1

Các lợi ích của tinh dầu lộc đề xanh (wintergreen)

Lộc đề xanh (wintergreen) là một loài cây bụi có lá nhỏ, ra quả màu đỏ. Tinh dầu lộc đề xanh được chiết xuất từ lá của cây, có nhiều ích lợi đối với sức khỏe như giảm đau nhức, nhức đầu và cảm lạnh.
Các lợi ích của tinh dầu lộc đề xanh (wintergreen) Các lợi ích của tinh dầu lộc đề xanh (wintergreen)

Tinh dầu lộc đề xanh được chiết xuất từ lá của cây lộc đề xanh.

Quá trình sản xuất tinh dầu lộc đề xanh gồm có bước lên men tự nhiên lá cây, tiếp theo là chưng cất để thu được tinh dầu. Thành phẩm cuối cùng gần như chỉ chứa methyl salicylate, hoạt chất của tinh dầu lộc đề xanh.

Tinh dầu lộc đề xanh hiện không còn được sản xuất nhiều như trước do công nghệ sản xuất methyl salicylate tổng hợp. Trong một số sản phẩm, methyl salicylate tổng hợp được ghi trong danh sách thành phần dưới các cái tên khác như wintergreen oil (tinh dầu lộc đề xanh), gaultheria oil hay teaberry oil (các tên khác của lộc đề xanh).

Đọc tiếp bài viết dưới đây để khám phá về tinh dầu lộc đề xanh, gồm có công dụng, các lợi ích, cách sử dụng và một số tác dụng phụ.

Các loại lộc đề xanh

Hai loại lộc đề xanh được sử dụng để sản xuất tinh dầu là Gaultheria procumbens (có nguồn gốc từ Bắc Mỹ) và Gaultheria aromasissima (có nguồn gốc từ Châu Á và Ấn Độ).

Trong tiếng Anh, lộc đề xanh còn có những cái tên khác như checkerberry hay teaberry.

Công dụng của tinh dầu lộc đề xanh

Giảm đau và giảm viêm

Hoạt chất trong tinh dầu lộc đề xanh, methyl salicylate, có liên quan chặt chẽ đến aspirin và có đặc tính giảm đau cũng như chống viêm. Vì vậy nên các sản phẩm chứa tinh dầu lộc đề xanh thường được sử dụng như một loại thuốc giảm đau chống viêm tại chỗ.

Tinh dầu lộc đề xanh còn được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để điều trị các vấn đề sau:

  • Nhiễm khuẩn
  • Cảm lạnh
  • Đau đầu
  • Đau bụng
  • Vấn đề về da
  • Đau họng
  • Sâu răng

Chống côn trùng

Tinh dầu lộc đề xanh còn có trong một số loại thuốc chống côn trùng và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng khi so sánh với các loại tinh dầu khác, tinh dầu lộc đề xanh có hiệu quả trừ sâu hoặc hun trùng tốt hơn là chống côn trùng.

Tạo mùi thơm

Tinh dầu lộc đề xanh được sử dụng làm chất tạo mùi cho một số loại thực phẩm như kẹo và sản phẩm chăm sóc cá nhân như kem đánh răng và nước súc miệng.

Lợi ích của tinh dầu lộc đề xanh

Mới có rất ít nghiên cứu về lợi ích của tinh dầu lộc đề xanh và hoạt chất methyl salicylate đối vối sức khỏe. Dưới đây là kết quả một số nghiên cứu cho đến nay.

Tác dụng giảm đau

Các nghiên cứu về tác dụng giảm đau của tinh dầu lộc đề xanh hoặc methyl salicylate khi sử dụng tại chỗ đã cho thấy nhiều kết quả khác nhau, mặc dù tinh dầu lộc đề xanh đã được đề xuất sử dụng như một phương pháp điều trị thay thế cho tình trạng đau lưng.

Một nghiên cứu vào năm 2010 được thực hiện trên những người bị căng cơ cho thấy dán miếng dán da có chứa methyl salicylate và tinh dầu bạc hà giúp giảm đau đáng kể so với miếng dán giả dược. (1)

Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy rằng bôi methyl salicylate tại chỗ giúp giảm đau đầu cho người bị đau đầu dữ dội sau liệu pháp sốc điện (electroconvulsive therapy).

Tuy nhiên, không phải nghiên cứu nào cũng cho thấy tinh dầu lộc đề xanh và methyl salicylate có hiệu quả giảm đau. Một tổng quan tài liệu tổng hợp nhiều thử nghiệm lâm sàng về salicylate sử dụng tại chỗ, trong đó có methyl salicylate, đã không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy methyl salicylate có hiệu quả giảm đau cơ và xương. Các tác giả cho biết cần phải thực hiện thêm các thử nghiệm lớn hơn, chất lượng cao hơn để đánh giá hiệu quả giảm đau của methyl salicylate. (2)

Đặc tính kháng khuẩn

Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy tinh dầu lộc đề xanh nồng độ 0,5% có đặc tính kháng khuẩn tương đương hoặc cao hơn so với kháng sinh đối với các chủng vi khuẩn Borelia burgdorferi cứng đầu. Đây là loại vi khuẩn gây ra bệnh Lyme.

Tuy nhiên, tinh dầu lộc đề xanh nồng độ thấp hơn có tác dụng kháng khuẩn kém hơn hoặc thậm chí không có tác dụng kháng khuẩn.

Các nghiên cứu khác thực hiện trên vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae (vi khuẩn gây bệnh lậu) Streptococcus (liên cầu khuẩn) không quan sát thấy đặc tính kháng khuẩn của tinh dầu lộc đề xanh.

Sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc răng miệng

Vào năm 2013, một tiểu ban thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tiến hành đánh giá tác dụng của methyl salicylate trong các sản phẩm chăm sóc răng miệng để kiểm soát mảng bám và viêm nướu, chẳng hạn như nước súc miệng và xịt thơm miệng.

Tiểu ban kết luận rằng methyl salicylate khi được sử dụng một mình ở nồng độ nhất định hoặc kết hợp với eucalyptol, menthol và thymol đều an toàn và hiệu quả trong các sản phẩm này.

Tuyệt đối không được nuốt tinh dầu lộc đề xanh.

Chống chỉ định và rủi ro khi sử dụng tinh dầu lộc đề xanh/methyl salicylate

Methyl salicylate, hoạt chất trong tinh dầu lộc đề xanh, có thể gây ngộ độc, vì vậy phải hết sức thận trọng khi sử dụng loại tinh dầu này.

Mùi thơm của tinh dầu lộc đề xanh có thể hấp dẫn trẻ nhỏ nhưng không được sử dụng loại tinh dầu này cho trẻ em. Để tinh dầu ở nơi an toàn, xa tầm với của trẻ.

Chống chỉ định

Những người không nên sử dụng tinh dầu lộc đề xanh:

  • Trẻ em
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú
  • Người đang dùng thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu)
  • Người bị rối loạn đông máu, chẳng hạn như bệnh máu khó đông
  • Người bị dị ứng với aspirin
  • Người đang sử dụng liệu pháp mùi hương

Vì methyl salicylate rất giống với aspirin và các loại salicylate khác nên những người bị dị ứng aspirin hay nhạy cảm với salicylate không nên sử dụng tinh dầu lộc đề xanh.

Rủi ro

Methyl salicylate có thể gây độc nếu nuốt phải hoặc hấp thụ một lượng lớn qua da theo thời gian.

Methyl salicylate và tinh dầu lộc đề xanh đều có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu). Điều này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.

Ngộ độc methyl salicylate

Nuốt tinh dầu lộc đề xanh có thể gây nguy hiểm và thậm chí gây tử vong. Trên thực tế, một thìa cà phê methyl salicylate tương đương với khoảng 90 viên aspirin dành cho trẻ em. (3)

Vì methyl salicylate được hấp thụ qua da nên phản ứng tiêu cực cũng có thể xảy ra khi bôi methyl salicylate tại chỗ. Dù sử dụng bất kỳ loại tinh dầu nào thì cũng đều phải pha loãng với dầu nền trước khi thoa lên da.

Một nghiên cứu trường hợp vào năm 2002 đã báo cáo tình trạng ngộ độc cấp tính ở một nam giới sử dụng methyl salicylate tại chỗ để điều trị bệnh vẩy nến.

Dấu hiệu ngộ độc methyl salicylate

Các dấu hiệu ngộ độc methyl salicylate gồm có:

  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Thở gấp (tăng thông khí)
  • Đổ mồ hôi
  • Ù tai
  • Giật cơ
  • Co giật
  • Hôn mê

Cách xử trí

Nếu có các dấu hiệu ngộ độc khi sử dụng methyl salicylate, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất. Các phương pháp điều trị ngộ độc methyl salicylate gồm có sử dụng natri bicarbonat làm thuốc giải độc, lọc máu và chăm sóc giảm nhẹ.

Tương tác với warfarin

Tinh dầu lộc đề xanh và methyl salicylate còn có thể tương tác và làm tăng tác dụng của các loại thuốc chống đông máu, chẳng hạn như warfarin. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.

Do đó, những người đang dùng thuốc chống đông máu hoặc bị rối loạn đông máu, chẳng hạn như bệnh máu khó đông, không nên sử dụng tinh dầu lộc đề xanh.

Do tinh dầu lộc đề xanh có thể hấp thụ qua da nên phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú không sử dụng loại tinh dầu này.

Cách sử dụng tinh dầu lộc đề xanh

Chỉ sử dụng tinh dầu lộc đề xanh ngoài da. Đây là một loại tinh dầu rất mạnh và có thể được hấp thụ qua da. Do đó, luôn phải pha loãng tinh dầu trước khi thoa lên da.

Tinh dầu cần được pha loãng với dầu nền như dầu hạt nho, dầu dừa hay dầu jojoba. Pha loãng tinh dầu theo đúng tỷ lệ khuyến nghị để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Theo Viện Nghiên cứu Hương liệu New York (New York Institute of Aromatic Studies), khi pha loãng với dầu nền, tinh dầu lộc đề xanh chỉ nên chiếm từ 2 - 3% thể tích dung dịch cuối cùng. (4)

Để tạo ra hỗn hợp chứa 2,5% tinh dầu lộc đề xanh, hãy trộn 15 giọt tinh dầu với 6 thìa cà phê (khoảng 30ml) dầu nền.

Bạn có thể pha tinh dầu lộc đề xanh với các loại tinh dầu khác. Một số loại phù hợp trộn cùng tinh dầu lộc đề xanh là tinh dầu bạc hà, tinh dầu hoa oải hương và tinh dầu khuynh diệp. Thêm các loại tinh dầu vào lượng dầu nền thích hợp rồi trộn đều.

Do khả năng gây ngộ độc khi đi vào cơ thể và mới chỉ có rất ít bằng chứng về hiệu quả trong liệu pháp mùi hương nên tinh dầu lộc đề xanh không được khuyến khích sử dụng trong liệu pháp mùi hương, có nghĩa là không nên hít loại tinh dầu này.

Cách chọn tinh dầu lộc đề xanh

Methyl salicylate - hoạt chất trong tinh dầu lộc đề xanh – hiện đã được tạo ra bằng phương pháp tổng hợp. Trong nhiều sản phẩm, methyl salicylate tổng hợp vẫn được ghi trong danh sách thành phần là “tinh dầu lộc đề xanh”.

Vậy làm thế nào để chọn được sản phẩm thực sự chứa tinh dầu lộc đề xanh?

Hãy làm theo 4 bước sau đây khi chọn mua tinh dầu:

  1. Kiểm tra tên khoa học của thành phần: Lộc đề xanh có tên khoa học là Gaultheria. Những sản phẩm có thành phần Gaultheria thường chứa tinh dầu lộc đề xanh”thật”.
  2. Tìm thông tin về độ nguyên chất: Một số sản phẩm tinh dầu được pha trộn những thành phần khác và không nguyên chất 100%.
  3. Kiểm tra giá: Nếu sản phẩm có giá quá rẻ thì khả năng cao đó không phải là hàng thật hoặc tinh dầu đã bị pha trộn.
  4. Ngửi thử: Tinh dầu lộc đề xanh có mùi thanh mát giống như bạc hà. Nếu sản phẩm có mùi bất thường hoặc không mùi thì không nên mua.

Tóm tắt bài viết

Tinh dầu lộc đề xanh là loại tinh dầu được chiết xuất từ lá của cây lộc đề xanh. Hoạt chất trong tinh dầu lộc đề xanh là methyl salicylate. Tinh dầu lộc đề xanh được cho là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm đau nhức, chống viêm và cải thiện sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng các lợi ích này. Chỉ dùng tinh dầu lộc đề xanh ngoài da, không nuốt và hít tinh dầu do methyl salicylate có thể gây ngộ độc khi vào trong cơ thể. Pha loãng tinh dầu với dầu nền trước khi thoa lên da. Một số sản phẩm mặc dù có chứa methyl salicylate tổng hợp nhưng vẫn ghi thành phần “tinh dầu lộc đề xanh”. Bạn cần chú ý khi mua để chọn được sản phẩm thực sự chứa tinh dầu lộc đề xanh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tinh dầu bạc hà có lợi gì cho mái tóc?
Tinh dầu bạc hà có lợi gì cho mái tóc?

Tinh dầu là chất lỏng được chiết xuất từ các loài thực vật, có nồng độ hợp chất thực vật cao, có mùi thơm và dễ bay hơi. Tinh dầu bạc hà là loại tinh dầu được chiết xuất từ lá và thân cây bạc hà. Tinh dầu bạc hà là một trong những loại tinh dầu phổ biến nhất hiện nay. Tinh dầu bạc hà có thể được sử dụng cho mục đích chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và làm sạch.

Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà
Công dụng và lợi ích của tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và các vấn đề về tiêu hóa khác. Tinh dầu bạc hà còn giúp giảm đau và có lợi cho làn da.

Tinh dầu bạc hà có tác dụng trị đau đầu không?
Tinh dầu bạc hà có tác dụng trị đau đầu không?

Có rất nhiều biện pháp tự nhiên đã được sử dụng để trị đau đầu và một trong số đó là tinh dầu bạc hà. Tinh dầu bạc hà có dạng lỏng để bôi ngoài da hoặc khuếch tán vào không khí. Hiện nay còn có các sản phẩm viên uống tinh dầu bạc hà. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà còn được thêm vào một số loại đồ ăn và đồ uống.

5 lý do bạn nên chăm sóc tóc bằng tinh dầu hoa oải hương
5 lý do bạn nên chăm sóc tóc bằng tinh dầu hoa oải hương

Nếu bạn đang tìm kiếm một sản phẩm tự nhiên để chăm sóc mái tóc thì có thử tinh dầu hoa oải hương. Các nghiên cứu cho thấy tinh dầu oải hương có thể thúc đẩy sự mọc tóc và ngăn ngừa rụng tóc, đồng thời tinh dầu oải hương còn mang lại những lợi ích khác cho sức khỏe da đầu và tóc.

Điều trị đau nửa đầu bằng tinh dầu oải hương
Điều trị đau nửa đầu bằng tinh dầu oải hương

Có nhiều cách kiểm soát chứng đau nửa đầu, từ dùng thuốc cho đến các biện pháp điều trị tự nhiên. Nghiên cứu gần đây cho thấy hoa oải hương có thể làm giảm chứng đau nửa đầu. Hoa oải hương có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để trị đau nửa đầu. Một trong số đó là sử dụng tinh dầu oải hương. Cùng tìm hiểu xem liệu điều trị đau nửa đầu bằng tinh dầu oải hương có hiệu quả hay không và cách sử dụng ra sao.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây