1

Mất bao lâu để insulin NPH đạt hiệu quả tối đa?

Insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản xuất ra, có vai trò giúp vận chuyển đường từ máu vào các tế bào trong cơ thể để làm năng lượng. Tất cả những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và những người bị tiểu đường type 2 nặng cần sử dụng insulin từ bên ngoài để kiểm soát lượng đường trong máu do cơ thể không còn khả năng tạo ra đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả.
Mất bao lâu để insulin NPH đạt hiệu quả tối đa? Mất bao lâu để insulin NPH đạt hiệu quả tối đa?

Insulin NPH hay insulin neutral protamine Hagedorn (được đặt theo tên của nhà khoa học Hans Christian Hagedorn - người đã nghiên cứu ra loại insulin này) đạt hiệu quả tối đa trong vòng khoảng 6 đến 8 giờ sau khi tiêm và tác dụng có thể kéo dài tới 12 giờ. Loại insulin này thường được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn và vào ban đêm.

Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về insulin NPH, gồm có điểm khác biệt với các loại insulin khác, thời gian đạt hiệu quả tối đa và các tác dụng phụ.

Insulin NPH là gì?

Trước đây, insulin được dùng trong điều trị bệnh tiểu đường đều có nguồn gốc từ bò hoặc lợn. Nhưng ngày nay, nhờ những cải tiến trong công nghệ sản xuất nên insulin có nguồn gốc từ động vật đã không còn được sử dụng phổ biến nữa.

Insulin NPH là một loại insulin tổng hợp được nuôi cấy trong vi khuẩn hoặc nấm men trong phòng thí nghiệm. Kẽm và protamine (một loại protein chiết xuất từ cá) được thêm vào insulin để làm chậm tốc độ hấp thụ insulin trong cơ thể.

Insulin NPH đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt và được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2 nặng ở trẻ em và người lớn. Đây là loại insulin nền (basal insulin) phổ biến nhất. Insulin nền là loại insulin được sử dụng để giữ ổn định lượng đường trong máu giữa các bữa ăn và vào ban đêm.

Insulin NPH được bán dưới tên thương mại là Humulin N và Novolin N.

Insulin NPH là một loại insulin tác dụng trung bình vì tác dụng duy trì được khoảng nửa ngày. Insulin NPH phát huy tác dụng chậm hơn so với insulin tự nhiên của cơ thể. Insulin NPH thường được trộn với insulin thường hoặc insulin tác dụng nhanh để tăng thêm lợi ích.

Insulin NPH được tiêm bằng bút tiêm hoặc bơm kim tiêm vào lớp mỡ dưới da ở bụng, bắp tay hoặc đùi.

Có nhiều loại insulin được sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường và bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân.

Các loại insulin

Insulin được chia thành 4 loại dựa trên thời gian phát huy tác dụng và thời gian duy trì tác dụng:

  • Insulin tác dụng nhanh: Bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng 15 phút sau khi tiêm, đạt hiệu quả tối đa sau khoảng 1 giờ. Loại insulin này thường được dùng ngay trước bữa ăn.
  • Insulin tác dụng thường hoặc tác dụng ngắn: Thời gian bắt đầu có tác dụng là khoảng 30 phút sau tiêm, hiệu quả đạt tối đa sau khoảng 2 đến 3 giờ. Thường được sử dụng trước bữa ăn khoảng 30 đến 60 phút.
  • Insulin tác dụng trung bình: Bắt đầu phát huy tác dụng sau 1 đến 2 giờ. Thời gian đạt hiệu quả tối đa là 6 đến 8 giờ. Loại insulin này được sử dụng để giữ ổn định lượng đường trong máu trong khoảng nửa ngày hoặc vào ban đêm.
  • Insulin tác dụng kéo dài hoặc rất dài: Bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng 1 đến 2 giờ sau tiêm, không đạt hiệu quả tối đa vì loại insulin này duy trì hoạt động ổn định trong suốt cả ngày nhưng tác dụng có thể kéo dài 24 đến 36 giờ.

Mất bao lâu để insulin NPH đạt hiệu quả tối đa?

Insulin NPH thường bắt đầu có tác dụng trong vòng 1 đến 3 giờ sau tiêm và đạt hiệu quả tối đa sau khoảng 6 đến 8 giờ.

Thời gian đạt hiệu quả tối đa là khoảng thời gian mà thuốc phát huy tác dụng mạnh nhất. Thời gian đạt hiệu quả tối đa của mỗi loại và nhãn hiệu insulin là khác nhau. Điều quan trọng là phải biết thời gian đạt hiệu quả tối đa của loại insulin mà mình sử dụng để có thể dự đoán lượng và thời điểm nên ăn để giữ cho lượng đường trong máu ổn định.

Insulin NPH có thể tồn tại trong cơ thể đến 12 giờ và thường được tiêm 1 hoặc 2 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, tác dụng của insulin NPH có thể kéo dài hơn 12 giờ ở những người mắc một số bệnh lý, chẳng hạn như suy thận.

Khi tiêm insulin NPH vào lớp mỡ dưới da, insulin sẽ hấp thụ qua mô mỡ và mô liên kết đến các mao mạch và đi vào trong máu. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến thời gian insulin đi vào máu và bắt đầu phát huy tác dụng, chẳng hạn như:

  • Độ sâu tiêm
  • Độ dày của mô mỡ
  • Nhiệt độ của mô mỡ
  • Mức độ vận động
  • Vị trí tiêm trên cơ thể
  • Có hút thuốc hay không
  • Tư thế khi tiêm

Tác dụng phụ của insulin NPH

Tất cả các loại insulin đều có tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ thường gặp gồm có:

  • Lượng đường trong máu thấp hay hạ đường huyết
  • Phản ứng dị ứng hoặc quá mẫn
  • Phản ứng tại vị trí tiêm như sưng đỏ, đau
  • Tăng cân
  • Giữ nước, gây phù nề

Insulin NPH có nguy cơ gây hạ đường huyết thấp hơn một chút so với các loại insulin khác. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng như co giật, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Các triệu chứng của hạ đường huyết nhẹ gồm có:

  • Đổ mồ hôi
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Run tay
  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Đói
  • Buồn nôn
  • Mờ mắt
  • Tim đập nhanh
  • Tập trung kém
  • Phản ứng chậm chạp

Những người bị bệnh thận hoặc bệnh gan có nguy cơ bị hạ đường huyết nghiêm trọng cao hơn khi sử dụng insulin. Khi gặp phải các các tác dụng phụ của insulin, hãy báo cho bác sĩ để điều chỉnh liều dùng.

Cách sử dụng insulin NPH

Trước khi dùng insulin NPH, người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ để hiểu rõ về:

  • Những ưu và nhược điểm của loại insulin này
  • Thời điểm cần tiêm insulin trong ngày
  • Tần suất sử dụng insulin
  • Liều dùng
  • Cách sử dụng
  • Vị trí tiêm

Một số lưu ý để sử dụng insulin NPH một cách an toàn và hiệu quả:

  • Cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng trước khi bắt đầu điều trị bằng insulin
  • Cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng trước khi bắt đầu dùng insulin.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng một loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mới.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu có các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ insulin, gồm có rối loạn nội tiết tố, tiêu chảy, nôn mửa hoặc các bệnh lý làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày.
  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi tiêm insulin.
  • Sử dụng đúng loại và liều insulin theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kiểm tra hạn sử dụng của insulin trước khi tiêm.
  • Làm đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Nếu insulin bị đục, hãy lăn nhẹ giữa hai bàn tay.
  • Không sử dụng insulin nếu thấy insulin có vẻ bất thường.

Tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm, bút tiêm hay máy bơm insulin với người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường máu như HIV và viêm gan.

Tóm tắt bài viết

Insulin NPH là một loại insulin tác dụng trung bình giúp giữ lượng đường trong máu ổn định trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn hoặc vào ban đêm. Loại insulin này thường bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng 1 đến 3 giờ sau tiêm và thời gian đạt hiệu quả tối đa là khoảng 6 đến 8 giờ.

Insulin NPH được FDA phê duyệt sử dụng cho người lớn hoặc trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc tiểu đường type 2 nặng và thường được kết hợp với các loại insulin có tác dụng nhanh hơn.

Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về loại insulin phù hợp nhất. Có nhiều loại insulin và việc lựa chọn sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, các vấn đề sức khỏe khác và thói quen sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: hiệu quả
Tin liên quan
Sốc insulin có những dấu hiệu nào và cách điều trị ra sao?
Sốc insulin có những dấu hiệu nào và cách điều trị ra sao?

Các dấu hiệu cảnh báo của sốc insulin gồm có chóng mặt, run tay, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh và các dấu hiệu khác. Nếu không được điều trị kịp thời, sốc insulin có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da
Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da

Insulin thường (insulin người) dạng dung dịch tiêm dưới da kê đơn được kết hợp cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để kiểm soát tình trạng đường trong máu cao do bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.

14 dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường type 2
14 dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là một căn bệnh phổ biến, xảy ra khi cơ thể mất khả năng sử dụng hết glucose (đường) trong máu. Bệnh tiểu đường type 2 có nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có những triệu chứng bắt đầu xuất hiện từ sớm.

Hiểu về tiền tiểu đường: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa
Hiểu về tiền tiểu đường: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa

Tiền tiểu đường là một bệnh lý thầm lặng, vì vậy nên khám sức khỏe định kỳ là điều rất quan trọng để phát hiện bệnh từ sớm. Nếu nghi ngờ có thể mình bị tiền tiểu đường thì nên đi khám.

Đi tiểu nhiều lần có phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường không?
Đi tiểu nhiều lần có phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường không?

Nếu bạn nhận thấy tần suất đi tiểu đột nhiên tăng so với bình thường thì hãy cẩn thận vì rất có thể đó là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, còn có rất nhiều nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng đi tiểu nhiều lần và trong đó có một số nguyên nhân vô hại. Điều quan trọng là phải hiểu tác động của bệnh tiểu đường đến chức năng bàng quang, cũng như là các dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây