1

Các lợi ích của tinh dầu sả chanh

Sả chanh (lemongrass) là một loại cây thân thảo nhiệt đới được sử dụng làm gia vị trong nấu ăn và làm thuốc. Tinh dầu được chiết xuất từ lá và thân cây sả. Tinh dầu sả chanh có mùi hương thanh mát, nhẹ nhàng.
Các lợi ích của tinh dầu sả chanh Các lợi ích của tinh dầu sả chanh

Không chỉ được dùng để tạo mùi cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân, tinh dầu sả chanh còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe như điều trị các vấn đề về tiêu hóa và cao huyết áp.

Trên thực tế, tinh dầu sả chanh là một trong những loại tinh dầu được sử dụng phổ biến nhất trong liệu pháp mùi hương giúp giảm căng thẳng và lo âu.

Dưới đây là 11 lợi ích chính của tinh dầu sả chanh và cách sử dụng.

Lợi ích của tinh dầu sả chanh

1. Đặc tính kháng khuẩn

Sả được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để chữa lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng. Nghiên cứu vào năm 2010 cho thấy tinh dầu sả chanh có hiệu quả chống lại nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc, bao gồm cả những vi khuẩn gây nhiễm trùng da, viêm phổi, nhiễm trùng máu và nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng. (1)

2. Đặc tính kháng nấm

Nấm gồm có nấm men và nấm mốc. Theo một nghiên cứu từ năm 1996, tinh dầu sả chanh có tác dụng ngăn chặn hiệu quả bốn loại nấm, trong đó có loại nấm gây ra bệnh nấm da chân, hắc lào và nấm bẹn.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng dung dịch phải có nồng độ tinh dầu sả chanh ít nhất 2,5% thì mới có hiệu quả.

3. Đặc tính chống viêm

Viêm mạn tính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, gồm có viêm khớp, bệnh tim mạch và thậm chí cả bệnh ung thư. Trong cây sả chanh có chứa citral, một hợp chất có tác dụng chống viêm.

Theo một nghiên cứu được thực hiện trên động vật vào năm 2014, tinh dầu sả chanh cho thấy khả năng chống viêm mạnh mẽ khi dùng qua đường uống ở những con chuột bị phù chân do carrageenan. Loại tinh dầu này còn được chứng minh là có tác dụng chống viêm khi bôi tại chỗ trên chuột bị phù tai.

4. Đặc tính chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, tinh dầu sả chanh có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ. (2)

5. Ngăn ngừa viêm loét dạ dày và giảm buồn nôn

Trong y học dân gian, cây sả đã được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề về tiêu hóa, từ đau bụng cho đến viêm loét dạ dày. Theo một nghiên cứu trên chuột vào năm 2012, tinh dầu sả chanh giúp ngăn ngừa viêm loét dạ dày, một nguyên nhân phổ biến gây đau bụng.

Sả chanh cũng là thành phần phổ biến trong các loại trà thảo mộc và thuốc trị buồn nôn. Mặc dù nhiều các sản phẩm thảo dược sử dụng lá sả khô nhưng tinh dầu sả cũng có thể mang lại những lợi ích tương tự.

6. Trị tiêu chảy

Tiêu chảy không được điều trị sẽ dẫn đến mất nước và các vấn đề khác. Thuốc trị tiêu chảy có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón. Vì lý do này nên nhiều người tìm đến các loại thảo dược để trị tiêu chảy.

Theo một nghiên cứu vào năm 2006, sả chanh có thể giúp trị tiêu chảy. Nghiên cứu trên chuột cho thấy tinh dầu sả chanh có tác dụng làm chậm nhu động ruột và nhờ đó làm giảm tiêu chảy ở những con chuột bị tiêu chảy do dầu thầu dầu.

7. Giảm cholesterol

Cholesterol cao làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do đó, duy trì mức cholesterol khỏe mạnh là điều rất quan trọng.

Cây sả được cho là có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu và kiểm soát bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu trên chuột vào năm 2007 đã chứng minh những lợi ích này của cây sả. Nghiên cứu này cho thấy tinh dầu sả chanh giúp làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol trong máu ở những con chuột được cho ăn nhiều cholesterol trong 14 ngày. (3)

Hiệu quả giảm cholesterol thay đổi theo liều lượng tinh dầu sả.

8. Kiểm soát đường và mỡ máu

Theo một nghiên cứu trên chuột vào năm 2007, tinh dầu sả chanh có thể giúp giảm lượng đường trong máu ở những con chuột mắc bệnh tiểu đường type 2. Các nhà nghiên cứu đã cho chuột uống 125 đến 500mg tinh dầu sả chanh trong 42 ngày.

Kết quả là lượng đường trong máu của chuột đã giảm. Những con chuột uống tinh dầu sả chanh còn giảm chỉ số lipid máu và tăng nồng độ HDL cholesterol (cholesterol tốt).

9. Giảm đau

Chất citral trong tinh dầu sả chanh có thể giúp giảm đau nhờ đặc tính giảm viêm. Theo một nghiên cứu vào năm 2017 được thực hiện trên những người bị viêm khớp dạng thấp, bôi tinh dầu sả chanh giúp làm giảm tình trạng đau khớp. Trung bình, mức độ đau giảm dần từ 80 xuống 50% trong vòng 30 ngày. (4)

10. Giảm căng thẳng và lo âu

Căng thẳng sẽ làm tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng liệu pháp mùi hương giúp giảm bớt căng thẳng và lo âu. Kết hợp liệu pháp mùi hương với liệu pháp mát-xa sẽ làm tăng hiệu quả giảm căng thẳng.

Một nghiên cứu vào năm 2015 đã đánh giá tác dụng của dầu mát-xa gồm tinh dầu sả chanh trộn với dầu hạnh nhân ngọt.

Những người tham gia nghiên cứu được mát-xa bằng hỗn hợp dầu này mỗi tuần một lần trong 3 tuần. Sau 3 tuần, những người này có huyết áp tâm trương thấp hơn so với nhóm đối chứng. Huyết áp tâm thu và nhịp tim không thay đổi.

11. Giảm đau đầu

Theo các nhà nghiên cứu ở Úc, sả chanh có tác dụng giảm đau đầu thông thường và đau nửa đầu. Các nhà nghiên cứu tin rằng hợp chất eugenol trong cây sả có tác dụng tương tự như thuốc giảm đau aspirin.

Eugenol được cho là có khả năng ngăn chặn tiểu cầu trong máu kết dính với nhau. Hợp chất này còn kích thích sự giải phóng serotonin – loại hormone giúp điều hòa tâm trạng, giấc ngủ, cảm giác thèm ăn và nhận thức.

Cách sử dụng tinh dầu sả chanh

Hầu hết các nghiên cứu khoa học về tinh dầu sả chanh được thực hiện trên động vật hoặc trong ống nghiệm chứ không phải trên người. Do đó, chưa có kết luận về liều tiêu chuẩn để điều trị bất kỳ tình trạng bệnh lý nào. Chưa rõ liều được sử dụng cho động vật có mang lại hiệu quả tương tự trên người hay không.

Bạn có thể sử thoa tinh dầu sả chanh lên da. Pha tối đa 12 giọt tinh dầu sả chanh với 1 thìa cà phê dầu nền, chẳng hạn như dầu dừa, dầu hạnh nhân ngọt hoặc dầu jojoba. Sau đó dùng hỗn hợp làm dầu mát-xa.

Bạn nên thử phản ứng da trước khi sử dụng bất kỳ loại tinh dầu mới nào:

  1. Thoa một ít tinh dầu đã pha loãng với dầu nền lên một vùng da nhỏ bên trong cẳng tay.
  2. Dán một miếng gạc hoặc giấy ăn lên khu vực đã bôi tinh dầu và chờ 24 giờ.

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên da trong vòng 24 giờ, chẳng hạn như đỏ, phồng rộp, ngứa hay nóng rát thì hãy nhanh chóng rửa sạch bằng xà phòng và nước. Không được dùng tinh dầu trên bất kỳ khu vực nào của cơ thể. Nếu da không có dấu hiệu bất thường nào sau 24 giờ thì bạn có thể sử dụng tinh dầu ở những vị trí khác, ví dụ như thoa lên thái dương để giảm đau đầu.

Không được thoa tinh dầu chưa pha loãng trực tiếp lên da.

Hít tinh dầu sả chanh cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe. Bạn có thể dùng máy khuếch tán để lan tỏa tinh dầu vào không khí hoặc nhỏ một vài giọt tinh dầu vào một chiếc khăn sạch và hít mùi thơm. Một cách nữa là hòa tinh dầu vào một bát nước sôi và cúi xuống hít hơi nước trong vài phút.

Cần lưu ý rằng các loại tinh dầu không được quản lý nghiêm ngặt. Vì vậy nên hãy mua tinh dầu của những hãng sản xuất uy tín để đảm bảo chất lượng. Không nên mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó có thể là tinh dầu giả hoặc tinh dầu đã bị pha trộn.

Tác dụng phụ và rủi ro của tinh dầu sả chanh

Tác dụng phụ của tinh dầu sả chanh chưa được nghiên cứu kỹ nhưng do tinh dầu có nồng độ hoạt chất cao hơn nên sẽ dễ gây tác dụng phụ hơn so với sả tươi.

Sả có thể gây dị ứng hoặc kích ứng khi dùng ngoài da.

Khi dùng qua đường uống, sả có thể gây ra một số vấn đề như:

  • Chóng mặt
  • Buồn ngủ
  • Tăng cảm giác thèm ăn
  • Đi tiểu nhiều

Tinh dầu có thể gây ngộ độc khi nuốt phải. Bạn không nên uống tinh dầu sả chanh hay bất kỳ loại tinh dầu nào.

Nếu muốn uống, bạn nên chọn trà sả thay cho tinh dầu sả. cách pha trà sả như sau:

  1. Rửa sạch và đập dập vài nhánh sả tươi rồi cho vào 2 cốc nước sôi.
  2. Ngâm trong vài phút.
  3. Lọc bỏ bã và thưởng thức.

Cho dù an toàn hơn tinh dầu sả nhưng cũng chỉ nên uống trà sả một cách vừa phải.

Bạn cũng hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu sả nếu:

  • mắc bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu thấp
  • mắc bệnh về đường hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn
  • mắc bệnh gan
  • đang trong quá trình hóa trị
  • đang mang thai
  • đang cho con bú

Không sử dung tinh dầu sả thay cho các phương pháp điều trị chính thống.

Tóm tắt bài viết

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu sả chanh có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống viêm và kháng nấm. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm trên người trước khi tinh dầu sả chanh được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh chính thống.

Bạn có thể dùng tinh dầu sả ngoài da hoặc dùng trong liệu pháp mùi hương. Nếu dùng tinh dầu ngoài da thì cần pha loãng tinh dầu với dầu nền trước khi sử dụng. Tuyệt đối không được uống tính dầu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tinh dầu bạc hà có lợi gì cho mái tóc?
Tinh dầu bạc hà có lợi gì cho mái tóc?

Tinh dầu là chất lỏng được chiết xuất từ các loài thực vật, có nồng độ hợp chất thực vật cao, có mùi thơm và dễ bay hơi. Tinh dầu bạc hà là loại tinh dầu được chiết xuất từ lá và thân cây bạc hà. Tinh dầu bạc hà là một trong những loại tinh dầu phổ biến nhất hiện nay. Tinh dầu bạc hà có thể được sử dụng cho mục đích chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và làm sạch.

Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà
Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và các vấn đề về tiêu hóa khác. Tinh dầu bạc hà còn giúp giảm đau và có lợi cho làn da.

Tinh dầu bạc hà có tác dụng trị đau đầu không?
Tinh dầu bạc hà có tác dụng trị đau đầu không?

Có rất nhiều biện pháp tự nhiên đã được sử dụng để trị đau đầu và một trong số đó là tinh dầu bạc hà. Tinh dầu bạc hà có dạng lỏng để bôi ngoài da hoặc khuếch tán vào không khí. Hiện nay còn có các sản phẩm viên uống tinh dầu bạc hà. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà còn được thêm vào một số loại đồ ăn và đồ uống.

5 lý do bạn nên chăm sóc tóc bằng tinh dầu hoa oải hương
5 lý do bạn nên chăm sóc tóc bằng tinh dầu hoa oải hương

Nếu bạn đang tìm kiếm một sản phẩm tự nhiên để chăm sóc mái tóc thì có thử tinh dầu hoa oải hương. Các nghiên cứu cho thấy tinh dầu oải hương có thể thúc đẩy sự mọc tóc và ngăn ngừa rụng tóc, đồng thời tinh dầu oải hương còn mang lại những lợi ích khác cho sức khỏe da đầu và tóc.

Điều trị đau nửa đầu bằng tinh dầu oải hương
Điều trị đau nửa đầu bằng tinh dầu oải hương

Có nhiều cách kiểm soát chứng đau nửa đầu, từ dùng thuốc cho đến các biện pháp điều trị tự nhiên. Nghiên cứu gần đây cho thấy hoa oải hương có thể làm giảm chứng đau nửa đầu. Hoa oải hương có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để trị đau nửa đầu. Một trong số đó là sử dụng tinh dầu oải hương. Cùng tìm hiểu xem liệu điều trị đau nửa đầu bằng tinh dầu oải hương có hiệu quả hay không và cách sử dụng ra sao.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây