dụng để điều trị sưng phù do suy tim sung huyết, bệnh gan và bệnh thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây