1

Nhiệt độ cao và độ ẩm ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?

Mùa hè có thể gây ra nhiều vấn đề cho những người mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy rằng thời tiết nóng bức có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe ở người bị tiểu đường và điều này khiến cho người bệnh trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ và độ ẩm cao.
Nhiệt độ cao và độ ẩm ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường? Nhiệt độ cao và độ ẩm ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?

Người bệnh có thể sẽ khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn và có nguy cơ bị kiệt sức do nhiệt cao hơn.

Vì vậy nên khi thời tiết nóng lên, điều quan trọng là phải theo dõi sát sao mức đường huyết và để ý các dấu hiệu cho thấy cơ thể đang xử lý nhiệt kém. Nhận biết được các triệu chứng bất thường sẽ giúp người bệnh kịp thời xử lý trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng.

Ảnh hưởng của nhiệt độ cao đến người bệnh tiểu đường

Thời tiết nắng nóng thường khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và uể oải. Đối với người mắc bệnh tiểu đường, nhiệt độ cao còn gây ra nhiều tác động tiêu cực hơn đến sức khỏe. Ví dụ, người bệnh tiểu đường thường bị mất nước nhanh hơn so với những người không bị tiểu đường. Các dấu hiệu mất nước nhẹ đến vừa gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Đi tiểu ít
  • Khát nước
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Đau đầu
  • Khô miệng và khô mắt

Khi tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn, cơ thể sẽ có các biểu hiện sau đây:

  • Khát nước cực độ
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Tụt huyết áp
  • Nhịp tim nhanh
  • Giảm tiết mồ hôi

Mất nước sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Đường trong máu cao sẽ gây đi tiểu nhiều lần và điều này lại càng khiến cơ thể bị mất nước nặng hơn.

Người bệnh cũng dễ bị kiệt sức do nhiệt vì bệnh tiểu đường làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh, bao gồm cả các dây thần kinh trong tuyến mồ hôi. Điều này làm giảm khả năng tự làm mát của cơ thể.

Ngoài ra, nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng insulin của cơ thể. Thông thường, khi tập thể dục, nhu cầu insulin sẽ giảm. Nhưng thời tiết nóng bức có thể làm thay đổi nhu cầu insulin và người bệnh có nguy cơ bị cả tăng đường huyết và hạ đường huyết.

Do đó, nên trao đổi với bác sĩ về cách điều chỉnh liều dùng insulin theo mức độ hoạt động và thời tiết.

Ảnh hưởng của độ ẩm

Đôi khi, thời tiết nóng đi kèm độ ẩm không khí cao. Độ ẩm cao sẽ khiến cho cơ thể có cảm giác nóng bức, khó chịu hơn bình thường.

Điều này sẽ có ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết của người bệnh tiểu đường. Khi trời nóng và ẩm, mồ hôi sẽ khó bay hơi hơn, do đó cơ thể sẽ không được làm mát hiệu quả và nhiệt độ cơ thể cao sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát đường trong máu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị theo dõi chỉ số nóng bức (heat index) vì chỉ số này kết hợp cả nhiệt độ và độ ẩm trong không khí.

Cách kiểm soát bệnh tiểu đường khi thời tiết nóng

Kiểm soát đường huyết một cách cẩn thận là cách tốt nhất để phòng tránh biến chứng của bệnh tiểu đường. Dưới đây là một số cách giúp người bệnh tiểu đường có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh vào những ngày trời nóng:

  • Uống nhiều nước: Tránh mất nước là điều rất quan trọng và để tránh mất nước thì cách duy nhất là uống đủ nước. Tốt nhất là uống nước lọc hoặc các loại nước không đường khác và tránh xa đồ uống có đường.
  • Mặc đồ phù hợp với thời tiết: Khi trời nóng nên mặc quần áo mỏng nhẹ, rộng rãi bằng chất liệu tự nhiên như cotton để giữ mát cho cơ thể, đặc biệt khi phải ở ngoài trời.
  • Tránh đồ uống có cồn: Uống rượu bia sẽ gây đi tiểu nhiều và điều này sẽ dẫn đến mất nước.
  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên: Nên đo đường huyết trước và sau khi phải vận động nhiều, chẳng hạn như tập thể dục vì hoạt động thể chất sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, bất kể thời tiết. Tuy nhiên, thời tiết nóng bức sẽ khiến lượng đường trong máu dao động nhiều hơn.
  • Tránh ánh nắng trực tiếp: Chỉ số nóng bức ở những nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp sẽ cao hơn nên hãy cố gắng đứng ở nơi có bóng râm nếu phải ở lâu ngoài trời.
  • Tập thể dục trong nhà: Khi tập thể dục trong nhà, cơ thể sẽ ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và độ ẩm bên ngoài. Nếu thích tập ngoài trời thì nên tập vào buổi sáng sớm khi trời mát mẻ.
  • Hiểu rõ các loại thuốc đang dùng: Đọc kỹ hướng dẫn của thuốc để nắm được cảnh báo về nhiệt độ cao.
  • Kiểm tra mức ceton: Luôn chuẩn bị sẵn que thử ceton nước tiểu nếu bị tiểu đường type 1 và phải sử dụng insulin vì người bệnh có nguy cơ gặp phải một biến chứng gọi là nhiễm toan ceton.

Cách bảo quản thuốc và vật dụng trong thời tiết nắng nóng

Thời tiết nóng không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe và còn ảnh hưởng đến các vật dụng điều trị và theo dõi bệnh tiểu đường. Dưới đây là một số điều cần lưu ý để giữ cho các loại thuốc và vật dụng không bị hỏng do nhiệt độ cao:

  • Không để máy bơm insulin, máy đo đường huyết và các vật dụng khác ở nơi có ánh nắng trực tiếp và không để trong ô tô khi trời nóng.
  • Để que thử và các dụng cụ khác ở nơi thoáng mát. Nguyên tắc bảo quản chung là tránh ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao.
  • Bảo quản insulin trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu cần mang theo khi ra ngoài thì có thể để inulin trong thùng giữ nhiệt nhưng không được đặt túi đá trực tiếp lên trên insulin.

Các triệu chứng cần chú ý

Người mắc bệnh tiểu đường cần nhận biết được các triệu chứng kiệt sức do nhiệt, hạ đường huyết và tăng đường huyết. Một số triệu chứng của những tình trạng này rất giống nhau nên cần chú ý đến tất cả những thay đổi bất thường trên cơ thể để xác định đúng vấn đề và có cách xử lý phù hợp.

Kiệt sức do nhiệt

Khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cơ thể có thể tăng quá cao và dẫn đến tình trạng kiệt sức do nhiệt. Các triệu chứng thường gặp của kiệt sức do nhiệt gồm có:

  • Tụt huyết áp
  • Choáng váng, xây xẩm mặt mày
  • Ra mồ hôi
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Đau đầu
  • Nhịp tim yếu và nhanh
  • Chuột rút cơ
  • Da lạnh dù nhiệt độ cao

Tuy không nghiêm trọng như sốc nhiệt nhưng kiệt sức do nhiệt có thể dẫn đến sốc nhiệt. Vì vậy, không được bỏ qua những triệu chứng này.

Hạ đường huyết

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu giảm xuống mức rất thấp (dưới 70 mg/dL).

Nguy cơ hạ đường huyết cao hơn vào mùa hè do thời tiết nóng ẩm làm tăng mức độ trao đổi chất và hoạt động của hormone insulin.

Hạ đường huyết thường gây ra các triệu chứng như:

  • Lo âu, bồn chồn
  • Mờ mắt
  • Đổ mồ hôi
  • Da nhợt nhạt
  • Run chân tay
  • Đầu óc không tỉnh táo
  • Tim đập nhanh
  • Chóng mặt
  • Đói

Trong trường hợp nghiêm trọng, hạ đường huyết có thể gây bất tỉnh. Người bệnh tiểu đường nên mang theo viên nén glucose hoặc một nguồn carbohydrate tác dụng nhanh khác như kẹo cứng để nhanh chóng đưa đường huyết về mức bình thường trong trường hợp bị hạ đường huyết.

Tăng đường huyết

Tăng đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu quá cao, xảy ra khi cơ thể không có đủ insulin hoặc không thể sử dụng lượng insulin được tạo ra một cách hiệu quả.

Lượng đường trong máu vượt quá 180 mg/dL sau bữa ăn hoặc vượt quá 130 mg/dL trước bữa ăn được coi là tăng đường huyết.

Các dấu hiệu phổ biến nhất của tăng đường huyết gồm có:

  • Khát nước liên tục
  • Đói cồn cào
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Khô miệng
  • Buồn nôn, nôn
  • Hụt hơi
  • Mệt mỏi
  • Đầu óc mơ hồ
  • Mất ý thức

Tất nhiên, khát nước và mệt mỏi cũng có thể là dấu hiệu của mất nước. Nhưng dù là do nguyên nhân nào thì cũng không được phớt lờ những triệu chứng này. Hãy đo đường huyết và uống đủ nước.

Nếu bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu của mất nước hoặc kiệt sức do nhiệt thì hãy dừng công việc đang làm và vào nhà hoặc chuyển sang một nơi mát mẻ, uống nước và kiểm tra đường huyết.

Nếu đường huyết dưới 70 mg/dL thì hãy thực hiện Quy tắc 15-15, đó là bổ sung ngay 15 gram carb để tăng lượng đường trong máu, sau đó đợi 15 phút và đo lại đường huyết.

Nếu đường huyết cao thì hãy sử dụng insulin tác dụng nhanh.

Tuy nhiên, nếu đường huyết tăng cao đến mức nguy hiểm thì phải nhờ người đưa ngay đến bệnh viện. Mức insulin thấp và lượng đường trong máu quá cao có thể dẫn đến nhiễm toan ceton - đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường và cần được can thiệp điều trị khẩn cấp.

Tóm tắt bài viết

Nhiệt độ và độ ẩm cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường.

Điều quan trọng là phải chú ý đến các dấu hiệu mất nước và kiệt sức do nhiệt, đồng thời theo dõi sát sao mức đường huyết. Luôn chuẩn bị sẵn nước, thuốc, nguồn carb tác dụng nhanh và các vật dụng cần thiết như máy đo đường huyết để kịp thời xử lý khi xảy ra vấn đề.

Xem thêm:

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường type 2 đến sức khỏe răng miệng
Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường type 2 đến sức khỏe răng miệng

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng cơ thể sử dụng glucose hay đường trong máu để tạo năng lượng. Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng, gồm có tổn thương thần kinh, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận và thậm chí mù lòa. Một biến chứng cũng khá phổ biến mà những người mắc bệnh tiểu đường có thể gặp phải là bệnh về nướu (lợi) và các vấn đề về răng miệng khác.

Bệnh tiểu đường có ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?
Bệnh tiểu đường có ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Khi cơ thể không có insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, đường sẽ ở lại trong máu thay vì được đưa vào tế bào, dẫn đến đường trong máu tăng cao trong khi các tế bào lại không được cung cấp lượng năng lượng cần thiết. Điều này gây ra một loạt các vấn đề ảnh hưởng đến hầu hết các hệ thống chính trong cơ thể.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?

Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải một số dạng rối loạn giấc ngủ và các chứng rối loạn khác ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?
Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?

Ngoài giảm chất lượng giấc ngủ và cảm giác mệt mỏi sau khi thức giấc, chứng ngưng thở khi ngủ còn gây ra nhiều tác động tiêu cực khác đến sức khỏe. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, chứng ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết trong suốt cả ngày, thay đổi cách cơ thể phản ứng với hormone insulin và góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường.

10 yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số A1C của người bệnh tiểu đường type 2
10 yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số A1C của người bệnh tiểu đường type 2

Xét nghiệm A1C là xét nghiệm máu được sử dụng để theo dõi hiệu quả của phác đồ điều trị bệnh tiểu đường type 2. Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình trong 2 đến 3 tháng gần nhất.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây