1

Lợi ích của insulin bữa ăn trong kiểm soát đường huyết

Insulin bữa ăn (mealtime insulin) là một loại insulin tác dụng nhanh. Người mắc bệnh tiểu đường có thể phải dùng insulin bữa ăn cùng với các loại insulin có tác dụng lâu hơn để kiểm soát lượng đường trong máu.
Lợi ích của insulin bữa ăn trong kiểm soát đường huyết Lợi ích của insulin bữa ăn trong kiểm soát đường huyết

Một trong những phương pháp tiêu chuẩn để điều trị bệnh tiểu đường là sử dụng thuốc. Đôi khi, bác sĩ chỉ định dùng insulin để kiểm soát đường huyết. Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi ca bệnh mà bác sĩ có thể đề nghị dùng một hoặc nhiều loại insulin để giữ đường huyết trong phạm vi khỏe mạnh.

Ví dụ, các loại insulin bữa ăn có tác dụng nhanh, được sử dụng ngay trước bữa ăn để ngăn đường trong máu tăng vọt trong và sau khi ăn. Bác sĩ có thể chỉ định dùng insulin bữa ăn kết hợp với insulin tác dụng kéo dài, điều này giúp giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định giữa các bữa ăn.

Loại và liều insulin mà mỗi bệnh nhân tiểu đường cần dùng là khác nhau do phụ thuộc vào chế độ ăn uống, lối sống và tình trạng bệnh cụ thể.

Điểm khác biệt giữa insulin bữa ăn và các loại insulin khác

Insulin bữa ăn có cơ chế hoạt động không giống với các loại insulin khác. Điểm khác biệt chính giữa các loại insulin là tốc độ phát huy tác dụng, thời gian đạt hiệu quả tối đa và thời gian duy trì tác dụng. Dưới đây là đặc điểm của các loại insulin:

  • Insulin tác dụng nhanh (insulin bữa ăn), còn được gọi là insulin bolus, được tạo ra nhằm mục đích nhanh chóng tác động đến lượng đường trong máu trong bữa ăn. Loại insulin này có thể bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng 15 phút và đạt hiệu quả tối đa sau khoảng 1 đến 2 giờ. Hiệu quả của insulin tác dụng nhanh thường duy trì được khoảng 3 giờ.
  • Insulin thường (insulin tác dụng ngắn): bắt đầu phát huy tác dụng sau khi tiêm30 phút, đạt hiệu quả tối đa trong vòng từ 2 đến 3 giờ sau khi tiêm và tác dụng kéo dài từ 3 đến 6 giờ.
  • Insulin tác dụng kéo dài, còn được gọi là insulin nền hay insulin basal: hoạt động trong cơ thể suốt cả ngày để kiểm soát lượng đường trong máu, ngay cả khi không ăn uống. Loại insulin này thường bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng vài giờ sau khi tiêm và có thể kéo dài đến 24 giờ.
  • Insulin tác dụng trung bình: cũng tương tự như insulin tác dụng kéo dài nhưng hiệu quả không duy trì được lâu như vậy. Insulin tác dụng trung bình đi vào máu trong vòng 2 đến 4 giờ sau khi tiêm và tác dụng kéo dài được khoảng 12 đến 18 giờ.
  • Insulin tác dụng rất dài: có hiệu lực sau 6 giờ. Vì không đạt hiệu quả tối đa nên loại insulin này có thể duy trì hiệu quả trên 36 giờ.

Lợi ích của insulin bữa ăn

Lợi ích lớn nhất của việc dùng insulin bữa ăn cùng với insulin tác dụng kéo dài hoặc insulin tác dụng trung bình là cho phép người bệnh điều chỉnh cho phù hợp với sự tiết insulin tự nhiên của cơ thể (trong trường hợp cơ thể vẫn còn khả năng tự sản xuất insulin).

Một ưu điểm nữa của insulin bữa ăn là cho phép thay đổi giờ ăn linh hoạt. Người bệnh có thể ăn bữa chính hoặc bữa ăn nhẹ vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, miễn là nhớ dùng insulin bữa ăn trước khi ăn từ 15 đến 20 phút.

Khi nào cần sử dụng insulin bữa ăn?

Nhiều bệnh nhân tiểu đường được bác sĩ chỉ định dùng insulin tác dụng kéo dài. Tuy nhiên, đôi khi insulin tác dụng kéo dài không đủ để ổn định đường huyết trong suốt cả ngày.

Khi ăn uống, lượng glucose trong máu có thể tăng lên nhanh chóng. Lượng đường huyết có thể tăng cao đến mức insulin tác dụng kéo dài không thể kiểm soát được. Đây là lúc mà người bệnh có thể phải dùng thêm insulin bữa ăn hoặc sử dụng liệu pháp insulin kết hợp.

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của mỗi ca bệnh xem có cần dùng insulin bữa ăn hay không. Người bệnh nên theo dõi, ghi lại mức dao động đường huyết trong ngày và mang theo khi đi khám. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về lối sống và thói quen ăn uống.

Bác sĩ có thể đề nghị dùng insulin bữa ăn để bổ sung cho insulin tác dụng kéo dài nếu mức đường huyết vẫn quá cao sau khi ăn.

Người bệnh vẫn phải tiếp tục dùng insulin tác dụng kéo dài theo chỉ định của bác sĩ và dùng thêm insulin bữa ăn ngay trước khi ăn (trước bữa sáng, bữa trưa, bữa tối hoặc bữa ăn nhẹ trong ngày).

Cách sử dụng insulin bữa ăn

Đúng như cái tên, insulin bữa ăn được sử dụng vào giờ ăn, thường là ngay trước bữa ăn.

Trước khi tiêm insulin bữa ăn, người bệnh sẽ phải xác định liều insulin cần dùng. Liều insulin sẽ phụ thuộc vào tổng lượng carbohydrate có trong bữa ăn.

Thực phẩm càng chứa nhiều carbohydrate thì lượng đường trong máu sẽ càng tăng cao sau khi ăn và đồng nghĩa với việc phải sử dụng nhiều insulin hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là có thể ăn bao nhiêu carbohydrate tùy thích. Người bệnh cũng cần phải kiểm soát hàm lượng carbohydrate trong các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ.

Lượng carb không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến mức đường huyết. Mức độ hoạt động thể chất, lượng rượu bia tiêu thụ, hút thuốc, kinh nguyệt và các yếu tố khác cũng có thể góp phần làm dao động lượng đường trong máu.

Nếu như không biết cách xác định liều insulin dựa trên lượng carbohydrate có trong bữa ăn, hãy hỏi bác sĩ để được hướng dẫn. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Ngoài chế độ ăn uống, mức độ tập thể dục và hoạt động thể chất nói chung cũng có ảnh hưởng đến lượng insulin bữa ăn cần sử dụng. Tập thể dục có thể làm tăng độ nhạy insulin trong vòng 72 giờ hoặc lâu hơn. Điều này có nghĩa là người bệnh có thể giảm liều insulin.

Insulin sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi được tiêm ở những vùng có nhiều mỡ, chẳng hạn như bụng. Nên thay đổi vị trí tiêm vào mỗi lần nên tiêm để tránh bị loạn dưỡng mỡ - tình trạng tích tụ mô mỡ tại vị trí tiêm. Điều này sẽ gây cản trở sự hấp thụ insulin.

Thời điểm tiêm insulin bữa ăn

Trong thời gian đầu mới sử dụng insulin, người bệnh có thể phải tái khám thường xuyên để bác sĩ đánh giá hiệu quả, điều chỉnh liều dùng hoặc thời gian tiêm insulin dựa trên kết quả xét nghiệm máu. Có thể sẽ phải điều chỉnh liều dùng và thời điểm tiêm nhiều lần cho đến khi tìm ra phác đồ phù hợp nhất.

Nghiên cứu cho thấy rằng thời điểm tiêm insulin bữa ăn lý tưởng nhất là 15 đến 20 phút trước bữa ăn. (1) Dùng insulin bữa ăn sau khi ăn có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). (2)

Nhưng cũng không cần quá lo lắng nếu lỡ quên tiêm insulin. Trong trường hợp này hãy tiêm insulin vào cuối bữa ăn và theo dõi đường huyết sau đó.

Nếu như quên tiêm insulin và đến bữa ăn sau mới nhớ ra thì mức đường huyết trước bữa ăn có thể sẽ cao hơn bình thường. Trong trường hợp này, hãy đo đường huyết và sau đó tiêm thêm liều insulin hiệu chỉnh để đưa đường huyết về mức bình thường. Hỏi bác sĩ về cách xác định và sử dụng liều insulin hiệu chỉnh để kiểm soát tăng đường huyết trong trường hợp lỡ quên tiêm insulin.

Nếu thường xuyên quên tiêm insulin bữa ăn thì hãy trao đổi với bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ đề nghị chuyển sang một loại insulin khác.

Nhược điểm của insulin bữa ăn

Một nhược điểm của insulin bữa ăn là người bệnh phải tự tiêm insulin nhiều lần hàng ngày.

Khi sử dụng insulin trong bữa ăn, người bệnh còn phải tính toán lượng carbohydrate và điều chỉnh liều dùng cho phù hợp. Điều này sẽ hơi phức tạp nhưng sau một thời gian khi đã quen thì sẽ dễ dàng hơn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tính lượng insulin cần dùng.

Người bệnh sẽ cần đo đường huyết để xác định liều insulin.

Một tác dụng phụ của insulin bữa ăn là tăng cân. Có thể giảm nguy cơ tăng cân khi sử dụng insulin bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục và kết hợp với một số thay đổi lối sống khác.

Insulin bữa ăn còn đi kèm với những rủi ro khác. Việc dùng insulin bữa ăn nhưng sau đó lại không ăn uống có thể gây hạ đường huyết. Các dấu hiệu của hạ đường huyết gồm có mệt mỏi, đói cồn cào, cáu kỉnh, tim đập nhanh, bồn chồn, da nhợt nhạt, khó thở... Nếu nghiêm trọng, hạ đường huyết còn có thể gây bất tỉnh hoặc thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Để khắc phục hạ đường huyết, hãy áp dụng “quy tắc 15-15”: ăn 15 gram carbohydrate, sau đó chờ 15 phút và đo lại đường huyết.

Dưới đây là một số nguồn cung cấp 15 gram carbohydrate mà người bệnh nên sử dụng khi bị hạ đường huyết:

  • Viên nén glucose
  • 1/2 cốc (khoảng 120ml) nước ép trái cây hoặc nước ngọt loại thường (không phải loại dành cho người ăn kiêng)
  • 1 thìa canh đường kính, mật ong hoặc siro ngô
  • Kẹo cứng ngọt (số kẹo cần ăn tùy thuộc vào hàm lượng carbohydrate có trong kẹo)

Nếu kết quả đo đường huyết vẫn dưới 70 mg/dL thì hãy lặp lại các bước trên cho đến khi đường huyết trở về mức bình thường. Sau khi đường huyết trên 70 mg/dL, hãy ăn một thứ gì đó để duy trì đường huyết.

Tóm tắt bài viết

Khi được sử dụng cùng với insulin tác dụng trung bình hoặc tác dụng kéo dài, insulin bữa ăn sẽ có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu giống như insulin tự nhiên của cơ thể. Có thể phải mất một thời gian để làm quen và xác định được đúng liều insulin bữa ăn cần dùng.

Nếu như không chắc chắn về liều dùng, tần suất tiêm insulin bữa ăn hay cách đo đường huyết, đừng ngại hỏi bác sĩ để được hướng dẫn. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi liều insulin hay bất kỳ phương pháp điều trị tiểu đường nào.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng phác đồ insulin basal-bolus
Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng phác đồ insulin basal-bolus

Phác đồ basal-bolus sử dụng insulin tác dụng nhanh và tác dụng kéo dài để kiểm soát bệnh tiểu đường, giúp người bệnh duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường một cách hiệu quả. Phác đồ này cho phép người bệnh có lối sống linh hoạt hơn.

Các cách kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 mà không cần insulin
Các cách kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 mà không cần insulin

Mặc dù một số người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần phải tiêm insulin hàng ngày để giữ ổn định lượng đường trong máu nhưng trong hầu hết các trường hợp, loại bệnh tiểu đường này có thể được kiểm soát mà không cần đến insulin. Người bệnh có thể kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc đường uống hay kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác.

Cách kiểm tra lượng đường trong máu mà không cần máy đo đường huyết
Cách kiểm tra lượng đường trong máu mà không cần máy đo đường huyết

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mãn tính xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin hiệu quả hoặc cả hai. Điều này đều dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn bình thường.

Tiểu đường khó kiểm soát là gì?
Tiểu đường khó kiểm soát là gì?

Nhờ những tiến bộ trong điều trị bệnh tiểu đường mà hiện nay, tiểu đường khó kiểm soát đã không còn phổ biến. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường.

5 thay đổi nhỏ về thói quen sống giúp kiểm soát bệnh tiểu đường type 2
5 thay đổi nhỏ về thói quen sống giúp kiểm soát bệnh tiểu đường type 2

Khi mắc bệnh tiểu đường type 2, thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ biến chứng. Thay đổi thói quen sống không phải điều đơn giản nhưng có thể điều chỉnh từng thói quen một. Ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây