Triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh tim mạch ở phụ nữ

Bệnh tim mạch là thuật ngữ chung chỉ tất cả những bệnh lý xảy ra với tim và mạch máu. Ví dụ về bệnh tim mạch gồm có:
- Bệnh động mạch vành (tình trạng tắc nghẽn động mạch cấp máu cho tim)
- Bệnh động mạch ngoại biên (tắc nghẽn mạch máu ở cánh tay hoặc chân)
- Rối loạn nhịp tim (tim đập bất thường)
- Bệnh cơ tim và bệnh van tim (vấn đề ở cơ tim hoặc van tim)
- Suy tim sung huyết (tim hoạt động kém hiệu quả, giảm khả năng bơm máu)
- Co thắt động mạch vành (thành động mạch vành co thắt đột ngột)
- Bệnh vi mạch vành (vấn đề với các mạch máu nhỏ phân nhánh từ động mạch vành)
- Suy tim phân suất tống máu giảm (một trong các buồng tim không có khả năng co bóp bình thường)
Những vấn đề này có thể xảy ra theo thời gian hoặc là kết quả của dị tật tim bẩm sinh (bất thường về cấu trúc tim có từ khi sinh ra).
Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh tim mạch ở phụ nữ
Nhiều phụ nữ mắc bệnh tim mạch không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hoặc dẫn đến biến chứng như họ nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, những triệu chứng có thể xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh tim mạch là:
- Đau ngực, tức ngực hoặc cảm giác khó chịu ở ngực (đau thắt ngực)
- Đau ở cổ, hàm hoặc họng
- Đau ở bụng trên
- Đau lưng trên
- Buồn nôn
- Mệt mỏi bất thường
- Hụt hơi
- Cảm giác không khỏe
- Da xanh xao, nhợt nhạt
- Đổ mồ hôi
Những triệu chứng này có thể xảy ra khi thực hiện các hoạt động thường ngày hoặc thậm chí cả khi không hoạt động. Đó cũng có thể là những dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim.
Triệu chứng nhồi máu cơ tim ở phụ nữ
Nam giới có tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim cao hơn nữ giới. Nhưng khi bị nhồi máu cơ tim, phụ nữ thường trì hoãn việc gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện muộn hơn và điều này dẫn đến tiên lượng kém hơn.
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch cấp máu cho tim bị tắc nghẽn. Khi không có đủ máu giàu oxy, mô tim sẽ chết và tim không thể thực hiện chức năng bơm máu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nhồi máu cơ tim sẽ nhanh chóng dẫn đến tử vong.
Có nhiều lý do khiến nhồi máu cơ tim thường được phát hiện muộn ở phụ nữ. Thứ nhât là bởi các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim giống với triệu chứng của nhiều vấn đề khác. Thứ hai, nhiều phụ nữ bị nhồi máu cơ tim không gặp phải các triệu chứng điển hình. Và thứ ba, các triệu chứng nhồi máu cơ tim ở phụ nữ thường xuất hiện từ từ.
Một số triệu chứng nhồi máu cơ tim phổ biến nhất ở phụ nữ là:
- Đau ngực, cảm giác như ngực bị bóp nghẹt hoặc bị vật nặng đè thay vì cơn đau ngực dữ dội thường xảy ra ở nam giới. Cũng có nhiều trường hợp hoàn toàn không có triệu chứng đau ngực.
- Mệt mỏi, không có sức lực. Tình trạng này có thể xảy ra trước các triệu chứng khác và biểu hiện giống như triệu chứng của bệnh cúm
- Đau họng và hàm, có thể có hoặc không kèm theo đau ngực
- Đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên, cảm giác giống như khó tiêu hoặc ợ nóng
- Đau, khó chịu hoặc cảm giác như có kim châm ở một hoặc cả hai cánh tay
- Đau lưng trên, cảm giác nóng, kim châm hoặc như bị đè ép
- Chóng mặt hoặc choáng váng
- Buồn nôn và nôn mửa
Các triệu chứng bệnh tim mạch khác ở phụ nữ
Khi bệnh tim mạch tăng nặng, các triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng hơn. Mỗi bệnh tim mạch có những triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng của bệnh tim mạch ở phụ nữ cũng khác với nam giới. Ví dụ, triệu chứng đau ngực phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh tim mạch ở phụ nữ:
- Sưng ở cẳng chân, bàn chân hoặc mắt cá chân
- Tăng cân
- Vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, ngủ không sâu giấc
- Tim đập nhanh
- Ho
- Thở khò khè
- Đổ mồ hôi
- Chóng mặt
- Khó tiêu
- Ợ nóng
- Lo âu
- Ngất xỉu
Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch ở phụ nữ
Một số loại bệnh tim mạch là bẩm sinh, nghĩa là xảy ra từ khi sinh ra. Những bệnh này thường là kết quả của dị tật tim bẩm sinh.
Di truyền cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, mắc một số bệnh lý nhất định sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, chẳng hạn như:
- Bệnh tiểu đường
- Tăng huyết áp
- Tăng huyết áp hoặc tiểu đường thai kỳ
- Các bệnh lý viêm như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus
- Mãn kinh, nhất là mãn kinh sớm
- Trầm cảm
- Nhiễm HIV
- Tiền sản giật
- Bệnh tự miễn
- Vôi hóa động mạch vú
Những yếu tố về lối sống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Hút thuốc
- Căng thẳng kéo dài
- Lối sống ít vận động
Bệnh tim mạch có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Nhồi máu cơ tim
- Đột quỵ
- Suy tim
- Ngừng tim
- Phình động mạch
Phương pháp chẩn đoán bệnh tim mạch
Để chẩn đoán bệnh tim mạch, trước tiên bác sĩ sẽ khai thác thông tin về bệnh sử cá nhân, gia đình, các triệu chứng, thời điểm bắt đầu có triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về lối sống, chẳng hạn như có hút thuốc và có tập thể dục hay không.
Xét nghiệm máu có thể giúp xác định nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ba xét nghiệm máu chính cần thực hiện là xét nghiệm lipid máu, cholesterol và triglyceride.
Tùy thuộc vào các triệu chứng và bệnh sử cá nhân của người bệnh mà sẽ phải thực hiện thêm các xét nghiệm máu khác, bao gồm xét nghiệm kiểm tra:
- tình trạng viêm trong cơ thể
- nồng độ natri và kali
- số lượng tế bào máu
- chức năng thận
- chức năng gan
- chức năng tuyến giáp
- các chất chỉ dấu cholesterol
- các xét nghiệm lipid máu khác
Các phương pháp chẩn đoán khác cần thực hiện còn có:
- Điện tâm đồ (EKG) để đo hoạt động điện trong tim. Điện tâm đồ giúp phát hiện rối loạn nhịp tim và dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim.
- Siêu âm tim. Sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh chuyển động của tim. Phương pháp này giúp đánh giá cấu trúc tim, chức năng và hoạt động của van tim.
- Nghiệm pháp gắng sức (stress test) giúp đánh giá hoạt động của tim khi chịu áp lực về thể chất. Trong quá trình thực hiện nghiệm pháp gắng sức, người bệnh sẽ đi bộ trên thảm lăn hoặc đạp xe trong khi bác sĩ đo tín hiệu điện của tim và huyết áp. Kết quả giúp dự đoán người bệnh có bị tắc nghẽn mạch máu làm giảm lưu lượng máu đến tim khi vận động hay không.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) mạch vành tính điểm canxi hóa để đo lượng canxi trong động mạch vành.
- Siêu âm động mạch cảnh. Sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh động mạch cảnh – các mạch máu nằm ở cổ, có chức năng cấp máu cho não và vùng đầu. Siêu âm động mạch cảnh giúp phát hiện nguy cơ đột quỵ.
- Chỉ số huyết áp cổ chân - cánh tay (ABI): Lấy chỉ số huyết áp tâm thu ở cổ chân chia cho chỉ số huyết áp tâm thu ở cánh tay.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) động mạch vành: chụp động mạch vành bằng máy chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang. Phương pháp này giúp đánh giá cấu trúc các mạch máu xung quanh tim để xem có bị tắc nghẽn hay không.
Ngoài điện tâm đồ truyền thống, một phương pháp khác để chẩn đoán rối loạn nhịp tim là Holter điện tâm đồ. Người bệnh sẽ phải đeo một thiết bị nhỏ trên người trong vài ngày đến vài tuần. Thiết bị này sẽ liên tục ghi lại tín hiệu điện của tim.
Nếu chưa thể đưa ra kết luận sau khi thực hiện các phương pháp kể trên thì sẽ phải tiến hành các thủ thuật xâm lấn để chẩn đoán bệnh tim mạch:
- Thông tim: một ống thông được đưa vào động mạch hoặc tĩnh mạch ở bẹn, cổ hoặc cánh tay, sau đó luồn qua các mạch máu đến tim. Thủ thuật này giúp phát hiện tắc nghẽn động mạch và đánh giá chức năng tim.
- Máy ghi vòng lặp cấy ghép: một thiết bị nhỏ được cấy dưới da để theo dõi nhịp tim, giúp xác định nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim.
Phương pháp điều trị bệnh tim mạch ở phụ nữ
Nói chung, phương pháp điều trị bệnh tim mạch ở phụ nữ và nam giới là giống nhau. Việc điều trị phụ thuộc vào loại bệnh tim mạch cụ thể.
Các phương pháp điều trị chính là dùng thuốc và phẫu thuật.
Các nhóm thuốc được dùng để điều trị bệnh tim mạch:
- Thuốc hạ mỡ máu: làm giảm LDL hay cholesterol xấu và tăng HDL hay cholesterol tốt.
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): ngăn cơ thể tạo ra angiotensin - một loại hormone làm co mạch máu và gây tăng huyết áp
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): có tác dụng ngăn cản angiotensin và làm giảm huyết áp.
- Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu: ngăn ngừa cục máu đông hình thành trong động mạch.
- Aspirin: một loại thuốc làm loãng máu có tác dụng ngăn tiểu cầu kết dính với nhau, nhờ đó ngăn ngừa hình thành cục máu đông và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Thuốc chẹn beta: có tác dụng ngăn cản hoạt động của một số hóa chất kích thích tim.
- Thuốc chẹn kênh canxi: ngăn canxi đi vào tim và động mạch, nhờ đó làm giảm huyết áp.
- Thuốc nitrat: mở rộng mạch máu để máu lưu thông dễ dàng hơn và hạ huyết áp.
Các thủ thuật điều trị bệnh tim mạch:
- Đặt stent. Stent là ống rỗng dạng lưới làm bằng kim loại, có thể được đưa vào động mạch vành bị hẹp để mở rộng động mạch và cải thiện sự lưu thông máu đến tim.
- Can thiệp động mạch vành qua da hay còn gọi là nong mạch vành. Đây là một thủ thuật nhằm mở rộng các mạch máu cấp máu cho tim. Thông thường, stent được đặt vào động mạch vành sau khi nong.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Đây là một giải pháp điều trị cho những ca bệnh động mạch vành nghiêm trọng. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ cắt một đoạn mạch máu khỏe mạnh ở chân của người bệnh và ghép vào động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc tổn thương nhằm dẫn máu chảy vòng qua phần động mạch bị tắc. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, tỷ lệ phụ nữ phải phẫu thuật bắc cầu động mạch vành thấp hơn nam giới.
Phòng ngừa bệnh tim mạch ở phụ nữ
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, bao gồm yếu tố di truyền, yếu tố sinh học, yếu tố về sức khỏe và yếu tố về lối sống.
Mặc dù không thể phòng ngừa bệnh tim mạch một cách hoàn toàn nhưng có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để giảm nguy cơ:
- Đo huyết áp thường xuyên và kiểm soát bệnh tăng huyết áp bằng cách dùng thuốc và điều chỉnh lối sống.
- Bỏ thuốc lá.
- Xét nghiệm đường huyết định kỳ, nhất là khi có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, chẳng hạn như tiền sử gia đình hoặc béo phì.
- Kiểm soát lượng đường trong máu khi bị tiểu đường.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Ăn uống lành mạnh với nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ và thịt nạc.
- Uống ít rượu bia.
- Kiểm soát căng thẳng.
- Xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi mức cholesterol và thực hiện các biện pháp kiểm soát nếu nồng độ cholesterol ở mức cao.
- Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.
- Tập thể dục đều đặn.
- Nếu từng bị nhồi máu cơ tim và được bác sĩ kê aspirin liều thấp, hãy dùng thuốc đều đặn hàng ngày. Những người chưa từng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ không nên dùng aspirin hàng ngày vì điều này làm tăng nguy cơ chảy máu.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể con người. Động mạch này mang máu từ tim lên đầu, sau đó đến cánh tay và xuống bụng, chân và vùng chậu. Thành động mạch chủ có thể trở nên suy yếu và phình lên giống như quả bóng. Tình trạng này được gọi là phình động mạch chủ và nếu xảy ra ở phần động mạch chủ vùng bụng thì được gọi là phình động mạch chủ bụng (abdominal aortic aneurysm).

Viêm mạch hoại tử (necrotizing vasculitis), tên đầy đủ viêm mạch hoại tử toàn thân (systemic necrotizing vasculitis), là tình trạng thành mạch máu bị viêm. Tình trạng này thường xảy ra ở các mạch máu nhỏ và vừa.

Huyết khối động mạch có nghĩa là cục máu đông hình thành trong động mạch. Nếu cục máu đông chặn dòng máu đến một cơ quan quan trọng như tim hoặc não, tình trạng này có thể gây tử vong.

Huyết khối động mạch chủ là khi cục máu đông hình thành trong động mạch chủ - động mạch chính dẫn máu từ tim. Đây là một tình trạng vô cùng nguy hiểm cần điều trị khẩn cấp.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu bên trong cơ thể. Cục máu đông được tạo nên từ tiểu cầu và mạng lưới các sợi protein gọi là fibrin. Cục máu đông gây cản trở dòng máu trong tĩnh mạch. Cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến những vị trí khác trong cơ thể.