1

Cách đối phó với chứng rối loạn lo âu do bệnh tiểu đường

Mặc dù bệnh tiểu đường là một căn bệnh có thể kiểm soát được nhưng có thể gây căng thẳng, mệt mỏi về tinh thần cho người mắc. Nguyên nhân có thể đến từ việc phải tính toán lượng carbohydrate tiêu thụ hàng ngày, theo dõi đường huyết, mức insulin, thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hay lo nghĩ về sức khỏe lâu dài.
Cách đối phó với chứng rối loạn lo âu do bệnh tiểu đường Cách đối phó với chứng rối loạn lo âu do bệnh tiểu đường

Ở hầu hết mọi người, những điều này thường chỉ là tạm thời, xảy ra trong thời gian đầu mới mắc bệnh và tự hết khi biết cách kiểm soát tình trạng bệnh nhưng đối với một số người, bệnh tiểu đường lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và dẫn đến chứng rối loạn lo âu.

Đọc tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và chứng rối loạn lo âu cũng như những cách để điều trị và ngăn ngừa.

Kết quả nghiên cứu

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ chặt chẽ giữa bệnh tiểu đường và chứng rối loạn lo âu. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu cao hơn 20% so với những người không bị tiểu đường. (1) Bệnh nhân tiểu đường trẻ tuổi có nguy cơ cao hơn so với người lớn tuổi. Nguy cơ cũng cao hơn ở một số nhóm chủng tộc nhất định.

Mối liên hệ giữa lượng đường trong máu và chứng rối loạn lo âu

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, mặc dù các nghiên cứu về cơ chế của điều này chưa đưa ra kết quả nhất quán. Ở một số người, căng thẳng làm tăng mức đường huyết, trong khi ở một số khác, đường huyết lại giảm khi bị căng thẳng.

Ít nhất một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể cũng có mối liên hệ giữa việc kiểm soát đường huyết và các vấn đề về sức khỏe tâm thần như chứng rối loạn lo âu và trầm cảm, đặc biệt là ở nam giới. (2)

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho thấy rằng chứng lo âu nói chung không ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết, nhưng căng thẳng về mặt cảm xúc liên quan đến bệnh tiểu đường thì có.

Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường type 1 dường như “dễ bị tổn hại về thể chất do căng thẳng hơn” trong khi những người bị tiểu đường type 2 thì không. Mức độ ảnh hưởng của căng thẳng có vẻ phụ thuộc một phần vào tính cách của một người.

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu ở người mắc bệnh tiểu đường

Ở những người bị bệnh tiểu đường, chứng rối loạn lo âu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như việc phải theo dõi đường huyết, cân nặng và chế độ ăn uống.

Người bệnh cũng có thể cảm thấy lo lắng về các vấn đề sức khỏe ngắn hạn, chẳng hạn như hạ đường huyết và các biến chứng về lâu dài. Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng, chẳng hạn như bệnh tim mạch, bệnh thận và đột quỵ, nhất là khi không kiểm soát tốt đường huyết. Nhiều người cảm thấy sợ hãi, lo âu khi nghĩ về những biến chứng này.

Tuy nhiên, việc nhận thức được những vấn đề này sẽ giúp người bệnh hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát đường huyết và có ý thức hơn trong việc tuân thủ phác đồ điều trị.

Cũng có một số bằng chứng cho thấy chứng rối loạn lo âu có thể góp phần gây ra bệnh tiểu đường. Theo một nghiên cứu, các triệu chứng rối loạn lo âu và trầm cảm là những yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. (3)

Triệu chứng của rối loạn lo âu

Mặc dù ban đầu có thể xuất phát từ trạng thái căng thẳng hoặc một tình huống căng thẳng nhưng chứng rối loạn lo âu không chỉ đơn giản là cảm giác căng thẳng. Đó là tình trạng lo lắng quá mức, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chính người bệnh và mối quan hệ với những người xung qanh. Các triệu chứng rối loạn lo âu ở mỗi người là khác nhau. Rối loạn lo âu được phân chia thành một số loại sau đây:

  • Ám ảnh sợ khoảng trống (agoraphobia) - nỗi sợ hãi về một số địa điểm hay tình huống nhất định
  • Rối loạn lo âu lan toả
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Rối loạn hoảng sợ
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn/chấn thương (PTSD)
  • Chứng im lặng có chọn lọc
  • Rối loạn lo âu chia ly
  • Ám ảnh chuyên biệt

Mặc dù mỗi loại rối loạn lo âu có các triệu chứng khác nhau nhưng một số triệu chứng phổ biến có thể kể đến như:

  • Thường xuyên trong trạng thái lo lắng, bồn chồn hay căng thẳng
  • Luôn có cảm giác bất an, hoảng loạn, sợ hãi về một điều gì đó
  • Tim đập nhanh
  • Thở gấp hay tăng thông khí
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Run rẩy hoặc co giật cơ
  • Thường xuyên mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng
  • Khó tập trung và suy nghĩ rõ ràng về những điều khác ngoài vấn đề đang gây lo âu
  • Mất ngủ
  • Các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy
  • Luôn muốn tránh né những điều gây lo âu
  • Ám ảnh về một suy nghĩ hay hành động nào đó – đây là một dấu hiệu của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
  • Lặp đi lặp lại một hành vi nào đó
  • Liên tục nhớ đến và lo lắng về một chuyện đã xảy ra trong quá khứ - đây là một dấu hiệu của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)

Phân biệt triệu chứng hạ đường huyết và cơn hoảng loạn

Đôi khi, chứng rối loạn lo âu gây ra các cơn hoảng loạn. Cơn hoảng loạn là cảm giác sợ hãi đột ngột, dữ dội dù không hề có bất kỳ mối đe dọa hay nguy hiểm nào. Các triệu chứng của cơn hoảng loạn rất giống với triệu chứng của hạ đường huyết. Hạ đường huyết là khi lượng đường trong máu quá thấp. Tình trạng này rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng.

Triệu chứng của hạ đường huyết

  • Tim đập nhanh
  • Mờ mắt
  • Thay đổi tâm trạng đột ngột
  • Bồn chồn, lo âu
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Da nhợt nhạt
  • Đau đầu
  • Đói cồn cào
  • Run tay chân
  • Chóng mặt
  • Đổ mồ hôi
  • Khó ngủ
  • Da châm chích
  • Khó tập trung và suy nghĩ rõ ràng
  • Bất tỉnh, co giật, hôn mê

Triệu chứng của cơn hoảng loạn

  • Tức ngực
  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Thở gấp
  • Tăng thông khí
  • Tim đập nhanh hay rối loạn nhịp tim
  • Choáng váng, xây xẩm mặt mày
  • Người nóng bừng
  • Ớn lạnh
  • Run chân tay
  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Châm chích hoặc tê bì
  • Cảm giác như có điều gì đó rất tồi tệ sắp xảy ra

Cả hạ đường huyết và cơn hoảng loạn đều cần được điều trị y tế. Hạ đường huyết có thể cần được can thiệp điều trị khẩn cấp, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng trong từng trường hợp. Khi gặp các triệu chứng của hạ đường huyết, hãy ngay lập tức đo đường huyết, kể cả khi cho rằng đó là dấu hiệu của cơn hoảng loạn. Nếu kết quả đo ở mức thấp thì phải nạp ngay 15 gram carbohydrate (một lát bánh mì, vài viên kẹo cứng hoặc một miếng trái cây nhỏ).

Điều trị rối loạn lo âu

Có nhiều loại rối loạn lo âu và cách điều trị cho mỗi loại là khác nhau. Tuy nhiên nói chung, các phương pháp điều trị rối loạn lo âu phổ biến nhất gồm có:

Thay đổi lối sống

Một số thay đổi về lối sống như tập thể dục, hạn chế bia rượu, caffeine và các chất kích thích khác, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc có thể giúp cải thiện chứng rối loạn lo âu.

Trị liệu

Nếu đã thay đổi lối sống nhưng vẫn không thể kiểm soát chứng rối loạn lo âu thì người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Một số phương pháp trị liệu thường được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lo âu gồm có:

Liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy): giúp người bệnh nhận biết những suy nghĩ và hành vi có liên quan đến chứng rối loạn lo âu và từ đó có cách khắc phục

Liệu pháp tiếp xúc: người bệnh tiếp xúc dần dần với những tác nhân kích hoạt các triệu chứng rối loạn lo âu để học cách kiểm soát cảm xúc.

Dùng thuốc

Người bệnh có thể phải dùng thuốc để điều trị chứng rối loạn lo âu. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất gồm có:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc chống lo âu như buspirone
  • Nhóm thuốc benzodiazepine để làm dịu cơn hoảng loạn

Tóm tắt bài viết

Có mối liên hệ chặt chẽ giữa bệnh tiểu đường và chứng rối loạn lo âu. Người mắc bệnh tiểu đường nên cố gắng kiểm soát căng thẳng bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, chẳng hạn như ăn uống cân bằng đủ chất, tập thể dục thường xuyên và thử các biện pháp thư giãn.

Nếu đã thử những cách này mà các triệu chứng vẫn tiếp diễn thì hãy đi khám để được tư vấn các phương pháp kiểm soát chứng rối loạn lo âu và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh tiểu đường tuýp 2 và rối loạn cương dương
Bệnh tiểu đường tuýp 2 và rối loạn cương dương

Ở những nam giới từ 45 tuổi trở xuống thì rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2.

Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới
Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.

Hiểu về tiền tiểu đường: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa
Hiểu về tiền tiểu đường: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa

Tiền tiểu đường là một bệnh lý thầm lặng, vì vậy nên khám sức khỏe định kỳ là điều rất quan trọng để phát hiện bệnh từ sớm. Nếu nghi ngờ có thể mình bị tiền tiểu đường thì nên đi khám.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây