1

Các phương pháp điều trị nhiễm trùng thận tại nhà

Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm bớt các triệu chứng nhiễm trùng thận khi được sử dụng kết hợp với các phương điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nhiễm trùng thận có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.
Các phương pháp điều trị nhiễm trùng thận tại nhà Các phương pháp điều trị nhiễm trùng thận tại nhà

Nhiễm trùng thận là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp. Đa số các trường hợp nhiễm trùng thận đều bắt nguồn từ nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng bàng quang. Nhiễm trùng bàng quang là một dạng nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản nhưng nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, nhiễm trùng sẽ lan đến một hoặc cả hai quả thận.

Nhiễm trùng thận có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh nhưng nếu không được điều trị, nhiễm trùng thận sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Việc không điều trị đúng cách còn khiến các triệu chứng đau đớn, khó chịu kéo dài dai dẳng, ví dụ như đau buốt hay tiểu nhiều lần.

Người bệnh có thể kết hợp các biện pháp khắc phục tại nhà với các phương pháp điều trị y tế để giảm bớt một số triệu chứng nhiễm trùng thận và cải thiện tình trạng của thận nhưng không nên chỉ sử dụng biện pháp khắc phục tại nhà mà không dùng thuốc. Nên đi khám khi có triệu chứng bất thường để được bác sĩ chẩn đoán bệnh và kê thuốc điều trị.

Nhiễm trùng thận là gì?

Nhiễm trùng thận, hay còn được gọi là viêm thận bể thận, thường xảy ra khi nhiễm trùng đường tiết niệu lan đến một hoặc cả hai quả thận.

Thận có chức năng lọc chất thải từ máu và tạo ra nước tiểu để đào thải các chất thải ra khỏi cơ thể, ngoài ra còn điều hòa lượng nước và chất điện giải trong máu. Cả hai chức năng đều quan trọng đối với cơ thể.

Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận đa phần là do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài gây ra nhưng cũng có thể do vi khuẩn lan từ một khu vực bị nhiễm trùng khác trong cơ thể, phẫu thuật bàng quang hoặc thận và do các vấn đề gây tắc nghẽn đường tiết niệu, ví dụ như sỏi thận, khối u hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Nhiễm trùng thận có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc từ từ (mạn tính) và gây đau đớn. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng sẽ trở nên nghiêm trọng và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng thận hơn do niệu đạo của phụ nữ nằm gần hậu môn và ngắn hơn so với niệu đạo của nam giới. Điều này khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đường tiết niệu hơn. Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu càng tăng cao khi mang thai.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận còn có:

  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Thường xuyên tiểu không hết (nước tiểu còn sót lại trong bàng quang có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi)

Triệu chứng nhiễm trùng thận

Các triệu chứng nhiễm trùng thận thường xuất hiện sau khoảng 2 ngày kể từ khi bị nhiễm trùng và triệu chứng có thể thay đổi theo độ tuổi. Các triệu chứng phổ biến ở người lớn gồm có:

  • Đau ở bụng, lưng, bẹn hoặc vùng hạ sườn
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
  • Có máu hoặc mủ trong nước tiểu
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Sốt
  • Ớn lạnh

Ở trẻ em dưới 2 tuổi, nhiễm trùng thận có thể chỉ gây ra triệu chứng sốt cao. Người trên 65 tuổi có thể chỉ gặp triệu chứng lú lẫn và nói năng không rõ ràng.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng nhiễm trùng thận sẽ nhanh chóng trở nên nghiêm trọng và dẫn đến nhiễm trùng máu, một tình trạng đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng nhiễm trùng máu gồm có:

  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Thở gấp
  • Nhịp tim nhanh
  • Lú lẫn
  • Phát ban

Các dấu hiệu cần đi khám ngay lập tức

Các dạng nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản như nhiễm trùng bàng quang mắc dù gây khó chịu nhưng không quá nguy hiểm đến mức cần can thiệp điều trị khẩn cấp. Một số người cho rằng nhiễm trùng thận cũng vậy nhưng nhiễm trùng thận là một dạng nhiễm trùng đường tiết niệu nghiêm trọng hơn nhiều và cần phải điều trị khẩn cấp. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng thận có thể nhanh chóng gây tổn thương thận về lâu dài hoặc làm hình thành sẹo ở thận. Nhiễm trùng thận còn có thể gây nhiễm trùng máu và dẫn đến sốc nhiễm trùng, một tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong. Do đó, nhiễm trùng thận cần được điều trị kịp thời.

Lưu ý, sỏi thận nếu không được điều trị có thể gây tắc nghẽn và điều này cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng máu cần điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch.

Điều trị nhiễm trùng thận

Thuốc kháng sinh là phương pháp chính để điều trị nhiễm trùng thận. Nếu nhiễm trùng thận không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc kháng sinh đường uống một hoặc hai lần mỗi ngày trong 7 đến 14 ngày.

Điều quan trọng là phải dùng thuốc đủ liều, ngay cả khi các triệu chứng thuyên giảm hoặc biến mất. Ngừng kháng sinh giữa chừng có thể dẫn đến vi khuẩn kháng kháng sinh hoặc nhiễm trùng tái phát. Trong thời gian điều trị, người bệnh nên uống nhiều nước để loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu.

Trong một số trường hợp, người bệnh cần nhập viện để điều trị nhiễm trùng thận. Người bệnh sẽ được truyền dịch và thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch, cả hai đều giúp điều trị nhiễm trùng.

Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm và chụp chiếu để bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng cũng như nguyên nhân, chẳng hạn như tắc nghẽn do sỏi thận hay bất thường về cấu tạo đường tiết niệu.

Nếu người bệnh thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng thận, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Vì nhiễm trùng thận là một vấn đề nghiêm trọng nên không thể chỉ dựa vào các biện pháp khắc phục tại nhà. Người bệnh phải dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ và có thể kết hợp thêm các biện pháp khắc phục tại nhà để làm giảm các triệu chứng như đau đớn.

Có thể sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và cải thiện chức năng thận.

1. Uống nhiều nước

Uống nhiều nước có thể giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể và nhờ đó khỏi nhiễm trùng nhanh hơn. Uống nhiều nước còn có thể giúp làm sạch toàn bộ đường tiết niệu và phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu cũng như nhiễm trùng thận. Uống đủ nước còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe, do đó đây là một thói quen tốt nên duy trì hàng ngày. Cố gắng uống ít nhất tám cốc (khoảng 1,8 lít) nước mỗi ngày.

2. Uống nước ép nam việt quất

Nước ép nam việt quất là một trong những biện pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, nhất là nhiễm trùng bàng quang. Có một số bằng chứng cho thấy uống nước ép nam việt quất có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nên uống nước ép nam việt quất tươi hoặc chọn các sản phẩm nước ép đóng chai nguyên chất không đường. Tiêu thụ nhiều đường bổ sung sẽ không tốt cho sức khỏe. Một lựa chọn khác là dùng thực phẩm chức năng chứa chiết xuất nam việt quất.

3. Không uống rượu bia và cà phê

Chức năng quan trọng nhất của thận là lọc các chất độc hại khỏi máu. Cả rượu bia và caffeine đều khiến thận phải làm việc nhiều hơn. Điều này sẽ gây cản trở quá trình hồi phục tổn thương do nhiễm trùng.

Rượu bia có thể tương tác với thuốc kháng sinh. Do đó, không nên uống rượu bia trong quá trình điều trị nhiễm trùng thận.

4. Uống men vi sinh

Men vi sinh mang lại hai lợi ích lớn khi điều trị nhiễm trùng thận.

Thuốc kháng sinh có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể và men vi sinh sẽ giúp tăng cường vi khuẩn có lợi, nhờ đó khôi phục sự cân bằng hệ vi sinh vật.

Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy men vi sinh giúp giảm tiêu chảy do thuốc kháng sinh.

5. Bổ sung vitamin C

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ các tế bào cơ thể khỏi stress oxy hóa và điều này có thể giúp tăng cường sức khỏe của thận.

Ngoài ra còn có nghiên cứu cho thấy rằng vitamin C có thể ngăn ngừa hình thành sẹo thận do nhiễm trùng thận cấp và tăng cường các enzyme trong thận.

Có thể tăng lượng vitamin C cho cơ thể bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C hoặc dùng viên uống bổ sung vitamin C.

6. Uống nước ép rau mùi tây

Nước ép rau mùi tây có đặc tính lợi tiểu, có nghĩa là sẽ thúc đẩy sự sản xuất nước tiểu. Đi tiểu thường xuyên hơn sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi thận nhanh hơn và tăng cường hiệu quả của thuốc kháng sinh.

Nếu không thích mùi hắc của rau tây mùi tây, bạn có thể ép chung với các loại trái cây có mùi thơm như nam việt quất hoặc việt quất.

7. Ăn táo và uống nước ép táo

Táo rất giàu chất dinh dưỡng. Hàm lượng axit cao trong táo có thể giúp duy trì tính axit của nước tiểu và điều này sẽ ức chế sự phát triển của vi khuẩn.

Táo còn chứa các hợp chất có đặc tính chống viêm, điều này sẽ giúp thận phục hồi tổn thương sau nhiễm trùng.

8. Muối Epsom

Cả muối Epsom và nước ấm đều có tác dụng làm dịu cơn đau. Điều này giúp giảm triệu chứng đau do nhiễm trùng thận và tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.

9. Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn

Thuốc giảm đau có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu do nhiễm trùng như đau bụng, đau vùng chậu hay đau khi đi tiểu. Ibuprofen và acetaminophen còn giúp hạ sốt do nhiễm trùng. Tuy nhiên, người bị nhiễm trùng thận không được dùng aspirin.

Những người bị rối loạn chức năng thận hoặc tổn thương thận cấp tính (suy thận cấp) do nhiễm trùng thận không nên dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen.

10. Chườm nóng

Trong khi chờ thuốc kháng sinh phát huy tác dụng, người bệnh có thể sử dụng chườm nóng để giảm đau. Đặt túi chườm hoặc một chai nước nóng lên vùng bị đau và giữ nguyên trong khoảng 20 phút mỗi lần.

Giấm táo có điều trị được nhiễm trùng thận không?

Giấm táo là một trong những biện pháp khắc phục tại nhà phổ biến nhất cho nhiều bệnh nhiễm trùng nhờ đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng hay nghiên cứu nào cho thấy giấm táo có tác dụng điều trị nhiễm trùng thận.

Baking soda có điều trị được nhiễm trùng thận không?

Baking soda cũng là một biện pháp khắc phục tại nhà được sử dụng cho nhiễm trùng thận. Một số người tin rằng baking soda có thể giúp thận lọc máu tốt hơn và thải độc thận. Tuy nhiên cũng chưa có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh công dụng này.

Thậm chí, việc sử dụng baking soda để điều trị nhiễm trùng thận còn có thể gây nguy hiểm. Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy rằng lạm dụng baking soda có thể gây mất cân bằng điện giải, suy hô hấp hoặc nhiễm kiềm chuyển hóa.

Giảm nguy cơ nhiễm trùng thận

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng thận. Tuy nhiên, vì nhiễm trùng thận thường là kết quả của nhiễm trùng đường tiết niệu nên giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng thận.

Các cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Uống nhiều nước
  • Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh
  • Không nhịn tiểu
  • Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục
  • Phụ nữ không nên dùng các sản phẩm có mùi thơm ở vùng kín như băng vệ sinh, tampon và không thụt rửa âm đạo
  • Uống bổ sung men vi sinh

Các câu hỏi thường gặp

Nhiễm trùng thận bao lâu sẽ khỏi?

Hầu hết mọi người đều nhận thấy các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm trong vòng vài ngày sau khi dùng thuốc kháng sinh nhưng phải dùng thuốc đủ liều theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian điều trị bằng thuốc kháng sinh thường là 2 tuần.

Nhiễm trùng thận có khiến nước tiểu đổi màu không?

Nhiễm trùng thận có thể làm cho nước tiểu chuyển màu nâu đỏ hoặc đục. Nếu nhận thấy điều này thì hãy đi khám ngay.

Làm thế nào để cải thiện sức khỏe thận?

Các thói quen có lợi cho sức khỏe tổng thể như uống đủ nước và tập thể dục thường xuyên cũng sẽ giúp bảo vệ sức khỏe thận.

Không nên hút thuốc và nên theo dõi huyết áp thường xuyên. Những người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng thận nên làm xét nghiệm kiểm tra định kỳ.

Tóm tắt bài viết

Nhiễm trùng thận là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp bằng thuốc kháng sinh. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng thận có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Có thể kết hợp dùng thuốc kháng sinh với các biện pháp khắc phục tại nhà để làm giảm các triệu chứng, ví dụ như uống men vi sinh, bổ sung vitamin C, ăn táo, dùng thuốc giảm đau và chườm nóng. Điều quan trọng là phải uống đủ nước và tránh rượu bia, caffeine trong suốt quá trình điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các loại suy thận cấp và phương pháp điều trị
Các loại suy thận cấp và phương pháp điều trị

Khi thận đột ngột không thể hoạt động bình thường thì được gọi là suy thận cấp (acute renal failure). Suy thận cấp được chia thành ba loại dựa trên nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận. Khác với suy thận mạn, hầu hết các trường hợp suy thận cấp đều phục hồi chức năng thận sau khi điều trị.

Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Phương Pháp Nút Mạch Khối U
Điều Trị Ung Thư Thận Bằng Phương Pháp Nút Mạch Khối U

Nút mạch khối u là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để chặn nguồn máu cung cấp đến khối u. Nút mạch khối u được sử dụng để điều trị cả u thận lành tính và u thận ác tính (ung thư). Phương pháp điều trị này còn dùng được cho cả những ca bệnh ung thư thận giai đoạn sau để kiểm soát các triệu chứng.

Các phương pháp điều trị bổ sung và chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư biểu mô tế bào thận
Các phương pháp điều trị bổ sung và chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư biểu mô tế bào thận

Bác sĩ sẽ xác định phác đồ điều trị ung thư biểu mô tế bào thận dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh và mức độ lan rộng của ung thư. Các phương pháp chính để điều trị ung thư biểu mô tế bào thận gồm có phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích và hóa trị. Những phương pháp điều trị này nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư.

Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị
Ung Thư Biểu Mô Tế Bào Thận Giai Đoạn Cuối: Tiên Lượng Và Các Phương Pháp Điều Trị

Ung thư thận là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào thận. Ung thư thận giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối có nghĩa là ung thư đã lan từ thận đến các cơ quan khác. Tiên lượng ở giai đoạn này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại ung thư thận và mức độ đáp ứng với điều trị.

Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Thận
Các Phương Pháp Điều Trị Ung Thư Thận

Phác đồ điều trị ung thư thận phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Thông thường, người bệnh sẽ phải điều trị lần lượt bằng các phương pháp khác nhau hoặc kết hợp các phương pháp điều trị cùng lúc.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây