1

Solifenacin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Solifenacin được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt (OAB), gồm có buồn tiểu đột ngột, đi tiểu nhiều lần và tiểu không tự chủ.
Solifenacin Solifenacin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo quan trọng

  • Cảnh báo đối với người đang mắc một số bệnh khác: Người bị bí tiểu, liệt dạ dày (chậm làm trống dạ dày) hoặc bệnh tăng nhãn áp góc đóng không được kiểm soát không nên dùng solifenacin. Những người bị hội chứng QT (một dạng rối loạn nhịp tim) cần thận trọng khi sử dụng thuốc này.
  • Nguy cơ dị ứng dẫn đến sưng phù: Trong một số trường hợp, solifenacin gây phản ứng dị ứng, dẫn đến sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng. Nếu người bệnh bị sưng phù và khó thở khi sử dụng thuốc thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
  • Nguy cơ sa sút trí tuệ: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng solifenacin và các loại thuốc kháng cholinergic khác có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.

Solifenacin là gì?

Solifenacin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các triệu chứng bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - OAB). Những triệu chứng này gồm có:

  • Đột ngột buồn tiểu dữ dội, không thể nhịn được (tiểu gấp)
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu) khi buồn tiểu

Solifenacin có dạng viên nén dùng qua đường uống.

Solifenacin chỉ có dạng biệt dược là VESIcare, không có dạng thuốc gốc.*

(*Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.)

Cơ chế tác dụng của solifenacin

Solifenacin là một loại thuốc đối kháng muscarinic (thuộc nhóm thuốc kháng cholinergic). Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng và công dụng giống nhau.

Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu. Nước tiểu sau khi được tạo ra ở thận sẽ chảy qua niệu quản vào bàng quang. Khi bàng quang đầy khoảng một nửa, các dây thần kinh ở bàng quang sẽ được kích hoạt, truyền tín hiệu đến não và sau đó não sẽ phát tín hiệu báo đã lúc cần đi tiểu. Khi đi tiểu, các cơ bàng quang co lại để đẩy nước tiểu ra ngoài.

Bàng quang tăng hoạt xảy ra khi các cơ bàng quang co thắt không tự chủ, ngay cả khi bàng quang chưa đầy, điều này gây ra các triệu chứng như buồn tiểu liên tục và đột ngột buồn tiểu. Solifenacin và các loại thuốc khác trong nhóm thuốc cholinergic có tác dụng ngăn chặn các cơn co thắt cơ bàng quang không tự chủ và tăng khả năng chứa nước tiểu của bàng quang, nhờ đó làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Liều dùng và cách sử dụng solifenacin

Bài viết này chỉ nêu ra các mức hàm lượng và liều dùng điển hình. Liều dùng và tần suất dùng thuốc thực tế sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như::

  • Tuổi tác
  • Bệnh lý cần điều trị
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng với liều đầu tiên

Dạng bào chế và hàm lượng

Solifenacin chỉ có dạng biệt dược mà không có dạng thuốc gốc. Tên biệt dược là VESIcare.

  • Dạng bào chế: viên nén dùng qua đường uống
  • Hàm lượng: 5 mg và 10 mg

Liều dùng để điều trị bàng quang tăng hoạt

Liều dùng cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên)

  • Liều dùng điển hình: 5 mg uống một lần mỗi ngày.
  • Tăng liều: Nếu cần, bác sĩ có thể tăng liều dùng lên 10 mg uống một lần mỗi ngày.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 17 tuổi)

Solifenacin hiện chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không nên sử dụng thuốc cho người dưới 18 tuổi.

Liều dùng cho người bị bệnh gan và thận

  • Liều dùng cho người bị bệnh thận: Đối với những người mắc bệnh thận nghiêm trọng, liều dùng solifenacin không được vượt quá 5mg mỗi ngày.
  • Liều dùng cho người bị bệnh gan: Đối với những người mắc bệnh gan không quá nặng, liều dùng không được vượt quá 5mg mỗi ngày. Người bị bệnh gan nặng không nên sử dụng solifenacin.

Cách sử dụng

Uống solifenacin một lần mỗi ngày. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng nên uống vào cùng một thời điểm hàng ngày. Người bệnh phải uống cả viên thuốc, không được bẻ hay nghiền.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định

Solifenacin được sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt về lâu dài. Thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu không dùng thuốc đúng theo chỉ định.

Nếu ngừng dùng thuốc hoặc hoàn toàn không dùng thuốc: Các triệu chứng bàng quang tăng hoạt sẽ không được cải thiện.

Nếu quên uống thuốc hoặc không uống thuốc vào giờ cố định hàng ngày: Thuốc có thể sẽ cho hiệu quả kém hoặc hoàn toàn không có hiệu quả. Để thuốc có hiệu quả tối ưu, người bệnh nên dùng thuốc vào cùng một thời điểm hàng ngày để duy trì lượng thuốc ổn định trong cơ thể.

Nếu dùng thuốc quá liều: Không dùng thuốc vượt quá liều mà bác sĩ kê. Khi dùng thuốc quá liều, nồng độ hoạt chất trong máu có thể tăng lên mức quá cao và điều này có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Mờ mắt
  • Giãn đồng tử
  • Run chân tay
  • Mất ý thức

Nếu lỡ uống thuốc quá liều, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.

Phải làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy bỏ qua liều đã quên và sang ngày hôm sau uống thuốc như bình thường. Không uống nhiều hơn một liều trong vòng 24 giờ và không được uống gộp liều để bù lại liều đã quên. Điều này có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.

Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu các triệu chứng bàng quang tăng hoạt cải thiện, ví dụ như giảm tần suất đi tiểu và giảm tiểu gấp thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả.

Tác dụng phụ của solifenacin

Solifenacin có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Điều này có thể dẫn đến các tác dụng phụ như nhức đầu, lú lẫn, ảo giác và buồn ngủ. Những tác dụng phụ này thường xảy ra trong thời đầu sử dụng thuốc hoặc khi tăng liều. Không nên lái xe và vận hành máy móc hạng nặng cho đến khi hiểu rõ về các tác dụng phụ của thuốc để tránh gây nguy hiểm.

Ngoài ra, solifenacin còn có các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Một số tác dụng phụ phổ biến của solifenacin gồm có:

  • Khô miệng
  • Táo bón
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Mờ mắt

Nếu các tác dụng phụ chỉ ở mức độ nhẹ thì thường tự hết sau vài ngày hoặc vài tuần. Nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu người bệnh gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng solifenacin. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của solifenacin và các triệu chứng gồm có:

  • Kiệt sức do nhiệt hoặc sốc nhiệt: Những người sống ở nơi có khí hậu nắng nóng có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ này cao hơn khi dùng solifenacin. Các triệu chứng sốc nhiệt gồm có:
    • Giảm tiết mồ hôi
    • Chóng mặt
    • Mệt mỏi
    • Buồn nôn
    • Tăng thân nhiệt
    • Khó thở, đau ngực
    • Sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở
    • Ngứa ngáy dữ dội
    • Phát ban, nổi mề đay hoặc sưng phù

Trên đây chỉ là một vài tác dụng phụ thường gặp của solifenacin. Ngoài ra thuốc còn có thể gây nhiều tác dụng phụ khác. Người bệnh có thể đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết thêm về các tác dụng phụ.

Tương tác với các loại thuốc khác

Solifenacin có thể tương tác với các loại thuốc khác cũng như là thực phẩm chức năng và thảo dược. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Trước khi bắt đầu dùng solifenacin, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng để tránh xảy ra tương tác thuốc.

Một số loại thuốc có thể tương tác với solifenacin gồm có:

Thuốc kháng nấm

Dùng ketoconazole (một loại thuốc kháng nấm) cùng với solifenacin có thể làm tăng nồng độ solifenacin trong máu và điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Nếu phải dùng solifenacin cùng với ketoconazole thì liều dùng solifenacin không được vượt quá 5 mg mỗi ngày.

Ngoài ra, solifenacin có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác cũng như thực phẩm chức năng và thảo dược.

Cảnh báo về solifenacin

Solifenacin đi kèm một số cảnh báo.

Nguy cơ dị ứng

Solifenacin có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người, thậm chí là phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:

  • Sưng phù mặt, môi, cổ họng hoặc lưỡi, gây khó thở
  • Nổi mề đay

Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có các triệu chứng này khi dùng solifenacin.

Tuyệt đối không được dùng lại solifenacin nếu trước đây đã từng bị dị ứng với loại thuốc này. Tiếp tục dùng thuốc khi đã có tiền sử dị ứng có thể gây tử vong.

Uống rượu bia trong khi dùng solifenacin

Uống rượu bia có thể làm cho các triệu chứng bàng quang tăng hoạt trở nên nặng hơn mà solifenacin lại đuọc sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt. Tốt nhất nên kiêng rượu bia. Nếu không thể bỏ hoàn toàn thì hãy hỏi bác sĩ về lượng tiêu thụ an toàn.

Cảnh báo đối với người mắc một số bệnh nhất định

Đối với người có vấn đề về bàng quang: Người bị bí tiểu (không thể đi tiểu hoặc không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu) không nên sử dụng solifenacin. Người có các vấn đề khác về khả năng làm trống bàng quang cần thận trọng khi sử dụng thuốc này. Sử dụng solifenacin khi có các vấn đề này có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu.

Đối với người bị bệnh dạ dày: Người bị liệt dạ dày hay chậm làm trống dạ dày không nên sử dụng solifenacin (liệt dạ dày là tình trạng cơ dạ dày không thể co bóp bình thường, khiến thức ăn di chuyển chậm hoặc ứ lại trong dạ dày mà không đi xuống ruột non).

Đối với người mắc bệnh tăng nhãn áp góc đóng: Người bị bệnh tăng nhãn áp góc đóng cần thận trọng khi sử dụng solifenacin. Nếu bệnh tăng nhãn áp góc đóng không được kiểm soát, người bệnh không nên sử dụng thuốc này.

Đối với người bị bệnh gan: Solifenacin được xử lý bởi gan. Ở người có vấn đề về gan, thuốc sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Những người bị bệnh gan cần sử dụng solifenacin một cách thận trọng. Người bệnh có thể sẽ được kê liều thấp hơn bình thường và cần làm xét nghiệm kiểm tra chức năng gan định kỳ trong quá trình điều trị.

Đối với người bị bệnh thận: Solifenacin được đào thải bởi thận. Ở người có vấn đề về thận, solifenacin không được đào thải một cách hiệu quả, dẫn đến tích tụ thuốc trong máu và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Những người mắc bệnh thận cần sử dụng thuốc này một cách thận trọng. Người bệnh có thể sẽ được kê liều thấp hơn bình thường và cần làm xét nghiệm kiểm tra chức năng gan định kỳ trong quá trình điều trị.

Đối với người bị rối loạn nhịp tim: Người bị hội chứng QT dài (một dạng rối loạn nhịp tim) cần thận trọng khi sử dụng solifenacin.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

Đối với phụ nữ mang thai: Cục kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ nguy hiểm khi dùng trong thai kỳ. Theo đó, các loại thuốc được phân chia thành 5 nhóm là A, B, C, D và X. Solifenacin được xếp vào nhóm B, có nghĩa là:

  1. Nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc có thể gây tác dụng phụ lên bào thai khi mẹ dùng thuốc.
  2. Chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên người để kết luận ảnh hưởng của thuốc đến thai nhi.

Nếu người bệnh đang mang thai hoặc dự định có thai thì cần cho bác sĩ biết. Chỉ nên sử dụng solifenacin trong thai kỳ khi thực sự cần thiết.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ liệu solifenacin có đi vào sữa mẹ hay không nhưng nếu có, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh bú mẹ. Nếu người bệnh cho con bú thì cần cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác an toàn hơn.

Đối với trẻ em: Do chưa có nghiên cứu nên chưa rõ tính an toàn và hiệu quả của solifenacin ở người dưới 18 tuổi.

Những lưu ý quan trọng khi dùng solifenacin

Lưu ý về cách sử dụng thuốc

  • Uống thuốc một lần mỗi ngày. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng nên uống vào cùng một thời điểm hàng ngày.
  • Uống cả viên thuốc, không được bẻ, nghiền hay nhai.

Bào quản

  • Bảo quản solifenacin ở nhiệt độ phòng, tốt nhất là nhiệt độ 25°C (77°F). Có thể bảo quản thuốc trong thời gian ngắn ở nhiệt độ từ 15°C đến 30°C (59°F đến 86°F).
  • Không để thuốc ở nơi có nhiệt độ cao và những nơi ẩm ướt như phòng tắm.

Mang theo thuốc khi đi xa

  • Vì phải uống thuốc hàng ngày nên người bệnh luôn phải mang theo thuốc khi đi xa.
  • Khi đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà luôn phải để trong hành lý xách tay.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
  • Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Theo dõi lâm sàng

Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc và trong thời gian điều trị, người bệnh cần làm xét nghiệm chức năng gan và chức năng thận định kỳ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tác dụng
Tin liên quan
Thuốc kháng cholinergic: Công dụng và tác dụng phụ
Thuốc kháng cholinergic: Công dụng và tác dụng phụ

Thuốc kháng cholinergic được dùng để điều trị nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, gồm có tiểu không tự chủ và một số loại ngộ độc. Các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ do giảm sản xuất nước tiểu, tiêu hóa, chất nhầy và nước bọt. Cùng tìm hiểu về công dụng, cơ chế tác dụng, danh sách các loại thuốc trong nhóm thuốc kháng cholinergic và tác dụng phụ của các loại thuốc này.

Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?
Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?

Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).

Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng vật lý trị liệu sàn chậu
Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng vật lý trị liệu sàn chậu

Một giải pháp điều trị chứng tiểu không tự chủ do bàng quang tăng hoạt là vật lý trị liệu sàn chậu. Trong phương pháp điều trị này, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách phối hợp các cơ sàn chậu và bàng quang thông qua các bài tập như Kegel.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây