1

Thoái hóa cột sống cổ: triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Thoái hóa cột sống cổ: triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị Thoái hóa cột sống cổ: triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Thoái hóa cột sống cổ là gì?

Nguyên nhân

Các yếu tố nguy cơ

Triệu chứng thường gặp

Khi nào cần đi khám?

Cách chẩn đoán

Phương pháp điều trị

Triển vọng

Thoái hóa cột sống cổ là gì?

Thoái hóa cột sống cổ là một vấn đề do lão hóa phổ biến, ảnh hưởng đến các khớp và đĩa đệm trong cột sống cổ. Bệnh này còn được gọi là viêm khớp cổ.

Thoái hóa cột sống cổ xảy ra do sự bào mòn của sụn và xương. Mặc dù đa phần là do lão hóa nhưng ngoài ra cũng có thể là do các nguyên nhân khác gây ra.

Đây là tình trạng chủ yếu xảy ra ở những người từ 60 tuổi trở lên (chiếm đến 90%)

Thoái hóa cột sống cổ có các triệu chứng phổ biến như đau dai dẳng, dữ dội và cứng khớp. Tuy nhiên, rất nhiều người bị bệnh này lại không hề gặp phải bất kỳ triệu chứng nào và vẫn có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách bình thường.

Nguyên nhân

Xương và sụn ở các khớp trong cột sống cổ rất dễ bị bào mòn và dẫn đến thoái hóa cột sống cổ. Các nguyên nhân gây nên tình trạng này gồm có:

Gai xương

Sự phát triển quá mức của xương là hiện tượng do cơ thể cố gắng tạo thêm xương để làm cho cột sống chắc khỏe hơn.

Tuy nhiên, xương thừa có thể chèn ép lên các vị trí nhạy cảm của cột sống như tủy sống hay dây thần kinh và gây đau.

Đĩa đệm mất nước

Đĩa đệm là phần nằm giữa các đốt xương cột sống, có vai trò như một lớp đệm dày giúp hấp thụ chấn động khi nâng, vặn vẹo và các hoạt động khác. Bên trong các đĩa đệm có chứa chất nhầy giống như gel và có thể khô theo thời gian. Điều này khiến các đầu xương cọ xát với nhau và gây đau.

Quá trình này có thể bắt đầu xảy ra ở tuổi 30.

Thoát vị đĩa đệm

Đĩa đệm cột sống có thể bị nứt, khiến cho chất gel bên trong bị rò rỉ. Chất gel này chèn ép lên tủy sống và dây thần kinh, dẫn đến các triệu chứng như tê cánh tay và cơn đau lan xuống cánh tay.

Tìm hiểu thêm về thoát vị đĩa đệm

Chấn thương

Các chấn thương ở vùng cổ (ví dụ như do tai nạn) sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Xơ cứng dây chằng

Các dây chằng kết nối đốt sống có thể dần trở nên cứng lại, ảnh hưởng đến chuyển động của cổ và làm cho cổ bị căng.

Hoạt động quá mức

Một số nghề nghiệp hoặc thói quen có chuyển động lặp đi lặp lại hay nâng vật nặng cũng là những nguyên nhân gây áp lực lên cột sống và dẫn đến tình trạng sụn bị bào mòn sớm.

Các yếu tố nguy cơ

Yếu tố lớn nhất gây nên bệnh thoái hóa cột sống cổ là lão hóa. Thoái hóa cột sống cổ thường xảy ra do những thay đổi ở khớp cổ khi chúng ta già đi. Thoát vị đĩa đệm, đĩa đệm mất nước và hình thành gai xương đều là kết quả do quá trình lão hóa.

Ngoài lão hóa ra thì còn có các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ gồm có:

  • Chấn thương cổ
  • Các hoạt động gây áp lực lên cổ ví dụ như nâng vật nặng thường xuyên
  • Giữ cổ ở tư thế không thoải mái hoặc lặp đi lặp lại các động tác cổ giống nhau trong thời gian dài.
  • Yếu tố di truyền (tiền sử gia đình bị thoái hóa cột sống cổ)
  • Hút thuốc
  • Thừa cân và ít vận động

Các triệu chứng thường gặp

Mặc dù hầu hết những người bị thoái hóa cột sống cổ đều không gặp phải triệu chứng nào đáng kể nhưng đôi khi vẫn có các triệu chứng với mức độ nặng nhẹ khác nhau, có thể phát triển dần dần hoặc xảy ra đột ngột. Trong đó triệu chứng phổ biến nhất là đau quanh xương bả vai. Một số người còn gặp hiện tượng đau dọc theo cánh tay và trong các ngón tay. Đặc biệt, cơn đau thường tăng lên khi:

  • đứng
  • ngồi
  • hắt xì
  • ho
  • ngửa cổ về phía sau

Các triệu chứng khác còn có:

  • Yếu cơ, khiến cho việc giơ cánh tay hoặc cầm nắm đồ vật trở nên khó khăn
  • Cổ bị cứng
  • Đau đầu, chủ yếu ở phía sau đầu
  • Châm chích hoặc tê, chủ yếu ở vai và cánh tay, đôi khi còn xảy ra ở chân

Ngoài ra còn có các triệu chứng ít gặp hơn như mất thăng bằng và tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ. Khi xảy ra những triệu chứng này, bệnh nhân cần được can thiệp y tế ngay lập tức.

Khi nào cần đến bệnh viện?

Nếu đột nhiên cảm thấy tê hoặc có cảm giác châm chích ở vai, cánh tay, chân hoặc khi bị tiểu tiện/đại tiện không tự chủ thì cần đến bệnh viện ngay vì đây là những dấu hiệu của trường hợp khẩn cấp.

Nếu cơn đau và cảm giác khó chịu bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày thì bạn cũng nên đi khám.

Mặc dù thoái hóa cột sống cổ thường là kết quả do sự lão hóa nhưng vẫn có những phương pháp điều trị để giảm đau và cứng khớp.

Cách chẩn đoán

Trong quá trình kiểm tra chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống cổ, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp nhằm xác định xem các triệu chứng là do thoái hóa cột sống cổ hay các vấn đề về sức khỏe tiềm khác, ví dụ như đau cơ xơ hóa gây nên. Quá trình chẩn đoán còn gồm có bước kiểm tra chuyển động, các dây thần kinh, xương và cơ bị ảnh hưởng.

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng mà bạn gặp phải và chuyển sang tiến hành các phương pháp kiểm tra.

Các bài kiểm tra được sử dụng để chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ gồm có kiểm tra phản xạ, kiểm tra tình trạng yếu cơ hoặc giảm cảm giác và kiểm tra phạm vi chuyển động của cổ.

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đi bộ vài bước để xác định xem dây thần kinh và tủy sống có đang bị chèn ép hay không.

Nếu nghi ngờ thoái hóa cột sống cổ, bác sĩ sẽ tiến hành tiếp các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và đánh giá chức năng thần kinh để xác nhận chẩn đoán ban đầu.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X-quang: nhằm xác định xem có gai xương và các bất thường khác hay không.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): nhằm lấy hình ảnh chi tiết của cột sống cổ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng sóng radio và từ trường để xác định vị trí các dây thần kinh bị chèn ép.
  • Chụp tủy sống: đây là phương pháp tiêm một loại thuốc nhuộm đặc biệt gọi là chất cản quang để làm nổi bật một số vùng nhất định của cột sống, sau dó chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp X-quang để lấy hình ảnh chi tiết của những vị trí này.
  • Điện cơ đồ (electromyogram): phương pháp này đo hoạt động điện của dây thần kinh, cho phép kiểm tra xem chức năng truyền tín hiệu đến cơ của các dây thần kinh có đang hoạt động bình thường hay không.
  • Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh: nhằm kiểm tra tốc độ và độ mạnh của các tín hiệu được dây thần kinh truyền đi. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đặt các điện cực lên da nơi có dây thần kinh.

Điều trị thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hoặc không phẫu thuật. Các phương pháp đều tập trung vào việc giảm đau, giảm nguy cơ tổn thương vĩnh viễn và giúp người bệnh có cuộc sống bình thường.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu giúp giãn cơ cổ và vai, làm cho các cơ khỏe hơn và từ đó đem lại hiệu quả giảm đau.

Một trong các phương pháp vật lý trị liệu hiệu quả là kéo giãn cột sống cổ. Đây là phương pháp dùng tạ để tăng khoảng trống giữa các khớp cổ, giảm áp lực lên đĩa đệm cổ và rễ thần kinh.

Dùng thuốc

Nếu đã dùng các loại thuốc không kê đơn mà không thấy hiệu quả thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác như:

  • Thuốc giãn cơ như cyclobenzaprine (Fexmid) để điều trị co thắt cơ
  • Thuốc giảm đau nhóm opiod như hydrocodone (Norco) để giảm đau
  • Thuốc chống co giật, chẳng hạn như gabapentin (Neurontin) để giảm đau do tổn thương dây thần kinh
  • Tiêm các loại steroid như prednison để giảm viêm mô và giảm đau
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kê đơn như diclofenac (Voltaren-XR) để giảm viêm

Phẫu thuật

Nếu tình trạng thoái hóa cột sống nghiêm trọng và các biện pháp điều trị khác đều không hiệu quả thì sẽ cần làm phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ các gai xương, một phần xương cổ hoặc đĩa đệm bị thoát vị để giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh.

Bệnh thoái hóa cột sống cổ rất hiếm khi cần phẫu thuật nhưng đôi khi đây là giải pháp cần thiết nếu cơn đau quá nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng cử động của cánh tay.

Phương pháp điều trị tại nhà

Nếu bệnh chỉ ở mức độ nhẹ thì bạn có thể thử một số phương pháp điều trị tại nhà như:

  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol) hoặc thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen (Advil) hay naproxen natri (Aleve).
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên cổ để giảm đau nhức cơ
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Mang nẹp cổ mềm để giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, không nên đeo nẹp cổ trong thời gian dài vì điều này sẽ làm cho cơ bị suy yếu dần.

Triển vọng cho người bệnh thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ là một vấn đề phổ biến do lão hóa, gây cứng khớp, khó chịu, đau cổ và đau đầu.

Mặc dù không thể trị dứt điểm căn bệnh này nhưng các phương pháp nêu trên có thể làm dịu đáng kể cảm giác khó chịu, đau đớn hàng ngày và giúp bạn có thể sinh hoạt được bình thường.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây