1

Ung Thư Dạ Dày

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là bệnh mà niêm mạc dạ dày phát triển các tế bào ung thư. Đây là loại ung thư khó chẩn đoán vì bệnh đa phần không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu, nếu có thì các triệu chứng cũng không rõ rệt.

Mặc dù tỉ lệ mắc ung thư dạ dày thấp hơn so với các loại ung thư khác nhưng chính vì khó chẩn đoán nên ung thư dạ dày lại rất nguy hiểm. Bệnh thường không bộc lộ bất kỳ triệu chứng sớm nào nên đa phần chỉ được phát hiện, chẩn đoán khi đã lan sang (di căn) các bộ phận khác của cơ thể và điều này gây khó khăn lớn cho việc điều trị.

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày

Dạ dày, cùng với thực quản và tá tràng (phần đầu của ruột non) tạo thành đường tiêu hóa trên. Dạ dày có nhiệm vụ co bóp, nghiền và trộn thức ăn với dịch vị, đồng thời phân hủy thức ăn nhờ enzyme và axit. Sau đó thức ăn được chuyển đến các cơ quan tiếp theo của đường tiêu hóa, đó là ruột non và ruột già.

Ung thư dạ dày xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong dạ dày trở thành tế bào ung thư và phát triển mất kiểm soát, hình thành nên khối u. Quá trình này xảy ra từ từ nên ung thư dạ dày thường phát triển âm thầm trong suốt nhiều năm.

Ung thư bắt đầu khi DNA của tế bào có đột biến. Đột biến làm cho tế bào phát triển và phân chia với tốc độ nhanh bất thường, không chết đi theo quy luật thông thường mà vẫn tiếp tục sống và trở thành tế bào ung thư. Các tế bào ung thư tích tụ lại tạo thành một khối u xâm lấn cấu trúc lân cận. Sau một thời gian, các tế bào ung thư có thể tách ra khỏi khối u ban đầu và lây lan đến những cơ quan khác trong cơ thể.

Nguy cơ ung thư dạ dày thường tăng cao ở những người bị trào ngược dạ dày thực quản, béo phì và hút thuốc lá. Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng mà dịch dạ dày thường xuyên trào lên thực quản.

Yếu tố nguy cơ

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành nên các tế bào ung thư và tạo thành khối u trong dạ dày. Những yếu tố nguy cơ này gồm có một số bệnh lý và vấn đề sức khỏe, ví dụ như:

  • U lympho (một nhóm bệnh ung thư máu)
  • Nhiễm vi khuẩn H. pylori hay còn gọi là vi khuẩn HP (một dạng nhiễm khuẩn dạ dày phổ biến, gây viêm và có thể dẫn đến loét dạ dày)
  • Hình thành khối u ở các bộ phận khác trong đường tiêu hóa
  • Polyp dạ dày (sự phát triển bất thường của mô trên niêm mạc dạ dày)

Nguy cơ mắc ung thư dạ dày cũng cao hơn ở những người:

  • lớn tuổi, thường là từ 50 tuổi trở lên
  • nam giới
  • hút thuốc lá
  • có tiền sử gia đình mắc bệnh

Ngoài bệnh sử cá nhân, một số yếu tố về lối sống cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Cụ thể, bạn sẽ dễ bị ung thư dạ dày hơn nếu như:

  • thường xuyên ăn nhiều đồ ăn mặn hoặc các loại thực phẩm chế biến sẵn
  • ăn quá nhiều thịt
  • có thói quen uống nhiều rượu
  • lười vận động
  • lưu trữ hoặc nấu thức ăn không đúng cách

Nếu có các yếu tố nguy cơ trên thì bạn nên đi khám tầm soát thường xuyên để phát hiện ung thư dạ dày từ sớm. Các phương pháp tầm soát giúp phát hiện ung thư ngay từ khi chưa bộc lộ triệu chứng.

Triệu chứng ung thư dạ dày

Ở giai đoạn đầu, ung thư dạ dày thường không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nhưng khi đã tiến triển sang các giai đoạn sau, ung thư dạ dày thường có một số triệu chứng phổ biến như sau:

  • Buồn nôn và ói mửa thường xuyên, không rõ nguyên nhân
  • Ợ nóng liên tục
  • Chán ăn và sụt cân đột ngột
  • Hay bị đầy hơi, trướng bụng
  • Ăn nhanh no
  • Phân có lẫn máu
  • Vàng da
  • Người mệt mỏi, kiệt sức
  • Đau dạ dày, thường đau nặng hơn sau mỗi bữa ăn

Các giai đoạn của ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày tiến triển qua 5 giai đoạn gồm có:

Giai đoạn 0

Giai đoạn này còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Tế bào ung thư mới chỉ hình thành ở lớp niêm mạc, chưa phát triển vào các lớp khác của dạ dày. Giai đoạn này được coi là giai đoạn ung thư sớm.

Giai đoạn I

Giai đoạn IA: Ung thư đã phát triển vào lớp bên trong của thành dạ dày nhưng chưa lan đến bất kỳ hạch bạch huyết hoặc cơ quan nào khác

Giai đoạn IB: Ung thư dạ dày được chẩn đoán giai đoạn IB nếu:

  • Ung thư đã phát triển vào các lớp bên trong của thành dạ dày và đã lan sang từ 1 đến 2 hạch bạch huyết nhưng chưa di căn sang vị trí nào khác.
  • Ung thư đã phát triển vào các lớp cơ bên ngoài của thành dạ dày nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan khác.

Giai đoạn II

Giai đoạn IIA: Ung thư dạ dày được chẩn đoán giai đoạn IIA nếu:

  • Ung thư đã phát triển vào lớp bên trong của thành dạ dày và đã lan sang 3 đến 6 hạch bạch huyết nhưng chưa di căn đến các vị trí khác.
  • Ung thư đã phát triển vào các lớp cơ bên ngoài của thành dạ dày và lan sang từ 1 đến 2 hạch bạch huyết nhưng chưa di căn đến các vị trí khác.
  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ đến lớp mô liên kết bên ngoài dạ dày, chưa xâm lấn vào phúc mạc (lớp màng thanh mạc bao phủ toàn bộ bên trong ổ bụng) và cũng chưa lan đến hạch bạch huyết hoặc các cơ quan xung quanh.

Giai đoạn IIB: Ung thư dạ dày được chẩn đoán giai đoạn IIB nếu:

  • Ung thư phát triển vào các lớp bên trong của thành dạ dày và đã lan sang từ 7 đến 15 hạch bạch huyết nhưng chưa di căn sang các vị trí khác.
  • Ung thư đã phát triển vào các lớp cơ bên ngoài của thành dạ dày và lan sang từ 3 đến 6 hạch bạch huyết nhưng chưa sang các vị trí khác.
  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ vào mô liên kết bên ngoài dạ dày nhưng chưa xâm lấn đến phúc mạc. Tế bào ung thư đã lan sang 1 đến 2 hạch bạch huyết nhưng chưa sang các vị trí khác.
  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ vào lớp mô liên kết bên ngoài dạ dày. Đã xâm lấn đến phúc mạc nhưng chưa lan sang hạch bạch huyết và các cơ quan xung quanh.

Giai đoạn III

Giai đoạn IIIA: Ung thư dạ dày được chẩn đoán IIIA nếu:

  • Ung thư đã phát triển vào các lớp cơ bên ngoài của thành dạ dày và lan sang 7 đến 15 hạch bạch huyết nhưng chưa di căn sang các cơ quan khác.
  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ vào lớp mô liên kết bên ngoài dạ dày nhưng chưa xâm lấn đến phúc mạc. Tế bào ung thư đã lan sang 3 đến 6 hạch bạch huyết nhưng chưa di căn sang các cơ quan khác.
  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ vào mô liên kết bên ngoài dạ dày, đã xâm lấn đến phúc mạc và đã lan sang 1 đến 2 hạch bạch huyết nhưng chưa di căn đến các cơ quan khác.
  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ vào mô liên kết bên ngoài dạ dày và di căn sang các cơ quan hoặc cấu trúc lân cận nhưng không lan sang bất kỳ hạch bạch huyết nào và các bộ phận ở xa của cơ thể.

Giai đoạn IIIB: Ung thư dạ dày được chẩn đoán giai đoạn IIIB nếu:

  • Ung thư đã phát triển vào lớp bên trong hoặc các lớp cơ bên ngoài của thành dạ dày, lan sang 16 hạch bạch huyết trở lên nhưng chưa xâm lấn đến các bộ phận ở xa của cơ thể.
  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ vào mô liên kết bên ngoài dạ dày nhưng không xâm lấn đến phúc mạc. Tế bào ung thư đã lan sang 7 đến 15 hạch bạch huyết nhưng chưa di căn đến bất kỳ cơ quan nào xung quanh.
  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ vào mô liên kết bên ngoài dạ dày và đã xâm lấn phúc mạc. Tế bào ung thư đã lan sang 7 đến 15 hạch bạch huyết nhưng chưa lan rộng ra nơi khác.
  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ vào mô liên kết bên ngoài dạ dày và xâm lấn đến các cơ quan hoặc cấu trúc lân cận. Có thể có hoặc không lan sang 1 đến 6 hạch bạch huyết nhưng chưa di căn đến các bộ phận ở xa trong cơ thể.

Giai đoạn IIIC: Ung thư dạ dày được chẩn đoán giai đoạn IIIC nếu:

  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ vào mô liên kết bên ngoài dạ dày và đã xâm lấn phúc mạc. Tế bào ung thư lan sang 16 hạch bạch huyết trở lên nhưng chưa di căn đến các bộ phận ở xa trong cơ thể.
  • Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp cơ vào mô liên kết bên ngoài dạ dày và xâm lấn đến các cơ quan hoặc cấu trúc xung quanh. Tế bào ung thư lan sang 7 hạch bạch huyết trở lên nhưng chưa di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Giai đoạn IV

Ung thư dạ dày giai đoạn IV là giai đoạn mà tế bào ung thư đã lan sang vùng xung quanh dạ dày cũng như là di căn đến các bộ phận ở xa trong cơ thể như gan, phổi, các hạch bạch huyết ở xa hay thậm chí là não.

Chẩn đoán ung thư dạ dày bằng cách nào?

Vì những người bị ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu hiếm khi phát hiện dấu hiệu bất thường nên bệnh thường chỉ được chẩn đoán khi đã chuyển nặng.

Để chẩn đoán, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để kiểm tra các dấu hiệu bất thường. Sau đó sẽ làm xét nghiệm máu, bao gồm cả xét nghiệm tìm vi khuẩn HP.

Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư dạ dày thì sẽ tiến hành thêm các phương pháp khác, bao gồm cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để xác nhận. Các phương pháp này giúp phát hiện khối u cũng như là các vấn đề không bình thường khác trong dạ dày và thực quản. Những phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày thường được sử dụng gồm có:

  • Nội soi đường tiêu hóa trên: Một ống nội soi mảnh được đưa xuống cổ họng vào dạ dày. Camera có gắn ở đầu ống nội soi cho phép bác sĩ quan sát và tìm các dấu hiệu ung thư. Nếu có bất kỳ vùng bất thường nào thì sẽ lấy mẫu mô để phân tích (sinh thiết).
  • Chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp chẩn đoán được sử dụng để phát hiện ung thư dạ dày gồm có chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp X-quang có cản quang.

Xác định mức độ lan rộng (giai đoạn) của ung thư

Việc xác định mức độ lan rộng hay giai đoạn của ung thư dạ dày giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư gồm có:

  • Chẩn đoán hình ảnh: như chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp Positron cắt lớp (PET).
  • Phẫu thuật thăm dò: có thể sẽ cần tiến hành phẫu thuật để tìm các dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan (di căn) ra ngoài dạ dày vào các cơ quan trong vùng ngực hoặc ổ bụng. Quy trình phẫu thuật thăm dò thường được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi. Có nghĩa là bác sĩ sẽ rạch một số đường nhỏ ở bụng và đưa ống nội soi vào. Đầu ống nội soi có lắp một camera đặc biệt để truyền hình ảnh đến màn hình và hướng dẫn thao tác phẫu thuật.

Điều trị ung thư dạ dày

Các phương pháp chính để điều trị ung thư dạ dày:

  • Phẫu thuật
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Liệu pháp nhắm trúng đích
  • Liệu pháp miễn dịch

Phác đồ điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào nguồn gốc và giai đoạn của bệnh ung thư trong từng trường hợp. Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến việc lên phác đồ điều trị.

Phẫu thuật

Với các trường hợp ung thư dạ dày chưa di căn thì cần phẫu thuật để loại bỏ phần dạ dày có khối u. Trong ca phẫu thuật, toàn bộ tế bào ung thư và một phần mô khỏe mạnh của dạ dày được cắt bỏ. Các hạch bạch huyết lân cận cũng thường được loại bỏ.

Các lựa chọn phẫu thuật gồm có:

  • Cắt bỏ khối u: Nếu khối u có kích thước rất nhỏ và giới hạn ở niêm mạc bên trong dạ dày thì thường chỉ cần loại bỏ bằng cách sử dụng kỹ thuật nội soi. Bác sĩ sử dụng ống nội soi đưa qua cổ họng để loại bỏ khối u và một phần mô khỏe mạnh của niêm mạc dạ dày.
  • Cắt bỏ một phần của dạ dày: được gọi là cắt bán phần dạ dày. Trong quy trình phẫu thuật này, bác sĩ chỉ cắt bỏ đi phần dạ dày bị ung thư và các hạch bạch huyết lân cận.
  • Cắt bỏ toàn bộ dạ dày: Đây là quy trình phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày và một vùng mô xung quanh. Sau đó, thực quản được nối trực tiếp với ruột non để thức ăn di chuyển qua hệ tiêu hóa.
  • Cắt bỏ các hạch bạch huyết để tìm ung thư: Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra và cắt bỏ các hạch bạch huyết trong bụng để tìm tế bào ung thư nhằm phát hiện ung thư đã lây lan sang hạch bạch huyết hay chưa.

Ở những người bị ung thư giai đoạn cuối, việc cắt bỏ một phần hoặc toàn phần dạ dày có thể làm giảm các triệu chứng bệnh. Trong những trường hợp này, mặc dù phẫu thuật không thể chữa khỏi ung thư nhưng nó có thể giúp người bệnh cảm thấy bớt đau đớn hơn.

Nếu khối u gây tắc nghẽn dạ dày nhưng không thể loại bỏ được hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật tiêu chuẩn thì sẽ cần đến các thủ thuật sau:

  • Đặt stent: Stent là ống nhỏ, có thể giãn rộng được sử dụng để giữ động mạch hoặc thực quản không bị tắc nghẽn. Đối với các trường hợp có khối u chặn đường vào hoặc ra khỏi dạ dày, người bệnh cần phẫu thuật đặt stent từ thực quản đến dạ dày hoặc từ dạ dày đến ruột non để có thể ăn uống bình thường.
  • Điều trị bằng laser nội soi: Đây là một thủ thuật trong đó ống nội soi có gắn laser được đưa vào cơ thể để phá hủy khối u.
  • Nối dạ dày – hỗng tràng: Đây là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ phần dạ dày có khối u đang làm tắc nghẽn đường vào ruột non. Sau đó, dạ dày được nối với hỗng tràng (đoạn thứ hai của ruột non) để thức ăn và thuốc đi từ dạ dày vào ruột non.

Các phương pháp phẫu thuật thường đi kèm với rủi ro xuất huyết và nhiễm trùng. Ngoài ra, nếu toàn bộ hoặc một phần dạ dày bị cắt bỏ thì người bệnh có thể sẽ gặp vấn đề về tiêu hóa.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ mạnh, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các chùm năng lượng được đưa vào cơ thể từ một thiết bị di chuyển xung quanh người bệnh khi nằm trên bàn.

Trong các trường hợp ung thư dạ dày, xạ trị thường được tiến hành trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u và loại bỏ dễ dàng hơn. Liệu pháp xạ trị cũng có thể được thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại ở dạ dày.

Xạ trị thường được kết hợp cùng với hóa trị, đa phần là trước khi phẫu thuật.

Có hai loại xạ trị là:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: sử dụng một thiết bị ở bên ngoài cơ thể để đưa bức xạ nhắm vào vị trí bị ung thư.
  • Xạ trị bên trong: đưa các nguồn phóng xạ dạng kim, hạt hoặc ống trực tiếp vào gần khối u.

Loại xạ trị được sử dụng sẽ tùy thuộc vào loại ung thư và giai đoạn ung thư tại thời điểm điều trị. Ung thư dạ dày thườngđược điều trị bằng xạ trị chum tia bên ngoài.

Những tác dụng không mong muốn khi xạ trị điều trị ung thư dạ dày là tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, thiếu máu, chán ăn, sụt cân, rụng tóc, tổn thương tim, phổi, …

Trong những trường hợp ung thư tiến triển sang giai đoạn muộn, xạ trị là giải pháp để làm giảm những đau đớn do khối u lớn gây ra.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng một số loại hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị đi khắp cơ thể và có khả năng tiêu diệt cả các tế bào ung thư đã lan ra ngoài dạ dày.

Giống như xạ trị, liệu pháp hóa trị cũng có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u và dễ dàng loại bỏ hơn. Hóa trị cũng có thể được thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn tồn tại trong cơ thể. Hóa trị thường được kết hợp với xạ trị hoặc cũng được tiến hành riêng biệt ở những người bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối để làm giảm các triệu chứng.

Tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào loại thuốc được sử dụng nhưng thường gồm có buồn nôn và ói mửa, chán ăn và sụt cân, người mệt mỏi, rụng tóc, loét miệng, mãn kinh sớm và vấn đề về sinh sản, tổn thương tim, thận…

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp sử dụng thuốc nhắm vào các gen, protein hoặc môi trường mô tạo điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của tế bào ung thư. Để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để xác định loại gen, protein và các yếu tố khác cần nhắm mục tiêu để tiêu diệt ung thư. Các liệu pháp nhắm trúng đích để điều trị ung thư dạ dày gồm có:

  • Liệu pháp nhắm protein HER2: Ở một số bệnh ung thư, khối u có chứa một loại protein gọi là thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu mô 2 (HER2). Loại ung thư này được gọi là ung thư dương tính HER2. Những bệnh nhân bị ung thư dạ dày HER2 dương tính thì phác đồ điều trị thường là dùng thuốc Trastuzumab (Herceptin, Herzuma, Ogivri, Ontruzant) kết hợp với hóa trị liệu.
  • Liệu pháp chống tạo mạch: Mỗi khối u cần được các mạch máu nuôi dưỡng mới có thể phát triển và lan rộng. Liệu pháp này nhằm mục đích ngăn cản quá trình tạo mạch máu mới và “bỏ đói” khối u, khiến chúng chết đi.

Các loại thuốc thường được sử dụng trong liệu pháp nhắm trúng đích để điều trị ung thư dạ dày gồm có:

  • Trastuzumab (Herceptin): dành cho các trường hợp ung thư dạ dày HER2 dương tính.
  • Ramucirumab (Cyramza): dành cho các trường hợp ung thư dạ dày tiến triển sang giai đoạn cuối và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Imatinib (Gleevec): điều trị một dạng ung thư dạ dày hiếm gặp gọi là u mô đệm đường tiêu hóa (gastrointestinal stromal tumor).
  • Sunitinib (Sutent): điều trị u mô đệm đường tiêu hóa.
  • Regorafenib (Stivarga): cũng dành cho các trường hợp u mô đệm đường tiêu hóa.

Các loại thuốc nhắm trúng đích thường được sử dụng kết hợp với thuốc hóa trị. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần làm các xét nghiệm để bác sĩ kiểm tra mức độ hiệu quả của các phương pháp này.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch, hay còn được gọi là liệu pháp sinh học, là phương pháp nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư. Liệu pháp này sử dụng các chất được tạo ra bởi cơ thể hoặc tạo ra trong phòng thí nghiệm để cải thiện và khôi phục chức năng của hệ miễn dịch.

Đối với những bệnh nhân ung thư dạ dày tiến triển có PD-L1 hoặc MSI-H, thì thuốc miễn dịch pembrolizumab (Keytruda) là một lựa chọn điều trị khi hóa trị không có tác dụng.

Mỗi liệu pháp miễn dịch lại có những tác dụng phụ khác nhau nhưng thường gặp nhất là phản ứng trên da, các triệu chứng giống như cúm, tiêu chảy và thay đổi cân nặng.

Tìm hiểu thêm về liệu pháp miễn dịch

Bên cạnh việc phá hủy khối u trong dạ dày, các phương pháp điều trị còn nhằm mục đích ngăn chặn các tế bào ung thư lan sang những nơi khác trong cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, ung thư dạ dày có thể di căn sang:

  • Phổi
  • Hạch bạch huyết
  • Xương
  • Gan

Chăm sóc giảm nhẹ

Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp chăm sóc y tế chuyên khoa tập trung vào mục đích giảm các triệu chứng cũng như là hỗ trợ người bệnh và gia đình vượt qua những vấn đề về tâm lý khi được chẩn đoán một căn bệnh hiểm nghèo ví dụ như ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện song song với các phương pháp điều trị tích cực, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.

Việc kết hợp chăm sóc giảm nhẹ với tất cả các phương pháp điều trị khác giúp cho người bệnh ung thư sống tốt hơn, lạc quan hơn và lâu hơn.

Các phương pháp điều trị trong tương lai

Các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn đang không ngừng nghiên cứu tìm ra các loại thuốc mới để điều trị ung thư. Hy vọng trong một tương lai không xa, ngay cả những trường hợp bị ung thư giai đoạn cuối hay đã di căn cũng có thể được chữa khỏi.

Ngăn ngừa ung thư dạ dày

Không có cách nào có thể ngăn chặn được hoàn toàn ung thư dạ dày nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc tất cả các bệnh ung thư nói chung bằng cách:

  • Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng ở mức ổn định, khỏe mạnh
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo
  • Giảm lượng muối trong chế độ ăn
  • Không hút thuốc lá
  • Tập thể dục thường xuyên

Trong một số trường hợp, nếu mắc các bệnh làm tăng nguy cơ ung thư thì bác sĩ sẽ kê thuốc để giảm bớt rủi ro.

Ngoài ra, bạn nên đi khám tầm soát định kỳ để phát hiện sớm ung thư dạ dày. Bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp sau đây để kiểm tra các dấu hiệu ung thư dạ dày:

  • Khám lâm sàng
  • Xét nghiệm, ví dụ như xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu
  • Chẩn đoán hình ảnh, ví dụ như chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính CT scan
  • Các xét nghiệm di truyền

Tiên lượng khi mắc ung thư dạ dày

Nếu bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu thì triển vọng sẽ cao hơn so với giai đoạn sau. Theo thống kê của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, khoảng 30% những người bị ung thư dạ dày sống được thêm ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán và điều trị.

Phần lớn trong số đó là các trường hợp mà dạ dày là nơi phát sinh ung thư và ung thư vẫn chỉ khu trú tại chỗ. Khi ung thư di căn từ một cơ quan khác đến dạ dày và không biết chính xác nguồn gốc thì sẽ khó chẩn đoán và xác định giai đoạn ung thư hơn. Điều này khiến cho việc điều trị ung thư cũng trở nên khó khăn.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây