1

Vòng tránh thai Mirena có tác động thế nào đến lạc nội mạc tử cung?

Vòng tránh thai Mirena là một biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài và còn có thể ngăn ngừa, điều trị nhiều vấn đề khác chứ không chỉ có mang thai ngoài ý muốn.
Vòng tránh thai Mirena có tác động thế nào đến lạc nội mạc tử cung? Vòng tránh thai Mirena có tác động thế nào đến lạc nội mạc tử cung?

Nội dung chính của bài viết

  • Các biện pháp tránh thai nội tiết có thể giảm bớt các triệu chứng lạc nội mạc tử cung và làm chậm sự phát triển của mô.

  • Đó là lý do tại sao vòng tránh thai Mirena là một phương pháp hiệu quả để điều trị triệu chứng lạc nội mạc tử cung.

  • Tuy nhiên, cơ thể mỗi người và tình trạng bệnh của mỗi trường hợp là khác nhau nên các lựa chọn điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại lạc nội mạc tử cung mà mỗi người mắc phải.

  • Nếu bị lạc nội mạc tử cung và muốn điều trị bằng vòng tránh thai nội tiết Mirena thì nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn cụ thể về biện này cũng như là những liệu pháp hormone khác.

Vòng tránh thai Mirena là gì?

Vòng tránh thai nội tiết Mirena là một biện pháp tránh thai nội tiết được dùng lâu dài, có hình chữ T, được đưa vào bên trong tử cung và từ từ giải phóng levonorgestrel - một dạng tổng hợp của hormone progesterone tự nhiên.

Vòng Mirena có tác dụng làm mỏng niêm mạc tử cung và làm cho dịch nhầy cổ tử cung đặc lại, từ đó ngăn không cho tinh trùng di chuyển đến và tiếp cận trứng. Dụng cụ này còn có thể gây ức chế sự rụng trứng ở một số phụ nữ.

Vòng tránh thai Mirena là một biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài và còn có thể ngăn ngừa, điều trị nhiều vấn đề khác chứ không chỉ có mang thai ngoài ý muốn. Vòng Mirena có thể được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung cũng như là các vấn đề khác như đau vùng chậu mãn tính và kinh nguyệt ra nhiều. Hiệu quả của dụng cụ này có thể kéo dài lên đến 5 năm.

Dưới đây là những điều cần biết về ứng dụng của vòng tránh thai Mirena trong việc kiểm soát các triệu chứng lạc nội mạc tử cung, các liệu pháp hormone và những biện pháp khác để điều trị bệnh phụ khoa này.

Vòng Mirena tác động thế nào đến lạc nội mạc tử cung?

Để biết vòng tránh thai Mirena tác động thế nào đến lạc nội mạc tử cung thì trước hết cần hiểu được mối liên hệ giữa bệnh lý này và nội tiết tố (hormone) trong cơ thể.

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh phụ khoa mãn tính, tiến triển nặng dần theo thời gian và xảy ra ở 1 trên 10 phụ nữ ở Hoa Kỳ. Đây là tình trạng mà mô niêm mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung. Điều này gây ra các triệu chứng như đau đớn khi đến kỳ kinh nguyệt, khi quan hệ tình dục, khi đại tiện hoặc tiểu tiện và kinh nguyệt ra nhiều. Bệnh lý này còn có thể gây vô sinh ở nữ giới.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng estrogen và progesterone có thể kiểm soát sự phát triển của mô lạc nội mạc tử cung. Những hormone được sản xuất trong buồng trứng này có thể giúp làm chậm sự phát triển của mô và ngăn ngừa sự hình thành mô niêm mạc mới hoặc sẹo, ngoài ra còn giúp giảm triệu chứng do lạc nội mạc tử cung.

Các biện pháp tránh thai nội tiết như vòng Mirena có thể đem lại tác dụng tương tự. Ví dụ, vòng tránh thai Mirena giúp ức chế sự phát triển của mô lạc nội mạc tử cung, giảm tình trạng viêm trong vùng chậu và giảm mức độ ra máu trong kỳ kinh.

Lợi ích của vòng tránh thai Mirena

Vòng tránh thai nội tiết là một biện pháp tránh thai có hiệu quả kéo dài. Dụng cụ này có cơ chế hoạt động là giải phóng ra 20microgam (mcg) hormone levonorgestrel mỗi ngày trong khoảng 5 năm. Sau khi đưa vòng Mirena vào tử cung, người dùng sẽ không phải làm gì thêm cho đến khi phải thay vòng mới sau khoảng thời gian này. Có nghĩa là không cần phải uống thuốc tránh thai hàng ngày hay phải thay miếng dán tránh thai mới mỗi tháng. Do đó, đây là một cách thuận tiện để làm giảm các triệu chứng lạc nội mạc tử cung và ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn.

Nếu có ý định sử dụng các loại vòng tránh thai nội tiết như Mirena để giảm bớt các triệu chứng lạc nội mạc tử cung thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước để được tư vấn xem đây có phải là lựa chọn phù hợp hay không.

Tác dụng phụ và rủi ro

Giống như mọi biện pháp tránh thai khác, vòng tránh thai nội tiết Mirena cũng có một số nhược điểm mặc dù chỉ rất nhỏ. Dụng cụ này chỉ đi kèm với rất ít tác dụng phụ và những tác dụng phụ này cũng tự hết dần sau vài tháng đầu sử dụng.

Trong thời gian cơ thể đang làm quen với hormone từ vòng tránh thai thì người dùng có thể sẽ gặp những hiện tượng như:

  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Ngực căng đau
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Kinh nguyệt ra nhiều hơn
  • Mất kinh nguyệt
  • Thay đổi tâm trạng
  • Tăng cân hoặc giữ nước trong cơ thể
  • Đau vùng chậu hoặc chuột rút
  • Đau thắt lưng

Ngoài ra, người dùng vòng tránh thai nội tiết còn có nguy cơ bị thủng tử cung nhưng rủi ro này rất hiếm gặp. Mặc dù xác suất xảy ra điều này là rất nhỏ nhưng nếu mang thai trong thời gian dùng vòng tránh thai thì dụng cụ có thể bám vào nhau thai, làm tổn thương thai nhi hoặc thậm chí gây sảy thai.

Các liệu pháp hormone khác

Progesterone không phải là hormone duy nhất có thể giúp kiểm soát triệu chứng lạc nội mạc tử cung. Ngoài ra còn có có những liệu pháp hormone khác cũng cho tác dụng tương tự bằng cách cân bằng nồng độ estrogen hoặc nhắm đến những hormone gây giải phóng estrogen và progesterone.

Tốt nhất nên nói chuyện với bác sĩ để được giải thích những ưu, nhược điểm của từng biện pháp và tư vấn lựa chọn phù hợp nhất với nhu cầu của bản thân.

Một số liệu pháp hormone phổ biến gồm có:

Thuốc tránh thai kết hợp

Thuốc tránh thai kết hợp có chứa dạng tổng hợp của estrogen và progesterone. Ngoài tác dụng rút ngắn kỳ kinh nguyệt, giảm mức độ ra máu và điều hoa chu kỳ kinh đều đặn hơn, thuốc tránh thai kết hợp còn giúp giảm tình trạng đau đớn khi đến kỳ trong thời gian sử dụng. Khác với vòng tránh thai nội tiết, thuốc tránh thai cần được uống hàng ngày.

Thuốc tránh thai chỉ có progestin

Ngoài thuốc tránh thai kết hợp, phụ nữ cũng có thể sử dụng thuốc tránh thai chỉ có progestin - một dạng progesterone tổng hợp - ở dạng thuốc đường uống (minipill) hoặc tiêm cách ba tháng một lần. Nếu dùng thuốc đường uống thì phải uống mỗi ngày.

Miếng dán tránh thai

Giống như hầu hết các loại thuốc tránh thai đường uống, miếng dán tránh thai có chứa dạng tổng hợp của hormone estrogen và progesterone. Những hormone này được hấp thụ vào cơ thể từ một miếng dán ngoài da. Người dùng phải thay miếng dán mới hàng tuần và sau ba tuần thì nghỉ một tuần để có kinh nguyệt bình thường. Sau khi hết kinh thì lại bắt đầu dùng một miếng dán mới.

Vòng âm đạo

Vòng âm đạo có chứa các hormone tương tự như thuốc tránh thai đường uống và miếng dán tránh thai. Sau khi vòng được đưa vào âm đạo thì sẽ giải phóng ra các hormone trong cơ thể. Giống như miếng dán tránh thai, vòng âm đạo cũng được sử dụng trong 3 tuần rồi nghỉ 1 tuần để có kinh nguyệt và đặt một chiếc vòng mới sau khi hết kinh.

Thuốc chủ vận GnRH (hormone giải phóng Gonadotropin)

Thuốc chủ vận GnRH có tác dụng làm ngừng sự sản xuất hormone để ngăn sự rụng trứng, kinh nguyệt, sự tăng trưởng của mô lạc nội mạc tử cung và đưa cơ thể vào trạng thái mãn kinh tạm thời. Thuốc chủ vận GnRH có dạng thuốc xịt mũi dùng hàng ngày và dạng tiêm mỗi tháng một lần hoặc ba tháng một lần.

Các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên dùng thuốc này trong 6 tháng liên tục để giảm nguy cơ xảy ra biến chứng về tim mạch và loãng xương.

Danazol

Danazol là một loại androgen tương tự như testosterone, có tác dụng ngăn chặn sự giải phóng các hormone trong chu kỳ kinh nguyệt. Thuốc này không có công dụng tránh thai như các liệu pháp hormone khác kể trên nên nếu không muốn có con thì cần sử dụng kèm với các biện pháp tránh thai. Không được sử dụng danazol mà không có biện pháp tránh thai vì thuốc này có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển nếu lỡ có thai trong thời gian dùng thuốc.

Những phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung khác

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào loại lạc nội mạc tử cung và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm có:

Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc giảm đau kê đơn có thể giúp làm dịu các cơn đau nhẹ và các triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung

Phẫu thuật nội soi ổ bụng

Đây phương pháp phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ mô nội mạc tử cung ở những khu vực khác của cơ thể.

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo một đường rạch nhỏ ở rốn và bơm khí vào để làm căng phồng khoang bụng. Sau đó đưa một ống nội soi vào qua đường rạch để có thể xác định những vùng mô phát triển bất thường. Sau khi đã tìm thấy những vùng mô lạc nội mạc tử cung thì bác sĩ sẽ tạo thêm hai đường rạch nhỏ ở thành bụng và sử dụng laser hoặc dụng cụ mổ để loại bỏ hoặc phá hủy những vùng mô này cũng như là bất kỳ mô sẹo nào nếu có.

Mổ mở

Đây cũng là một phương pháp phẫu thuật để loại bỏ các vùng mô lạc nội mạc tử cung hoặc cắt bỏ tử cung và buồng trứng trong những trường hợp lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng. Phương pháp mổ mở để cắt tử cung và buồng trứng được coi là giải pháp cuối cùng để điều trị lạc nội mạc tử cung.

Những ai không nên sử dụng vòng Mirena?

Liệu pháp hormone là một biện pháp hiệu quả để làm giảm triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung. Vòng tránh thai nội tiết Mirena là một trong những liệu pháp hormone được sử dụng phổ biến và đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng vòng tránh thai nội tiết. Biện pháp này không phù hợp với những phụ nữ có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), bệnh viêm vùng chậu hoặc ung thư các cơ quan sinh dục.

Các loại vòng tránh thai nội tiết như Mirena không phải là cách duy nhất để đưa các hormone vào cơ thể. Tất cả các biện pháp tránh thai như thuốc tiêm và thuốc đường uống đều cung cấp những loại hormone tương tự và giúp tránh mang thai ngoài ý muốn. Không phải liệu pháp hormone nào được dùng để điều trị lạc nội mạc tử cung cũng đều có tác dụng tránh thai. Vì vậy cần hỏi bác sĩ về tác dụng của phương pháp định sử dụng và kết hợp thêm một biện pháp tránh thai nếu cần thiết.

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: thế nào, tác động
Tin liên quan
Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?
Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?

Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc bị lạc nội mạc tử cung sẽ giảm khả năng thụ thai thành công và làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng.

Những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị lạc nội mạc tử cung
Những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị lạc nội mạc tử cung

Hiện tại chưa có cách chữa trị triệt để lạc nội mạc tử cung nhưng có nhiều biện pháp để kiểm soát các triệu chứng, ví dụ như dùng thuốc, phẫu thuật và thay đổi một số thói quen, lối sống, bao gồm cả chế độ ăn uống.

Lạc nội mạc tử cung có gây tử vong không?
Lạc nội mạc tử cung có gây tử vong không?

Lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến một số biến chứng và những biến chứng này có thể gây tử vong nếu không được can thiệp điều trị.

Lạc nội mạc tử cung ở cổ tử cung: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
Lạc nội mạc tử cung ở cổ tử cung: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Không giống như các loại lạc nội mạc tử cung khác, lạc nội mạc tử cung ở cổ tử cung là loại rất hiếm gặp.

Lạc Nội Mạc Tử Cung: Làm Sao Để Không Đau khi quan hệ tình dục?
Lạc Nội Mạc Tử Cung: Làm Sao Để Không Đau khi quan hệ tình dục?

Mặc dù các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung ở mỗi phụ nữ là khác nhau nhưng có rất nhiều cách để giảm bớt các cơn đau.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây