1

Lợi ích và công dụng của tinh dầu hương thảo

Tinh dầu hương thảo (rosemary) có nhiều lợi ích cho sức khỏe, gồm có hỗ trợ chức năng não, thúc đẩy mọc tóc, giảm đau và giảm căng thẳng.
Lợi ích và công dụng của tinh dầu hương thảo Lợi ích và công dụng của tinh dầu hương thảo

Hương thảo (tên khoa học là Rosmarinus officinalis) là một loại cây bụi thường xanh có lá hình kim, mùi thơm nồng, hơi the.

Hương thảo không chỉ là một loại gia vị mà còn là một loại dược liệu được dùng rất phổ biến trên toàn thế giới.

Tinh dầu hương thảo được chiết xuất từ lá của loài cây này, có chứa các hoạt chất có lợi trong cây với nồng độ rất cao.

Từ xa xưa, hương thảo đã được dùng làm thuốc chữa nhiều căn bệnh và hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu những lợi ích của loại thảo dược này đối với sức khỏe.

Dưới đây là 14 lợi ích và công dụng của tinh dầu hương thảo.

1. Cải thiện chức năng não

Ở thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, hương thảo được cho là có tác dụng tăng cường trí nhớ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng hít tinh dầu hương thảo giúp ngăn ngừa sự phân hủy acetylcholine, một hóa chất trong não bộ có vai trò quan trọng đối với khả năng suy nghĩ, tập trung và trí nhớ.

Trong nghiên cứu, 20 thanh niên được hỏi các câu hỏi toán học trong một căn phòng nhỏ được khuếch tán tinh dầu hương thảo. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tốc độ trả lời câu hỏi và độ chính xác tăng tỷ lệ thuận với thời gian khuếch tán tinh dầu.

Ngoài ra, nồng độ một số hợp chất hương thảo trong máu của những người tham gia cũng tăng lên. Điều này chứng tỏ rằng các chất trong hương thảo có thể đi vào cơ thể qua đường hô hấp. (1)

Tương tự, trong một nghiên cứu khác được thực hiện trên một nhóm sinh viên, những người hít tinh dầu hương thảo trong khi làm bài kiểm tra cho biết khả năng tập trung và ghi nhớ thông tin tăng lên so với khi hít tinh dầu oải hương hoặc không hít tinh dầu.

Nghiên cứu khác cho thấy rằng hít tinh dầu hương thảo và các loại tinh dầu khác giúp cải thiện chức năng não ở người lớn tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ, bao gồm cả những người mắc bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về công dụng này của tinh dầu hương thảo.

2. Kích thích mọc tóc

Một trong những loại rụng tóc phổ biến nhất ở cả nam và nữ giới là rụng tóc nội tiết tố androgen.

Tinh dầu hương thảo có tác dụng điều trị chứng rụng tóc này bằng cách ngăn chặn dihydrotestosterone hay DHT (một hormone được chuyển hóa từ testosterone) tấn công các nang tóc.

Trong một nghiên cứu, những nam giới bị rụng tóc nội tiết tố androgen được yêu cầu thoa tinh dầu hương thảo pha loãng lên da đầu hai lần mỗi ngày trong 6 tháng. Những người này cho biết tóc mọc dày hơn. Điều đáng nói là hiệu quả mọc tóc ở những người thoa tinh dầu tương đương với những người sử dụng minoxidil (Rogaine), một loại thuốc trị rụng tóc phổ biến. (2)

Ngoài ra, những người sử dụng tinh dầu hương thảo cho biết da đầu ít bị ngứa hơn so với minoxidil, điều này cho thấy rằng tinh dầu hương thảo được dung nạp tốt hơn.

Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng tinh dầu hương thảo có thể trị rụng tóc từng mảng – một tình trạng xảy ra do phản ứng tự miễn, gây mất tóc không đồng đều trên da đầu.

Những người bị rụng tóc từng mảng được chia thành hai nhóm, một nhóm thoa hỗn hợp tinh dầu hương thảo lên da đầu mỗi ngày trong 7 tháng trong khi nhóm còn lại dùng dầu jojoba và dầu hạt nho. Sau 7 tháng, 44% người dùng tinh dầu hương thảo nhận thấy tình trạng rụng tóc có sự cải thiện trong khi tỷ lệ này ở nhóm dùng dầu jojoba và dầu hạt nho chỉ là 15%.

3. Giảm đau

Y học cổ truyền từ lâu đã sử dụng hương thảo để giảm đau.

Trong một nghiên cứu kéo dài hai tuần, những người bị đau vai sau đột quỵ được cho sử dụng hỗn hợp tinh dầu hương thảo kết hợp bấm huyệt hai lần mỗi ngày, mỗi lần 20 phút đã 30% cơn đau. Những người chỉ được bấm huyệt giảm 15% cơn đau.

Ngoài ra, một nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng tinh dầu hương thảo có hiệu quả giảm đau cao hơn một chút so với acetaminophen, một loại thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến. (3)

4. Đuổi côn trùng

Nếu đang tìm một giải pháp tự nhiên để đuổi côn trùng thay cho các phẩm hóa học, bạn có thể thử tinh dầu hương thảo.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã thử phun thuốc bảo vệ thực vật chứa tinh dầu hương thảo lên cây cà chua trồng trong nhà kính. Kết quả là số lượng ve nhện hai đốm đã giảm 52% mà không gây hại cho cây trồng.

Hương thảo còn giúp xua đuổi một số côn trùng hút máu. Những loài côn trùng này có thể là vật trung gian lan truyền virus và vi khuẩn gây bệnh.

Khi so sánh tinh dầu hương thảo với 11 loại tinh dầu khác, tinh dầu hương thảo có tác dụng đuổi muỗi vằn (Aedes aegypti) lâu nhất, đây là loài muỗi lây lan virus Zika. Dung dịch tinh dầu hương thảo 12,5% đã đuổi 100% muỗi trong 90 phút. (4)

Ngoài ra, thuốc xịt chứa 10% tinh dầu hương thảo có hiệu quả tương đương thuốc trừ sâu hóa học bifenthrin trong việc kiểm soát sự lây lan bọ ve chân đen – loài côn trùng lây truyền bệnh Lyme.

5. Giảm căng thẳng

Căng thẳng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong cuộc sống. Hít tinh dầu hương thảo có thể giúp giảm bớt lo âu, căng thẳng.

Trong một nghiên cứu, khi những sinh viên khoa điều dưỡng hít tinh dầu hương thảo trước và trong thời gian làm bài thi, nhịp tim của họ đã giảm khoảng 9%.

Vì tim đập nhanh là dấu hiệu phản ánh sự căng thẳng và lo âu nên điều này cho thấy tinh dầu hương thảo có thể giúp làm giảm căng thẳng.

Trong một nghiên cứu khác, những người được cho ngửi tinh dầu hương thảo trong 5 phút có nồng độ hormone stress cortisol trong nước bọt thấp hơn 23% so với những người ngửi một hợp chất không mùi.

Mức cortisol tăng cao có thể ức chế hệ miễn dịch, điều này góp phần gây mất ngủ, thay đổi tâm trạng và nhiều vấn đề khác.

6. Cải thiện lưu thông máu

Lưu thông máu kém là một vấn đề phổ biến. Những khu vực thường xảy ra tình trạng lưu thông máu kém là bàn tay và bàn chân. Một dấu hiệu của tình trạng này là ngón tay và ngón chân bị lạnh, dù nhiệt độ xung quanh không hề thấp. Tinh dầu hương thảo là một giải pháp tự nhiên cho vấn đề này.

Trong một nghiên cứu, một phụ nữ mắc bệnh Raynaud - bệnh làm giảm tuần hoàn máu - đã xoa bóp bàn tay bằng hỗn hợp tinh dầu hương thảo và một loại dầu trung tính. Người này nhận thấy tinh dầu hương thảo giúp làm ấm ngón tay tốt hơn so với dầu trung tính. Sự thay đổi này đã được xác nhận trên hình ảnh nhiệt.

Ở người mắc bệnh Raynaud, các mạch máu ở ngón tay và ngón chân thu hẹp lại khi tiếp xúc với lạnh hoặc căng thẳng, điều này khiến ngón tay và ngón chân trở nên nhợt nhạt và lạnh.

Tinh dầu hương thảo giúp làm giãn các mạch máu, từ đó tăng lượng máu và làm ấm ngón tay và ngón chân.

Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận những tác dụng này của tinh dầu hương thảo.

7. Cải thiện tâm trạng và mức năng lượng

Tinh dầu hương thảo có tác dụng giảm mệt mỏi và căng thẳng thần kinh.

Trong một nghiên cứu, 20 thanh niên khỏe mạnh sau khi hít tinh dầu hương thảo cho biết họ cảm thấy tinh thần sảng khoái hơn và ít buồn ngủ hơn so với khi hít tinh dầu giả dược.

Sự gia tăng tỉnh táo này còn được phản ánh qua những thay đổi trong sóng não, tăng nhịp tim, nhịp thở và huyết áp.

Thoa tinh dầu hương thảo pha loãng lên da cũng có thể mang lại những lợi ích tương tự vì các hợp chất có lợi trong tinh dầu có thể đến não thông qua con đường này.

Trong một nghiên cứu, những người khỏe mạnh sau khi bôi tinh dầu hương thảo pha loãng lên da đã cảm thấy tập trung, tỉnh táo, khỏe khoắn và vui vẻ hơn đáng kể so với khi sử dụng tinh dầu giả dược. (5)

Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận lợi ích này của tinh dầu hương thảo.

8. Giảm viêm khớp

Bằng chứng ban đầu cho thấy tinh dầu hương thảo có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp như sưng, đau và cứng khớp.

Điều này là do tinh dầu hương thảo có tác dụng ngăn chặn bạch cầu di chuyển đến các mô bị tổn thương để giải phóng hóa chất gây viêm.

Trong một nghiên cứu, những người bị viêm khớp dạng thấp được mát-xa đầu gối trong 15 phút bằng hỗn hợp tinh dầu hương thảo 3 lần mỗi tuần. Sau 3 tuần, những người này nhận thấy tình trạng đau đầu gối giảm 50%, trong khi mức giảm ở những người không dùng tinh dầu hương thảo chỉ là 12%.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công khớp, làm tổn thương niêm mạc khớp và gây viêm. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ khớp nào trong cơ thể.

Cần nhiều nghiên cứu hơn về tác động của hương thảo đến tình trạng viêm.

9-13. Các lợi ích khác của tinh dầu hương thảo

Các nhà khoa học đang nghiên cứu một số lợi ích khác của tinh dầu hương thảo.

Các nghiên cứu trong ống nghiệm không có giá trị tương đương các nghiên cứu trên người đánh giá lợi ích của tinh dầu khi dùng qua đường hít hoặc bôi ngoài da.

Một số nghiên cứu trên động vật đã cho sử dụng tinh dầu hương thảo bằng đường uống mà điều này không được khuyến khích ở người. Đa số các loại tinh dầu đều không an toàn khi dùng qua đường uống. Do đó, cần có thêm nghiên cứu trên người để tìm hiểu về những lợi ích của tinh dầu hương thảo.

Ngoài những lợi ích kể trên, tinh dầu hương thảo còn được cho là có những lợi ích khác như:

  • Trị ung thư: Tinh dầu hương thảo có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy những đặc tính này có thể chống lại tế bào ung thư.
  • Phòng ngừa bệnh gan và tiêu hóa: Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng tinh dầu hương thảo có thể kích thích giải phóng dịch mật, chất quan trọng trong quá trình tiêu hóa chất béo và kích hoạt cơ chế chống oxy hóa tự nhiên của cơ thể để bảo vệ gan.
  • Điều trị ngộ độc thực phẩm: Tinh dầu hương thảo có thể giúp ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, tinh dầu hương thảo được sử dụng trong nghiên cứu là loại dùng được cho thực phẩm và các nhà nghiên cứu chỉ sử dụng liều lượng rất nhỏ, được cân đo chính xác. Không nên tự sử dụng tinh dầu hương thảo để trị ngộ độc thực phẩm tại nhà.
  • Giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: Tinh dầu hương thảo và các loại tinh dầu khác có thể làm tăng hiệu quả của một số loại kháng sinh, nhờ đó người bệnh chỉ phải sử dụng liều kháng sinh thấp hơn và điều này giúp làm giảm tác dụng phụ của thuốc.
  • Cải thiện tình trạng kháng kháng sinh: Tinh dầu hương thảo và các loại tinh dầu khác có thể làm suy yếu thành tế bào của vi khuẩn kháng kháng sinh. Điều này sẽ tạo điều kiện cho thuốc kháng sinh đi vào bên trong vi khuẩn.

14. Tinh dầu hương thảo dễ sử dụng

Tinh dầu hương thảo có thể được hít hoặc bôi ngoài da. Tinh dầu rất đậm đặc nên phải pha loãng tinh dầu với dầu nền trước khi dùng, nhất là khi bôi lên da và chỉ sử dụng một vài giọt tinh dầu mỗi lần.

Mặc dù một số nhà sản xuất tinh dầu khẳng định sản phẩm của mình có thể uống được nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào kiểm chứng tính an toàn của điều này, đặc biệt là về lâu dài. Các chuyên gia vẫn khuyến cáo không nên uống bất kỳ loại tinh dầu nào.

Dưới đây là hai cách sử dụng chính của tinh dầu hương thảo.

Hít tinh dầu

Cách sử dụng đơn giản nhất là hít tinh dầu trực tiếp từ lọ đựng. Hoặc bạn cũng có thể nhỏ một vài giọt tinh dầu lên một miếng vải hoặc khăn giấy và hít.

Một cách nữa là sử dụng máy khuếch tán tinh dầu để lan tỏa tinh dầu vào không khí trong phòng.

Nói chung, không nên khuếch tán tinh dầu ở nơi có trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.

Thoa tinh dầu lên da

Tinh dầu hương thảo và các loại tinh dầu khác dễ dàng hấp thụ vào máu khi thoa lên da.

Luôn phải pha loãng tinh dầu với một loại dầu nền trung tính, chẳng hạn như dầu jojoba trước khi thoa lên da để tránh bị kích ứng da và giảm tốc độ bay hơi của tinh dầu.

Dưới đây là tỷ lệ pha loãng tinh dầu tham khảo theo độ tuổi:

Độ tuổi Nồng độ pha loãng tinh dầu Lượng dầu nền
Trẻ sơ sinh 0,3% 1 giọt tinh dầu pha với 1 thìa canh dầu nền
Trẻ nhỏ 1,0% 1 giọt tinh dầu pha với 1 thìa cà phê dầu nền
Người lớn 2,0 – 4,0% 3 – 6 giọt tinh dầu pha với 1 thìa cà phê dầu nền

Sau khi pha loãng, hãy thoa hỗn hợp tinh dầu vào lòng bàn chân hoặc bộ phận cơ thể mà bạn cần điều trị, chẳng hạn như cơ hoặc khớp bị đau. Tiếp theo, mát xa nhẹ nhàng để dầu thẩm thấu vào da. Điều này còn giúp cải thiện lưu thông máu.

Không bôi tinh dầu hương thảo và các loại tinh dầu khác trên vùng da đang bị tổn thương hoặc gần các vùng nhạy cảm như mắt.

Người bị động kinh hoặc cao huyết áp không nên dùng tinh dầu hương thảo. Tinh dầu hương thảo có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý này. Phụ nữ mang thai cũng không nên dùng tinh dầu hương thảo.

Tóm tắt bài viết

Hương thảo từ lâu đã được sử dụng làm thuốc và tinh dầu từ loài cây này đã được chứng minh là có nhiều lợi ích cho sức khỏe, gồm có cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ, trị rụng tóc, giảm đau và viêm, đuổi côn trùng, giảm lo âu căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

Bạn có thể hít tinh dầu hương thảo hoặc bôi tinh dầu hương thảo đã pha loãng lên da. Hãy nhớ rằng tinh dầu rất đậm đặc nên mỗi lần chỉ cần sử dụng vài giọt là đủ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dầu hoa anh thảo có những công dụng gì?
Dầu hoa anh thảo có những công dụng gì?

Dầu hoa anh thảo (evening primrose) được chiết xuất từ hạt của cây hoa anh thảo, một loài cây có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Từ lâu, loài cây này đã được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề khác nhau như bầm tím, bệnh trĩ và viêm họng.

Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà
Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và các vấn đề về tiêu hóa khác. Tinh dầu bạc hà còn giúp giảm đau và có lợi cho làn da.

Dầu hoa anh thảo có tác dụng trị rụng tóc không?
Dầu hoa anh thảo có tác dụng trị rụng tóc không?

Hoa anh thảo (evening primrose) là một loài thực vật có hoa màu vàng, mọc chủ yếu ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Trong khi hầu hết các loài thực vật có hoa đều nở hoa khi mặt trời mọc thì hoa anh thảo lại nở hoa vào buổi tối. Dầu được chiết xuất từ hạt của loài cây này. Dầu hoa anh thảo được sử dụng làm thực phẩm chức năng, các sản phẩm bôi tại chỗ và thành phần trong các sản phẩm làm đẹp.

Dầu hoa anh thảo có tác dụng trị bệnh chàm (eczema) không?
Dầu hoa anh thảo có tác dụng trị bệnh chàm (eczema) không?

Hoa anh thảo (evening primrose) là một loài cây có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và còn được tìm thấy ở một số khu vực thuộc châu Âu. Loài cây này nở hoa vào buổi tối. Dầu hoa anh thảo được chiết xuất từ hạt của cây. Dầu hoa anh thảo chứa axit béo omega-3 và axit gamma-linolenic (GLA) – một loại axit béo omega-6. Dầu hoa anh thảo được sản xuất ở dạng viên nang để dùng qua đường uống. Loại dầu này còn là thành phần trong một số sản phẩm chăm sóc da.

Tinh dầu hoa oải hương có những lợi ích gì cho da?
Tinh dầu hoa oải hương có những lợi ích gì cho da?

Tinh dầu hoa oải hương mang lại một số lợi ích cho làn da như giảm viêm và cải thiện khả năng chữa lành vết thương. Có một điều cần lưu ý khi dùng tinh dầu hoa oải hương hay bất kỳ loại tinh dầu nào là phải pha loãng tinh dầu trước khi bôi lên da.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây