1

Tại sao suy thận mạn gây thiếu máu?

Suy thận mạn là tình trạng chức năng thận bị suy giảm từ từ và không thể hồi phục. Điều này có thể xảy ra khi một bệnh lý khác làm tổn thương thận. Ví dụ, bệnh tiểu đường và cao huyết áp là hai nguyên nhân chính gây suy thận mạn.
Tại sao suy thận mạn gây thiếu máu? Tại sao suy thận mạn gây thiếu máu?

Theo thời gian, suy thận mạn có thể dẫn đến thiếu máu và các biến chứng khác. Thiếu máu là khi cơ thể không có đủ hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đến các mô.

Mối liên hệ giữa suy thận mạn và thiếu máu

Khi hoạt động bình thường, thận tạo ra một loại hormone tên là erythropoietin (EPO). Hormone này báo cho cơ thể sản xuất hồng cầu.

Ở những người bị suy thận mạn, thận không tạo ra đủ EPO. Do đó, cơ thể sẽ giảm sản sinh hồng cầu và dẫn đến thiếu máu.

Chạy thận nhân tạo để điều trị suy thận mạn cũng có thể góp phần gây thiếu máu. Lý do là vì chạy thận nhân tạo có thể gây mất máu.

Các nguyên nhân khác gây thiếu máu

Ngoài suy thận mạn, các nguyên nhân khác gây thiếu máu gồm có:

  • Thiếu sắt, có thể do kinh nguyệt ra nhiều, mất máu do các nguyên nhân khác hoặc chế độ ăn uống có quá ít chất sắt
  • Thiếu folate (vitamin B9) hoặc vitamin B12, nguyên nhân có thể do chế độ ăn uống có quá ít thực phẩm chứa các vitamin này hoặc mắc các bệnh làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B12 của cơ thể
  • Mắc các bệnh cản trở quá trình sản xuất hồng cầu hoặc làm tăng tốc độ vỡ hồng cầu
  • Phản ứng với hóa chất độc hại hoặc một số loại thuốc

Việc điều trị thiếu máu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây thiếu máu.

Triệu chứng thiếu máu

Thiếu máu không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Cáu gắt
  • Khó tập trung
  • Hụt hơi
  • Rối loạn nhịp tim
  • Đau ngực
  • Da nhợt nhạt

Chẩn đoán thiếu máu

Để chẩn đoán tình trạng thiếu máu, bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm máu để đo lượng hemoglobin. Hemoglobin là một loại protein chứa sắt trong hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy.

Những người bị suy thận mạn nên làm xét nghiệm máu để kiểm tra lượng hemoglobin ít nhất một lần mỗi năm. Những người bị suy thận mạn giai đoạn sau có thể phải làm xét nghiệm nhiều lần trong năm.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy thiếu máu thì sẽ phải thực hiện thêm một số bước kiểm tra nữa để xác định nguyên nhân gây thiếu máu. Bác sĩ cũng sẽ hỏi người bệnh về chế độ ăn uống và bệnh sử.

Biến chứng của thiếu máu

Nếu không được điều trị, thiếu máu sẽ gây mệt mỏi kéo dài và ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày như học tập, làm việc, tập thể dục hay thậm chí cả những hoạt động đơn giản như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Điều này sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất.

Thiếu máu còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim, gồm có rối loạn nhịp tim, tim to (cơ tim phì đại) và suy tim. Lý do là bởi tim phải bơm nhiều máu hơn để bù đắp lượng oxy bị thiếu hụt.

Điều trị thiếu máu

Thiếu máu do suy thận mạn thường được điều trị bằng các loại thuốc sau:

  • Thuốc kích thích tạo hồng cầu (ESA): loại thuốc này giúp cơ thể tạo ra hồng cầu. Thuốc kích thích tạo hồng cầu có dạng tiêm dưới da (người bệnh có thể tự tiêm hoặc được tiêm bởi nhân viên y tế).
  • Bổ sung sắt: Cơ thể cần chất sắt để tạo ra hồng cầu, đặc biệt là khi đang dùng tthuốc kích thích tạo hồng cầu. Người bệnh có thể dùng viên uống bổ sung sắt hoặc bổ sung sắt qua đường truyền tĩnh mạch.
  • Truyền hồng cầu: Nếu mức hemoglobin trong máu quá thấp, bác sĩ có thể chỉ định truyền hồng cầu. Hồng cầu sẽ được truyền vào cơ thể người bệnh thông qua đường tĩnh mạch.

Nếu người bệnh bị thiếu folate hoặc vitamin B12 thì sẽ phải uống bổ sung các chất này.

Nếu tình trạng thiếu hụt không quá nghiêm trọng và cơ thể vẫn có khả năng hấp thụ tốt thì có thể tăng lượng sắt, folate hoặc vitamin B12 bằng cách ăn nhiều thực phẩm chứa những chất này.

Tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Tóm tắt bài viết

Thiếu máu là một biến chứng của bệnh suy thận mạn. Thiếu máu gây mệt mỏi, chóng mặt và đôi khi còn dẫn đến vấn đề nghiêm trọng về tim.

Những người bị suy thận mạn nên thường xuyên làm xét nghiệm máu kiểm ra mức hemoglobin để phát hiện sớm tình trạng thiếu máu.

Thiếu máu do suy thận mạn thường được điều trị bằng các loại thuốc, bổ sung sắt hoặc truyền hồng cầu. Người bệnh cũng nên điều chỉnh chế độ ăn uống để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tại sao
Tin liên quan
Ghép thận có những rủi ro nào?
Ghép thận có những rủi ro nào?

Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.

Suy thận có được dùng statin không?
Suy thận có được dùng statin không?

Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.

Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?
Ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến suy thận?

Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến suy thận. Vấn đề về thận thường xảy ra vào các giai đoạn sau của ung thư.

Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối

Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây