1

Bệnh nhân ung thư đầu tiên được chữa khỏi hoàn toàn

Đó dường như là một điều kì diệu đối với 18 bệnh nhân ung thư trực tràng, sau 6 tháng điều trị bằng thuốc dostarlimab, tế bào ung thư của họ đã hoàn toàn biến mất. Đặc biệt hơn nữa, sau 2 năm, những tế bào ung thư trực tràng cũng không hề xuất hiện lại, cho thấy căn bệnh ung thư đã được đẩy lùi.

Mối nguy của ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng là bệnh ung thư phổ biến đứng thứ 3 trên thế giới và thứ 5 tại Việt Nam. Mỗi năm có đến hàng triệu ca mắc mới trên toàn cầu và con số này đang không ngừng tăng lên.

Trực tràng nằm ở phần cuối cùng của đại tràng (ruột già), được xem là “một chiếc cầu nối” giữa đại tràng và hậu môn. Ung thư trực tràng xảy ra khi các tế bào bên trong trực tràng có hiện tượng bị đột biến hoặc các polyp (khối u) ở niêm mạc trực tràng phát triển và tăng trưởng một cách bất thường. Ung thư trực tràng là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Các dấu hiệu ung thư trực tràng thường mơ hồ và dễ nhầm lẫn, chính vì thế hầu hết các trường hợp khi được phát hiện, bệnh đã tiến triển sang giai đoạn muộn. Khi đó việc điều trị trở nên khó khăn và ít hiệu quả, người bệnh sẽ đứng trước nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng.

Xóa sổ ung thư trực tràng bằng thuốc dostarlimab

Theo tờ New York Times, một nhóm tác giả của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ) đã thực hiện một thí nghiệm trên 18 bệnh nhân bị ung thư trực tràng. Họ được nhóm nghiên cứu cho dùng cùng một loại thuốc mang tên dostarlimab, hay còn được gọi là chất ức chế điểm kiểm soát.

Bệnh nhân ung thư đầu tiên được chữa khỏi

             Thuốc dostarlimab trong điều trị ung thư trực tràng

18 tình nguyện viên này đều là những bệnh nhân đã từng trải qua các phương pháp điều trị ung thư khá mệt mỏi khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Những phương pháp này đã khiến họ bị loạn chức năng ruột, chức năng tình dục và tiết niệu. Một số người phải vĩnh viễn sử dụng túi thông đại tràng trong sinh hoạt hàng ngày. 

Trải qua những đau đớn, mệt mỏi đó, 18 bệnh nhân ung thư trực tràng đã bước vào cuộc thử nghiệm mà không hề nghĩ rằng bệnh của mình sẽ được chữa khỏi. Các tình nguyện viên được tiêm thuốc dostarlimab 3 tuần/lần trong vòng 6 tháng. Mỗi liều tiêm có giá khoảng 11.000 USD (khoảng 254 triệu đồng). Thuốc dostarlimab có tác dụng “chỉ điểm” các tế bào ung thư, cho phép hệ thống miễn dịch xác định và tiêu diệt chúng.

Trung bình khoảng 1/5 bệnh nhân có một số phản ứng bất lợi với thuốc. Hầu hết phản ứng bất lợi đều dễ kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 3-5% bệnh nhân có biến chứng nặng hơn. Một số trường hợp bị yếu cơ, khó nuốt và nhai.

Và sau 6 tháng dùng thuốc như vậy, không cần phải điều trị gì thêm, căn bệnh ung thư quái ác đã hoàn toàn biến mất. Tế bào ung thư đã biến mất trong 100% tình nguyện viên, không thể phát hiện bằng khám sức khỏe, nội soi, chụp PET hay MRI.

Niềm hi vọng về một tương lai bệnh ung thư được chữa khỏi hoàn toàn

Trước kết quả đáng kinh ngạc như vậy, chuyên gia về ung thư tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), tiến sĩ Luis A. Diaz J, tác giả chính đã phải thốt lên “Tôi tin điều này là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử ung thư”. Tiến sĩ Andrea Cercek, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering - đồng tác giả cũng chia sẻ tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng tại Mỹ: “Rất nhiều giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi. Điều đáng kinh ngạc là không bệnh nhân nào có biến chứng lâm sàng đáng kể”.

Bệnh nhân ung thư đầu tiên được chữa khỏi

Tiến sĩ Luis Diaz (thứ 2 từ trái sang) và Tiến sĩ Andrea Cercek (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh cùng 4 bệnh nhân

Bệnh nhân đầu tiên tham gia cuộc thử nghiệm của nhóm nghiên cứu là là Sascha Roth, một nữ vận động viên 38 tuổi tại Maryland, Mỹ. Năm 2019, Sascha Roth được phát hiện bị chảy máu trực tràng, sau khi nội soi và sinh thiết, bác sĩ chẩn đoán Sascha bị ung thư trực tràng. 

Sascha bắt đầu điều trị ung thư bằng việc tham gia hóa trị tại Đại học Georgetown, tuy nhiên vì Sascha mang đột biến gen ngăn tế bào sửa chữa DNA nên bệnh của nữ vận động viên rất khó đáp ứng với hóa trị. Sau đó, Sascha được mời tham gia thử nghiệm của nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering. Sascha đồng ý tham gia nhưng cũng không quá kỳ vọng vào kết quả nên đã lên kế hoạch phẫu thuật, xạ trị tại New York sau khi thử nghiệm này kết thúc. 

Nhưng thật bất ngờ, sau 6 tháng dùng thuốc, các vết tích của ung thư trực tràng trong cơ thể Sascha Roth đã hoàn toàn biến mất. Sascha Roth vui mừng thông báo với cả gia đình nhưng không ai tin: “Thật kì diệu, hai năm sau cơ thể tôi vẫn hoàn toàn không có dấu vết của ung thư” – Sascha xúc động nói. 

Tiến sĩ Hanna K. Sanoff thuộc Trung tâm Ung thư Toàn diện Lineberger của Đại học Bắc Carolina, người không tham gia vào nghiên cứu đã đánh giá công trình này “nhỏ nhưng hấp dẫn”. Tiến sĩ chỉ băn khoăn không rõ liệu các bệnh nhân có được chữa khỏi hay không?

Tiến sĩ Kimmie Ng, chuyên gia về ung thư đại trực tràng tại Trường Y Harvard, nhận định kết quả là “đáng chú ý” và “chưa từng có”, nhưng chúng ta cần mở rộng nghiên cứu hơn nữa. Và các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ) cũng đã thống nhất rằng thử nghiệm này phải được nhân rộng trong một nghiên cứu lớn hơn, vì thử nghiệm trước đó chỉ tập trung vào những bệnh nhân có dấu hiệu di truyền hiếm gặp trong khối u của họ. Nhưng tỷ lệ thuyên giảm 100% ở các bệnh nhân là một dấu hiệu ban đầu rất hứa hẹn.

Đây có thể coi là niềm hi vọng cho nền y học thế giới nói chung và những bệnh nhân ung thư nói riêng, khi bệnh ung thư sẽ được chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc mà không cần phải trải qua những phương pháp điều trị mệt mỏi, đau đớn nào khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Hỏi đáp có thể bạn quan tâm

Chăm sóc bệnh nhân ung thư sau hóa trị như thế nào?

Đương đầu với hành trình hóa trị ung thư không chỉ là sự khó khăn của người bệnh mà còn là thử thách với người thân. Làm thế nào để chăm sóc bệnh nhân ung thư trong quá trình hóa trị và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người bệnh vượt qua những mệt mỏi về sức khỏe lẫn trở ngại tinh thần?

  •  2 năm trước
  •  0 trả lời
  •  515 lượt xem
Tin liên quan
Những Lưu Ý Khi Quan Hệ Tình Dục Ở Bệnh Nhân Bị Ung Thư
Những Lưu Ý Khi Quan Hệ Tình Dục Ở Bệnh Nhân Bị Ung Thư

Quan hệ tình dục là một nhu cầu sinh lý bình thường ở tất cả mọi người bao gồm cả những bệnh nhân ung thư. Vậy bệnh nhân ung thư thường có những vấn đề gì khi quan hệ tình dục, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây