1

Hội chứng OSA là gì? - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Obstructive sleep apnea - OSA là gì?

  • Ngưng thở khi ngủ là tình trạng tắc nghẽn tạm thời đường hô hấp trên trong lúc ngủ, dẫn đến giảm trao đổi khí và rối loạn giấc ngủ của trẻ.
  • Nếu không được phát hiện và điều trị thích hợp, ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến học tập, hành vi, bệnh lý tim mạch và chậm phát triển ở trẻ em. Trường hợp nặng rất hiếm gặp của OSA ở trẻ có thể gây đột tử khi ngủ. 

Các yếu tố nguy cơ

  • Quá phát V.A/Amidan (tình trạng viêm amidan cấp tính, tái phát nhiều lần) và béo phì là 2 yếu tố nguy cơ hàng đầu của chứng ngưng thở khi ngủ
  • Quá phát V.A/Amidan có liên quan đến yếu tố di truyền, nhiễm trùng, phản ứng viêm tại chỗ. Kích thước của amidan hay V.A lớn làm hẹp đường thở sẽ dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ cho dù mức độ quá phát chỉ là độ I. Phương pháp đánh giá độ lớn của V.A tốt nhất là dùng máy nội soi.
  • Béo phì là một yếu tố rất quan trọng trong OSA, nó có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Nhưng nguy cơ cao nhất ở độ tuổi thiếu niên (6-16 tuổi), bệnh thường ở nam giới.
  • Một số yếu tố nguy cơ khác như: tình trạng sức khỏe, thần kinh, hệ xương (đặc biệt là xương hàm), bệnh bẩm sinh (bại não, Down, chứng loạn dưỡng cơ,..)

Triệu chứng 

  • Triệu chứng ban đêm: Ngáy to (thường ≥3 đêm/tuần), thở bằng miệng, ngưng thở, ho hay bị thức giấc, đổ mồ hôi nữa đêm. Triệu chứng khác cần lưu ý như: mộng du hay mơ ác mộng.
  • Triệu chứng ban ngày ở trẻ em không rõ như người lớn, bao gồm: hay ngáp, buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật ban ngày. Đặc biệt ba mẹ cần lưu ý hơn khi trẻ có biểu hiện giảm tập trung, học sa sút, hiếu động thái quá, bốc đồng, nổi loạn, hung hăng, khó kiểm soát cảm xúc.

Chẩn đoán 

Cần sàng lọc chứng ngưng thở khi ngủ cho các trẻ khi có các biểu hiện: có ngủ ngáy ≥3 đêm/tuần, ngưng thở khi ngủ, béo phì hoặc có các yếu tố nguy cơ khác. Đặc biệt cần đánh giá giấc ngủ ở những trẻ có vấn đề về học tập, rối loạn hành vi và cảm xúc.

Chẩn đoán bao gồm 3 yếu tố:

  • Lịch sử giấc ngủ của trẻ
  • Khám lâm sàng chi tiết vùng hầu họng
  • Đo đa kí giấc ngủ (Polysomnography, PSG) hoặc đánh giá của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Điều trị OSA

Lựa chọn điều trị OSA phụ thuộc vào tuổi của trẻ, có thể đánh giá như sau:

  • Các triệu chứng lâm sàng như: khó ngủ vào ban đêm, các rối loạn chức năng vào ban ngày. 
  • Có các bệnh lý kèm theo: các rối loạn di truyền như sọ mặt, hệ thần kinh – cơ…
  • Các yếu tố nguy cơ: bép phì, quá phát V.A…
  • Đánh giá dựa vào kết quả nội soi tai mũi họng và các đánh giá mức độ của bác sĩ.

Điều trị không phẫu thuật

Dùng thuốc: Các loại steroid dùng tại chỗ cho mũi, chẳng hạn như fluticasone (Dymista) và budesonide (Rhinocort, Pulmicort Flexhaler, những loại khác), có thể làm dịu các triệu chứng ngưng thở khi ngủ đối với một số trẻ bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nhẹ. Đối với trẻ em bị dị ứng, montelukast (Singulair) có thể giúp giảm các triệu chứng khi sử dụng một mình hoặc phối hợp với steroid xịt mũi.

Máy thở áp lực dương (CPAP: Continuous positive airway pressure): là máy thổi không khí qua một ống và mặt nạ gắn vào mũi, hoặc vào miệng của con bạn. Máy được dùng để đưa áp suất không khí vào phía sau cổ họng của con bạn để giữ cho đường thở của con bạn luôn mở. 

Chỉnh nha: sử dụng dụng cụ mở rộng hàm trên và nâng cao hàm dưới là phương pháp chỉnh nha sử dụng phần cứng nha khoa để tạo thêm không gian trong miệng và cải thiện luồng không khí qua đường thở.

Trị liệu cơ năng: Các bài tập về miệng và cổ họng, còn được gọi là “liệu pháp điều trị cơ” hoặc “các bài tập về hầu họng”, phương phá này đã được chứng minh là cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và chứng ngáy ngủ ở trẻ em. (http://myofunctionaltherapy.blogspot.com/)

Giảm các yếu tố nguy cơ:

  • Giảm cân
  • Kiểm soát môi trường sống: tránh khói thuốc lá, các chất ô nhiễm và các chất gây dị ứng trong nhà vì chúng có thể làm tăng ngạt mũi, tăng trở kháng đường hô hấp.

Điều trị phẫu thuật

Cắt bỏ amidan và nạo VA:  Đối với chứng ngưng thở khi ngủ từ mức độ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể giới thiệu con bạn đến bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để kiểm tra về việc loại bỏ amidan và VA. Cắt bỏ tuyến phụ có thể cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. 

Các hình thức phẫu thuật tái lưu thông đường hô hấp trên khác có thể được khuyến nghị, dựa trên tình trạng của trẻ:

  • Phẫu thuật vách ngăn và cuốn mũi: tái tạo lại cấu trúc mũi góp phần điều trị viêm mũi dị ứng, cải thiện lưu lượng khí và giảm ngạt mũi. 
  • Phẫu thuật chỉnh hình lưỡi gà, màn hầu, họng miệng: có nhiều biến chứng như chảy máu, yếu vòm hầu, rối loạn nuốt, nên rất ít chỉ định ở trẻ em. Các phẫu thuật đáy lưỡi và hạ họng: được chỉ định cho những trẻ bị OSAS nặng có tắc nghẽn ở hạ họng hoặc đáy lưỡi.
  • Các phẫu thuật xương hàm: phẫu thuật đưa xương hàm dưới ra trước, phẫu thuật đưa xương hàm trên và hàm dưới ra trước tùy vị trí hẹp.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây