1

Viêm lợi và viêm nha chu

Viêm nha chu, hay được gọi chung là bệnh về lợi hay bệnh về nha chu, thường xảy ra khi vi khuẩn sinh sôi trong miệng và nếu như không được điều trị thì có thể dẫn đến mất răng do các mô bao quanh răng bị phá hủy.
Viêm lợi và viêm nha chu Viêm lợi và viêm nha chu

Sự khác nhau giữa viêm lợi và viêm nha chu

Viêm lợi thường xảy ra trước viêm nha chu. Tuy nhiên, không phải khi nào viêm lợi cũng phát triển thành viêm nha chu.

Ở giai đoạn đầu của viêm lợi, vi khuẩn trong mảng bám răng sẽ tích tụ lại, khiến lợi bị viêm và dễ bị chảy máu khi đánh răng. Mặc dù lợi có thể bị kích ứng nhưng răng vẫn đứng vững trong ổ răng. Ở giai đoạn, xương và mô sẽ không bị bất kì tổn thương nào.

Khi tình trạng viêm lợi không được điều trị thì có thể phát triển thành viêm nha chu. Ở những người bị viêm nha chu, lớp bên trong của lợi và xương sẽ bị tụt khỏi răng và hình thành nên các túi. Những khoảng cách nhỏ giữa răng và lợi này sẽ trở thành nơi tích tụ thức ăn và bị nhiễm trùng. Hệ miễn dịch của cơ thể sẽ chống lại vi khuẩn khi mảng bám lan rộng và phát triển bên dưới rìa lợi.

Các chất độc do vi khuẩn trong mảng bám tạo ra cùng với các enzyme “có lợi” vốn được tiết ra để chống nhiễm khuẩn sẽ bắt đầu phá hủy xương và các mô liên kết có nhiệm vụ giữ chắc răng. Khi bệnh biến chuyển nặng hơn, các túi sẽ trở nên sâu hơn, đồng thời sẽ có nhiều mô và xương bị phá hủy hơn. Khi điều này xảy ra, răng sẽ không còn đứng vững được nữa mà trở nên lung lay, dẫn đến mất răng. Bệnh về lợi là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người lớn.

Nguyên nhân gây bệnh về lợi

Mảng bám là nguyên nhân chính gây bệnh về lợi. Tuy nhiên, các yếu tố khác cũng có thể góp phần gây nên bệnh viêm nha chu. Những yếu tố này gồm có:

  • Thay đổi nội tiết, ví dụ như khi mang bầu, dậy thì, mãn kinh hay kinh nguyệt hàng tháng, khiến cho lợi nhạy cảm hơn, tạo điều kiện cho bệnh viêm lợi phát triển.
  • Các loại bệnh có thể ảnh hưởng đến tình trạng của lợi, ví dụ như bệnh ung thư hay HIV làm suy giảm hệ miễn dịch. Vì bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng đường của cơ thể nên những bệnh nhân bị tiểu đường sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, bao gồm cả bệnh viêm nha chu và sâu răng.
  • Một số loại thuốc có thể tác động đến sức khỏe răng miệng do làm giảm sự tiết nước bọt – vốn là hàng rào bảo vệ răng và lợi. Một số loại thuốc ví dụ như thuốc chống co giật Dilantin và thuốc chống đau thắt ngực Procardia hoặc Adalat có thể gây ra sự phát triển bất thường của mô lợi.
  • Các thói quen xấu như hút thuốc vì việc hút thuốc có thể khiến cho mô lợi khó tự chữa lành hơn.
  • Không chăm sóc răng miệng cẩn thẩn.
  • Gia đình có tiền sử bệnh về răng miệng

Triệu chứng của bệnh về lợi

Bệnh về lợi có thể không gây đau, hầu như không bộc lộ các dấu hiệu rõ rệt, ngay cả ở giai đoạn sau của bệnh.Mặc dù triệu chứng của bệnh về lợi thường không rõ rệt nhưng không phải hoàn toàn không có các dấu hiệu cảnh báo. Các triệu chứng này bao gồm:

  • Lợi bị chảy máu trong và sau khi đánh răng
  • Lợi bị đỏ, sưng và mềm
  • Hơi thở có mùi trong một thời gian dài hoặc miệng có vị khó chịu
  • Lợi bị tụt
  • Hình thành các túi sâu ở giữa răng và lợi
  • Mất răng hoặc răng lung lay.

Ngay cả khi bạn không nhận thấy những triệu chứng này thì bạn vẫn có thể bị bệnh về lợi. Ở một số người thì bệnh về lợi chỉ ảnh hưởng đến một loại răng nhất định, ví dụ như răng hàm. Chỉ có bác sĩ nha khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa nha chu mới có thể nhận biết và xác định được các bệnh về lợi.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh về lợi như thế nào?

Trong khi kiểm tra răng, bác sĩ sẽ xem xét những điều sau đây:

  • Hiện tượng chảy máu, sưng và độ chắc của lợi; độ sâu của các túi ( khoảng cách giữa răng và lợi, khoảng cách càng rộng và sâu thì bệnh càng nghiêm trọng)
  • Chuyển động, độ nhạy cảm và sự thẳng hàng của răng.
  • Xương hàm để xác định xem xương có bị tổn thương hay không.

Cách điều trị các bệnh về lợi

Mục đích của việc điều trị bệnh về lợi là để tăng cường sự gắn kết giữa lợi và răng, giảm sưng, độ sâu của các túi, và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Việc điều trị còn phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, phản ứng của bạn với các phương pháp điều trị trước đó và sức khỏe tổng thể của bạn. Các lựa chọn điều trị gồm có các liệu pháp không cần phẫu thuật giúp kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn cho đến phương pháp phẫu thuật để khôi phục lại các mô quanh răng.

Cách ngăn ngừa bệnh về lợi

Trong gần như tất cả trường hợp thì bệnh về lợi có thể được ngăn chặn nếu như sự hình thành mảng bám được kiểm soát kịp thời. Các phương pháp kiểm soát hình thành mảng bám gồm có vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp ít nhất 2 lần/năm và đánh răng, dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Việc đánh răng sẽ giúp loại bỏ mảng bám khỏi bề mặt răng – nơi mà bàn chải có thể dễ dàng chạm tới, trong khi chỉ nha khoa có thể lấy đi những cặn thức ăn nằm giữa các răng và ở phần kẽ giữa lợi và răng. Theo như Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ thì các sản phẩm nước xúc miệng kháng khuẩn có thể giảm lượng vi khuẩn gây mảng bám và bệnh về lợi.

Ngoài ra, các sự thay đổi khác trong thói quen sống cũng sẽ giúp hạn chế được nguy cơ mắc bệnh về lợi, giảm thiệu độ nghiêm trọng và sự lây lan của bệnh.

  • Bỏ thuốc lá. Thuốc lá là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị viêm nha chu. Người hút thuốc thường có khả năng mắc bệnh về lợi cao hơn gấp 7 lần so với người không hút, hơn nữa việc hút thuốc cũng làm giảm khả năng thành công của các biện pháp điều trị.
  • Giảm stress. Stress có thể gây khó khăn cho hệ miễn dịch khi chiến đấu chống lại vi khuẩn.
  • Duy trì một chế độ ăn cân bằng. Ăn các loại thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa, ví dụ như một số loại có vitamin E (dầu thực vật, hạt, rau xanh) và vitamin C (hoa quả chua, bông cải xanh, khoai tây), điều này sẽ giúp cơ thể phục hồi lại các mô bị tổn thương.
  • Tránh nghiến hay cắn chặt răng. Việc này sẽ tạo ra lực tác động lên các mô quanh răng và có thể làm tăng nguy cơ các mô bị tổn thương.

Theo như Viện Nha chu học Hoa Kỳ thì kể cả khi đã giữ vệ sinh răng miệng cẩn thận và có lối sống lành mạnh thì vẫn có đến 30% người Mỹ dễ mắc phải bệnh về lợi do di truyền. Những người này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 6 lần do với người bình thường. Nếu có ai đó trong gia đình bạn bị bệnh về lợi thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng này thì bạn sẽ cần đi khám, vệ sinh răng thường xuyên hơn để phát hiện và ngăn ngừa bệnh.

Bệnh về lợi có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe khác không?

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ tiềm ẩn giữa bệnh về lợi và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, vi khuẩn trong miệng thường vô hại. Nhưng trong những trường hợp nhất định thì những vi sinh vật này có thể liên quan đến các vấn đề về sức khỏe như tai biến mạch máu não hay bệnh tim mạch. Tiểu đường cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến bệnh về lợi, ngược lại bệnh về lợi khiến cho bệnh tiêu đường thêm nặng hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây