1

Các giai đoạn herpes ở môi

Nhiễm HSV là một vấn đề rất phổ biến ở người trưởng thành nhưng cũng có không ít trẻ nhỏ bị nhiễm loại virus này. Tuy nhiên, không phải ai cũng có triệu chứng khi bị bệnh herpes.
Các giai đoạn herpes ở môi Các giai đoạn herpes ở môi

Nguyên nhân và triệu chứng herpes môi

Herpes hay mụn rộp ở môi là một dạng của bệnh herpes và do virus herpes simplex (HSV-1 hoặc HSV-2) gây ra. Khi đã bị lây nhiễm thì HSV sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời nhưng có thể không hoạt động trong suốt nhiều năm trước khi xuất hiện mụn rộp.

Mặc dù mụn rộp thường chủ yếu hình thành trên môi hoặc bên trong miệng nhưng chúng cũng có thể xuất hiện ở những vị trí khác trên mặt như má, mũi và mắt.

Sau khi đã bị nhiễm virus thì một số yếu tố có thể kích hoạt triệu chứng bùng phát gồm có:

  • Căng thẳng
  • Mệt mỏi
  • Ốm
  • Sư thay đổi nồng độ nội tiết tố
  • Dị ứng thực phẩm
  • Tiếp xúc với nắng

Nhiễm HSV là một vấn đề rất phổ biến ở người trưởng thành nhưng cũng có không ít trẻ nhỏ bị nhiễm loại virus này. Tuy nhiên, không phải ai cũng có triệu chứng khi bị bệnh herpes.

Khi có thì các triệu chứng thường diễn ra theo 5 giai đoạn như sau:

  1. Giai đoạn 1: Trước bùng phát
  2. Giai đoạn 2: Nổi mụn nước
  3. Giai đoạn 3: Loét
  4. Giai đoạn 4: Đóng vảy
  5. Giai đoạn 5: Lành lại

Vậy mỗi giai đoạn diễn ra như thế nào và cần làm gì để giảm bớt các triệu chứng?

Các giai đoạn bùng phát triệu chứng herpes môi

Giai đoạn 1: Trước bùng phát

Nếu đột nhiên có cảm giác châm chích ở xung quanh miệng mà không rõ nguyên nhân thì rất có thể là các nốt mụn rộp sắp xuất hiện. Đây thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu triệu chứng sắp bùng phát. Cảm giác châm chích còn thường đi kèm những hiện tượng khác như nóng, đau hoặc ngứa.

Việc bắt đầu điều trị ngay trong giai đoạn này sẽ giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và nhanh khỏi hơn nhưng không ngăn được sự hình thành mụn rộp. Ở giai đoạn 1 thì nên dùng thuốc kháng virus đường uống là tốt nhất. Người bệnh cũng có thể cần uống thuốc hàng ngày để ngăn ngừa hoặc hạn chế tần suất các đợt bùng phát.

Nếu chỉ thỉnh thoảng mới bị nổi mụn rộp thì có thể dùng thuốc kháng virus dạng bôi. Một số loại thuốc dạng bôi gồm có:

  • doscosanol (Abreva) – thuốc không kê đơn
  • acyclovir (Zovirax) – thuốc kê đơn
  • penciclovir (Denavir) - thuốc kê đơn

Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy những loại thuốc bôi này không thể tiếp cận đủ gần đến virus nên hiệu quả bị hạn chế. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng lô hội cũng có tác dụng chống lại HSV. Do đó, nếu muốn làm giảm triệu chứng mụn rộp một cách tự nhiên thì có thể thử phương pháp này.

Nếu triệu chứng xuất hiện thường xuyên hoặc muốn dùng thuốc uống thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc sau:

  • acyclovir (Zovirax)
  • valacyclovir (Valtrex)
  • famciclovir (Famvir)

Nếu cảm thấy đau đớn và khó chịu vào giai đoạn này thì cũng có thể uống kèm các loại thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil) và dùng thuốc giảm đau tại chỗ có chứa lidocain hoặc benzocain.

Giai đoạn 2: Nổi mụn nước

Khoảng từ 1 - 2 ngày sau khi có cảm giác châm chích thì sẽ chuyển sang giai đoạn 2. Đây là giai đoạn mà người bệnh bị nổi một hoặc nhiều mụn nước trên bề mặt da. Vùng da xung quanh và bên dưới mụn nước sẽ bị sưng đỏ. Mụn nước có thể xuất hiện trên môi, xung quanh hoặc bên trong khoang miệng, đôi khi còn có cả ở trên cổ họng.

Có thể sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng virus dạng uống hoặc dạng bôi để giảm bớt các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước. Đây là điều rất quan trọng vào những đợt bùng phát triệu chứng mụn rộp.

Một khi mụn rộp xuất hiện trên bề mặt da thì chúng rất dễ lan rộng. Cần rửa tay bằng nước ấm và xà phòng kháng khuẩn sau khi chạm lên vùng bị tổn thương và không ăn chung, không dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác trong thời gian này. Hôn và quan hệ tình dục đường miệng cũng là những con đường lây truyền virus nên cần phải tránh. Nên hạn chế tiếp xúc thân mật với người khác cho đến khi hết mụn nước hoàn toàn.

Mụn nước sẽ gây khó chịu, đau đớn khi ăn uống nên hãy tránh những loại thực phẩm như:

  • Đồ ăn chua
  • Đồ ăn cay
  • Các món có nhiều muối
  • Đồ nóng

Giai đoạn 3: Loét

Sau một vài ngày xuất hiện trên bề mặt da, các nốt mụn nước sẽ vỡ ra, chảy dịch và trở thành vết loét. Các vết loét thường có màu màu đỏ hồng và nông. Bệnh dễ lây truyền nhất ở giai đoạn này.

Có thể dùng thuốc giảm đau tại chỗ hoặc thuốc đường uống để giảm bớt các triệu chứng đau đớn, khó chịu. Ngoài ra, có thể thử chườm lạnh hoặc ấm để giảm sưng đau.

Không đụng tay lên vết loét. Việc này sẽ khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn và làm lây lan virus sang những bộ phận khác của cơ thể. Khi đụng chạm, vi khuẩn trên tay cũng có thể xâm nhập vào vết thương hở và gây nhiễm trùng. Nếu cần bôi thuốc thì hãy dùng tăm bông thay vì dùng tay.

Giai đoạn 4: Đóng vảy

Các vết loét sẽ dần khô lại và đóng vảy. Khi vết loét đóng vảy khô thì sẽ chuyển sang màu vàng sẫm hoặc nâu. Có thể tiếp tục chườm lạnh và ấm ở giai đoạn này và dùng thuốc mỡ kẽm oxit (zinc oxide) bôi lên vết thương. Tuyệt đối không được cạy vảy.

Giai đoạn 5: Lành lại

Giai đoạn cuối cùng của đợt bùng phát là giai đoạn chữa lành. Đây là lúc mà vảy trên vết loét bong ra. Để làm mềm vảy và giảm kích ứng thì hãy bôi thuốc mỡ kẽm oxit hoặc gel lô hội.

Vảy sẽ từ từ bong dần ra và mụn rộp thường không để lại sẹo.

Điều trị herpes môi

Nếu thi thoảng mới bị nổi mụn rộp thì có thể chỉ cần dùng thuốc kháng virus mỗi khi triệu chứng tái phát để đẩy nhanh tốc độ lành tổn thương. Nhưng nếu triệu chứng thường xuyên xảy ra thì cần đi khám để bác sĩ kê thuốc dùng hàng ngày nhằm ức chế virus. Phương pháp này giúp hạn chế tần suất và mức độ nghiêm trọng của mỗi đợt bùng phát triệu chứng.

Cũng nên đến gặp bác sĩ nếu mụn rộp:

  • lan đến mắt
  • kèm theo hiện tượng sốt
  • không khỏi sau từ 1 - 2 tuần
  • có lớp da cứng bao xung quanh hoặc bị chảy dịch

Tóm tắt bài viết

HSV dễ lây lan nhất khi mụn rộp bị vỡ ra và tạo thành vết loét. Tuy nhiên, virus cũng có thể lây truyền từ trước hoặc sau khi mụn rộp xuất hiện.

Khi bị herpes thì cần chú ý những điều sau để tránh lây bệnh cho người khác và lây sang những bộ phận khác của cơ thể:

  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác
  • Tránh tiếp xúc cơ thể với người khác khi đang có mụn rộp
  • Không các đồ vật đã tiếp xúc với miệng cho những vùng khác trên cơ thể
  • Rửa tay ngay sau khi chạm vào mụn rộp

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Herpes sinh dục: Triệu chứng và cách điều trị
Herpes sinh dục: Triệu chứng và cách điều trị

Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa trị dứt điểm herpes sinh dục nhưng bệnh này có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc.

Cách nhận biết bệnh mụn rộp (herpes)
Cách nhận biết bệnh mụn rộp (herpes)

Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi bị nhiễm virus hoặc virus cũng có thể ở trạng thái không hoạt động suốt nhiều năm trong cơ thể.

Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Herpes hậu môn: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khả năng lây truyền sẽ cao nhất khi có mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn.

Viêm giác mạc do herpes: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm giác mạc do herpes: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm giác mạc do herpes là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương giác mạc dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời khi bị nhiễm HSV thì hoàn toàn có thể được kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại cho giác mạc.

Herpes Trên Lưỡi: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Herpes Trên Lưỡi: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Herpes lưỡi là một vấn đề do HSV gây ra. Các vết loét thường sẽ tự khỏi và sau một thời gian mới xuất hiện trở lại.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây