1

Nguyên tắc tổ chức, chế độ làm việc tại khoa truyền nhiễm - bệnh viện 103

1. Tính chất, nhiệm vụ khoa truyền nhiễm

- Bệnh viện hoặc Khoa Truyền nhiễm là nơi để phát hiện, cách ly và điều trị bệnh nhân truyền nhiễm đến lúc khỏi triệt để: nghĩa là hết khả năng lây truyền bệnh sang người khác.

- Bệnh viên hoặc khoa Truyền nhiễm là nơi điều trị những bệnh nhân truyền nhiễm. Nhưng mặt khác nếu công tác tổ chức, chế độ không tốt, đây cũng là một ổ bệnh nguy hiểm, uy hiếp địa phương xung quanh và có thể gây ra những vụ dịch lớn trong phạm vi bệnh viện và ngoài nhân dân. Do đó, tổ chức và chế độ làm việc trong khoa Truyền nhiễm phải đảm bảo:

  • Tránh lây chéo trong bệnh nhân và nhân viên
  • Không để lây lan bệnh ra ngoài nhân dân.

- Ngoài ra, do tính chất mặt bệnh, tính chất công tác khoa Truyền nhiễm có những đặc điểm sau:

  • Bệnh nhân đa số là cấp tính, nhiều cấp cứu, tỷ lệ lưu thông cao
  • Nhiệm vụ khử trùng tảy uế nặng nề hơn các khoa lâm sàng khác

2. Yêu cầu về tổ chức và chế độ làm việc 

Yêu cầu cao nhất về tổ chức và chế độ làm việc tại khoa truyền nhiễm là: không để lây chéo

2.1. Khái niệm về “lây chéo”

– Lây chéo là một tai nạn trong điều trị. Lây chéo có thể xẩy ra giữa bệnh nhân với bệnh nhân (tai nạn điều trị), giữa bệnh nhân với nhân viên (tai nạn lao động)

– Hai tác hại của lây chéo:

  • Làm bệnh chính nặng thêm, gây biến chứng, tăng tỷ lệ tử vong
  • Mỗi lần có lây chéo, phải tổ chức cách ly, kiểm dịch kịp thời…

– Nguyên nhân lây chéo:

  • Do nhiễm bệnh từ trước khi vào viện (đang thời kỳ nung bệnh), vào viện mới phát bệnh.
  • Lây chéo trong khi nằm viện do chẩn đoán sai nên không xếp bệnh nhân đúng buồng, do bệnh nhâ không chấp hành nội quy đi lại và tiếp xúc bừa bãi, do nhân viên không chấp hành đúng chế độ làm lây lan mầm bệnh từ ngoài vào hoặc từ bệnh nhân này sang bệnh nhaan khác, do chế độ khử trùng tẩy uế buồng bệnh không đảm bảo…

Muốn xác định lây chéo trước hay sau khi vào viện cần căn cứ vào thời gian nung bệnh. Những bệnh hay xảy ra lây chéo thường là các bệnh lây đường hô hấp. Bệnh lỵ trực khuẩn, viêm gan virut cũng có thể gây lây chéo.

2.2. Biện pháp ngăn ngừa lây chéo trong bệnh viện

– Tổ chức Phòng khám bệnh và tiếp nhận bệnh nhân thật khoa học (theo hướng đi một chiều), khám và chẩn đoán chính xác, cảnh giác đối với những bệnh đang trong thời gian nung bệnh.

– Không để bệnh nhân tiếp xúc bừa bãi trong khi chờ khám bệnh

– Tổ chức các buồng bệnh đủ điều kiện cách ly

–  Sáp xếp bệnh nhân vào các buồng bệnh cho hợp lý

–  Quy định nội quy bệnh nhân, không để bệnh nhân tiếp xúc với nhau

– Quy định chế độ làm việc cho nhân viên, đảm bảo không để mang mầm bệnh từ ngoài vào bệnh viện, từ bệnh nhân nọ sang bệnh nhân kia và không để bản thân nhân viên mắc bệnh.

– Quy định chế độ khử trùng, tảy uế buồng bệnh, đồ đạc, dụng cụ, chất thải… để tiêu diệt các trung gian truyền bệnh

2.3. Ngăn ngừa không để bệnh lan ra ngoài nhân dân

Nguyên nhân lây lan bệnh ra ngoài nhân dân:

  • Cống rãnh, chất thải, nước tắm giặt, hệ thống tiêu độc không triệt để, quần áo bệnh nhân đem giặt lung tung ngoài thành phố.
  • Xe vận chuyển bệnh nhân đến, khi ra về không được khử trùng, tẩy uế.
  • Nhân viên khi đến làm việc không thay quần áo, mũ, giầy, dép… Khi ra về không tắm rửa, ngâm tay vào thuốc sát trùng hoặc mang quần áo công tác về nhà…
  • Gia đình bệnh nhân đến thăm và tiếp xúc với bệnh nhân bừa bãi, thân nhân bệnh nhân ở lại chăm sóc không theo đúng nội quy, làm reo rắc mầm bệnh ra xung quanh
  • Cho bệnh nhân ra viện “non”, không đúng tiêu chuẩn, còn mang mầm bệnh.

Biện pháp ngăn ngừa bệnh lan ra ngoài nhân dân:

  • Tổ chức hệ thống tiêu độc tốt, không cho phép mang quần áo bẩn của bệnh nhân ra ngoài bệnh viện và về nhà
  • Quy định nội quy đói với nhân viên khi vào làm việc và lúc ra về, nội quy đối với người nhà đến thăm bệnh nhân.
  • Quy định tiêu chuẩn ra viện đúng cho từng loại bệnh, tổ chức buồng chuẩn bị ra viện.

3. Những loại bệnh thu dung điều trị tại khoa truyền nhiễm

Khoa Truyền nhiễm là nơi thu dung, điều trị các bệnh do các vi sinh vật, ký sinh trung gây ra và có khả năng lây truyền. Theo bảng phân loại bệnh truyền nhiễm của Gramasepsky – Iolkin, các mặt bệnh truyền nhiễm được chia ra thành các nhóm bệnh:

  • Nhóm các bệnh truyền nhiễm lây đường tiêu hoá
  • Nhóm các bệnh truyền nhiễm lây đường hô hấp
  • Nhóm các bệnh truyền nhiễm lây đường máu
  • Nhóm các bệnh truyền nhiễm lây đường da và niêm mạc

Ngoài ra, khoa Truyền nhiễm cần có một khu bệnh cho các bệnh nhân “sốt chưa rõ nguyên nhân”. Các bệnh nhân “sốt chưa rõ nguyên nhân” cần đưa vào khoa truyền nhiễm vì khoảng 70-80% trường hợp sốt là bệnh truyền nhiễm và vì khoa truyền nhiễm là nơi đủ điều kiện cách ly.

4. Nguyên tắc tổ chức bệnh viện hoặc khoa truyền nhiễm

Một bệnh viện hoặc khoa Truyền nhiễm cần có những bộ phận chính sau:

  • Một nhà hoặc phòng khám và tiếp nhận bệnh nhân
  • Các khu bênh theo các đường lây khác nhau
  • Một số buồng chuyên môn, kỹ thuật

Trong các khu bệnh, ngoài các buồng bệnh và buồng làm việc thông thường (như buồng điều trị, buồng hành chính, buồng trực…) phải tổ chức một số buồng có tính chất đặc biệt của truyền nhiễm:

  • Buồng thay quần áo, tắm rửa một chiều của nhân viên
  • Buồng chuẩn bị cho bệnh nhân ra viện
  • Buồng chia cơm và thức ăn
  • Buồng khử trùng, tẩy uế quần áo, bô vịt và dụng cụ hộ lý…

Những buồng chuyên môn, tuy theo khả năng và hoàn cảnh từng nơi, có thể bao gồm:

  • 1 buồng X quang
  • 1 buồng xét nghiệm (gồm xét nghiệm máu, phân, nước tiểu thông thường; vi khuẩn; sinh hoá…)
  • 1 buồng siêu âm
  • 1 số buồng làm tiểu thủ thuật (như lấy dịch mật, sinh thiết gan, soi trực tràng v.v…)

Sở dĩ cần phải tổ chức các buồng này cần làm ngay tai khoa truyền nhiễm để tránh đưa các bệnh nhân truyền nhiễm sang các khoa khác của Bệnh viện, hạn chế lây truyền các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh nhân khác.

4.1. Nhà khám và tiếp nhận bệnh nhân

Nhà (hay phòng) khám và tiếp nhận bệnh nhân là một bộ phận cần thiết và quan trọng nhất của khoa truyền nhiễm.

Mục đích và yêu cầu tổ chức nhà khám bệnh là:

  • Ngăn ngừa bệnh lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác trong khi ngồi chờ khám bệnh.
  • Không để bệnh nhân nhiễm thêm mầm bệnh của phong khám.
  • Đảm bảo làm vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân, tắm rửa, lau mình, thay quần áo cho họ trước khi vào buồng bệnh.

Nhà khám và tiếp nhận bệnh nhân cần được xây riêng biệt, không liền với khu bệnh. Nhà khám bệnh nên có 3-4 buồng khám trở lên. Mỗi buồng để khám riêng một nhóm bệnh lây khác nhau. Khi bố trí nhà khám bệnh cần theo nguyên tắc ra vào một chiều, có lối ra vào của bệnh nhân và nhân viên riêng biệt.

Mỗi phòng khám bệnh truyền nhiễm cần có hệ thống một chiều gồm 3 hoặc 4 phòng thông nhau:

  • 1 phòng để khám bệnh nhân
  • 1 phòng thu hồi quần áo bẩn của bệnh nhân cho vào các túi để đưa đi khử trùng, giặt.
  • 1 phòng tắm rửa cho bệnh nhân
  • 1 phòng thay quần áo bệnh viện cho bệnh nhân

4.2. Các khu bệnh

Nên có nhiều khu bệnh, mỗi khu bệnh thu dung một nhóm bệnh (theo cùng đường lây). Giữa các khu bệnh không nên có sự lưu thông với nhau để tránh lây truyền bệnh.

Nguyên tắc căn bản bố trí một khu bệnh là:

  • Có lối vào riêng của bệnh nhân khi vào điều trị, có lối ra riêng khi khỏi bệnh. Có lối ra vào riêng của nhân viên.
  • Nên xây dựng khu bệnh theo kiểu: một dãy buồng bệnh và một hành lang để thông thoáng, tránh lây chéo (không nên xây dựng 2 dãy buồng bệnh có 1 hành lang ở giữa).
  • Các buồng làm việc của nhân viên, buồng kỹ thuật, buồng điều trị… cần bố trí hợp lý, thích hợp để không bị lây bệnh cho nhân viên.

Mỗi khu bệnh có nhiều loại buồng bệnh khác nhau: buồng cho 3-4 bệnh nhân cùng loại bệnh, buồng cho mỗi bệnh nhân riêng (cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân chẩn đoán chưa rõ). Cũng cần có buồng dành cho các loại bệnh “tối nguy hiểm” (có lối đi riêng, không đi vào hành lang chung cùng các bệnh nhân khác).

4.3. Buồng thay quần áo, tắm rửa của nhân viên

Đây là nơi thay quần áo, tắm rửa của nhân viên khi đến làm việc và trước lúc ra về. Yêu cầu buồng này là phải đảm bảo nhân viên không mang mầm bệnh từ nơi làm việc về gia đình và ra ngoài nhân dân và ngược lại.

Do vậy, buồng này cần yêu cầu có hệ thống một chiều gồm 3 phòng thông với nhau:

  • 1 phòng để treo quần áo, mũ, giầy dép, đồ dùng riêng của cá nhân khi đến làm việc. Phòng này cần có các tủ để đồ riêng cho mỗi cá nhân.
  • 1 phòng là nơi rửa chân tay, tắm gội…
  • 1 phòng treo quần áo công tác, mũ, khẩu trang, dép, guốc (đi trong buồng bệnh) và các dụng cụ khám bệnh (ống nghe, búa phản xạ…). Phòng này cũng cần có các ngăn tủ riêng cho từng nhân viên.

Trong phòng này cần để sẵn một số quần áo, mũ, khẩu trang, dép… cho nhân viên khoa khác đến hoặc khách đến công tác.

5. Chế độ làm việc 

5.1. Tại nhà khám bệnh và tiếp nhận bệnh nhân

Chế độ làm việc tại nhà khám và tiếp nhận bệnh nhân cần phải đạt 4 yêu cầu:

  • Đảm bảo cho bệnh nhân không tiếp xúc và lây nhau tại buồng khám bệnh
  • Chẩn đoán chính xác, cảnh giác với những bệnh đang ở thời kỳ nung bệnh
  • Tắm rửa, thay quần áo cho bệnh nhân trước khi vào khu bệnh
  • Khử trùng triệt để xe vận chuyển bệnh nhân, thông báo kịp thời cho y tế địa phương, đơn vị để phòng dịch, hạn chế dịch lây lan

5.1.1. Chế độ khám và tiếp nhận bệnh nhân

Tuyệt đối không để các bệnh nhân cùng chờ hay cùng khám chung trong một buồng. Khám xong một bệnh nhân phải khử trùng, tẩy uế ngay buồng khám (chủ yếu là giường khám bệnh và những chất bài tiết của bệnh nhân) trước khi khám bệnh nhân khác, nhất là những bệnh đường hô hấp và tiêu hoá.

Khi khám bệnh, phải hỏi kỹ tiền sử, chú ý hỏi kỹ những điểm sau:

  • Những bệnh đã mắc trong tiền sử
  • Đã tiêm chủng gì chưa?
  • Đã tiếp xúc với những bệnh nhân nào?

5.1.2. Xử lý vệ sinh cho bệnh nhân

Những bệnh nhân khám xong, trước khi vào khu bệnh cần được tắm rửa, thay quần áo. Nội dung xử lý vệ sinh, tắm rửa cho bệnh nhân tuỳ thuộc vào mức độ nặng-nhẹ của bệnh. Quần áo của bệnh nhân cần được khử trùng trước khi đem giặt.

5.1.3. Khử trùng, tẩy uế phương tiện vận chuyển bệnh nhân

Xe vận chuyển bệnh nhân, cáng khiêng bệnh nhân phải được khử trùng tẩy uế bằng crezin 3% hoặc cloramin 1% trước và sau vận chuyển bệnh nhân,

5.1.4.Thông báo dịch với cơ quan y tế trạm vệ sinh dịch tễ địa phương, cơ sở

Khi phát hiện thấy bệnh nhân truyền nhiễm có khả năng phát sinh dịch phải thông báo cho cơ quan y tế hoạc trạm vệ sinh dịch tễ địa phương hoạc đơn vị cơ sở. Nếu là bệnh dịch “tối nguy hiểm” phải báo cáo khẩn cấp lên cơ quan y tế cấp trên.

5.2. Trong các khu bệnh

Chế độ công tác trong các khu bệnh nhân phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Không để xảy ra lây chéo (lây chéo giữa các bệnh nhân, bệnh nhân với nhân viên và ngược lại)
  • Không để bệnh truyền nhiễm lây ra ngoài nhân dân

Để đảm bảo được các yêu cầu trên, cần chú trọng đến các chế độ, nội quy sau:

5.2.1. Nguyên tắc sắp xếp bệnh nhân

Theo nguyên tắc: Sắp xếp bệnh nhân phải dựa vào loại bệnh, tình trạng bệnh nhân nặng hay nhẹ, bệnh đã mắc trước đây, tình hình tiêm chủng, tình hình đã tiếp xúc với những bệnh nhân khác

5.2.2. Nội quy nhân viên

– Nhân viên trước khi vào công tác ở khoa truyền nhiễm phải được kiểm tra khoẻ và định kỳ kiểm tra sức khoẻ. Chú ý các bệnh lao, da liễu, thương hàn, lỵ, viêm gan do HBV, HCV…

– Hàng năm được tiêm phong và khám sức khoẻ

– Hàng ngày, đến làm việc phải thay quần áo. Trước khi ra về cần phải tắm rửa, khử trùng, thay quần áo

– Mọi nhân viên đều phải đeo khẩu trang, nhất là ở khu bệnh lây đường hô hấp

– Nhân viên khi vào khu bệnh dễ lây (SARS, Cúm A, sởi, bạch hầu…) phải khoác thêm áo cách ly (treo sẵn trước cửa buồng), khi ra khỏi khu cách ly phải để quần áo lại đó.

– Nhân viên không để các dụng cụ khám bệnh, bệnh án… lên giường bệnh nhân, không ngồi lên giường bệnh nhân

– Không được ăn uống, hút thuốc trong buồng bệnh hoặc ở hành lang

– Sau khi khám bệnh hoặc săn sóc bệnh nhân phải rửa tay bằng các dung dịch khử khuẩn nhanh hoặc châm

– Các công việc phục vụ bệnh nhân (tiêm, uống thuốc, ăn uống của bệnh nhân…) đều thực hiện tại buồng bệnh nhân. Khi thật cần thiết mới tập trung bệnh nhân, nhưng chỉ tập trung các bệnh nhân đã hét cách ly.

5.2.3. Nội quy bệnh nhân

– Không mang theo đồ chơi, sách vở, báo chí vào khu bệnh. Khi đã chót mang vào, khi ra phải để lại. Những đồ chơi bằng nhựa, cao su… sau khi khử trùng mới được đem ra khỏi khu bệnh.

– Không được tự do đi lại trong khu bệnh và đi sang các buồng khác

– Chỉ các bệnh nhân đã hết thời gian cách ly, sắp ra viện mới được đến các chỗ sinh hoạt chung của bệnh nhân

– Những bà mẹ đến chăm sóc trẻ em (bệnh nhi) cũng phải được kiểm tra có “mang trùng lành” không và phải thực hiện nội quy như bệnh nhân

5.2.4. Chế độ khử trùng tẩy uế

5.2.4.1. Vệ sinh cá nhân trong khi nằm viện

– Đảm bảo vệ sinh tối thiểu cho bệnh nhân: tối thiểu tắm 1 lần/tuần, trường hợp  nặng cần được lau rửa mình bằng nước ấm, cắt tóc, cắt móng tay…

– Thay quần áo bệnh nhân 2 lần/tuần, thay vải trải giường 1 tuần/lần

5.2.4.2. Khử trùng, tẩy uế đồ dùng, dụng cụ hộ lý, chất bài tiết

– Quần áo, khăn trải giường dính phân, nước tiểu phải thay ngay, ngâm trong dung dịch cloramin 0,5%/2 giờ, luộc sôi và giặt xa phòng. Không được giặt ở các tổ chức công cộng trong thành phố.

– Tất cả các đồ dùng giao cho bệnh nhân phải được dùng riêng, không lẫn lộn.

– Bệnh nhân trẻ em chỉ cho chơi những đồ chơi bằng cao su, nhựa dễ khử trùng. Không để trẻ em chơi chung. Khi ra viện đồ chơi phải được ngâm trong dung dịch cloramin 0,3%/30 phút hoặc luộc sôi.

– Giấy vụn, giáy báo, tóc… tập trung trong thùng rác và đem đi đốt

– Bát đĩa, ca men… hàng ngày phải luộc sôi 30 phút. Trước khi ra viện, các dụng cụ này phải dược ngâm trong cloramin 0,5%/1 giờ rồi luộc sôi

– Thức ăn thừa của bệnh nhân đổ vào thùng sắt rắc clorua vôi, để 2 giờ sau đổ vào hố tiêu độc

– Phân, nước tiểu, chất nôn hàng ngày rắc clorua vôi (tỷ lệ 1/5), để 1 giờ rồi đổ vào hố tiêu độc. Bô vịt ngâm vào dung dịch cloramin 1%/30 phút hoặc crezin 3%/30 phút; ống nhổ phải luộc sôi.

– Túi chườm, đệm chống loét khi dung xong phải ngâm trong dung dịch cloramin 0,5%/1 giờ. Canuyn để thụt hậu môn phải luộc sôi và đựng trong dung dịch cloramin 0,2%. Đè lưỡi bằng sắt phải được luộc sôi 30 phút sau mỗi lần dùng. Nhiệt kế sau khi dùng phải lau bằng dung dịch cloramin 0.2% và cồn 700

5.2.4.3. Khử trùng buồng bệnh

– Buồng bệnh, đồ đạc, sàn nhà hàng ngày phải lau rửa bằng nước và mở cửa cho thoáng

– Hàng tuần phải khử trùng tẩy uế buồng bệnh bằng crezin 2-3%

– Sau khi bệnh nhân ra viện phải tổng khử trùng buồng bệnh và các đồ dùng trong buồng

– Hàng năm phun thuốc DDT chống ruồi, muỗi

– Các quả đấm cửa nên bọc vải thấm cloramin và định kỳ thay luộc sôi và giặt

5.2.5. Biện pháp đối phó khi có lây chéo

– Khi phát hiện một số bệnh nhân mắc thêm một bệnh truyền nhiễm khác trong khi điều trị, lập tức chuyển ngay các bệnh nhân này vào khu cách ly riêng, đồng thời khử trùng, tẩy uế buồng bệnh cũ của bệnh nhân.

– Nếu bệnh mới xuất hiện là một bệnh lây đường hô hấp thì phải Karantin (quarantaine), là chế độ cách ly kiểm dịch, toàn bộ khu bệnh.

– Trong thời gian Karantin: không nhận thêm bệnh nhân mới, trừ trường hợp bệnh nhân mới mắc bệnh tương tự hoặc đã mắc bệnh này trong tiền sử (đã có miễn dịch). Không cho ra viện, ra khỏi buồng hoặc khu bệnh những bệnh nhân đang có chế độ cách ly kiểm dịch. Thời gian cách ly kiểm dịch là thời gian tối đa của thời gian nung bệnh.

– Đối với các bệnh có vacxin dự phòng hoặc kháng huyết thanh đặc hiệu thì cần được sử dụng ngay cho những người có nguy cơ mắc bệnh.

5.2.6. Chế độ cho bệnh nhân ra viện

Để ngăn ngừa bệnh lan ra ngoài xã hội cần làm tốt hai chế độ: chế độ cho bệnh nhân ra viện và chế độ người nhà đến thăm.

– Cho bệnh nhân ra viện phải đúng tiêu chuẩn, kiểm tra chặt chẽ

– Bệnh nhân ra viện phải đạt được 3 tiêu chuẩn sau: Khỏi về lâm sàng và sức khoẻ đã tốt; không còn mang mầm bệnh và bài tiết mầm bệnh nữa; hết thời gian cách ly.

– Đối với các bệnh mang mầm bệnh dai dẳng, mạn tính: phải thông báo với cơ quan y tế hoặc trạm vệ sinh phòng dịch địa phương để tiếp tục quản lý và có biện pháp xử lý thích hợp (sắp xếp công tác, hạn chế tiếp xúc…)

– Trước khi ra viện, bệnh nhân phải được tắm rửa, thay quần áo. Buồng bệnh đồ dùng và quần áo bệnh nhân cần phải được khử trùng tẩy uế.

5.2.7. Chế độ người nhà đến thăm

– Hạn chế người nhà vào thăm tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân đang ở giai đoạn có thể lây bệnh

– Khi người nhà vào thăm bệnh nhân cần có biện pháp phòng lây bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay bằng các dung dịch sát khuẩn …

6. Thu dung bệnh  tối nguy hiểm

6.1. Các mầm bệnh thường được lựa chọn trong chiến trang sinh học

– Mầm bệnh có độc lực mạnh, gây được bệnh nặng, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Công tác phỏng chống dịch phức tạp, khó. Khả năng ngăn cfhawnj và dập dịch khó khăn. Các loại mầm bệnh thường được sử dụng là: than, dịch hạch, đậu mùa, ebola.

– Mầm bệnh có sức đề kháng cao ở ngoại cảnh như các nha bào than, uốn ván.

– Thường lây bằng đường hô hấp: dịch lan nhanh và khó kiểm soát

6.2. Các biện pháp phòng chống

– Phát hiện sớm mầm bệnh

– Báo cáo cấp trên trực tiếp

– Thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt (quarantine), nhằm hạn chế tối đa khả năng lây lan và phát tán mầm bệnh. Thời gian cách ly phụ thuộc loại mầm bệnh. Thông thường thời gian cách ly bằng 2 lần thời gian nung bệnh tối đa kể từ khi xuất hiện người bệnh cuối cùng

– Điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân có hiệu quả, đúng chỉ định, đúng phác đồ

– Tiến hành biện pháp khử trùng tẩy uế khi bệnh nhân xuất viện

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? 01:57
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
 Hàng năm có khoảng 450 triệu người trên thế giới bị viêm phổi, đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người,...
 3 năm trước
 659 Lượt xem
Sử dụng máy KOKO 1000 tự động kiểm tra và đánh giá chức năng hô hấp Sử dụng máy KOKO 1000 tự động kiểm tra và đánh giá chức năng hô hấp 03:26
Sử dụng máy KOKO 1000 tự động kiểm tra và đánh giá chức năng hô hấp
KOKO 1000 là máy đo chức năng hô hấp hiện đại của thương hiệu nSpire, Mỹ, được các Bác sĩ tại BVĐK Phương Đông chỉ định trong các trường hợp...
 3 năm trước
 1003 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây