1

Hội chứng kẹp hạt dẻ (nutcracker) là gì?

Hội chứng kẹp hạt dẻ (nutcracker syndrome) là một chứng rối loạn xảy ra với tĩnh mạch thận, trong đó tĩnh mạch thận trái bị chèn ép và máu không thể lưu thông bình thường qua tĩnh mạch này. Thay vào đó, máu chảy ngược vào các tĩnh mạch khác và khiến tĩnh mạch phình lên.
Hội chứng kẹp hạt dẻ (nutcracker) là gì? Hội chứng kẹp hạt dẻ (nutcracker) là gì?

Hội chứng kẹp hạt dẻ là gì?

Thận là cặp cơ quan hình hạt đậu đảm nhận các chức năng rất quan trọng trong cơ thể, chẳng hạn như:

  • Lọc chất thải từ máu
  • Duy trì sự cân bằng nước và khoáng chất trong cơ thể
  • Tạo ra nước tiểu
  • Điều hòa huyết áp

Mỗi quả thận có một tĩnh mạch mang máu nghèo oxy trở lại tuần hoàn. Tĩnh mạch này được gọi là tĩnh mạch thận, gồm có tĩnh mạch thận phải và trái.

Hội chứng kẹp hạt dẻ (nutcracker syndrome) là một chứng rối loạn xảy ra với tĩnh mạch thận, trong đó tĩnh mạch thận trái bị chèn ép và máu không thể lưu thông bình thường qua tĩnh mạch này. Thay vào đó, máu chảy ngược vào các tĩnh mạch khác và khiến tĩnh mạch phình lên. Điều này còn làm tăng áp lực trong thận và gây ra các triệu chứng như tiểu ra máu và đau.

Có hai loại hội chứng kẹp hạt dẻ chính là hội chứng kẹp hạt dẻ trước và hội chứng kẹp hạt dẻ sau. Ngoài ra còn có một số loại phụ. Các loại phụ này được coi là loại thứ ba và được gọi là “hội chứng kẹp hạt dẻ hỗn hợp”.

Ở hội chứng kẹp hạt trước, tĩnh mạch thận trái bị chèn ép giữa động mạch chủ và một động mạch bụng khác. Đây là loại hội chứng kẹp hạt dẻ phổ biến nhất.

Ở hội chứng kẹp hạt dẻ sau, tĩnh mạch thận trái thường bị chèn ép giữa động mạch chủ và cột sống. Dạng hỗn hợp là tổng hợp các bất thường về tĩnh mạch thận khác.

Sở dĩ gọi là hội chứng kẹp hạt dẻ vì sự chèn ép tĩnh mạch thận trông giống như một chiếc kẹp hạt dẻ.

Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của hội chứng kẹp hạt dẻ

Khi không có triệu chứng thì tình trạng tĩnh mạch thận bị chèn ép được gọi là hiện tượng kẹp hạt dẻ. Chỉ khi có triệu chứng thì mới được gọi là hội chứng kẹp hạt dẻ. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến gồm có:

  • Máu trong nước tiểu
  • Đau vùng chậu
  • Đau ở hạ sườn
  • Nước tiểu có nhiều protein hơn bình thường (chỉ có thể phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu)
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh (giãn các tĩnh mạch ở tinh hoàn)
  • Chóng mặt khi đứng dậy

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hội chứng kẹp hạt dẻ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở một số người, nguyên nhân gây hội chứng kẹp hạt dẻ là do bất thường bẩm sinh ở các mạch máu trong khi ở một số khác, nguyên nhân là do những thay đổi trong ổ bụng. Hội chứng kẹp hạt dẻ phổ biến hơn ở phụ nữ độ tuổi 20 và 30 nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Một số tình trạng bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng kẹp hạt dẻ gồm có:

  • Khối u ở tuyến tụy
  • Khối u ở niêm mạc thành bụng
  • Phần dưới của cột sống bị cong vẹo nghiêm trọng
  • Bệnh sa thận, tình trạng thận tụt xuống vùng chậu khi đứng dậy
  • Phình động mạch chủ bụng
  • Chiều cao hoặc cân nặng thay đổi nhanh chóng
  • Chỉ số khối cơ thể thấp
  • Sưng hạch bạch huyết ở bụng
  • Mang thai

Ở trẻ em, sự tăng trưởng nhanh chóng ở độ tuổi dậy thì có thể dẫn đến hội chứng kẹp hạt dẻ. Khi tỷ lệ cơ thể thay đổi, tĩnh mạch thận có thể bị chèn ép. Ở trẻ em, hội chứng kẹp hạt dẻ thường ít hoặc không có triệu chứng. Hội chứng kẹp hạt dẻ không di truyền.

Chẩn đoán hội chứng kẹp hạt dẻ

Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng. Tiếp theo, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử cũng như các triệu chứng để thu hẹp chẩn đoán.

Nếu nghi ngờ hội chứng kẹp hạt dẻ, bác sĩ sẽ yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để làm xét nghiệm xem có máu, protein hay vi khuẩn trong nước tiểu hay không. Người bệnh còn có thể phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng tế bào máu và chức năng thận. Điều này sẽ giúp bác sĩ tiếp tục thu hẹp chẩn đoán.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm Doppler vùng thận để đánh giá sự lưu thông máu qua tĩnh mạch và động mạch.

Tùy thuộc vào kết quả của các xét nghiệm trên cũng như là các triệu chứng, bác sĩ sẽ đề nghị chụp CT hoặc MRI để đánh giá tình trạng thận, mạch máu và các cơ quan khác, từ đó xác định chính xác vị trí và nguyên nhân tĩnh mạch thận bị chèn ép. Đôi khi còn phải sinh thiết thận để loại trừ các bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương tự hội chứng kẹp hạt dẻ.

Điều trị hội chứng kẹp hạt dẻ

Nếu chỉ có các triệu chứng nhẹ thì có thể chưa cần điều trị ngay mà chỉ cần theo dõi. Lý do là vì đôi khi hội chứng kẹp hạt dẻ tự khỏi, đặc biệt là ở trẻ em. Nghiên cứu cho thấy các triệu chứng tự hết ở khoảng 75% trẻ dưới 18 tuổi bị của hội chứng kẹp hạt dẻ.

Người bệnh sẽ cần làm xét nghiệm nước tiểu thường xuyên để theo dõi sự tiến triển của tình trạng.

Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc không cải thiện sau 18 đến 24 tháng theo dõi, người bệnh có thể cần điều trị. Có nhiều phương pháp điều trị hội chứng kẹp hạt dẻ.

Đặt stent

Stent là một ống lưới nhỏ có tác dụng giữ cho tĩnh mạch bị chèn ép mở rộng và cho phép máu chảy qua bình thường. Phương pháp đặt stent đã được sử dụng trong gần 20 năm để điều trị hội chứng kẹp hạt dẻ.

Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở chân của người bệnh và sử dụng ống thông để đưa stent vào vị trí thích hợp bên trong tĩnh mạch thận. Giống như các thủ thuật khác, đặt stent tĩnh mạch thận cũng tiềm ẩn rủi ro. Một trong những vấn đề không mong muốn có thể phát sinh sau khi đặt stent là stent dịch chuyển. Điều này xảy ra ở khoảng 7% số ca stent tĩnh mạch thận và có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Cục máu đông
  • Tổn thương mạch máu
  • Rách thành mạch máu nghiêm trọng

Sau khi đặt stent, người bệnh sẽ phải nằm viện 1 – 2 ngày và có thể mất vài tháng để hồi phục hoàn toàn. Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của thủ thuật này cũng như các lựa chọn điều trị khác.

Phẫu thuật mạch máu

Trong trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng, phẫu thuật mạch máu sẽ là giải pháp phù hợp hơn. Mục đích của ca phẫu thuật là làm giảm sự chèn ép lên tĩnh mạch thận. Một phương pháp thường được sử dụng là di chuyển tĩnh mạch đến vị trí khác và gắn lại tĩnh mạch để tĩnh mạch thận không còn bị chèn ép.

Một giải pháp khác là phẫu thuật bắc cầu tĩnh mạch, trong đó lấy một đoạn tĩnh mạch từ vị trí khác trong cơ thể gắn vào vị trí tĩnh mạch thận bị chèn ép để giúp máu chảy qua bình thường.

Quá trình phục hồi sau phẫu thuật phụ thuộc vào loại phẫu thuật và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Nói chung, quá trình phục hồi thường mất vài tháng.

Tiên lượng của người bị hội chứng kẹp hạt dẻ

Mặc dù hội chứng kẹp hạt dẻ đôi khi khó chẩn đoán nhưng một khi đã được chẩn đoán, tiên lượng thường khá tốt. Khả năng chữa khỏi phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra hội chứng kẹp hạt dẻ.

Trong nhiều trường hợp ở trẻ em, hội chứng kẹp hạt dẻ với các triệu chứng nhẹ tự khỏi trong vòng 2 năm. Cho dù có các triệu chứng nghiêm trọng thì cũng có nhiều giải pháp điều trị để giảm bớt hoặc chấm dứt các triệu chứng.

Nếu hội chứng kẹp hạt dẻ là kết quả của một tình trạng bệnh lý như khối u thì cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ để khôi phục lưu thông máu bình thường qua tĩnh mạch thận.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: hội chứng
Tin liên quan
Các biến chứng của phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt
Các biến chứng của phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là một vấn đề rất phổ biến và có thể điều trị được. Một trong các giải pháp điều trị là phẫu thuật. Do đây là một thủ thuật xâm lấn nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra một số vấn đề không mông muốn.

6 lợi ích đã được chứng minh của cây tầm ma
6 lợi ích đã được chứng minh của cây tầm ma

Cây tầm ma chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất, axit béo, axit amin, polyphenol và sắc tố - nhiều thành phần trong số này có tác dụng như chất chống oxy hóa bên trong cơ thể.

Lợi ích của uống trà đối với chứng phì đại tuyến tiền liệt
Lợi ích của uống trà đối với chứng phì đại tuyến tiền liệt

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, hay còn được gọi là phì đại tuyến tiền liệt, là một vấn đề mà hàng triệu nam giới gặp phải và trong nhiều trường hợp, tình trạng này không cần đến các phương pháp điều trị y tế như thuốc hay phẫu thuật.

Rượu bia ảnh hưởng như thế nào đến các triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt?
Rượu bia ảnh hưởng như thế nào đến các triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt?

Việc bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể uống rượu bia hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có mức độ tiến triển của bệnh ung thư và lượng rượu bia tiêu thụ.

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi khối u phát triển đủ lớn và chèn ép niệu đạo. Khi điều này xảy ra, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như tiểu khó, dòng tiểu yếu hay cảm giác tiểu không hết.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây