1

Bumetanide dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Bumetanide là một loại thuốc được sử dụng để điều trị sưng phù do suy tim sung huyết, bệnh gan và bệnh thận.
Bumetanide Bumetanide dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo quan trọng

Nguy cơ mất nước và chất điện giải

Bumetanide có một cảnh báo đặc biệt. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.

Bumetanide là một loại thuốc lợi tiểu mạnh. Khi dùng với liều cao, loại thuốc này sẽ khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn. Điều này có thể gây mất nước và chất điện giải nghiêm trọng. Trước khi kê thuốc, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm một số xét nghiệm để kiểm tra và quyết định liều dùng dựa trên phản ứng của cơ thể người bệnh với thuốc.

Cảnh báo khác

  • Dị ứng sulfonamide: Những người bị dị ứng với nhóm thuốc sulfonamide có thể cũng bị dị ứng với bumetanide. Nếu người bệnh bị dị ứng sulfonamide thì cần cho bác sĩ biết trước khi kê thuốc.
  • Vấn đề về thính giác: Sử dụng bumetanide liều cao có thể gây ra các vấn đề về thính giác. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu như bị suy giảm thính lực hoặc ù tai khi sử dụng thuốc thì sẽ phải giảm liều dùng.
  • Giảm tiểu cầu: Mặc dù hiếm gặp nhưng sử dụng bumetanide có thể gây giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu thấp). Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh bị bầm tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân trong thời gian sử dụng thuốc.

Bumetanide là gì?

Bumetanide là một loại thuốc kê đơn. Bumetanide dạng tiêm chỉ có dạng thuốc gốc nhưng bumetanide viên uống có cả dạng biệt dược và thuốc gốc*.

(*Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.)

Các loại thuốc gốc thường có giá thành thấp hơn biệt dược.

Chỉ định

Bumetanide được sử dụng để điều trị chứng phù nề do suy tim sung huyết, bệnh gan hoặc bệnh thận, bao gồm cả cả hội chứng thận hư.

Cơ chế tác dụng

Bumetanide thuộc nhóm thuốc lợi tiểu quai (nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng và công dụng tương tự nhau).

Cơ chế tác dụng của bumetanide là làm tăng bài tiết nước tiểu để loại bỏ nước dư thừa khỏi cơ thể, nhờ đó giúp giảm sưng phù.

Bumetanide phát huy tác dụng rất nhanh nhưng tác dụng lại không duy trì được lâu. Bumetanide bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng 30 – 60 phút sau khi dùng và thường hết tác dụng sau 4 – 6 giờ, đặc biệt là khi dùng liều từ 2mg trở lên.

Tác dụng phụ của Bumetanide

Bumetanide không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Một số tác dụng phụ phổ biến của bumetanide gồm có:

  • Co thắt cơ (chuột rút)
  • Chóng mặt
  • Tụt huyết áp
  • Đau đầu
  • Buồn nôn

Nếu các tác dụng phụ chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Người bệnh cần báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng bumetanide và hãy gọi cấp cứu nếu cảm thấy các triệu chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của bumetanide cùng các triệu chứng:

  • Phản ứng da nghiêm trọng, chẳng hạn như hội chứng Stevens-Johnson hoặc hoại tử thượng bì nhiễm độc. Các triệu chứng gồm có:
    • Ban đỏ
    • Sốt
    • Ngứa hoặc nóng rát mắt
    • Có các mảng da đau rát
    • Phồng rộp, bong tróc
    • Bầm tím
    • Loét
    • Sưng phù
    • Da đóng vảy
  • Mất cân bằng điện giải nặng. Các triệu chứng gồm có:
    • Mệt mỏi, thiếu năng lượng, không có sức lực
    • Chóng mặt
    • Lú lẫn
    • Nôn mửa
    • Chuột rút
    • Ăn uống kém

Tương tác với các loại thuốc khác

Bumetanide có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc thực phẩm chức năng và thảo dược mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc sẽ làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ.

Để tránh xảy ra tương tác thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược mà mình đang dùng để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp. Để hiểu rõ về tương tác thuốc của bumetanide, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Dưới đây là ví dụ về các loại thuốc có thể tương tác với bumetanide.

Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực và hưng cảm

Bumetanide làm giảm tốc độ đào thải một số loại thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực và hưng cảm khỏi cơ thể. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc. Nói chung, không nên dùng chung bumetanide cùng với những loại thuốc này. Một ví dụ về thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực và hưng cảm là lithium.

Thuốc điều trị cao huyết áp

Dùng bumetanide cùng với một số loại thuốc điều trị cao huyết áp có thể làm tăng tác dụng của những loại thuốc này. Điều này khiến cho huyết áp giảm thấp hơn bình thường và còn làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Nếu như cần phải dùng bumetanide cùng với thuốc điều trị cao huyết áp thì bác sĩ sẽ giảm liều thuốc huyết áp.

Ví dụ về các loại thuốc điều trị cao huyết áp có thể tương tác với bumetanide gồm có:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), chẳng hạn như:
    • benazepril
    • captopril
    • enalapril
    • enalaprilat
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB), chẳng hạn như:
    • irbesartan
    • losartan
    • olmesartan
  • Thuốc chẹn beta, chẳng hạn như:
    • acebutolol
    • atenolol
    • betaxolol
    • bisoprolol
  • Thuốc chẹn kênh canxi, chẳng hạn như:
    • amlodipin
    • felodipin
    • nicardipin
    • nifedipin
  • Thuốc ức chế renin trực tiếp, chẳng hạn như:
    • aliskiren
  • Thuốc lợi tiểu quai, chẳng hạn như:
    • furosemide
    • indapamide
    • torsemide
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali, chẳng hạn như:
    • eplerenone
    • spironolactone
    • triamterene
  • Thuốc lợi tiểu thiazid, chẳng hạn như:
    • chlorothiazide
    • chlorthalidone
    • hydrochlorothiazide
    • metolazone

Thuốc trị bệnh gout

Không nên dùng bumetanide cùng với một số loại thuốc điều trị bệnh gout. Những loại thuốc này có thể làm giảm tác dụng giảm phù nề của bumetanide. Dùng các loại thuốc này cùng nhau còn có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của bumetanide. Một ví dụ về thuốc trị gout có thể tương tác với bumetanide là probenecid.

Thuốc giảm đau

Không nên dùng bumetanide cùng với một số loại thuốc giảm đau. Những loại thuốc giảm đau này có thể làm giảm tác dụng giảm phù nề của bumetanide. Ví dụ về các loại thuốc giảm đau này gồm có:

  • Thuốc ức chế COX-2, chẳng hạn như celecoxib
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như:
    • diclofenac
    • ibuprofen
    • indomethacin
    • ketorolac
    • meloxicam
    • naproxen

Cảnh báo về bumetanide

Bumetanide đi kèm một số cảnh báo.

Nguy cơ dị ứng

Bumetanide có thể gây ra phản ứng dị ứng từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có:

  • Khó thở
  • Sưng cổ họng hoặc lưỡi
  • Nổi mề đay

Hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất nếu có các triệu chứng này khi sử dụng bumetanide.

Không được tiếp tục dùng bumetanide nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Việc tiếp tục dùng thuốc khi đã có tiền sử dị ứng có thể gây tử vong.

Cảnh báo đối với người có một số bệnh lý nhất định

  • Đối với người bị bệnh thận: Bumetanide được thận đào thải khỏi cơ thể. Nếu thận không hoạt động tốt, thuốc sẽ tích tụ trong cơ thể lâu hơn bình thường và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm chức năng thận trong thời gian dùng bumetanide. Nếu chức năng thận suy giảm, người bệnh sẽ phải ngừng thuốc.
  • Đối với người bị bệnh gan: Bumetanide có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh não gan (hôn mê gan). Do đó, những người mắc bệnh lý này không nên sử dụng bumetanide.
  • Đối với người bị mất cân bằng điện giải nghiêm trọng: Không nên dùng bumetanide nếu nồng độ chất điện giải trong máu ở mức quá thấp. Bumetanide có thể khiến cho tình trạng mất cân bằng điện giải càng trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

Đối với phụ nữ mang thai: Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ an toàn khi dùng trong thai kỳ. Theo đó, các loại thuốc được phân chia thành 5 nhóm là A, B, C, D và X. Bumetanide được xếp vào nhóm C, có nghĩa là:

  • Nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc gây ra tác dụng phụ trên bào thai khi mẹ dùng thuốc.
  • Chưa có đủ nghiên cứu trên người để kết luận chắc chắn về ảnh hưởng của thuốc đến thai nhi khi sử dụng trong thai kỳ.

Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc đang dự định có thai. Nói chung, chỉ nên sử dụng các loại thuốc nhóm C trong thai kỳ nếu như lợi ích lớn hơn rủi ro.

Nếu người bệnh có thai trong thời gian dùng bumetanide thì phải báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ liệu bumetanide có đi vào sữa mẹ hay không. Nếu có, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh bú mẹ. Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh cho con bú. Nếu như vẫn muốn tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ thì có thể bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác thay cho bumetanide.

Đối với người cao tuổi: Khi có tuổi, cơ thể xử lý thuốc chậm hơn và do đó, nếu dùng liều thông thường thì nồng độ thuốc trong máu sẽ ở mức quá cao và thuốc tích tụ trong cơ thể lâu hơn bình thường. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Vì lý do này nên đối với người cao tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hơn hoặc giảm số lần dùng thuốc trong ngày.

Cách sử dụng bumetanide

Bài viết này chỉ nêu ra liều dùng điển hình của bumetanide dạng viên uống. Liều dùng, dạng thuốc và tần suất sử dụng thuốc thực tế sẽ phụ thuộc vào các yếu tố gồm có:

Tuổi tác

  • Bệnh lý cần điều trị
  • Mức độ nghiêm trọng
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng với liều đầu tiên

Liều dùng để điều trị phù nề do suy tim, bệnh gan hoặc thận

  • Biệt dược: Bumex
    • Dạng bào chế: viên nén dùng qua đường uống
    • Hàm lượng: 0,5mg, 1mg và 2mg
  • Thuốc gốc: Bumetanide
    • Dạng bào chế: viên nén dùng qua đường uống
    • Hàm lượng: 0,5mg, 1mg và 2mg

Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)

Liều dùng điển hình là 0,5 – 2mg uống một lần mỗi ngày nhưng người bệnh cũng có thể phải uống thuốc 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 – 5 giờ, tổng liều lên đến 10mg mỗi ngày.

Để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất trong khi vẫn đảm bảo an toàn, hạn chế tác dụng phụ thì người bệnh nên dùng thuốc ngắt quãng, có nghĩa là uống thuốc cách ngày hoặc uống trong 3 – 4 ngày liên tục, sau đó là ngừng 1 – 2 ngày. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả nhất.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Hiện vẫn chưa rõ bumetanide có an toàn và hiệu quả cho người dưới 18 tuổi hay không.

Điều gì xảy ra nếu không dùng thuốc theo chỉ định?

Bumetanide có thể được sử dụng trong thời gian ngắn hoặc sử dụng lâu dài. Thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu không dùng đúng theo chỉ định.

Nếu hoàn toàn không dùng thuốc: Tình trạng phù nề sẽ không thuyên giảm hoặc thậm chí còn trở nên nặng hơn. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy tim hoặc bệnh lý khác.

Nếu đột ngột ngừng dùng thuốc: Không được tự ý ngừng dùng bumetanide mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Khi ngừng thuốc, tình trạng phù nề sẽ trở nên trầm trọng hơn. Các triệu chứng khác của suy tim hoặc các loại bệnh lý cũng sẽ tăng nặng.

Nếu dùng thuốc không đều: Thuốc sẽ không phát huy hiệu quả tối đa nếu như dùng thuốc không đều.

Nếu dùng thuốc quá liều: Dùng bumetanide quá liều có thể dẫn đến mất nước và mất cân bằng điện giải nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:

  • Mệt mỏi, uể oải
  • Da khô
  • Ít đi tiểu
  • Nước tiểu sậm màu
  • Khô miệng
  • Chóng mặt
  • Lú lẫn
  • Nôn mửa
  • Chuột rút
  • Chán ăn

Nếu lỡ uống thuốc quá liều, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Cần làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu chỉ còn vài giờ nữa là đến thời điểm uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp hai liều cùng lúc. Điều này có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.

Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu tình trạng phù nề giảm thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả.

Lưu ý quan trọng khi dùng bumetanide

Lưu ý chung

Có thể uống bumetanide trước hoặc sau ăn.

Nên uống bumetanide vào buổi sáng. Đây là một loại thuốc lợi tiểu, có nghĩa là sẽ làm tăng tần suất đi tiểu. Uống thuốc vào buổi tối sẽ khiến người bệnh phải thức dậy để đi tiểu nhiều lần vào ban đêm.

Có thể bẻ nhỏ hoặc nghiền viên thuốc trước khi uống nếu không thể nuốt cả viên.

Bảo quản

  • Bảo quản bumetanide ở nhiệt độ từ 20 đến 25°C (68 đến 77°F).
  • Không để thuốc ở nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp và nơi ẩm ướt, chẳng hạn như phòng tắm.

Mang theo thuốc khi đi xa

  • Luôn mang theo thuốc bên mình nếu như phải dùng thuốc hàng ngày.
  • Khi đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà luôn phải để trong hành lý xách tay.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
  • Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Theo dõi lâm sàng

Trong thời gian điều trị bằng bumetanide, người bệnh sẽ phải theo dõi:

  • nồng độ kali và các chất điện giải khác trong máu
  • huyết áp
  • cân nặng để kiểm tra tình trạng tích nước
  • chức năng thận

Chế độ ăn uống

Người bệnh có thể sẽ phải tăng lượng kali trong chế độ ăn trong thời gian dùng bumetanide. Một số loại thực phẩm giàu kali gồm có mận khô, chuối, cam, bí và các loại rau lá xanh đậm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tác dụng
Tin liên quan
Tác dụng phụ của Kerendia
Tác dụng phụ của Kerendia

Kerendia (finerenone) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 và suy thận mạn. Kerendia có thể gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, ví dụ như tăng kali máu và tụt huyết áp.

Mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và suy thận
Mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và suy thận

Tình trạng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc bệnh suy thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây